1.Sơ lược về cây thuốc
Tên gọi và nguồn gốc
Còn có tên gọi khác là Vân quy, Tần quy.
Tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv.) Diels, (Angelica polymorpha Maxim. Var. Sinensis Oliv).
Thuộc họ hoa Tán apraceae (Umbelliferae).
Đương quy (Radix Angelicae sinensis) là rễ phơi hoặc sấy khô của cây đương quy.
Đương có nghĩa là “nên”, quy có nghĩa là “về”. Vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ do đó có tên như vậy.
Mô tả cây
Đây là một giống cây thân nhỏ, sống lâu năm, chiều cao chừng 40 – 80cm, thân có màu tím, xuất hiện những rãnh dọc trên thân cây. Lá mọc theo hình so le, có từ 2 – 3 lần kép lông chim, cuống dài từ 3 – 12cm. Có 3 đôi lá chét, đôi lá chét trên đỉnh không có cuống, đôi lá chét dưới đỉnh có cuống dài. Lá chét lại xẻ 1 – 2 lần nữa, ở mép có răng cưa, phía dưới cuống phát triển dài gần ½ cuống, ôm lấy thân cây. Hoa nhỏ, có màu xanh trắng. Hoa hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12 – 40 hoa. Quả bế có rìa màu tím nhạt. Ra hoa vào tháng 7 – 8.
Phân bố
Hiện nay ở nước ta vẫn phải thu nhập vị thuốc này ở Trung Quốc và Triều Tiên. Ở nước ta đã nhiều lần thí nghiệm trồng nhưng mới thành công trong phạm vi nhỏ ở Sapa (Lào Cai), chưa được trồng rộng rãi trên các tỉnh thành khác.
Gần đây nhất, ở vùng đồng bằng quanh Hà Nội đã thử nghiệm trồng thành công vị thuốc này do lợi dụng thời tiết lạnh của mùa rét. Tuy nhiên chất lượng sản phẩm có sự khác biệt.
Tại Trung Quốc, đương quy được trồng nhiều ở các tỉnh Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam, Thiểm Tây.
Bộ phận sử dụng làm thuốc
Rễ đã phơi hay sao khô
Thu hái và chế biến
Hằng năm, vào mùa thu là thời điểm gieo hạt. Cuối thu, đầu đông nhổ cây con cho vào hố ở dưới đất cho qua mùa đông. Qua mùa xuân lại trồng, đến mùa đông lại bảo vệ. Đến mùa thu năm thứ 3 có thể thu hoạch. Đào rễ về cắt bỏ phần rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào trong thùng, sấy nhỏ lửa, cuối cùng phơi trong mát cho khô.
Có ba cách chế biến đương quy và chia đương quy ra thành ba loại như sau:
Quy đầu: là lấy phần phần rễ chính và một bộ phận cổ rễ
Quy thân hay quy thoái: là lấy phần rễ dưới của rễ chính hoặc là rễ phụ lớn
Quy vĩ: lấy phần rễ phụ nhỏ
Ngoài ra còn có Toàn quy: Là toàn bộ rễ cái và rễ phụ.
Trên thị trường phân biệt ra quy đầu, quy thân, quy vĩ nhưng Đông y cho rằng tính chất của mỗi bộ phận khác nhau nên hiện tại Trung Quốc đã đơn giản bớt đi và phần lớn thị trường trong nước cũng như xuất khẩu không còn phân biệt ba loại này nữa.
Thành phần hóa học
Trong Đương quy có chứa tinh dầu. Có tác giả đã xác định tỷ lệ dầu là 0,2%, tinh dầu có tỷ trọng 0,955 ở 15̊C, màu vàng sẫm, trong. Tỷ lệ axit tự do trong tinh dầu chiếm tới 40%, thành phần chủ yếu của tinh dầu giống tinh dầu của Đương quy Nhật Bản. Ngoài ra còn chứa nhiều vitamin khác.
Tác dụng dược lý
Đương quy đã được nghiên cứu về mặt dược lý từ lâu. Sau đây là một số tác dụng chủ yếu:
Tác dụng trên tử cung và các cơ trơn: Một loại gây kích thích và một loại gây ức chế.
