1/ Cây nghệ là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Nghệ hay nghệ nhà, nghệ trồng, khương hoàng, có tên khoa học là Curcuma longa L. (Curcuma domestica Lour.), thuộc họ gừng (Zingiberaceae).
b/ Mô tả cây
Nghệ thuộc loại cây thân thảo cao từ 0,6 – 1m. Thân rễ phát triển thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang có màu vàng hoặc cam sẫm. Lá nghệ hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu, dài tới 45cm, rộng tới 18 cm, hai mặt đều nhẵn. Cuống lá có bẹ. Cụm hoa mọc từ giữa các lá lên, thành hình nón thưa, lá bắc hữu thụ khum hình máng rộng với đầu tròn màu xanh lục nhạt, lá bắc bất thụ hẹp hơn, màu hơi tím nhạt. Tràng hoa có phiến, cánh hoa ngoài màu xanh lục vàng nhạt, chia thành ba thùy với thùy trên to hơn. Phiến cánh hoa bên trong cũng chia ba thùy với thùy dưới hõm thành máng sâu và 2 thùy hai bên đứng và phẳng. Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van, hạt có áo hạt.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây nghệ có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Tamil Nadu, phía đông nam Ấn Độ. Cây cần cần nhiệt độ từ 20 – 30 độ C (68 độ F và 86 độ F) để sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện cây mọc hoang hoặc được trồng khắp các nước Ấn Độ, Indonesia, Lào, Campuchia, Trung Quốc và các nước nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp mọi nơi trên nước ta để làm gia vị và làm thuốc.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chính là củ (thân rễ) còn gọi chung là nghệ hoặc củ cái to gọi là khương hoàng, củ nhỏ gọi là uất kim.
e/ Thành phần hóa học
Đã có hàng nghìn công trình khoa học ở các nước nghiên cứu về nghệ và tinh chiết từ cây nghệ trong việc phòng và điều trị bệnh. Trong nghệ, người ta đã phân tích được các thành phần là:
– Chất màu Curcumin 0,3%. Đây là tinh thể màu nâu đỏ, ánh tím, không tan trong nước, tan trong rượu, clorofoc, ete, dung dịch có huỳnh quang màu xanh lục. Nó cũng tan trong axid (màu đỏ tưới), trong kiềm (màu đỏ máu rồi ngả tím), trong chất béo (dùng để nhuộm các chất béo). Về thành phần của Curcumin, Srinivasan K.R. (J. Pharm. Pharmacol. 1953, 5, 448-457) đã chứng minh bằng sắc ký trên cột silic rằng rằng đây là hỗn hợp gồm:
+ Curcumin I còn được gọi là curcumin chính thức chiếm 60%. Đây là một dixeton đối xứng không no có thể coi như là diferuloyl-metan (axit feru-lic là axit hydroxyl-4-metoxy-3-xinamic).
+ Curcumin II còn được gọi là monodesmetoxy-curcumin chiếm 24%.
+ Curcumin III còn được gọi là didesmetoxy-curcumin chiếm 14% trong đó 1 hay 2 axit hydroxycinamic thay cho axit ferulic.
Trong nghệ có nhiều thành phần có khả năng phòng trị bệnh
– Tinh dầu 1 – 5% có màu vàng nhạt, thơm. Trong tinh dầu của nghệ có curcumen C15H24 một cacbon không no, 5% paratolylmetyl cacbinol và 1% long não hữu tuyến. Hai chất sau (paratolylmetyl và long não hữu tuyến) chỉ được tìm thấy trong tinh dầu Curcuma xanthorriza Roxb.
