1/ Cây trầm hương là gì?
Trầm hương là từ gỗ thân già mục của cây trầm gió (gió bầu) chuyển hóa mà thành. Hoặc có thể do một loại nấm gây nhiễm mục nát thân cây trầm gió rồi chuyển hóa tạo nên (gỗ có nhiều điểm nhựa). Cũng có giả thuyết cho rằng thân cây trầm gió bị bong tạo điều kiện cho những con ong, con kiến vào làm tổ ở đó và đưa mật về ăn. Hương mật ấy ngấm dần vào thịt của cây trầm gió và lâu ngày sẽ kết thành trầm hương….
Nguồn gốc việc hình thành trầm hương vẫn chưa được xác định rõ. Hiện nay người thu trầm mới chỉ biết rằng câ càng giá (10 – 20 năm tuổi hoặc lâu hơn nữa) thì gỗ sẽ biến thành một chất bóng như đá sỏi. có những vết ngăn, gồ ghê trông như cánh của loài chim ừng (do đó còn có thên gọi là gỗ chim ưng – bois d’aigle). Tuy nhiên, cũng có những mẫu gỗ không có những đặc điểm nêu trên mà chỉ có một màu nâu đỏ đều hoặc những điểm lam nhạt.
Trầm hương có hình dáng và kích thước không nhất định. Có khi trầm là miếng gỗ; có khi lại như miếng gỗ đã mục, mặt ngoài màu vàng nâu; có khi là những cục hình trụ, hai đầu có vết như dao cắt, thường dài l0cm, rộng từ 2 – 4cm; có khi có những vết dọc sẫm màu, chất cứng nặng. Khi cắt ngang có thể thấy rõ những đám nhựa màu đen hay đen nâu, mùi thơm đặc biệt (đặc biệt là khi đốt lên).
a/ Tên khoa học, tên khác
Trầm hương còn được gọi là trầm, kỳ nam, kỳ nam hương, trà hương, gió bầu, trầm gió. Cây có tên khoa học là Aquilaria crassna Pierre ex Lecomte, thuộc họ khoa học là họ Trầm – Thymelaeaceae.
b/ Mô tả cây
Trầm hương là một loại cây gỗ to. Mỗi cây có thể cao tới 30 – 40m, vỏ màu xám tro, xơ. Lá trầm mọc so le, hình thuôn, cả cuống và đầu lá đều nhọn, dài 8 – 10cm, rộng 3,5 – 5,5cm. Phiến lá mỏng, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới màu xanh nhạt hơn, lá có lông. Cuống lad dài khoảng 4 – 5mm cũng có lông, mặt trên hình thành các rãnh. Hoa màu trắng tro, mọc ở kẽ lá, hình tán hay chùm. Quả nang hình quả lê, có lông, dài 4cm, rộng 3 cm, phía dưới có chu tính (perigone) đồng trưởng. Vỏ quả nứt thành 2 mảnh, xốp, chứa 1 hạt. Hạt này gồm một phần trên hình nón, phía dưới dài cùng một kích thước, vở ngoài cứng, phía trong mềm.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Trầm hương thường mọc hoang ở những vùng đồi núi thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hội An (Đà Nẵng), Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh thuộc miền Nam Bộ nước ta. Hiện ở nhiều tỉnh đã có những vùng trồng trầm nhỏ lẻ để khai thác dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, cây trầm cũng mọc nhiều ở Campuchia, Ấn Độ hay xuất hiện ở một số tỉnh miền Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Hài Nam. Tuy nhiên, do cách thu hái, vùng trồng nên mỗi loại trầm hương thường có phẩm chất khác nhau. Ví dụ như Trung Quốc thường nhập trầm hương của cả Việt Nam và Ấn Độ nhưng vẫn quý loại trầm hương có nguồn gốc từ nước ta hơn.
d/ Bộ phận dùng
Y học thường dùng gỗ thân của cây trầm gió, tên khoa học là Lignum Aquilariae Resinatum với tên thuốc là trầm hương. Đông y phân loại trầm tốt xấu bằng cách: Nếu cho vào nước, trầm chìm xuống tận đáy là loại trầm tốt nhất (thường được gọi nhiều hơn bằng cái tên kỳ nam hoặc kỳ nam hương). Nếu bỏ vào nước mà lơ lửng, không nổi cũng không chìm thì là trầm loại 2; còn nếu nổi hẳn trên mặt nước thì là trầm loại 3.
Theo một số nhà nghiên cứu về trầm, dù đều bắt nguồn bởi gỗ của cây trầm gió nhưng tùy vào lượng nhựa được tẩm vào các thớ gỗ mà trầm hương có công dụng và giá trị khác nhau. Hiện Đông y thường dùng trầm loại 2 hoặc loại 3 để làm thuốc vì trầm loại 1 có giá rất cao. Có thể gấp 20 – 30 lần.
e/ Thành phần hóa học
Loại trầm hương tốt sẽ có khoảng 40 – 50% thành phần tan trong nước. Nếu xà phòng hoá bằng KOH rồi cất hơi nước thì sẽ thu được chừng 13% tinh dầu.