Theo Schmidt, Y Bác An và Trần Khắc Khôi (1924 chinese Med.J.38:362) thì hoạt chất chiết từ toàn bộ vị đương quy (dùng nước đun sắc hoặc rượu nhẹ độ thấm kiệt), tiêm cho chó đã gây mê (tĩnh mạch) thì thấy đối với tử cung 10 con không có chửa có 37,5% hiện tượng co, đối với chó có chửa hoặc đẻ không lâu thì 100% hiện tượng co tử cung. Đối với các cơ quan có cơ trơn khác như ruột, bàng quang cũng có hiện tượng đó. Đồng thời huyết áp hạ thấp và có tác dụng lợi tiểu (do tỷ lệ sacaroza cao trong thuốc). Nếu như dùng tinh thể (Không có tính chất bay hơi, không có đường và kiềm tính) chiết từ đương quy ra để tiêm vào tĩnh mạch thỏ thì cũng thấy sức co bóp của tử cung tăng mạnh nhưng huyết áp không hạ thấp mà lại tăng cao. Nếu dùng tinh thể nói trên pha với dung dịch Ty rốt thành 1/2.000.000, rồi thí nghiệm trên tử cung cô lập của thỏ thì cũng thấy hiện tượng co bóp kéo dài. Dung dịch pha loãng 1/100.000 cũng làm cho mẩu ruột cô lập của thỏ co bóp mạnh. Các tác giả cho rằng tính kích thích này do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn.
Tác dụng trên hiện tượng thiếu vitamin E.
Theo Nghê Chương Kỳ (1941. Chinese J. physiol. 16; 373) dùng thức ăn thiếu vitamin E nuôi chuột từ 2 – 5 tháng, 100% chuột bị bệnh thiếu vitamin E với những bệnh ở tinh hoàn; nếu thêm vào thức ăn 5 – 6% đương quy thì 385 chuột không có những triệu chứng thiếu vitamin E nữa. Các vị thuốc dâm dương hoắc, đan sâm, tục đoạn và xuyên khung cũng có tác dụng tương tự. Nghê Chương Kỳ suy luận rằng nhân dân sơt dĩ dùng đương quy làm thuốc an thái phải chăng có quan hệ tới loại tác dụng này?
Tác dụng trên trung khu thần kinh.
Theo sự nghiên cứu của một tác giả Nhật Bản (Tửu tinh hòa thái lang, 1933), tinh dầu của đương quy có tác dụng trấn tính hoạt động của đại não. Lúc đầu thì hưng phấn ở trung khu tủy sống, sau tê liệt, đưa đến huyết áp thấp, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, mạch đập chậm lại và có hiện tượng co quắp. Nhưng nếu tiêm dưới da thỏ thì các hiện tượng trên không rõ rệt, chỉ thấy liệt hô hấp trước sau đó mới liệt tim.
Tác dụng trên huyết áp và hô hấp.
Theo Theo Schmidt, Y Bác An và Trần Khắc Khôi (1924 chinese Med.J.38:362) tinh dầu của đương quy có tác dụng hạ huyết áp nhưng thành phần không bay hơi của đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao. Lưu Thiệu Quang, Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức (1935 Trung hoa y học tạp chí 21:611) đã theo dõi tác dụng của tinh dầu đương quy trên thỏ, mèo, chó đối với huyết áp và hô hấp thì thấy tùy theo liều lượng lớn, nhỏ tinh dầu vào mạch máu mà tác dụng có khác nhau.
Với liều nhỏ: Huyết áp hơi hạ thấp, hô hấp hơi bị kích thích hoặc bị ảnh hưởng rất ít.
Với liều lượng trung bình: Huyết áp hạ thấp nhiều hơn, hô hấp khó khăn.
Với liều lớn: Huyết áp hạ rất mạnh, hô hấp khó khăn rõ rệt, cuối cùng hô hấp ngừng lại gây chết.
Tác dụng làm hô hấp khó khăn đối với thỏ ít hơn so sánh với mèo và chó, cho nên có thể nói độ độc lập của đương quy đối với huyết áp hay hô hấp rất thấp.
Tác dụng trên cơ tim.
