1/ Cây núc nác là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây núc nác còn có các tên gọi khác như nam hoàng bá, ngúc ngác, mộc hồ điệp, may ca, phăc ca (Tày), ngòng pắng điằng (Dao), co ca liên (Thái), p’sờ lụng (K’Ho). Cây có tên khoa học là Oroxylum indicum (L.) Vent, thuộc họ Hoa chùm ớt (Bignontaceae). Cây còn có một số tên nước ngoài như: Indian trumpet flower, midday marvel, broke bones (Anh); oroxyle, calosanthe (Pháp).
b/ Mô tả cây
Núc nác vừa là cây thực phẩm vừa là cây thuốc vô cùng quý trong y học. Cây thuộc nhóm cây nhỡ, cao từ 8 – 10m, có khi cao hơn. Thân cây nhẵn, ít phân cành, trên thân có những sẹo to do lá rụng để lại. Vỏ cây có màu xám tro, mặt trong màu vàng nhạt. Lá cây to, mọc đối, xẻ 2 – 3 lần lông chim, dài đến 1,5 m, tập trung ở ngọn thân. Cây còn có lá chét hình bầu dục, nguyên, dài từ 6,5 – 14cm, rộng từ 3,5 – 8cm. Gốc tròn, hơi lệch, đầu nhịn, cuống lá kép hình trụ, mập, mặt dưới nhẵn hoặc hơi có lông.
Hoa mọc thành từng chùm ở ngọn thân. Mùa hoa từ tháng 5 – 7. Cuống hoa mập, thẳng, dài 40 – 80 cm, mang nhiều sẹo rõ ở phía dưới. Hoa có lá bắc nhỏ, màu nâu đỏ sẫm. Tràng hình chuông, phình rộng, có 5 thuỳ họp thành hai môi, 5 nhị, có chỉ nhị có lông ở gốc. Đài hình ống, cứng, dày, có 5 khía nông. Đĩa mật có 5 thuỳ rõ, cao 4 – 5mm, đường kính 12 – 14mm. Hoa nở về đêm, thụ phấn nhờ dơi.
Mùa quả từ tháng 8 – 10, quả thõng, dài 40 – 120cm, rộng 5 – 10cm, các mảnh vỏ hoá gỗ, khi chín nứt làm 2 mảnh. Hạt nhiều, hình bầu dục, dài 4 – 9cm, rộng 3 – 4cm, kể cả cánh mỏng bao quanh. Các quả chín vẫn ở trên cây khá lâu vào mùa khô khi cây rụng hết lá.
Cây ra hoa quả hàng năm nhưng tỷ lệ hoa đậu quả chỉ khoảng 10 – 30%. Hạt núc nác có cánh màng, có thể phát tán xa nhờ gió. Tuy nhiên chỉ có một số ít hạt nảy mầm khi rơi được xuống mặt đất còn phần lớn mất cơ hội nảy mầm do bị mắc trên cây. Phần gốc thân khi bị chặt vẫn có thể tái sinh cây chồi.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Trên thế giới, chi Oroxylum Vent phân bố rộng khắp ở các vùng nhiệt đới châu Á, từ Srilanaca tới Ấn Độ qua Himalaya, Nam Trung Quốc, Đông Nam Á (như Lào, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Mianma, đảo Selip và Timor của Indonesia).
Ở Việt Nam chỉ có một loại chính là Oroxylum indicum (L.) Vent. Cây mọc phổ biến từ vùng núi có độ cao khoảng 1300m (ở xã Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà giang) đến các tỉnh trung du và đồng bằng ven biển. Ngoài việc trồng làm thực phẩm, làm thuốc, cây còn được dùng làm giá thể cho trầu không và hồ tiêu leo (vùng Quảng Bình đến Quảng Nam).
Đây là loại cây gỗ mọc nhanh, thường tìm thấy ở dọc theo hai bên bờ thượng nguồn các dòng sông (Hồng, Chảy, Gâm….), ven rừng núi đá vôi, rừng thứ sinh, đất sau nương rẫy. Cây ưa mọc trên đất tơi xốp và có tầng đất mặt sâu, dễ thấm nước. Ở các tỉnh miền Trung, Oroxylum indicum (L.) Vent mọc được ở cả trên loại đất pha cát của vùng ven biển. Cây có khả năng chịu hạn và chịu nóng tốt. Khi bị cháy rừng, cây vẫn có thể tồn tại do có lớn vỏ thân dày và hệ thống rễ phát triển. Nguồn núc nác ở Việt Nam tương đối dồi dào với những tỉnh có trữ lượng lớn như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa….
d/ Bộ phận dùng
Vỏ và hạt – Cortex et Semen Oroxyli Indici.