– Ngoài ra, trong nghệ còn có tinh bột, canxi oxalat, chất béo và rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như protein, chất xơ, niacin, natri, kali, canxi, đồng, sắt, magiê, kẽm, Vitamin C, Vitamin E, Vitamin K…
f/ Thu hái chế biến
Nghệ được trồng mới hàng năm và thu hoạch vào mùa thu, khi lá nghệ vàng hoặc héo hết. Lúc này củ nghệ sẽ già, to và dùng làm thuốc tốt hơn. Sau khi thu hoạch nghệ, người ta cắt bỏ hết rễ nhỏ để riêng, củ (còn gọi là thân rễ để riêng). Muốn bảo quản nghệ được lâu thì cần phải đồ hoặc hấp trong 6 – 12 giờ. Sau đó để ráo nước, đem phơi nắng hoặc sấy khô.
2/ Công dụng của cây nghệ
– Theo y học cổ truyền: Trong các y thư cổ, nghệ có vị cay, đắng, tính ôn, vào 2 kinh can và tỳ với tác dụng phá ác huyết, huyết tích, kim sang và sinh cơ (lên da) chỉ huyết. Do đó, thường được dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sinh nở xong đau bụng…. Dân gian còn dùng nghệ bôi lên các mụn mới khỏi để đỡ sẹo, nhuộm vàng bột cary, nhuộm len, nhuộm tơ và nhuộm da. Tuy nhiên, người âm hư mà không ứ trệ thì không nên dùng; các bệnh sản hậu (sau khi đẻ) mà không phải nhiệt kế ứ cũng không nên dùng; phụ nữ có thai không nên dùng.
– Theo y học hiện đại: Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng nghệ có nhiều công dụng cho sức khỏe như: kích thích sự bài tiết mật của tế bào gan, tăng co bóp túi mật, thông mật; tăng khả năng giải độc của gan, giảm galactoza ở bệnh nhân bị galactoza niệu, giảm urobilin trong nước tiểu, phá cholesterol trong máu; ngăn cản sự phát triển của một số tác nhân gây hại như vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis, nấm Trychophyton gypcum, Salmonella paratyphi, Bacillus subtilis, Candida albicans, Helicobacter pylori…. Cụ thể, có thể nhắc đến một số công dụng chính của nghê như:
+ Tăng cường hệ tiêu hóa: Nghệ có tác dụng kích thích túi mật, giảm dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giảm triệu chứng như ợ nóng, đầy hơi và táo bón. Do đó, việc dùng nghệ thường xuyên sẽ tăng cường hệ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nghệ cũng có tác dụng làm giảm hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng, bệnh dạ dày….
+ Tăng cường sức khỏe tim mạch: Một công dụng khác của nghệ là cải thiện sức khỏe tim mạch. Hoạt chất curcumin trong nghệ sẽ làm giảm nồng độ lipoprotein, duy trì mức độ cholesterol ổn định. Nó cũng kiểm soát sự hình thành và tích tụ các mảng bám động mạch để phòng ngừa xơ vữa động mạch, ngăn hình thành các cục máu đông, hạn chế nguy cơ mắc chứng đột quỵ và dự phòng nhiều bệnh liên quan đến tim mạch khác.
+ Điều hòa lượng đường huyết: Thêm một công dụng không thể bỏ qua của nghệ là điều hòa đường huyết ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Bởi nghệ có thể kích thích để tuyến tụy hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, nó có thể điều hòa và làm cân bằng nồng độ hormone insulin, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin để kiểm soát mức độ đường huyết hiệu quả.
+ Điều trị viêm khớp: Curcumin trong nghệ là chất kháng viêm, chống oxy hóa có tác dụng tốt hơn loại thuốc kháng viêm non-steroidal (thuốc không steroidal – NSAIDs). Do đó, chúng có khả năng giảm đau, kháng viêm – hai triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp, viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Thậm chí, các nghiên cứu còn cho thấy nghệ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh viêm khớp.
+ Điều trị bệnh Alzheimer: Nghệ cũng giúp ngăn ngừa và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer – một loại bệnh gây ra sự thoái hóa não bộ không thể phục hồi từ đó dẫn đến hiện tượng mất trí nhớ. Bởi viêm là nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer. Trong khi đó, nghệ có đặc tính kháng viêm và có thể giảm viêm não bằng cách ngăn chặn sự phát tán của enzyme COX-2. Thêm đó, dùng nghệ thường xuyên cũng kích thích lưu thông oxy lên não để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh Alzheimer.
