Cây xấu hổ là gì? Tên gọi khác
Cây xấu hổ hay còn có nhiều tên gọi khác là cây mắc cỡ, trinh nữ, cây thẹn, hàm tu thảo. Tên khoa học là Mimosa pudica L, thuộc họ trinh nữ Mimosaceae. Nguồn gốc từ Brazil.
Sở dĩ có tên “xấu hổ” do bắt nguồn từ đặc điểm riêng biệt của nó, là khi có người đụng vào, lá cây và cành của nó sẽ cụp xuống.
Mô tả về cây xấu hổ
Cây trinh nữ thuộc họ nhà cây thân thảo, rất quen thuộc với người dân Việt Nam, mọc bò trườn hoặc tựa rà sát mặt đất. Cây thường mọc thành bụi, thân cây nhỏ, có gai hình móc. Lá cây kép lông chim chẵn, cuống phụ xếp như hình chân vịt, chỉ cần chạm nhẹ vào lá sẽ cụp xuống. Cuống chung nhỏ, gầy, mang nhiều lông. Lá chét 15-20 đôi nhỏ nên gần như không có cuống.
Hoa trinh nữ nhỏ, màu hồng tím, tụ lại thành hình cầu, nằm ở đầu cuống mọc ra từ nách lá. Mùa hoa nở rộ thường vào giữa tháng 6. Quả của nó giáp nhỏ, thắt lại giữa các hạt, dài khoảng 2cm, rộng độ 3mm, tụ thành hình ngôi sao, có lông cứng. Hạt dẹt, gần như hình trái xoan, dài 2mm, rộng 1,5mm.
Do đặc điểm hoa, hạt nhỏ, cây xấu hổ thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Hạt của nó cũng được phát tán nhờ gió nên cây có thể mọc tự nhiên ở khắp nơi. Ở nước ta, cây xấu hổ mọc hoang rất nhiều, phân bố dọc từ đồng bằng đến miền núi có độ cao dưới 1000m. Cây ưa sáng, thường mọc nơi đất ẩm ven các đường cái, bãi sông,bờ ruộng, sườn đồi, nhưng vẫn có khả năng chịu hạn hán và nắng nóng tốt.
Thành phần hóa học của cây xấu hổ
Thành phần hóa học của cây xấu hổ đặc biệt có một chất anlacoit gọi là mimosin, ngoài ra còn có một số thành phần khác như: crocetin còn có flavonoid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Trong lá và hạt chứa hàm lượng selen cao, đặc biệt vào mùa hè.
Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc. Trong đó chủ yếu là rễ cây và cành lá. Rễ được đào vào quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, sau đó được phơi hoặc sấy khô. Phần cành lá chủ yếu được thu hái vào mùa hè, khi cây phát triển xanh tốt.
Tác dụng dược lý của cây
Theo y học cổ truyền, các bộ phận trên cây xấu hổ được dùng làm thuốc có một số tác dụng dược lý khác nhau:
Cành và lá cây có vị ngọt, hơi đắng, tính lạnh, hơi có độc, tác dụng thanh can hỏa, giải độc, an thần, tiêu tích, dùng để chữa viêm ruột, viêm dạ dày, mất ngủ, trẻ em can tích, sưng tấy, mưng mủ.
Phần rễ cây có vị chát, tính ấm, có độc, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, tiêu tích, hóa đàm, dùng để chữa viêm khí quản mãn tính, phong thấp đau nhức, viêm dạ dày mãn tính.
Ngoài ra, các nghiên cứu hiện đại cho thấy, cây xấu hổ còn có một số tác dụng khác, nó có thể làm ức chế thần kinh trung ương, chữa được chứng mất ngủ, làm giảm đau, có thể làm chậm thời gian xuất hiện co giật, khiến cho người bệnh có cảm giác được thư thái, thoải mái hơn. Bên cạnh đó, cây xấu hổ là cây thuốc nam có khả năng chữa chứng thận ứ nước khá tốt.
