Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Các bài thuốc đơn giản, hiệu quả từ đu đủ

1/ Cây đu đủ là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Cây đu đủ còn có tên là lô hong phlê (Campuchia), phan qua thụ, mắc hung (Lào), cà lào, phiên mộc. Cây có tên khoa học là carica papaya L, thuộc họ đu đủ papayaceae.

b/ Mô tả cây

Cây đu đủ cao từ 3 – 7m, thân thẳng, đôi khi có phân nhánh. Trên vỏ cây mang theo nhiều sẹo của cuống lá, lá mọc so le, phiến lá rộng chia thành 6 – 9 thùy. Các thùy hình trứng nhọn, mép lá có răng cưa không đều, thùy giữa thường lớn hơn. Cuống lá thì rỗng và thường dài khoảng 30 – 50cm. Hoa có màu trắng hay xanh nhạt, khác gốc. Hoa được thường mọc ở kẽ lá thành chùy có cuống dài. Hoa cái có tràng dài hơn hoa đực, cũng mọc thành chùy ở kẽ lá. Quả đu đủ khi non có màu xanh, quả thịt, hình trứng to, dài khoảng 20 – 30cm, đường kính 15 – 20cm (tùy theo từng loại mà có kích cỡ khác nhau). Thịt quả dày, lúc đầu vỏ có màu xanh đậm, đến khi chín thì chuyển sang màu vàng cam. Trong ruột quả chín có nhiều hạt đen to bằng hạt tiêu, xung quanh được bao bởi một lớp nhầy mỏng.

Cây đu đủ thường cao thẳng, quả thịt, hình trứng to

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Nguồn gốc của cây đu đủ là vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Sau đó được di thực đến nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, cây được trồng ở khắp mọi miền tổ quốc. Tuy nhiên, thường trồng trong phạm vi hộ gia đình và vườn nhỏ, chưa được trồng trên quy mô kỹ nghệ.

d/ Bộ phận dùng

Cây đu đủ cung cấp nhiều bộ phận để làm thuốc như: quả xanh và chín, hạt, hoa.

e/ Thành phần hóa học

– Quả đu đủ chín chứa chừng 90% nước, các chất đường trong đó chủ yếu là glucoza 8,5%, một ít muối vô cơ (canxi, photpho, sắt), protein, chất béo, vitamin A, B và C. Năm 1946, Solano Sancedo đã nghiên cứu quả đu đủ ở Châu Mỹ và xác định được thành phần gồm: nước 64%, axit toàn bộ 7%, axit không bay hơi 6,1%, axit bay hơi 1,3%, đường 4,3 – 7%, xenluloza 0,9 – 11%, chất có nitơ (nx0,65) 0,6 – 0,86%; protein tinh chế 0,35% – 0,64%. Ngoài ra, thành phần không phải protein chiếm 0,035%, pro-tein tiêu hóa được 0,38 – 0,47%, canxi 0,245%, photpho 0,223%, magiê, sắt, thiamin, riboflavin và vitamin C….

– Quả đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây như thân, rễ, lá cây đều chứa một chất nhựa mủ (latex). Chất này tập chung nhiều nhất ở quả xanh. Một quả cho khoảng 4% trọng lượng nhựa mủ, một cây có khoảng 100g nhựa trong 1 năm. Trong nhựa mủ có các thành phần như: men papain, chất nhựa, chất cao su. Nhựa mủ cũng chứa nhiều axit amin như: leuxin, tyrosin, chất béo, axit malic, men thủy phân, protit (có tác dụng giải phóng các axit amin như alanin, acginin, glycocola, tryptophan) và chất men papain (có tác dụng làm tiêu hóa các chất thịt). Trong men papain người ta lại tìm thấy rất nhiều men peroxydaza, một ít men lipaza. Tuy nhiên, men papain không để dành được lâu. Sau 7 năm, men papain có thể bị mất tính chất làm tiêu protit.

