1/ Cây bưởi bung là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Bưởi bung còn có tên là cây cơm rượu, cát bối, cứt sắt, co dọng dạnh (Thái), bái bài, bí bái cái…. Cây có tên khoa học là Glycosmis pentaphylla Corr. (Glycocosmis cochinchinensis (Lour.)Pierre), thuộc họ Cam, Rutaceae.
Ngoài ra, nhân dân ta còn gọi một loại cây khác có công dụng tương tự là bưởi bung. Cây này có tên khoa học là Acronychia laurifolia Blume, cũng thuộc họ Cam Rutaceae.
b/ Mô tả cây
Tuy cùng thuộc họ cam nhưng hình thái bên ngoài của cây bưởi bung có sự khác biệt khá lớn. Cây thuộc dạng cân nhỡ có thể cao tới 6,5m, cành đỏ nhạt, nứt nẻ, cành non có lông màu sét. Lá đa dạng, lá kép gồm từ 3-7 lá chét, ít khi có một. Các lá dài từ 7 – 20cm, rộng 1,5 – 6cm, không lông, mép lá hơi có răng cưa, màu lục ô liu lúc khô. Chùy hẹp ở phần nách lá, ít nhánh, gân phụ 14 – 15 cặp. Hoa trắng hay trắng xanh nhạt (cũng có thể có màu vàng vàng), mọc thành chùm tán ở đầu cành hay kẽ lá phía ngọn cây. Hoa thơm, cánh hoa không có lông, nhị 10. Quả dạng trứng có thể cao đến 1cm, màu trắng hồng, có khi có màu vàng hoặc da cam. Hoa bưởi bung ra vào tầm tháng 6 và trong suốt mùa thu, kết quả từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Loài phân bố chủ yếu ở ở Thái Lan, Nam Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines. Ở nước ta, hoang ở khắp cả nước, nhất là ở bờ rào, đất hoang, rừng núi hay các savan cây gỗ ở Hoà Bình….
d/ Bộ phận dùng
Rễ và lá – Radix et Folium Glycosmis
e/ Thành phần hóa học
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về cây bưởi bung, thành phần cũng như công dụng của nó. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy trong cành và lá cây có chứa tinh dầu mang mùi thơm dễ chịu. Ngoài ra, người ta còn phân tích thấy trong bưởi bung có các alcaloid mang tên dictamin C12H9O2N độ chảy 1320C, arborinin độ chảy 1750, arborinC16H14O2N độ chảy 1500 – 1520, kokusaginin C14H13O4N độ chảy 1680, skimmiamin C14H13O4N độ chảy 1750, glycerin C9H8ON độ chảy 1450 – 1470, glycosminin C15H12ON độ chảy 2490, noracromyxin C19H17O3N độ chảy 1980 – 2000.
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy trong lá non và nụ hoa chất glycosmin là veratroylsalixinC22H28O12 có với hàm lượng 0,2%. Cấu trúc của những chất đó trong bưởi bung khá giống nhau và đã được xác định. Mới đây, từ loại cây này, người ta còn chiết xuất được một chất glycozolin, dẫn chất từ carbazol.
f/ Thu hái chế biến
Người ta thu hái rễ và lá bưởi bung quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi, sấy khô để dùng dần. Một số nơi hái cả cành mang phơi khô. Hoặc đào rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
2/ Công dụng của bưởi bung
Theo y học cổ truyền, cây bưởi bung có vị ngọt, tính ấm, thơm hơi cay, có tác dụng sát trùng giảm đau, hành khí hoạt huyết, chữa các chứng đau bụng, đau dạ dày và một số loại sưng đau khác. Lá có vị hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng trừ đờm, giải cảm, chống ho, kích thích tiêu hoá, tán huyết ứ. Ngoài ra, vỏ và lá bưởi bung có khả năng chữa ghẻ lở hiệu quả. Rễ cây có vị cay, thường được dùng trong việc chữa bệnh phong thấp, lưng gối đau mỏi, bị thương sưng đau.
