Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Cây cỏ nến và tác dụng đối với sức khỏe con người

Ngày nay, cây cỏ nến được trồng nhiều khắp nơi với mục đích để làm thuốc, chế biến món ăn. Giống cây này có tác dụng  hoạt, hành ứ, lợi tiểu, cầm máu, bên cạnh đó còn có thể chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, chữa tiểu tiện khó khăn,…Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như công dụng mà vị thuốc này mang lại, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1.Sơ lược về cây cỏ nến

Tên gọi và nguồn gốc

Cây cỏ nến còn có tên gọi khác là bồ thảo, bồ đào, hương bồ thảo, Bông liễng, Bông nên, Cam bố, Bồ hoàng, Sao bồ hoàng, Bồ hoàng thái.

Tên khoa học là Typha orientalis G. A. Stuart.

Thuộc họ hương bồ Typhaceae

Người ta dùng bồ hoàng (Pollen Typhae) là phấn hoa sấy hoặc phơi khô của hoa đực cây cỏ nến. Sở dĩ giống cây này có tên cỏ nến là vì cụm hoa của nó giống hình cây nến.

Mô tả cây

Cây có nến là một loại cỏ có chiều cao từ 1,5 – 3m, có thân rễ. Lá dài và hẹp, có hình dải, thon dài, mọc từ phần gốc. Chiều dài của lá khoảng từ 0,6 – 15cm, xếp thành 2 dãy xung quanh phần thân. Hoa đơn tính cùng gốc, tụ lại thành bông riêng cách nhau từ 0,6 – 5,5cm, cùng nằm trên một trục chung: Bông hoa đực ở trên còn bông hoa cái ở dưới. Nhị ở những bông hoa đực được bao bọc bởi những lông ngắn màu vàng nâu. Bông cái cũng có lông bao bọc nhưng màu nhạt hơn. Quả nhỏ, có dạng hình thoi, khi chín nở theo chiều dọc.

Phân bố, thu hái và chế biến

Giống cây này mọc hoang ở những vùng đầm lầy thuộc các tỉnh miền Bắc nước ta như: Vùng lạnh như Sapa (Lào Cai), vùng nóng như ở Gia Lâm (Hà Nội). Ngoài ra người ta còn tìm thấy ở một số nước khác như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Cây có nến có thể sống dễ dàng ở những điều kiện môi trường tự nhiên, hoàn toàn không tốn công chăm sóc. Người dân cho rằng chỉ cần một lần trồng là có thể thu hoạch được trong vòng nhiều năm. Hoa cỏ nến rất lâu tàn.

Ở nước ta chưa tiến hành khai thác. Thông thường người ta thu hái từ tháng 4 đến tháng 6, chọn những ngày lặng gió, cắt lấy phần trên của bông hoa (hoa đực) rồi về phơi khô (trường hợp phơi vào lúc trời râm phải tránh ủ nóng để không làm biến chất), tiếp đó giã hoặc rũ (có thể sử dụng cối để nghiền hoặc dùng rây) để lấy phấn hoa, tiếp tục phơi lần nữa để dùng.

Theo tài liệu cổ ghi lại Bồ hoàng có vị ngọt, tính bình, đi vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào

Bộ phận sử dụng làm thuốc

Phấn hoa – Pollen Typhae, thường có tên là Bồ hoàng.

Mô tả dược liệu

Dược liệu là một chất bột màu vàng tươi, rất nhẹ. Khi quan sát dưới kính hiển vi thấy được hạt hoa có dạng gần hình cầu hoặc hình bầu dục, phấn hoa trong bột có dạng hình sợi, độ dài khoảng chừng 1,5mm, màu nâu nhạt hoặc màu vàng đất. Khô hạt nhỏ nhẹ, không lẫn tạp chất là tốt nhất, còn nếu màu nâu là kém.

Bào chế dược liệu

Theo Lôi Công Bào Chế Dược Tính Luận: Bọc 3 lớp giấy cho sắc vàng, để nửa ngày rồi sấy khô. Nếu sử sụng sống thì không cần bào chế. Khi sử dụng chín cần sao qua trước khi dùng.

Bảo quản

Vị thuốc này rất dễ bị hút ẩm sinh mốc nên trước khi mang phơi khô cần bọc trong giấy mỏng để khỏi bay. Đựng trong các lọ kín, tránh ánh nắng mặt trời vì sẽ làm biến chất.

Thành phần hóa học

Trong bồ hoàng có một Flavonozit khi thủy phân sẽ cho isoramnetin. Ngoài ra còn có từ 10 – 30% chất mỡ và 13% chất xitosterin.

Tác dụng dược lý

Bồ hoàng có khả năng cầm máu.

Một nghiên cứu của Từ Vân đã chứng minh Bồ hoàng có tác dụng cầm máu. Điều này được ghi lại trong Y học thế giới 2 (5):23, 1949.