– Trong lá, quả và hạt (chủ yếu nhất là ở lá) còn có một chất acaloit đắng gọi là cacpain và chất glocoxit gọi là cacpozit. Công thức của cacpain đã được xác định như sau: cacpain kết tinh dưới dạng khối lăng trụ đơn tà (prisme monoclinique) chảy ở 121 độ, tan trong các dung môi hữu cơ, không tan trong nước. Cacpain có tác dụng gần như digitalin – một thuốc mạnh tim.

Trong lá, quả và hạt đu đủ đều có nhiều chất hữu ích cho sức khỏe

– Trong hạt và các bộ phận khác người ta còn tìm thấy các tế bào chứa myrozin và các tế bào khác chứa chất kali myronat. Khi giã hạt với nước, các chất sẽ tiếp xúc với nhau cho tinh dầu chứa mùi diêm sinh, hắc và giống với chất isothyoxyanat allyl.

– Trong rễ cây, các tác giả nghiên cứu còn tìm thấy nhiều kali myronat, trong lá thì có nhiều myrozin, trong vỏ hạt có nhiều myrozin và không có kali myronat….

f/ Thu hái chế biến

Sau khi trồng được 8 hay 10 tháng là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, thu hoạch tốt nhất là từ năm thứ 4 đổ đi. Nếu muốn thu lấy nhựa thì cần lấy khi quả còn xanh trên cây bằng cách dùng dao hay răng lược vạch những đường dọc trên quả. Không nên vạch quá sâu, vạch xong lập tức hứng lấy nhựa chảy ra phơi khô ở nhiệt độ 50 – 60 độ C. Chỉ lấy nhựa ở quả xanh vì ở quả chín chất nhựa mủ không còn nữa mà chỉ còn thứ nhựa (résine) màu vàng đỏ. Quả chín nhựa cũng chóng chín hơn nhưng hạt gieo lại không mọc.

2/ Công dụng của đu đủ

a/ Theo y học cổ truyền:

Theo các tài liệu y thư cổ thì đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt, có khả năng thanh nhiệt, bổ tỳ. Loại quả này ăn vào mùa nào cũng rất tốt cho sức khỏe. Ví dụ như mùa xuân, mùa hè ăn thì có tác dụng giải nhiệt, giải độc, thanh tâm nhuận phế; mùa thu, mùa đông ăn thì có tác dụng ôn bổ tỳ vị, dưỡng cân, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm, nhuận táo.

b/ Theo y học hiện đại:

Ăn đu đủ thường xuyên sẽ chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể

Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục hồi chức năng gan ở người bị sốt rét. Do tác dụng tốt lên gan nên đu đủ cũng giúp làm sáng mắt. Đặc biệt, trong loại quả này có chứa nhiều vitamin C và caroten có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Do chứa nhiều thành phần hữu ích nên đu đủ còn góp phần phòng chống các chứng bệnh về tim mạch, vô hiệu hóa những chất có hại cho làn da, chống lại những độc tố và giữ cho da khỏe mạnh, tránh da nhăn sớm, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, đó cũng là một trong những vũ khí đắc lực chống lại căn bệnh viêm túi mật xuất hiện nhiều ở phụ nữ.

Đu đủ xanh thì thường được ăn như một loại rau, xuất hiện nhiều trong các món nộm và món hầm. Trong khi đó, đu đủ chín thường được ăn như một loại trái cây, thành phần làm sinh tố…. Ngoài cung cấp các dưỡng chất, đu đủ còn góp phần trong việc phòng trị bệnh. Quả xanh thường được dùng để điều chế thuốc chữa lệch khớp xương hoặc thuốc tiêm giảm đau do các dây thần kinh gây nên. Quả chín với hương vị thơm ngọt, dễ ăn, không chứa độc tố lại lành tính nên rất tốt cho người già, trẻ em và những người đang trong giai đoạn dưỡng bệnh.

Nhựa mủ và hạt quả xanh thường được sắc để làm thuốc chữa các loại ký sinh trùng đường ruột như run, sán; kích thích chức năng hoạt động của gan, mật; chữa hen phế quản trẻ em. Rễ cây thì được sắc lấy nước uống để chữa chứng tiểu rắt, buốt….