– Vỏ núc nác (Cortex Oroxyli) là vỏ thân cây phơi hoặc sấy khô.
– Hạt núc nác (Semen Oroxyli) là hạt phơi hay sấy khô. Loại hạt này được dùng với tên thuốc mộc hồ điệp (mộc là gỗ, cây; hồ điệp là con bướm) vì hạt trông giống như con bướm bằng gỗ.
e/ Thành phần hóa học
– Vỏ thân: Trong vỏ thân cây Oroxylum indicum (L.) Vent chứa một ít ancaloit, tanin và một số dẫn xuất flavonoit ở dạng tự do hay heterozit. Trong đó có những chất flavonoit thường thấy là:
+ Oroxylin A: Công thức thô C6H12O5, cấu trúc là 5-7 dihydroxy 9-methoxy flavon, trọng lượng phân tử 284. Tinh thể Oroxylin A có màu vàng chanh, độ chảy 230 – 232 độ C, tan trong cồn, axeton, benzen nóng, trong kiềm, ête, axit axetic đặc.
+ Baicalein hay noroxylin: Công thức phân tử C5H10O5, cấu trúc 5-6-7 trihydroxyflavon, trọng lượng phân tử 270,20. Chất này có dạng tinh thể màu vàng, hình lăng trụ, độ chảy 264 – 265 độ C, tan trong ethanol, etylaxetat, axit axetic đặc, methanol, ête, axeton, trong kiềm loãng và cho màu vàng thẫm. Tan trong axit sunfuric đặc cho màu vàng có huỳnh quang lục. Ít tan trong nitrobenzene, chloroform.
+ Crysin: Công thức thô C15H10O4, cấu trúc 5-7 dihydroxyflavon, trọng lượng phân tử 254,23. Chất này có tinh thể màu vàng nhạt, chứa trong vỏ rễ, độ chảy khoảng 276 độ C. Tan trong dung dich kiềm, không tan trong nước, ít tan trong cồn cloroform, ête và có thể thăng hoa được.
+ Tetuin: Là baicalein kết hợp với glucoza ở vị trí 6. Chất này có tinh thể màu vàng nhạt, độ chảy 112 – 114 độ C.
– Vỏ rễ: Vỏ rễ Oroxylum indicum (L.) Vent chứa acid ellagic, chrysin, baicalei và biochanin-A.
– Vỏ quả: Phần vỏ quả chứa oroxylin A, chrysin, triterpene axit cacboxylic và axit ursolic.
– Hạt: Hạt cây Oroxylum indicum (L.) Vent có chứa một chất dầu béo chứa 80.4% axit oleic, một chất kiềm màu vàng, các axit panmitic, stearic và có thể là cả axit lignoxeric. Ngoài ra, hạt còn chứa ellagic axit (Vasanth et al., 1991). Nhà nghiên cứu Yan R et al., (2011) đã báo cáo có 19 hợp chất khác nhau được phân lập từ hạt.
f/ Thu hái chế biến
Người ta có thể thu hái vỏ thân khi cần thiết, phơi khô hoặc cạo bỏ lớp vỏ sần rồi thái phiến dài 2 – 5cm, dày 1 – 3mm và phơi hay sấy cho khô. Khi dùng thì để nguyên hoặc sao nhỏ lửa cho vàng.
Hạt sẽ được thu hái khi quả chín vào mùa đông rồi phơi khô. Khi dùng có thể trích với muối ăn theo tỷ lệ mộc hồ điệp 10kg, muối ăn 400g, nước sôi vừa đủ để pha. Sau đó, ngâm tẩm mộc hồ điệp với nước muối trong 30 phút cho ngấm hết muối rồi dùng lửa nhỏ sao cho có màu đen.
2/ Công dụng của cây núc nác
– Theo y học cổ truyền: Núc nác có vị đắng ngọt, tính mát, vào 2 kinh tỳ, bàng quang; có tác dụng chống ho, giảm đau, thanh phế nhiệt, lợi hầu họng, vỏ thân có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp. Trong dân gian, hạt núc nác được dùng để trị viêm họng cấp và mạn tính, khan cổ, viêm phế quản cấp và ho gà, đau vùng thượng vị, đau sườn. Vỏ quả thì dùng chữa dị ứng sơn, trị bệnh vẩy nến, hen phế quản trẻ em, viêm gan vàng da, viêm bàng quang, viêm họng, khô họng, ho khan tiếng, trẻ em ban trái, sởi.
– Theo y học hiện đại: Vỏ cây Oroxylum indicum (L.) Vent đã được nghiên cứu thực nghiệm cho thấy có tác dụng rõ rệt trong việc chống dị ứng và tăng sứ đề kháng của cơ thể. Nó cũng làm giảm độ thấm của mạch máu, ức chế giai đoạn cấp tính của phản ứng viêm. Flavonoid chiết xuất từ cây Oroxylum indicum (L.) Vent thì có tác dụng chống choáng phản vệ….
