1/ Cây sòi là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây sòi còn gọi là ô thụ quả, ô cửu, ô du, thác tử thụ, cửu tử thụ, mộc tử thụ. Cây có tên khoa học là Sapium sebiferum (L.) Roxb, Sapium, sebiferum (L), Roxb (Croton sebiferum L Stillingia sebifera Michx), thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae.
b/ Mô tả cây
Sòi là một cây sống lâu năm, thân nhỡ, cao chừng 4 – 6m. Thân cây có màu xám, lá mọc so le, sớm rụng cuống dài 3 – 7cm. Hai mặt lá đều có màu xanh, bông không có lông, mép nguyên, phiến lá hơi hình quả tram dài, rộng 3 – 9cm, đầu lá nhọn dài, khi còn non thì mềm và mỏng. Hoa cây sòi nở trong khoảng tháng 3 – 4, mọc thành bông dài 5 – 10cm ở kẽ lá hay đầu cành. Hoa là dạng hoa đơn tính, hoa đực phần trên của bông, có đài hình đầu phân thuỳ hoặc có răng, nhị 2, bao phấn gần hình cầu. Các bông cái xuất hiện sau, phía dưới hoa đực. Hoa cái thường có đài hợp, mỗi hoa có 2 – 3 thuỳ và nhuỵ, bầu hoa hình trứng. Cánh hoa màu trắng vàng hoặc vàng.
Mùa quả sòi thường vào tháng 9, quả hình cầu, đường kính chừng 12mm. Khi quả chín thì có màu đen tía, trên mặt có đường rãnh dọc, 3 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt hình trứng. Ngoài hạt có một lớp sáp trắng gọi là bơ sòi hay mỡ thảo mộc. Trong hạt có dầu.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây sòi mọc hoang ở khắp các vùng miền trên cả nước. Riêng tại miền Bắc và miền Trung người ta thường trồng cây để lấy lá nhuộm lụa hoặc sa tanh màu đen. Ngoài Việt Nam, cây còn mọc hoang và được trồng tại các nước khác như Trung quốc, Nhật Bản, Mỹ. Tại những nước này, cây thường được trồng để lấy hạt ép dầu. Khác với nước ta cắt nhiều lá để nhuộm nên cây thường ít quả. Ngoài ra, một số nơi còn trồng cây này để làm cảnh.
d/ Bộ phận dùng
Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt của cây sòi đều được dùng làm thuốc. Trong đó:
– Vỏ rễ được gọi là ô cửu căn bì (Radix Sapii). Đây là phần vỏ rễ cây sòi phơi hoặc sấy khô. Một số nơi dùng cả vỏ thân nhưng phần lớn chỉ dùng vỏ rễ. Các vị thuốc từ sòi thường được gọi là ô cửu chỉ vì quạ (ô) thích ăn hạt của cây này.
– Dầu hạt sòi còn được gọi là ô cửu chi, cửu chi hay bì du (Oleum apii). Đây là là hỗn hợp chất sáp bọc bên ngoài hạt và phần dầu ép từ hạt cây sòi.
e/ Thành phần hóa học
– Theo Arthur H.R. Symposium on Phtochemistry 1964, 164: trong vỏ rễ có pholoraxetophenon 2-4 dimetyl ete (một loại tinh thể không màu hình trụ), chất này có khả năng sát trùng đường ruột. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chiết được xanthoxylin C trong vỏ rễ; chất béo, vitamin Etannin, axit ellagic, axit galic, corilagin và izoquexitrozit trong lá tươi.
– Theo Pradhan B.P et al (Indian J.Chem, 1973, II, 1217-1220) trong vỏ thân cây sòi có axit sebiferic C30H48O2 và 3-4 di-o-methyllegalic axit C16H10O8.
– Từ hạt có thể triết xuất được các thành phần gồm: Lớp sáp bao bọc quanh vỏ hạt chiết bằng ete cho sáp màu trắng, hiệu suất 19 – 20%. Trong nhân dân còn có khoảng 20% dầu mỏng. Loại dầu này thường là dầu lỏng ép từ nhân hạt sòi sau khi loại bỏ lớp sáp. Hỗn hợp dầu và sáp thường chỉ được dùng trong kỹ nghệ làm nến hoặc xà phòng.
– Năm 1953, Crossley A. và Haidich T.P.J.Sei Food Agr. Br đã nghiên cứu rằng trong dầu nhân hạt sòi có chứa axit decadienoic, linoleic, limolenic và các glyxerit tripolyetenoit.
– Khô dầu sòi được nhận định là chứa rất ít chất đạm và có giá trị phân đạm kém. Nhưng đến năm 1948, Holand Br. Meink W đã phân tích thấy trong chất protit của nhân dầu có các axit amin như: xystin 1,3; lizin 1,6; histidin 2,9 và một lượng đáng kể vitamin B.
f/ Thu hái chế biến
Về thu hái và chế biến, vỏ rễ và vỏ thân cây được thu hái quanh năm, thái nhỏ và phơi khô để dùng dần. Lá thì thường được dùng tươi. Còn muốn lấy hạt thì người ta thường hái quả vào mùa thu, đặc biệt là cuối thu. Quả hát về sẽ được phơi khô, đập lấy hạt. Hạt đập được đặt trên một cái chỗ có lỗ nhỏ rồi đúng nóng để lớp sáp bọc ngoài hạt chảy ra. Sáp này để nguội, cho đông đặc lại sẽ được loại sáp thứ nhất.
Khi lớp sáp bọc ngoài hạt đã chảy hết thì đem giã nhỏ phần hạt còn lại và ép để thu được chất dầu lòng. Nếu hạt lấy được đem giã nhỏ, ép ngay thì có thể thu được bốn lớp sáp ở ngoài vỏ hạt và dầu lỏng của nhân. Tùy từng nơi mà người ta sẽ để riêng các loại dầu này hay trộn chung tất cả với nhau để sử dụng.