Theo Ngụy Liên Cơ (1950 sinh lý học báo 20 (2); 105 – 110 – Trung Văn) thì tác dụng trên tim của đương quy giống tác dụng của quinidine. Thành phần chủ yếu có tác dụng này nằm trong phần tan trong ete etylic.
Tác dụng kháng sinh
Năm 1950, Lưu Quốc Thanh đã báo cáo nước sắc đương quy có tác dụng kháng sinh đối với trực trùng lỵ và tụ cầu trùng.
2.Công dụng và liều dùng
Công dụng
Theo Đông y, đương quy có vị ngọt, cay, tính ôn. Vào 3 kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều tiết, thông kinh. Được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh phụ nữ như rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ, chảy máu tử cung, đau bụng sau đẻ. Đồng thời được sử dụng làm thuốc bổ và điều trị một số bệnh như huyết áp thấp, thiếu máu, suy nhược cơ thể. Hỗ trợ điều trị tiêu hóa kém, táo bón hoặc đau xương khớp, phong thấp.
Liều dùng
Ngày uống 6 – 15g dưới dạng thuốc sắc để chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng (Uống trước khi có kinh 7 ngày).
Đối tượng sử dụng
- Người thiếu máu, da tái xanh
- Người khí và huyết đều kém, người mệt mỏi, da xanh xao
- Người gầy yếu, kém ăn, kém ngủ, khám không ra bệnh
- Phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh
- Phụ nữ sau sinh
- Người bị huyết áp thấp
- Người bị táo bón
- Người phong tê thấp, đau nhức xương khớp
3.Một số bài thuốc từ Đương quy
Bài thuốc chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau ở rốn, đẻ xong máu hôi chảy mãi không ngừng
Đương quy, thục địa (hay sinh địa) mỗi vị 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g. Cho vào 600ml nước. Sắc đến khi còn 200ml nước thì có thể uống. Ngày uống 3 lần.
Đối với phụ nữ sau khi đẻ lắm bệnh người ta thường dùng bài thuốc trên kết hợp với hắc can khương, hắc đậu (đậu đen), trạch lan, ngưu tất, ích mẫu, bồ hoàng.
Bài thuốc chữa bệnh phụ nữ sau khi đẻ thiếu máu, thuốc bổ huyết
Đương quy 7g, quế chi, sinh địa, đại táo mỗi vị 6g, thược dược 10g, đường phèn 50g. Cho vào 600ml nước sắc còn 200ml nước thì uống. Ngày uống 3 lần.
Bài thuốc trị khó đẻ, nguôi thai ngược
Đương quy 20g, nhân sâm, xuyên khung mỗi thứ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc trị sau đẻ huyết thượng hành công tim
Đương quy 16g, ích mẫu, ngưu tất mỗi thứ 14g, hồng hoa 12g, bồ hoàng 10g.
Bài thuốc trị phụ nữ huyết bế khó có con
Đương quy 16g, địa hoàng 14g, bạch giao, tục đoạn mỗi vị 8g, thược dược, đỗ trọng mỗi vị 12g,
Bài thuốc trị chứng táo nhiệt, mặt, mắt đỏ, mạch hồng đại hư
Đương quy (rửa rượu) 8g, hoàng kỳ (nướng mật) 40g. Cho vào 3 bát nước, sắc đến khi còn 1 bát thì uống. Ngày uống 2 lần, uống ấm, lúc bụng đói.
Bài thuốc cho phụ nữ có thai, đái khó
Đương quy, khổ sâm, xuyên bối mẫu liều lượng bằng nhau. Nghiền nhỏ, viên với mật ong to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 3 viên, sau tăng dần đến 10 viên.
Bài thuốc cho phụ nữ mang thai bị đau bụng
Đương quy 120g, thược dược 600g, phục linh, bạch truật mỗi thứ 160g, trạch tả 300g, xuyên khung 120g. Tất cả tán thành bột mịn, cho vào lọ, dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê cùng với nước pha rượu.
Bài thuốc cho phụ nữ có thai không bệnh, khi đẻ được dễ dàng, sau đẻ phòng ngừa nhiều bệnh
Đương quy, xuyên khung, thược dược, hoàng cầm mỗi vị đều 600g. Tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 1 thìa cà phê.