Đặc biệt, các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng lá đu đủ đực có nhiều tác dụng trong việc chống lại các loại ung thư ở nhiều mức độ khác nhau. Một số nghiên cứu được công bố từ năm 2010 cho thấy lá cây có tác động điều trị tích cực, đầy hứa hẹn với một số loại tế bào ung thư như: tế bào ung thư vú, phổi, cổ tử cung và tụy. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phản ứng chống ung thư có thể là do chất chymopapain và papain trong lá đu đủ kích thích khiến các tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm chống lại các tế bào ung thư độc hại hoạt động mạnh mẽ hơn….

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng đu đủ

Hầu hết mọi người đều đã từng biết đến và dùng các món ăn từ đu đủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng đây còn là một vị thuốc có khả năng phòng trị bệnh hiệu quả. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản nhưng hiệu quả mà mọi người có thể tham khảo để áp dụng tại nhà:

– Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói. Nên ăn liên tục từ 3 – 5 ngày.

– Chữa chứng ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, cà rốt, chuối chín mỗi thứ 100g. Đem đu đủ gọt vỏ rửa sạch, bỏ hạt; cà rốt cắt bỏ đầu đuôi, gọt vỏ; chuối chín bóc vỏ. Cho cả 3 thứ vào xay trong nước dừa non, có thể thêm mật ong cho ngọt để uống cách ngày.

Đu đủ có khả năng chữa ho do phế hư hiệu quả

– Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g. Cho tất cả vào nồi hầm, ngày ăn 2 lần vào trưa và tối, ăn liên tục trong 3 – 5 ngày.

– Làm lành các vết loét trên da: Trộn nước ép đu đủ chín với một chút bơ sau đó bôi lên vết loét. Cách làm này có thể nhanh chóng làm se bề mặt và hỗ trợ làm lành vết thương.

– Chứng tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ xanh 30g, khoai mài 15g, sơn tra 6g. Đem cả 3 vị rửa sạch, nấu thành cháo ăn trong ngày.

– Tạo sữa cho phụ nữ đang nuôi con bú: Chuẩn bị một quả đu đủ non hầm với một cái móng giò, ăn vào các bữa ăn hàng ngày. Món ăn này rất tốt cho phụ nữ đang nuôi con bú. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh vì dễ gây sẩy thai.

– Chữa viêm dạ dày mãn tính: Chuẩn bị đu đủ, táo tây, mía mỗi thứ 30g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống. Ngoài ra, món đu đủ xanh nấu kỹ với thịt gà đã được một số đơn vị quân y dùng để điều trị bệnh viêm loét dạ dày cho kết quả tốt. Tuy nhiên, một số trường hợp dùng xong xuống cân.

– Chữa cá đuối cắn: Theo kinh nghiệm nhân dân miền Nam thì nếu bị cá đuối cắn có thể lấy rễ đu đủ tươi 30g, muối ăn 4g. Hai thứ giã nhỏ, vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ sưng đau. Dùng phương thuốc này khoảng nửa giờ sẽ thấy giảm đau, sau vài ngày sẽ khỏi hẳn.

– Chữa gai cột sống: Quả đu đủ chín bổ lấy hạt. Đem hạt xát cho sạch phần nhớt bao quanh, bỏ vào túi vải giã nát rồi đắp lên vùng đau. Mỗi lần chỉ đắp tối đa trong 30 phút và phải theo dõi để tránh bị bỏng. Tốt nhất là thực hiện ngày một lần, liên tục trong 20 – 30 ngày.

– Hỗ trợ điều trị ung thư: Papain một trong những enzyme có trong đu đủ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại enzyme này có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả. Đặc biệt là với những bệnh nhân bị lở miệng hoặc khó nuốt sau thời gian hóa trị. Ngoài ra, nó cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Việc bạn cần làm chỉ là bổ sung đu đủ vào khẩu phần ăn hoặc uống trà được bào chế từ lá đu đủ để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh.

Exit mobile version