Chế phẩm nunacin bào chế từ flavonoid toàn phần chiết ở vỏ núc nác đã được dùng trong việc điều trị cho 37 bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Số ngày điều trị cho mỗi bệnh nhân là 54 – 191 ngày. Kết quả cho thấy có 14 bệnh nhân khỏi bệnh, 18 bệnh nhân đỡ nhiều 5 trường hợp không có kết quả. Có 20 trong số 30 bệnh nhân nói trên được điều trị phối hợp với mỡ salicylic bôi ngoài da.
Ngoài ra, các chế phẩm từ Oroxylum indicum (L.) Vent cũng được ứng dụng trong việc điều trị bệnh hen, mề đay….
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây núc nác
Với cây núc nác, phần lá, hoa và quả khi còn non có thể làm món xào, luộc hay nộm. Trong khi đó, hạt và vỏ được dùng làm thuốc với liều lượng 1,5 – 3g hạt, 15 – 30g vỏ. Có các dạng dùng chính là thuốc sắc, cao, dạng bột hoặc nấu nước rửa bên ngoài. Mọi người có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc từ núc nác như:
– Chữa đau tức hạ sườn phải, da vàng, nước tiểu đỏ (do can khí uất kết): Vỏ cây núc nác (hoàng bá nam) 16g, sài hồ 16g, xa tiền 12g, hạt dành dành (chi tử) 12g, đan bì 12g, nhân trần 12g, bạch thược 12g, cỏ nhọ nồi 16g, rau má 20g, cam thảo đất 16g; sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc cũng có thể chuẩn bị vỏ cây núc nác 16g, cối xay 16g, sài hồ 12g, đương quy 16g, chó đẻ răng cưa 16g, tam thất 10g, thanh bì 12g, xa tiền 12g, rễ cỏ tranh 16g, cơm rượu 16g, cam thảo 12g; sắc uống ngày một thang chia 2 lần.
– Chữa đau dạ dày: Lấy vỏ cây núc nác, bồ hoàng, ngũ linh chi, ô tặc cốt sắc nước uống.
– Chữa bệnh sởi cho trẻ em: Vỏ cây núc nác 6g, kinh giới 6g, huyền sâm 8g, liên kiều 6g, lá diếp cá 5g, mã đề 4g, kim ngân hoa 4g, hoa hồng bạch 4g, sài hồ 4g, cam thảo 2g, sài đất 5g, đương quy 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 – 4 lần.
– Chữa viêm da, dị ứng, mụn nhọt, mẩn ngứa: Vỏ cây núc nác sao qua 16g, kim ngân hoa 16g, kinh giới 16g, sài hồ 16g, đinh lăng 16g, xuyên khung 10g, phòng phong 10g, bạch chỉ 10g, sài đất 16g, lá cơm rượu 16g, uất kim 10g, hạt dành dành 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc lấy vỏ cây núc nác 16g, kim ngân hoa 16g, lá đơn đỏ 14g, ké đầu ngựa 14g, cúc hoa 12g, tô mộc 10g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
– Thuốc rửa hoặc bôi tại chỗ: Vỏ cây núc nác (hoàng bá nam) 50g, lá đinh lăng 30g, lá kinh giới 30g. Sắc lấy nước rửa hoặc bôi ngoài da ngày 2 lần.
– Chữa vú có cục rắn, đau: Vỏ cây núc nác 16g, hương nhu 16g, táo nhân (sao đen) 16g, đinh lăng 16g, hòe hoa (sao vàng) 20g, cát căn 16g, uất kim 10g, đương quy 12g, huyền sâm 16g, xương bồ 12g, hoàng kỳ 2g, xuyên khung 12g, tam thất 12g, chích cam thảo 12g, trinh nữ hoàng cung 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần, dùng trong 20 – 30 ngày 1 liệu trình.
– Chữa lị: Vỏ cây núc nác 20g, cỏ sữa 20g, khổ sâm 16g, lá nhót 20g, hoàng liên 12g, củ mài 16g, bạch truật 12g, chích cam thảo 12g, hạt sen 16g, cỏ nhọ nồi sao đen 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc có thể lấy vỏ cây núc nác 16g, khổ sâm 16g, rau sam 20g, đinh lăng 20g, cỏ sữa 20g, bạch truật 12g, cỏ ngũ sắc 16g, ngũ gia bì 16g, hoa hòe (sao đen) 16g, hoàng đằng 12g, chích cam thảo 12g, búp ổi 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.