+ Ngăn ngừa ung thư: Những nghiên cứu mới nhất cho rằng hoạt chất curcumin trong thành phần của nghệ giúp cơ thể loại bỏ được các gốc tự do (free radicals) và giảm sự nguy hại đến màng tế bào và DNA. Qua đó, giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư như: ung thư da, ung thư đại tràng, ung thư miệng, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây nghệ
Chúng ta có thể dùng nghệ bằng các ép tươi lấy nước làm sinh tố, chế biến sữa bột nghệ, thêm vào các món canh hoặc chế biến thành các món ăn yêu thích cho cả gia đình. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các bài thuốc có thành phần từ nghệ với liều dùng từ 1 – 6g/ dưới dạng bột hoặc sắc rồi chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian dùng nghệ:
– Chữa thổ huyết máu cam: Nghệ đem tán nhỏ, ngày uống 4 – 6g chiêu bằng nước.
– Bài thuốc kinh nghiệm chữa điên cuồng: Nghệ 250g, phèn chua 100g, tất cả tán nhỏ, hòa vào với nước cháo và viên thành viên to như hạt ngô. Ngày uống 50 viên. Uống hết hai đơn như trên thì khỏi. Đã có tài liệu ghi lại bài thuốc này chữa khỏi một người phụ nữ do lo sợ quá độ phát điên đã 10 năm.
– Cao dán trị nhọt: Chuẩn bị củ ráy 80g (khoảng một củ), dầu vừng 80g, nghệ 60g (khoảng một củ), sáp ong 40g, nhựa thông 40g. Sau đó, đem củ ráy gọt sạch vỏ và giã với nghệ cho thật nhỏ, cho vào nấu nhừ với nhựa thông, sáp ong và dầu vừng. Lọc rồi để nguội, phết lên giấy bản dán vào mụn nhọt.
– Trị viêm gan: Người bị viêm gan vi rút cấp tính có thể lấy nghệ 12g, chi tử 16g, hoàng liên, đại hoàng mỗi vị 9g; nhân trần, bồ công anh, bạch mao căn mỗi vị 40g; sắc uống, ngày một thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn, liền 3 – 4 tuần để bệnh giảm. Với người bệnh viêm gan mãn tính thì lấy nghệ 4g, quế tâm 6g, hải tảo, hạt bìm bìm mỗi vị 10g; côn bố, đình lịch tử mỗi vị 12g; sắc uống ngày một thang, chia 3 lần uống trước bữa ăn.
– Trị kinh nguyệt không đều: Nếu bị kinh nguyệt không đều thì có thể lấy nghệ vàng, đào nhân, xuyên khung mỗi vị 8g; sinh địa 12g; kê huyết đằng, ích mẫu mỗi vị 16g. Cho tất cả vào nồi sắc uống ngày một thang. Uống liền 2 – 3 tuần, trước khi có kinh. Uống vài ba liệu trình sẽ thấy kinh nguyệt đều dần, các triệu chứng ổn định hẳn.
– Trị bế kinh đau bụng: Nghệ 15g, huyền hồ 10g. Đem cả hai chích giấm, sắc ngày một thang. Chia nước thuốc thành 3 phần, uống trước bữa ăn, uống 2 – 3 tuần là 1 liệu trình.
– Trị trướng bụng, đau bụng: Chuẩn bị nghệ hoặc khương hoàng, hương phụ, sài hồ đồng lượng 9 – 12g. Sắc uống hoặc tán làm thuốc bột. Dùng ngày một thang, uống trước bữa ăn 1 – 1,5 giờ.
– Trị sỏi gan, sỏi mật: Nghệ, phèn chua đồng lượng 10g. Hai vị tán bột uống ngày một thang, trước bữa ăn. Nếu có mật gấu gia thêm thì càng tăng công hiệu.