Cây cỏ nến còn có tên gọi khác là Bồ hoàng, bồ thảo, bồ đào, hương bồ thảo, Bông liễng

2.Công dụng và liều dùng

Công dụng

Theo tài liệu cổ ghi lại Bồ hoàng có vị ngọt, tính bình, đi vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào. Dùng sống có tác dụng hoạt, hành ứ, lợi tiểu, sao đen có tác dụng thu sáp cầm máu. Khi sử dụng sống có thể chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa thổ huyết, chảy máu cam.

Bồ hoàng được sử dụng nhiều trong những bài thuốc cầm máu, chữa ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu. Theo một số bài thuốc dân gian, muốn sử dụng bồ hoàng để làm thuốc cầm máu cần phải sao đen, nhưng điều này là không cần thiết. Ngày dùng từ 5 – 8g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Kiêng kỵ:

Trường hợp những người bị âm hư, không bị ứ huyết thì không được dùng.

Cách dùng:

Sử dụng sống trong những bài thuốc lợi tiểu, tiêu viêm, hành huyết, tiêu ứ huyết. Nếu sử dụng trong trường hợp cầm máu, bổ huyết cần sao đen lên.

3.Một số bài thuốc từ cây cỏ nến

Bài thuốc cầm máu:

Bồ hoàng 5g, cao ban long 4g, cam thảo 2g, cho 600ml nước vào sắc đến khi còn 200 ml. Chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa mủ trong lỗ tai hoặc bị chảy ra:

Bồ hoàng tán thành bột rồi rắc vào tai.

Bài thuốc chữa chảy máu cam ra khắp tai, miệng:

Bồ hoàng, A giao, trộn đều rồi sao chảy thành hạt, mỗi vị nửa lượng. Mỗi lần uống 2 chỉ với nước và 1 chén nước sắc Địa hoàng, uống khi còn nóng. Bịt lại chỗ chyar máu để cầm máu.

Bài thuốc chữa nôn mửa ra máu:

Bồ hoàng tán thành bột mịn. Mỗi lần uống nửa chỉ với nước sinh địa. Tùy theo lớn nhỏ để phân lượng.

Bài thuốc chữa tức do bí tiểu:

Lấy vài bọc Bồ hoàng để trên thắt lưng, chỗ có thận. Tiếp đó chổng đầu xuống hai chân lên trời từ từ thì thông.

Bài thuốc chữa ứ huyết do bang ở trên:

Bồ hoàng tán nhỏ, 2 lượng. Mỗi lần uống 1 thì, đến khi nào ngưng thì thôi.

Bài thuốc chữa xuất huyết ruột:

Bồ hoàng tán thành bột, dùng 1thìa canh, sắc uống ngày 3 lần.

Giống cây này mọc hoang ở những vùng đầm lầy thuộc các tỉnh miền Bắc nước ta

Bài thuốc trị kinh bế do ứ huyết, tất cả các loại đau do ứ huyết:

Bồ hoàng, ngũ linh mỗi thứ 9g. Tán thành bột, mỗi lần uống 6g. Ngày uống 2 lần với rượu nóng.

Bài thuốc chữa chảy máu cam do phế nhiệt:

Bồ hoàng, Thanh đại mỗi thứ 1 chỉ, uống cùng nước mới múc dưới lòng sông lên.

Bài thuốc chữa các loại bệnh thuộc huyết sau khi sinh:

Bồ hoàng, Càn khương sao đen lên, đậu đen, Đương quy, Xuyên khung, Sinh địa, Ngưu tất, Trạch lan.

Bài thuốc chữa đái ra máu:

Bồ hoàng, Ngưu tất, Mạch môn, Sinh địa, Xa tiền tử.

Bài thuốc chữa băng huyết, rong kinh:

Bồ hoàng, Nhân sâm, A gia, Mạch môn, Bạch giao, Đỗ trọng, Xích phục linh sa tiền tử, Xuyên tục đoạn.

Bài thuốc trị các loại chấn thương do té ngã, ứ huyết, tích trệ trong bụng:

Bồ hoàng sống, sắc uống với nước tiểu trẻ em.

Bài thuốc trị đàn bà thống kinh, sau khi đẻ máu dơ không xuống:

Bồ hoàng 6g, Hắc đậu 15g, Gừng lùi cháy 3g. Sắc uống.

Bài thuốc trị thống kinh do ứ huyết trở trệ:

Bồ hoàng, Ngũ linh mỗi thứ 5 chỉ, Đơn sâm 1 lượng. Sắc lấy nước uống.

Bài thuốc trị ho ra máu, tiểu ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết:

Bồ hoàng 9g, rượu và nước, mỗi thứ 1 nửa. Sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa đại tiện ra máu:

Bồ hoàng sao lên, củ cải tán bột, lá sen tươi. Uống mỗi lần từ 4 – 8g cùng với nước cơm.

Bài thuốc chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng và rong huyết không dứt:

Bồ hoàng sao lên, Lá Lốt tẩm nước muối rồi sao lên, tán nhỏ. Cho thêm mật ong rồi luyện thành viên bằng hạt đậu. Lần uống 30 viên, kết hợp cùng nước cơm.

