Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Chữa bệnh bằng sen

1/ Cây sen là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Sen còn có tên dân gian gọi là liên, quỳ. Cây có tên khoa học là Nelumbo nuciera Gaertn, thuộc họ khoa học Nelumbonaceae (sen). Đây là một cây thuốc quý được dùng nhiều trong cả y học hiện đại và y học cổ truyền.

b/ Mô tả cây

Cây sen là một loại cây mọc dưới nước, có thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn (phần mọc trong bùn này thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, ăn được). Lá (liên diệp) mọc lên khỏi mặt nước với cuống lá dài, thẳng, có nhiều gai nhỏ. Phiến lá to, hình khiên, đường kính lên đến 60 – 70 cm, có gân toả tròn.

Sen có hoa màu trắng hoặc đỏ hồng

Hoa có màu trắng hoặc đỏ hồng, tất cả hoa đều là hoa lưỡng tính, đài 3 – 5, màu lục nhạt, tràng gồm nhiều cánh màu hồng (có một phần trắng) hoặc trắng toàn bộ. Một số cánh ngoài cùng có pha chút màu lục như lá đài. Nhị hoa nhiều, bao phấn có 2 ô và nứt theo kẽ dọc. Trung đới mọc dài ra thành một hạt màu trắng trường được gọi là gạo sen, hạt này thường được dùng để ướp chè khô. Nhiều lá noãn dời nhau đựng trong một đế hoa loe ra thành hình nón ngược nên thường được gọi là gương sen hoặc liên phòng. Mỗi lá noãn có 1 – 3 tiểu noãn. Trong một bông hoa thường hình thành nhiều hạt gọi là liên nhục không nội nhũ. Trong hạt có chồi mầm nhỏ gọi là liên tâm gồm 4 lá non gập vào phía trong.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Cây sen mọc nhiều ở Malaysia, các nước thuộc châu Đại Dương và vùng thuộc Đông Dương cũ. Tại Việt Nam, loài quốc hoa này mọc hoang ở các vùng hồ, ao, đầm… từ bắc đến nam. Hiện cây cũng được trồng nhiều để thu lấy hoa, lấy hạt để ăn hoặc dùng làm thuốc.

d/ Bộ phận dùng

Tất cả các bộ phận trong cây sen như liên diệp, cánh sen, mấu ngó sen, củ sen, tua nhị sen, liên phòng, liên nhục, liên tâm… đều được dùng làm thuốc. Trong đó:

– Lá sen (Folium nelumbinis) thường gọi là liên diệp, hà diệp

– Mấu ngó sen (Nodus Nelumbinis Rhizomatis) thường gọi ngẫu tiết

– Tua nhị sen (Stamen Nelumbinis) thường gọi liên tu là chỉ nhị của bông hoa đã bỏ phần gạo

– Gương sen (Receptaculum Nelumbinis) thường gọi liên phòng là đế của hoa đã lấy hết quả, phơi khô

– Hạt sen (Semen Nelumbinis) thường gọi là liên tử là phần màu trắng bên trong vỏ cứng của quả (hạt), sau khi đã bỏ cả chồi mầm (liên tâm)

– Tâm sen (Plumu Nelumbinis) thường gọi liên tử tâm là mầm xanh ở chính giữa mỗi hạt

Tất cả các bộ phận trên cây sen đều được dùng làm thuốc

e/ Thành phần hóa học

– Lá sen có tỷ lệ alcaloid toàn phần là 0,21 – 0,51%, có tới 15 alcaloid, trong đó chất chính là nuciferin 0,15%. Ngoài ra loại dược liệu này còn chứa roemerin coclaurin, anonain, pronuciferin, dl-armepavin, O-nornuciferin liriodnin và các acid hữu cơ, tan vitamin C. Liên diệp đem thái nhuyễn, phơi khô, dùng nấu cháo với đường cát sẽ giúp thanh nhiệt, trị say nắng, cảm sốt, hạ huyết áp, giảm cholesterol. Dịch chiết từ liên diệp thì có thể điều trị hội chứng rối loạn lipid máu, để kích thích máu lưu thông, tăng cường sức khỏe.

– Ngó sen chứa 70% tinh bột, 8% asparagin, arginin, trigonellin, tyrosinglucose, vitamin C, A, B, PP, tinh bột và một ít tanin. Ngó tươi hoặc nấu chín đều rất tốt cho sức khỏe nên thường được được sử dụng như một thực phẩm thông dụng trong chế biến các món gỏi, ăn sống, lẩu, xào…

– Củ sen chứa nhiều protein và vitamin C. Các chất hữu ích này giúp giảm nhiệt, kích thích tuần hoàn máu, làm giảm các vết thâm tím do tụ máu dưới da, tăng cường chức năng tim mạch và dạ dày.