Bài thuốc chữa bệnh chảy máu cam không ngừng
Đương quy sao khô tán nhỏ. Mỗi ngày dùng 2- 3 lần. Mỗi lần dùng 4g. Dùng nước cháo mà chiêu thuốc.
Bài thuốc chữa mất ngủ, nhức đầu, ngủ hay mê
Đương quy 100g; viễn chí, xương bồ, đởm tinh, thiên trúc hoàng, long cốt, hổ phách, chu sa mỗi vị 40g; táo nhân, ngũ vị, ích trí nhân, bá tử nhân mỗi thứ 60g; khởi tử, nhục thung dung, hồ đào nhục mỗi vị 80g. Tất cả tán thành bột, thêm mật ong vào viên thành viên, mỗi viên nặng chừng 4g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên. Uống liên tục 15 ngày.
Bài thuốc chữa các chứng tý (tê, đau)
Đương quy 12g, thương thuật, ngưu tất mỗi thứ 10g, quế chi 8g, cúc hoa 6g. Cho vào 3 bát nước, sắc đến khi còn 1 bát thì uống. Ngày uống 2 lần, trước khi đi ngủ.
Bài thuốc trị sốt rét lâu không khỏi
Đương quy, miết giáp mỗi thứ 12g, ngưu tất 10g, quất bì 6g, sinh khương (gừng sống) 3 lát. Cho vào 3 bát nước, sắc đến khi còn 1 bát thì uống. Ngày uống 2 lần, trước khi đi ngủ.
Bài thuốc trị ra mồ hôi trộm
Đương quy 12g, hoàng kỳ 10g, sinh địa, thục địa, hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá mỗi thứ 6g. Sắc như bài trên.
Bài thuốc trị bại liệt tứ chi và đau cột sống
Đương quy 40g, tục đoạn, đỗ trọng, độc hoạt, chỉ xác mỗi thứ 12g, lưu kỳ nô 8g, tế tân, cam thảo 4g. Cho vào 300ml nước, sắc đến khi còn 100ml thì uống. Ngày uống 2 lần sáng, tối.
Bài thuốc trị bệnh động mạch vành
Đương quy 10g, ngó sen 15g, sơn tra 90g, rễ hành 6g. Cho vào nồi với nước, nấu thành canh uống. Ngày uống 2 lần sáng và tối.
4.Một số thông tin khác về Đương quy
Trong Đông y phân biệt quy đầu, quy thân, quy vĩ có tác dụng khác nhau. Gần đây người ta cũng đã chứng minh tỉ lệ tinh dầu ở các bộ phận khác nhau có sự khác nhau.
Theo quan niệm của một số thầy thuốc xưa, Hoàng Cung Tú cho biết: Quy đầu có tác dụng cầm máu đi lên, quy thân thì nuôi huyết ở trung bộ, quy vĩ thì phá huyết đi xuống dưới. Toàn quy thì hoạt huyết. Quy vị cay thì hay tán, người nào hư, hỏa thịnh nên kiêng; vị ngọt thì ủng tắc, người nào tỳ vị hư hàn chớ dùng, thẻ nhuận tinh hoạt, người nào tiết tả nên kiêng.
Một thầy thuốc cổ khác là Chương Sơn Lôi cho biết: Quy thân chủ thủ có công bồi dưỡng, quy vĩ chủ thông có công trục ứ. Quy đầu có tính đi lên trên chữa những chứng tiện huyết, niệu huyết (tiểu tiện ra máu).
Tên khoa học của Đương quy mới được các nhà dược học và thực vật học Trung Quốc xác định lại gần đây. Theo tài liệu cũ, tên khoa học của vị thuốc này rất phức tạp, như ở huyện Nga My tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) dùng vị tiền hồ (Peucedanum decursivum Maxim.) làm đương quy. Có nơi lại dùng rễ của cây Angelica miqueliana Maxim và cây Angelica grosserrata Maxim làm đương quy.
Ngay tại Việt Nam, ở Lạng Sơn, ta vẫn thu mua vị tiền hồ với tên nam đương quy để dùng và bán sang Trung Quốc.