Các bài thuốc dân gian từ cây xấu hổ
Hỗ trợ điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp
Trong đông y, cây xấu hổ có thể được sử dụng một mình hoặc được kết hợp với một số loại cây thuốc nam khác như thổ phục linh, phong kỷ, thiên niên kiện để có thể phát huy được tối đa tác dụng, đặc biệt dùng trong chữa bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp, được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến trong các bài thuốc dân gian xưa. Cụ thể: Rễ cây xấu hổ sau khi được thái mỏng, phơi khô, ngày dùng 120g rang khô, tiếp tục đem tẩm với rượu, rang khô.Sau đó, ta thểm 600ml nước, đun đến khi cạn còn khoảng 200-300ml nước, rồi chia thành 2-3 lần uỗng trong ngày. Chỉ sau 4-5 ngày sẽ cho thấy kết quả rõ rệt.
Khi kết hợp với một số loại thuốc nam khác như: rễ cây xấu hổ, hy thiêm, gai tầm xọong, dây đau xương, tục đoạn, dây gắm, thổ phục linh, thiên niên kiện, mỗi loại 20g, sắc lên uống mỗi ngày một thang. Ngoài ra, các thầy thuốc đông y thường khuyên người bệnh kết hợp uống thuốc và xông tắm các loại lá nam hằng ngày để có hiệu quả nhất.
Để chữa bệnh mất ngủ và làm dịu thần kinh: dùng 15-20g lá và cành cây xấu hổ tươi đem phơi khô, kết hợp với 20g cây lạc tiên, sắc nước uống hằng ngày trước khi đi ngủ. Uống liên tục trong vòng một tuần, chứng mất ngủ sẽ được cải thiện đáng kể, người bệnh sẽ có giấc ngủ sâu, không còn trằn trọc, thức giấc vào đêm khuya nữa.
Cây xấu hổ cũng là một bài thuốc khá hay có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả với những người bị Zona thần kinh, tăng huyết áp, đầy bụng khó tiêu, viêm khí quản mãn tính hay viêm dạ dày mãn tính. Cụ thể:
- Zona thần kinh: Lá cây xấu hổ giã nát đắp vào chỗ bị bệnh, ngày đắp 2-3 lần. Trước khi đắp nên làm sạch và thấm khô vết thương.
- Tăng huyết áp: cả cây xấu hổ, trắc bách diệp, cầu đằng, hoa dại, đỗ trọng, lá vông nem, thân lá bạch hạc, hạt muồng ngủ sao, mỗi vị 6g, tang ký sinh, hà thủ ô mỗi vị 8g, địa lang 4g. Sắc uống mỗi ngày, hoặc có thể tán bột luyện thành viên, ngày uống từ 20-30g
- Đầy bụng, khó tiêu: lá và cành xấu hổ, bạch thược, mạch nha mỗi vị 16g, thần khúc 12g. Sắc làm 2 lần, uống sau bữa ăn trưa và tối. Chỉ cần dùng từ 2-3 ngày sẽ có hiệu quả.
- Viêm dạ dày mãn tính: sử dụng rễ cây xấu hổ sau khi làm sạch, thái mỏng, phơi khô, dùng 10-15g sắc với nước uống hằng ngày
- Viêm khí quản mãn tính: dùng khoảng 100g rễ cây xấu hổ sắc với 600ml nước lấy 100ml, chia thành hai lần uống trong ngày. Với mối liệu trình,uống liên tục trong 10 ngày. Cũng tùy từng người, nên tham khảo thêm với bác sĩ về liệu trình điều trị.
Mặc dù có nhiều công dụng nhưng có một lưu ý khi sử dụng cây xấu hổ làm thuốc: cây xấu hổ khi sử dụng với liều lượng vừa phải thì sẽ không độc. Tuy nhiên, do trong thành phần hoạt chất của cây xấu hổ có chứa ancaloit (mimosin), nên khi kết hợp sử dụng với thuốc tây phải hết sức lưu ý và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng với liều lượng hợp lý