– Tua nhị sen thì chứa nhiều tanin.

– Gương sen có 4,9% chất đạm, 9% carbohydrat, 0,6% chất béo và một lượng nhỏ vitamin C (chiếm khoảng 0,017%).

– Hạt sen chứa nhiều tinh bột (60%), đường raffinose, 2% chất béo, 1% chất đạm và có một số chất khác như phosphor 0,285%, canxi 0,089%, sắt 0,0064% và lotusine, liensinine, demethyl coclaurine, isoliensinine….

– Tâm sen có 5 alcaloid với tỷ lệ toàn phần là 0,89% – 1,06%, như liensinine, isoliensinine, neferine; motylcon, lotusine, paline. Trong liên tâm còn có nuciferin, betus (base hữu cơ) và bisclaurin (alcaloid).

f/ Thu hái chế biến

Hạt sen thường được phơi khô để tiện cho việc bảo quản

Sen thường được thu hái từ tháng 7 – 9 hàng năm. Một số bộ phận như liên nhục, liên tâm, liên diệp sẽ được phơi hoặc sấy khô để bảo quản và dùng trong thời gian dài.

2/ Công dụng của cây sen

a/ Theo y học cổ truyền: Từ xa xưa, sen đã được nhiều thầy thuốc sử dụng như một vị thuốc phòng trị bệnh hiệu quả, một thực phẩm bổ dưỡng cho con người. Tất cả các bộ phận của cây đều được y học cổ truyền “trọng dụng” và góp mặt trong nhiều bài thuốc quý. Đặc biệt, mỗi bộ phận đều có nhiều công dụng khác nhau cho sức khỏe như:

– Lá sen (liên diệp, hà diệp) có vị đắng chát, tính bình, vào kinh các kinh: tâm, tỳ, vị. Vị thuốc này có công dụng thanh thử thấp, chỉ huyết, hạ huyết áp, an thần, lợi thấp, tán ứ. Do đó, thường được dùng để chữa sốt mùa hè, say nắng, chữa ỉa chảy với liều dùng từ 12 – 20g/ ngày, dưới dạng thuốc bột, nước ép hoặc thuốc sắc.

– Ngó sen (liên ngẫu, ngẫu tiết) có vị ngọt, tính mát, vào các kinh tâm, can, tỳ. Thuốc có công dụng thanh nhiệt, thanh tả vị hỏa, lương huyết, chỉ huyết, tiêu thực, bổ tâm. Thường được dùng để chữa chảy máu cam, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, chữa sản hậu bị tổn thương sau đẻ với liều dùng: 12 – 20g/ ngày dưới dạng thuốc sắc hay dùng sống (người bệnh cũng có thể phơi khô sao thơm hoặc sao tồn tính).

– Tua nhị sen (liên tu, nhụy sen, tua sen) có vị ngọt sáp, tính bình, vào 2 kinh là tâm và thận. Thuốc có công dụng thanh tâm, bổ thận, sáp tinh, chỉ huyết nên thường được dùng để cầm máu, chữa băng lậu hay quên, thổ huyết, di mộng tinh, đái dầm, đái nhiều, trĩ, bạch đới với liều dùng từ 5 – 10g/ ngày.

– Gương sen (liên phòng) có vị đắng, tính chát ôn, vào 2 kinh là can và tâm bào. Thuốc có công dụng tiêu ứ, chỉ huyết nên thường được dùng chữa băng lậu ra máu, đi tiểu ra máu, đại tiện ra máu, đau bụng dưới do ứ huyết, đẻ xong nhau thai ra chậm với liều dùng: 8 – 12g/ ngày.

– Hạt sen (liên nhục) có vị ngọt sáp, tính bình, vào 3 kinh tâm, tỳ, thận. Thuốc có công dụng sinh dưỡng cơ nhục, bổ tâm an thần, ích tỳ sáp trường, cố tinh nên thường được dùng để chữa các chứng người gầy yếu, cơ bắp teo nhẽo, trẻ em bụng ỏng đít beo, ỉa chảy kéo dài, tâm tỳ hư mất ngủ, tâm phiền với liều dùng 12 – 20g/ ngày.