Tinh dầu trầm hương có thành phần chủ yếu là metoxybenzylaxeton 53%, benzylaxcton-C6H5CH2-COCH3 26% và tecpen ancol 11%. Ngoài ra, người ta còn thu được axit xinamic và các dẫn xuất của nó.
f/ Thu hái chế biến
Người ta thường thu hoạch trầm ở những cây có tuổi thọ từ 10 đến 20 năm. Nhất là những cây già bị nhiễm bệnh và xuất hiện nhiều u bướu và mắt trên thân cây. Trầm hương khi lấy tại cây sống sẽ được gọi là trầm sinh, thu ở cây đã bị mục hoặc đẵn đổ là trầm rục. Đôi khi, lớp gỗ bao quanh khúc trầm cũng có mùi trầm hương sẽ được thu hoạch với tên gọi tốc trầm.
Chất trầm hương thường rắn chắc nặng, bóng, có màu cánh gián hoặc nâu đen. Như đã nói ở trên, trầm hương còn được phân loại thành trầm và kỳ nam tùy theo chất lượng và kỳ nam là loại tốt nhất. Riêng kỳ nam lại được chia thành nhiều loại khác nhau như kỳ nam loại 1 là bạch kỳ nam (màu trắng), kỳ nam loại 2 là thanh kỳ nam (màu xanh), kỳ nam loại 3 là huỳnh kỳ nam (màu vàng), kỳ nam loại 4 là hắc kỳ nam (màu đen)….
2/ Công dụng của cây trầm hương
– Theo y học cổ truyền: Trầm hương có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, vào kinh tỳ, vị và thận, khí giáng xuống (chìm xuống). Vị thuốc này giúp bổ thận khí, bổ nguyên dương, trợ sức cho công năng của tỳ thận. Ngoài ra, nó còn có tác dụng mạnh tim, trợ tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn, chữa bí tiểu tiện. Nó cũng rất hay được dùng trong trường hợp hen suyễn thở dốc và còn có tác dụng giảm đau, trấn tĩnh. Tuy nhiên, người có chứng âm hư hỏa vượng (đang sốt, khô gầy) thì tuyệt đối không được dùng trầm.
– Theo y học hiện đại: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong thực nghiệm sản phẩm chưng cất và dạng chiết trầm hương có tác dụng chống co thắt cơ trơn do histamin và acetylcholin gây ra và ức chế sự co bóp tự chủ của hồi tràng. Ngoài ra, nó có tác dụng làm giảm biên độ co bóp của ruột khi tiêm acetylcholine. Đồng thời, chiết xuất từ trầm cũng làm giảm nhu động tự nhiên của ruột.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây trầm hương
Với liều dùng hàng ngày, người bệnh có thể lấy 2 – 4g trầm hương dùng dưới dạng thuốc bột, rượu ngâm hoặc mài nước uống (trong trường hợp cấp cứu). Ngoài ra, có thể phối hợp trầm hương với các vị thuốc có công dụng tương tự như:
– Trị chứng xúc động mạnh gây khó thở: Chuẩn bị bột trầm hương và nhân sâm mỗi loại 8g, đem hãm với một chén nước sôi trong khoảng 10 phút, lấy nước để uống. Bài thuốc này rất hiệu nghiệm với những trường hợp bị xúc động mạnh, khí nghịch lên trên gây khó thở. Nếu xúc động tinh thần, khí dồn lên gây thở gấp, buồn bực không ăn uống được thì có thể lấy trầm hương, nhân sâm, hạt cau, ô dược mỗi vị đều 6g sắc uống.
– Trị chứng nấc, nôn ói: Chuẩn bị bột trầm hương, nhục đậu khấu, hạt tía tô mỗi vị 8g. Cho tất cả các vị thuốc vào nước sôi hãm uống như bài thuốc trên. Thuốc có tác dụng trị chứng nấc, nôn ói do bị lạnh, khí nghịch. Hoặc có thể lấy trầm hương, hạt tía tô, nhục đậu khấu, lượng bằng nhau, mỗi vị 4 – 6g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc để uống.
– Chữa hen khí quản: Chuẩn bị trầm hương 1,5g, trắc bách diệp 3g. Đen cả 2 vị tán bột và uống trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, cần lưu ý là người âm hư hoả vượng không nên dùng.
– Bài thuốc hỗ trợ nam giới: Chuẩn bị bột trầm hương, quế nhục, nhân sâm, ngũ vị tử và chích thảo (cam thảo đã sao) đem hãm với nước sôi để uống. Bài thuốc này rất tốt cho những trường hợp nam giới tay chân thường xuyên lạnh, bị lạnh ở bụng dưới, khả năng sinh dục suy yếu.