Ví dụng như ở Trung Quốc, sáp lấy từ lớp vỏ ngoài gọi là bì du, dầu ép được từ nhân (sau khi đã bỏ lớp sáp ở ngoài hạt đi rồi) thì gọi là cửu du hay tử du, dầu do hỗn hợp cả lớp sáp ngoài và dầu trong nhân thì được gọi là mộc du hoặc mao du.
2/ Công dụng của cây sòi
– Theo y học cổ truyền: Sòi có tính hơi ấm, vị đắng, có độc. Vị thuốc này có tác dụng giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục thuỷ, lợi niệu, thông tiện. Do đó, thường được dùng trong các bài thuốc chữa phù thũng, giảm niệu, táo bón; viêm gan siêu vi trùng; bệnh sán máng, cổ trướng, xơ gan; rắn độc cắn. Thân và lá cây thường được dùng chữa ngứa lở thấp chẩn, viêm mủ da, chai cứng….
– Theo y học hiện đại: Từ lâu vỏ rễ cây sòi đã đực dùng để chữa các bệnh bạo thuỷ, thuỷ thũng (với những triệu chứng biểu hiện như bụng đầy chướng, có trướng nước ở vùng dưới cạnh sườn, đại tiểu tiện đều khó khăn), chưng kết, tích tụ. Đến năm 1957 (Trung dược thông báo, 5/1957) đã chứng minh được các chất trong vỏ rễ cây sòi có tác dụng chữa bệnh huyết hấp trùng (Schistosomiasis) gây ra chứng bụng trướng nước, gan và lá lách sưng to, thiếu máu trầm trọng. Theo Phúc Kiến trung y dược số 8/1959, vỏ rễ có khả năng chữa bệnh viêm gan có tính chất truyền nhiễm với các triệu chứng đại tiểu tiện không thông, nước tiểu sánh ít, sườn bên phải sưng đau, hoàng đản, ăn uống kém ngon, sốt….
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây sòi
– Chữa chứng bụng trướng nước, gan và lá lách sưng to, thiếu máu trầm trọng: Có thể đào lấy rễ (có thể dùng vỏ thân, nhưng tác dụng kém hơn), loại bỏ lớp vỏ đen nâu bên ngoài và lõi, chỉ lây lấy vỏ lụa. Sau đó, dùng tươi hoặc phơi khô tán nhỏ. Liều dùng trung bình, người lớn ngày uống khoảng 10 – 12g dưới dạng thuốc bột (có thể dùng tối đa tới 50 – 60g); trẻ con dùng trung bình từ 5 – 10g (có thể dùng tới 20 – 25g). Dùng liên tục 7 – 10 ngày sẽ thấy kết quả. Nếu dùng vỏ lụa tươi thì sắc với nước để uống, liều dùng vỏ tươi gấp 3 lần liều vỏ khô hay bột vỏ khô.
– Chữa rắn cắn: Lá và rễ sòi cũng thường được dùng để chữa rắn độc cắn bằng cách lấy lá hay vỏ rễ tươi, giã lấy nước uống, bã đắp thì đem đắp lên vết rắn cắn.
– Chữa phù thũng: Lấy màng thứ nhì của rễ cây sòi 15g, đường 15g, đun sôi lấy nước uống. Nếu phù thũng, cổ trướng, ăn uống không xuôi, ứ nước hoặc bí đầy, đại tiện không thông thì lấy màng rễ sòi (lớp trắng ở trong), hạt cau, mộc thông mỗi vị 12g, sắc uống.
– Chữa ngộ độc: Lấy lá sòi 1 nắm giã nhỏ, chế nước vào, vắt lấy nước cốt uống.
– Chữa bệnh sán máng: Lá sòi 8 – 30g, sắc uống. Dùng liền trong 20 – 30 ngày sẽ thấy hiệu quả.
– Chữa bệnh ngoài da: Sáp của hạt sòi được dùng để bôi tóc và chữa một số bệnh ngoài da. Ngoài ra, nó còn có thể dùng thay bơ ca cao để chế thuốc đạn (suppositoire), dùng để chế xà phòng hoặc trộn với sáp ong làm nến.
– Chữa mụn nhọt mẩn ngứa, nước vàng chảy đến đâu mụn nhọt mọc đến đấy: Lấy dầu hạt sòi (cả lớp sáp và nhân) 100g, hồng đơn 50g, nước 100g. Cho dầu và nước vào nồi đun cho nóng rồi thêm hồng đơn vào, khuấy đều, đun sôi nước, hễ nước bốc đi thì lại thêm nước vào cho đến khi hồng đơn mất màu. Dùng cao thu được bôi lên các nốt mụn nhọt, mạch lươn trên đầu.
– Chữa bệnh thuỷ thũng, bụng trướng to, ăn uống kém ngon: Vỏ rễ cây sòi cũng được dùng làm thuốc viên để chữa bệnh bằng cách lấy lớp vỏ lụa phơi khô tán nhỏ, dùng nước cơm để viên thành từng vien bằng hạt đậu xanh. Hoặc dùng táo đen Trung Quốc, một phần táo đen nấu với 6 phần nước cho đến khi thành một thứ nước hồ nhão thì đem rây đi để loại bỏ bột. Trộn với bột vỏ rễ cây rồi viên thành viên gọi là ô táo hoàn. Tùy theo bệnh nặng nhẹ mà dùng mỗi ngày từ 10 – 20g viên thuốc nói trên, có thể dùng nước cơm hay nước cháo để chiêu thuốc.