Trong ống nghiệm, loại cây này được xác định là có tác dụng kháng sinh cực mạnh với các loại vi khuẩn. Người ta đã thử cấy một số loại vi khuẩn vào trong ống nghiệm và xác định được rằng trong môi trường đó vi khuẩn (đặc biệt là các vi khuẩn như streptococcus, staphyllococcus 209P và bacillus subtilis) sẽ bị tiêu diệt.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng bưởi bung
Bưởi bung có nhiều công dụng cho sức khỏe. Khi dùng bưởi bung để phòng trị bệnh, người ta thường dùng khoảng 6 – 16g lá khô, dưới dạng thuốc sắc uống trong ngày. Liều lượng thuốc có thể thay đổi tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh. Ngoài ra, bưởi bung thường được kết hợp với một số vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh có thể tham khảo một số đơn thuốc có thành phần bưởi bung dưới đây để áp dụng khi cần thiết:
– Chữa phụ nữ kém ăn, da vàng sau sinh nở: Lá bưởi bung sao vàng 10g, cho vào nồi, thêm 400ml nước, sắc còn 200ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.
– Chữa lưng gối đau mỏi: Rễ bưởi bung 25g, cẩm tích 10g, huyết đằng 10g, cỏ xước 15g, rễ quýt gai 15g, tỳ giải 10g. Sắc lấy nước thuốc để uống. Ngày uống một thang chia làm 3 lần uống, nên uống thuốc khi nước còn nóng.
– Chữa mụn ổ gà mọc ở bẹn, nách: Lá bưởi bung (Glycosmis pentaphylla) một nắm chặt, lá thổ phục linh một nắm, lá ổi một nắm chặt. Đem cả ba vị rửa sạch, thái nhỏ, lấy lá chuối non hơ nóng cho mềm, gói thuốc lại (gói to hay nhỏ tuỳ theo nốt mụn nhọt). Mặt nào định đặt lên phần da bị mụn thì châm nhiều lỗ vào cho nước thuôc dễ thấm vào mụn. Cách này cũng chữa thối loét lâu ngày, ăn vào tới xương rất hiệu quả.
– Chữa phong thấp đau nhức mình mẩy và khớp xương: Rễ bưởi bung 20g, rễ xấu hổ 20g, rễ cúc tần 20g, rễ và lá đinh lăng 10g, rễ và lá cam thảo dây 10g. Đem tất cả các vị thuốc đi sao qua rồi sắc uống làm 2 lần trong ngày. Một liệu trình là từ 3 – 5 ngày.
– Chữa phong thấp, đau lưng, sưng đau do bị thương: Chuẩn bị rễ bưởi bung 30g đem sắc lấy nước uống, ngày uống hết một thang thuốc. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp giã lá bưởi bung đắp vào chỗ đau. Hoặc có thể dùng rễ bưởi bung 20g, củ khúc khắc 20g, câu đau xương 20g. Cho vào nồi sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
– Chữa tê thấp: Chuẩn bị rễ bưởi bung 20g, cỏ xước 20g, dây đau xương 24g, hoa kinh giới 20g, rễ cốt khí 16g, rễ hoàng lực 20g. Cho tất cả các vị thuốc vào nồi, sắc với 600ml nước để có 200ml thuốc. Ngày uống 1 thang, chia làm 2 lần. Một liệu trình là từ 3 – 5 ngày.
– Chữa cảm sốt ho: Lá bưởi bung 20g, vỏ quýt 10g, bạc hà 5g. Sắc lấy nước uống. Ngày uống hết một thang chia làm ba lần uống và uống lúc nước thuốc còn nóng.
– Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Chuẩn bị lá bưởi bung 12g, dạ cẩm 12g, lá khôi 12g, cam thảo dây 6g. Sắc lấy nước thuốc uống. Mỗi ngày uống một thang cho đến khi khỏi bệnh.