– Tâm sen (liên tâm) có vị rất đắng với tác dụng an thần, gây ngủ và hạ huyết áp. Người dùng có thể dùng với liều lượng 2 – 4g/ ngày dưới dạng thuốc hãm, uống trước khi đi ngủ. Để tăng tác dụng, có thể phối hợp liên tâm với một số vị thuốc có tác dụng an thần khác như lá vông, bình vôi, bá tử nhân…

b/ Theo y học hiện đại: Y học hiện đại cũng đã nghiên cứu và chỉ ra nhiều tác dụng của sen và các bộ phận trên cây sen với sức khỏe như:

– Làm dịu dạ dày

– Giảm bớt mất ngủ

– Giảm lượng đường huyết và cholesterol

– Giảm viêm

– Điều chỉnh huyết áp

– Trị mụn

– Làm dịu chu kỳ kinh nguyệt

– Trị ho

– Có thể tiêu diệt và làm cản trở quá trình di căn của các tế bào ung thư

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây sen

– Bài thuốc sâm linh, bạch truật tán: Chuẩn bị liên nhục, bạch biển đậu, cát cánh, ý dĩ, sa nhân mỗi vị 40g; nhân sâm, cam thảo, hoài sơn, bạch truật, bạch linh mỗi vị 80g. Đem tất cả nghiền thành bột mịn, ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 8 -12 g. Dùng liên tục 3 – 4 tuần lễ để bổ khí kiện tỳ. Người cơ thể gầy gò, ăn uống kém, đi ngoài phân sống, chân tay vô lực dùng rất tốt.

– Bài thuốc kim tỏa cố tinh hoàn: Chuẩn bị liên tu, tật lê, khiếm thực mỗi vị đều 80g; mẫu lệ, long cốt mỗi vị 40g. Nghiền nhuyễn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 16 – 20g, uống liên tục khoảng 3 – 4 tuần lễ. Bài thuốc này chữa di tinh, hoạt tinh, di niệu rất tốt.

– Chữa say nắng kèm theo miệng khát, họng khô, bụng phiền, đái ít mà đỏ: Chuẩn bị liên diệp tươi 40g, rễ sậy tươi 40g, hoa bạch biển đậu 10g. Đem tất cả cho vào nồi sắc lấy nước thuốc uống.

Lá sen tươi thường được dùng để chữa say nắng kèm theo miệng khát, họng khô, bụng phiền

– Chữa các chứng xuất huyết (trừ ứ, cầm máu): Nếu thổ huyết do táo nhiệt thì lấy liên diệp tươi 80g, sinh địa 40, lá ngải cứu tươi 24g, trắc bách diệp tươi 20g; giã vụn sau đó ngâm vào nước hoặc sắc lấy nước thuốc uống. Nếu nôn ra máu thì lấy liên ngẫu 20g, cuống sen 12g; sắc nước uống. Nếu đái dắt ra máu thì lấy liên ngẫu tươi 40g, huyết dư thán 10g, sắc lấy nước thuốc uống.

– Chữa bệnh béo phì: Lấy 1 nắm liên diệp tươi (có thể dùng liên diệp khô) thái ngắn, hãm hoặc đun với 400 – 500ml nước trong 10 – 20 phút. Mỗi sáng uống 1 ấm, uống liên tục 3 – 4 tuần để cảm nhận hiệu quả.

– Chữa chứng lao phổi ho ra máu hoặc khi nôn ra máu: Chuẩn bị liên ngẫu 20g, cỏ nhọ nồi 20g, trắc bách diệp tươi 16g, bạch cập 16g. Phơi khô hoặc sấy khô tất cả các thảo dược ở nhiệt độ thấp, nghiền thành bột mịn, thêm nước vào làm thành hoàn, mỗi hoàn 10g, ngày uống 3 viên với nước sôi để nguội.

– Chữa tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường có thể lấy liên tâm 8g, thạch cao 20g; sa sâm, mạch môn, thiên môn, bạch biển đậu, ý dĩ, hoài sơn mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa viêm mũi, ngạt mũi lâu ngày: Người bệnh lấy cánh hoa sen thái chỉ phơi khô 100g, bạch chỉ 100g. Đem cả 2 vị thuốc tán mịn, cuốn giấy như cuốn thuốc, hút phả khói ra mũi liên tục trong khoảng 1 tuần.

– Chữa sốt xuất huyết: Chuẩn bị liên ngẫu hoặc cỏ nhọ nồi 40g, liên diệp 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc lấy nước thuốc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều thì có thể tăng liều lượng của liên ngẫu và liên diệp lên 50 – 60g/ ngày.

– Chữa chứng hồi hộp, mất ngủ, đau tim (canh hạt sen, tim heo): Chuẩn bị 60g hạt sen tươi, 1 cái tim heo, 40g phòng đảng sâm. Đem hạt sen bóc vỏ ngoài và tim sen bên trong; tim heo rửa sạch, thái mỏng; dùng rượu rửa sạch phòng đản sâm, rồi thái khúc. Cho tất cả vào nồi cùng với 6 chén nước, nấu với lửa lớn cho đến khi nước sôi. Để sôi khoảng 10 phút thì hạ lửa nhỏ và nấu tiếp 2 giờ là dùng được.

Exit mobile version