Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Bách bộ và những công dụng tuyệt vời

Bách bộ là một trong những vị thuốc dân gian đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Vị thuốc này dễ dùng, lại cho hiệu quả cao trong việc trị giun sán, trị các cơn ho nặng, lâu năm, liên tục. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bách bộ để trị muỗi, ruồi, bọ gậy,…

Cây bách bộ là gì ?

Tên khoa học/ tên khác

Bách bộ có tên khoa học là Stemona tuberosa. Loài cây này thuộc họ bách bộ Stemonaceace.

Ngoài ra, bách bộ còn được biết đến với các tên gọi khá lạ tai như: dây đẹt ác, dây ba mươi. Rễ củ là bộ phận được dân gian dùng để làm thuốc.

Mô tả cây

Loài cây này có thân leo, dài từ 6 đến 8m, nhỏ và nhẵn. Lá mọc đối có cuống, hình trái tim (tương tự kiểu lá của cây trầu không). Trên mặt lá, khi quan sát kĩ, bạn sẽ nhìn thấy 1 gân chính và 6 – 8 gân phụ chạy dọc từ cuống đến đỉnh lá.

Hoa bách bộ thường mọc ở vị trí kẽ lá, màu vàng đỏ, bao hoa gồm 4 phiến, 2 phiến trong rộng hơn 2 phiến ngoài.

Bách bộ là loài cây cho củ. Số củ trung bình của mỗi cây ước chừng 20 đến 30 củ, thậm chí có cây số củ lên tới 100. Chiều dài của củ ước chừng từ 15 đến 20 cm, đường kính 1,5 đến 2cm, màu trắng vàng, tiền ngọt hậu đắng.

Cây bách bộ

Mọc chủ yếu ở đâu?

Bách bộ là loại cây mọc hoang, tương đối dễ sống nên xuất hiện ở rất nhiều tỉnh thành Việt Nam, tiêu biểu là các tỉnh Hà Tây, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hòa Bình,.. Chính vì thế, loại cây này đã được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày.

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia, thành phần chính trong củ bách bộ gồm có: gluxit (chiếm khoảng 2,3%), lipit (chiếm khoảng 0,83%), protit (chiếm khoảng 9%), axit hữu cơ, ancaloit.

Thu hái chế biến

Cây này cho thu hoạch vào cuối thu đầu đông. Người ta sẽ đào củ, phủi sạch đất cát, sau đó rửa sạch, phơi khô, đem tích trữ ở nơi thoáng mát. Tuy nhiên cũng có một số bài thuốc dân gian sử dụng phần củ tươi.

Công dụng của cây bách bộ

Theo kinh nghiệm dân gian, kết hợp với các đề tài nghiên cứu chuyên khoa thì củ bách bộ đem lại 3 tác dụng chính: chữa ho, chữa giun và diệt sâu bọ. Từ lâu những công dụng này đã khá nổi tiếng và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày, nhất là vào giai đoạn thuốc Tây y chưa phát triển.

Củ bách bộ

Cách dùng cây bách bộ

+ Cách chữa giun hiệu nghiệm

Mỗi ngày đem 7 – 10g củ đã chế biến đi sắc, uống trong 5 ngày liên tục, vào khoảng thời gian sáng sớm lúc đói, sau đó tẩy. Hiệu quả thu được không kém gì các thuốc tẩy giun thường dùng.

+ Cách diệt ruồi, bọ gậy, dòi,..

Dùng bách hộ sắc, cho thêm đường vào, ruồi sẽ bị hấp dẫn, sà vào và chết khoảng 60%. Dung dịch này có thể diệt bọ gậy với tỷ lệ 100%.

Để diệt dòi, bạn có thể rắc bột vào hố phân, tỉ lệ tử vong 100%. Còn nếu muốn diệt rồi muỗi, bọ chó hoặc rận, bạn có thể sử dụng khói khi đốt bách bộ. Tỷ lệ chết của các loài sâu bọ này cũng rất cao.

+ Cách chữa giun kim

Bạn có thể dùng bách bộ tươi (40g) hoặc bách bộ khô (20g) sắc cùng 400ml nước trong vòng nửa giờ, đến khi dung dịch còn lại vào khoảng 30ml, thụt rửa 20 phút. Chỉ cần kiên trì điều trị theo phương pháp trên trong vòng 10 đến 20 ngày thì bệnh sẽ được chữa khỏi.

+ Cách chữa chứng ho sốt ở trẻ nhỏ

Bạn cần chuẩn bị các dược liệu sau: bách bộ, cát căn, bối mẫu, thạch cao, mỗi loại 30g. tất cả bạn đem đi sao vàng, tán thành bột mịn, ngày dùng 2 lần thuốc, mỗi lần 12g.

+ Cách điều trị chứng ho lâu ngày

Bạn đem 8g bách bộ tươi đem giã lấy nước, nấu đặc quánh lại thành dung dịch sền sệt, ngày uống 3 muỗng canh chia 3 lần uống.

+ Bài thuốc trị chứng ho nhiều

Để đạt hiệu quả cao nhất, hãy lấy cả dây lẫn củ bách bộ đem giã lấy nước cốt. Sau đó bạn dùng nước cốt này trộn với mật ong, nấu trên lửa liu riu thành cao. Mỗi lần ho chỉ cần lấy cao ngậm nuốt nước là được.

+ Bài thuốc trị cơn ho không dứt

Hãy lấy củ tươi nướng trên lửa cho khô, mỗi lần ho xắt một ít ngậm nuốt nước.

Loại củ này được ứng dụng rộng rãi trong các bài thuốc

+ Bài thuốc trị đau bụng do trùng sán gây nên

Bách bộ đem nấu thành cao, uống đều đặn mỗi ngày, bệnh tình sẽ được cải thiện rõ rệt.

+ Trị côn trùng bay vào tai

Bạn hãy lấy bách bộ đem sao vàng, nghiền thành bột mịn, cho thêm dầu mè trộn thành hỗn hợp sền sệt, bôi vào trong lỗ tai. Sau khi dùng xong, lấy khăn ướt lau sạch phần tai là được.

+ Ngâm thành rượu bổ trị ho

Hãy lấy củ bách bộ, xắt thành lát mỏng, cho vào túi lụa mỏng để vào bình rượu ngâm uống dần (nên chọn loại rượu chuẩn, không qua pha chế). Mỗi ngày chỉ nên dùng 1 – 2 chén, tránh uống quá nhiều.

Nhìn chung, bách bộ rất tốt cho sức khỏe nếu biết dùng đúng cách. Tuy nhiên, những người tỳ vị hư nhược thì không nên dùng loại thuốc này. Để có thể điều trị bệnh dứt điểm, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng, tránh dùng bừa bãi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Exit mobile version