Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Câu đằng – vị thuốc quý đối với sức khỏe con người

Câu đằng là một vị thuốc quý trong nền Y học cổ truyền, giống cây này được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là tác dụng trấn kinh, ngắt cơn động kinh hiệu quả. Hãy theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như tác dụng của loại cây này nhé!

1.Một số thông tin về Câu đằng

Hình ảnh thân, lá và hoa Câu đằng

Tên gọi và nguồn gốc

Câu đằng hay còn có tên gọi khác là vuốt lá mỏ, thuần câu câu. Một số dân tộc ít người thường gọi giống cây này là dây móc câu – Cú giằng (Mông), Pược cận (Tày), Co nam kho (Thái).

Loại cây này có tên khoa học là Uncaria rhynchophylla (Miq) Jack. Thuộc họ cà phê Rubiaceae.

Mô tả cây

Đây là một loại cây dây leo, có chiều dài khoảng từ 7 – 8cm, thường mọc ở những nơi thoáng mát. Lá hình trứng, mọc đối phiến, có đầu nhọn, mặt dưới của lá như có phấn, ở mặt lá có gai mọc cong xuống trông như hình lưỡi câu. Chính vì vậy cây này có tên là Câu đằng. Hoa hình cầu, màu vàng trắng, thường nở vào mùa hạ. Quả nang, bên trong chứa nhiều hạt nhỏ.

Phân bố, thu hái và chế biến

Ở nước ta hiện nay Câu đằng vẫn chưa được trồng nhiều, toàn bộ nguồn đều được thu hái từ tự nhiên. Vì đặc tính ưa mọc ở những nơi mát nên cây thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình. Ở những vùng đồi núi thấp của tỉnh Hòa Bình, giống cây này xuất hiện rất nhiều.

Loại cây này mọc hoang ở các vùng đồi núi nên người dân thường thu hái quanh năm. Thời vụ thu hái nhiều nhất thường vào mùa xuân hoặc mùa thu vì vào khoảng thời gian này các bộ phận gai của cây đã già, chuyển sang màu nâu, đạt tiêu chuẩn để thu hái làm thuốc.

Người ta thường cắt những mẩu cành đem về, chỉ lấy phần đốt có móc câu phơi nắng hoặc sấy khô. Có đốt có một móc, có đốt có hai móc. Theo kinh nghiệm lâu năm, nhiều thầy thuốc cho rằng loại hai móc câu được coi là tốt nhất. Ở một số địa phương, nhân dân thường dùng cây này để ăn trầu.

Bộ phận dùng làm thuốc

Đoạn thân có móc câu.

Hình ảnh hoa Câu đằng

Thành phần hóa học

Trong cây này có 2 chất ancaloit: Rhynchophylin và isorhynchophylin.

Tác dụng dược lí

Liều nhỏ Rhynchophylin có tác dụng hung phấn trong trung khu hô hấp đồng thời làm giãn mạch máu ngoại biên làm cho huyết áp hạ thấp xuống rõ rệt. Tiêm Rhynchophylin vào tĩnh mạch của thỏ làm cho thỏ thở hổn hển và tê liệt hệ vận động. Nếu dùng liều độc gây chết thì con vật chết do hô hấp bị tê liệt. Nếu tiêm liều độc thấp gây chết (khoảng 30 – 40 mg cho 1 kg thể trọng) thì chỉ thấy hiện tượng thở hổn hển.

Vì cấu tạo của Rhynchophylin gần như cấu tạo hóa học của chất yohimbin cho nên có tác giả (T.sollmann, 1948) đã cho rằng cơ chế tác dụng của Câu đằng là do ức chế sự hưng phấn thần kinh giao cảm.

Liều nhỏ Rhynchophylin có tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp, làm dãn vi huyết quản, làm cho huyết áp giảm xuống.

2.Công dụng và liều dùng

Hình ảnh lá Câu đằng

Công dụng

Giống cây này được sử dụng làm thuốc để thanh nhiệt, bình can, trấn kinh. Chữa trẻ con hàn nhiệt kinh giản, người lớn hoa mắt nhức đầu.

Hiện nay thường được sử dụng làm thuốc trấn kinh, trấn tĩnh; bệnh cao huyết áp; trẻ em kinh giật, khóc đêm; phụ nữ xích bạch đới.

Ngoài ra giống cây này còn có tac dụng bảo vệ tế bào thần kinh, ngăn chặn quá trình lão hóa, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.

Liều dùng

Ngày dùng từ 6 – 15g dưới dạng thuốc sắc, uống hằng ngày.

Đối tượng sử dụng: Những người bị động kinh, tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng thần kinh; Người già bị rối loạn thần kinh, mất trí nhớ; Người mắc chứng bệnh Parkinson hoặc thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt, đau đầu; Người cao huyết áp; trẻ em bị kinh giật, khóc đêm.

3.Một số bài thuốc dân gian sử dụng cây Câu đằng

Hình ảnh thân Câu đằng sau khi phơi khô

Bài thuốc chữa hoa mắt, sốt cao, co giật, hôn mê, đầu váng:

Câu đằng, Cúc hoa, Bạch thược, Phục thần, Tang diệp, Trúc như mỗi thứ 12g, Bối mẫu 10g, Cam thảo 4g, Linh dương giác 4g, Sinh địa 16g. Sắc lấy nước uống hằng ngày.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị tăng huyết áp:

Câu đằng 10g, Thảo quyết minh, cam thảo 2g, xuyên khung 5g, quế chi 3g. Cho vào một ấm nước, đổ nước vào sắc đến khi còn 1/3 nước, một ngày uống 3 lần.

Hoặc: Câu đằng 10g, Thảo quyết minh, cúc hoa vàng, hạ khô thảo mỗi thứ 8g, sao vàng. Cho thuốc cùng 500ml nước, sắc đến khi còn 200ml, một ngày uống 2 lần.

Bài thuốc điều trị tật nghiến răng:

Câu đằng 10g, Cúc hoa vàng, địa long mỗi thứ 6g, kim ngân hoa 9g, bạc hà 3g. Cho thuốc vào nồi cùng 200ml nước, sắc đến khi còn 50ml, một ngày uống 1 lần.

Bài thuốc điều trị phụ nữ xích bạch đới:

Câu đằng 15g, cho cùng 500ml vào nước rồi đun sôi, ngày uống 2 lần, dùng trong 10 ngày trước khi có kinh nguyệt.

Bài thuốc hỗ trợ liệt thần kinh mặt, trúng phong:

Câu đằng 12g và hà thủ ô tươi 24g. Cho thuốc cùng 500ml nước rồi đun sôi, ngày uống 2 lần. Ở bài thuốc này bạn lưu ý là khi sắc thuốc gần chín thì mới cho Câu đằng vào đun sôi khoảng 1 -2 phút, đến khi nước thuốc sôi trào lên là được.

 

Exit mobile version