Bài thuốc chữa đau nhức các khớp:

Bồ hoàng 8 lượng, Chế phụ tử 1 lượng. Tán thành bột. Ngày uống 1 chỉ với nước. Uống 1 lần trong ngày.

Bài thuốc chữa xuất huyết ở lỗ tai:

Bồ hoàng sao đen, tán thành bột rồi rắc vào tai.

Cây có nến có thể sống dễ dàng ở những điều kiện môi trường tự nhiên

Bài thuốc chữa trị vết thương bị chảy máu:

Bồ hoàng than, Ô tặc cốt, Cốt phấn. Các vị bằng nhau, tán thành bột rồi rắc vào nơi chảy máu sau đó rịt lại.

Bài thuốc chữa thổ huyết:

Bồ hoàng 80g, sao lên. Mỗi lần uống từ 4 – 8g.

Bài thuốc chữa chảy máu mũi:

Bồ hoàng sao lên, Thanh đại,mỗi vị 4g. Sắc lấy nước uống.

Bài thuốc chữa khạc ra máu:

Bồ hoàng sao lên, Lá sen khô. Liều lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống từ 8 – 12g với nước sắc vỏ rễ cây Dâu làm thang.

4.Phân biệt cây cỏ nến với một số cây khác

Phân biệt Bồ hoàng với cây cỏ nến nam (Tên khoa học là Typha javanica Graebn). Đây là cây cỏ có chiều cao từ 1,3 – 2,2m. Thân cây cứng, lá hẹp, phần đầu thuôn dài. Hoa đực và hoa cái cách nhau từ 1,2 – 4cm. Hoa đực có hình trụ dài, nhị có chỉ mảnh ngắn, bao phấn có dạng hình chỉ, hạt phân nhỏ màu vàng. Hoa cái có màu đỏ hơn so với Bồ hoàng, dạng hình trụ, cột nhụy dài, có nhiều lông mảnh, đầu ngụy màu nâu. Giống cây này ra quả vào tháng 1 – 2, xuất hiện nhiều ở miền Nam Việt Nam. Mầm cây non và phần nhị hoa được sử dụng làm thức ăn. Lông vàng và phần nhị hoa được dùng làm thuốc như cây cỏ nến.

Phân biệt cây bồ hoàng với cây Thạch Xương bồ vì cây này cũng có tên gọi là Bồ hoàng.

Ngoài các cây kể trên, người ta còn sử dụng phấn của một số cây cùng họ với cây cỏ nến như Typha angustifolia L. Typha latifolia L., Typhadavidiana hand Mazz., Typha minima Funk…

Bồ hoàng được sử dụng nhiều trong những bài thuốc cầm máu

5.Một số công dụng khác của cây cỏ nến

Dùng làm thực phẩm:

Cây cỏ nến được sử dụng làm thực phẩm ở nhiều vùng. Cách đây 30.000 năm con người đã sử dụng cỏ nến như một món ăn. Bên cạnh phần thân rễ, phần gốc non của cây có thể chế biến thành rau hoặc muối như muối dưa để ăn. Lúc này được gọi là là rau bồn bồn. Ngoài ra có thể kết hợp rau này với nhiều món ăn khác.

Phần lá ngon và ngó có thể muối làm dưa chua hoặc nấu canh, xào, luộc đều được. Giá trị dinh dưỡng cũng khá cao. Món ăn này được người dân Nam bộ sử dụng nhiều.

Hạt của cây cỏ nến sau khi chà sạch vỏ có thể nấu cháo ăn như kê. Rễ cây cũng có thể chế biến thành một món ăn.

Hiện nay cây cỏ nến được sử dụng như là một loại rau sạch và có mặt ở nhiều nơi trên đất nước ta.

Dùng làm sạch môi trường:

Ngoài tác dụng làm thuốc, làm thực phẩm, cây cỏ nến còn đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nước thải, mang lại sự trong sạch cho môi trường đất ngập, giảm thiểu ảnh hưởng của các chất độc hại trong nước sinh hoạt của con người.

Cỏ nến mọc hoang ở những vùng đầm lầy, ven hồ. Theo quan sát cho thấy, ở những vùng này nước trong xanh hơn vì cỏ nến đã lọc nước, hấp thu những chất hữu cơ cũng như các kim loại nặng trong nước thải sinh hoạt làm cho màu nước trong hơn, sạch hơn. Ở một số địa phương, nơi có những xí nghiệp quy mô lớn, người ta đã trồng nhiều cây cỏ nến để lọc nước.

Mặt khác, người ta còn sử dụng cây coe nên với vai trò điều hòa hệ sinh thái, không cần phải sử dụng những hóa chất bảo vệ tôm cá hay thuốc chữa bệnh cho tôm, cá vì cây cỏ nến có khả năng thanh lọc các chất độc hại, giảm thiểu bệnh tật ở sinh vật nuôi. Bên cạnh đó cỏ nến cũng được sử dụng nhiều để chống xói mòn đất, làm khô đầm lầy. Cỏ nến được xem là loài thực vật quý của vùng đất ngập nước miền Hạ Nam Bộ

 

 

 

 

Exit mobile version