Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Giảm đau đầu, đau nhức xương khớp bằng xuyên khung

1/ Cây xuyên khung là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Xuyên khung còn gọi là sang sông (hmông), khung cùng. Cây có tên khoa học là Ligusticum wallichii Franch, họ hoa tán – Umbelliferae (Apiaceae).

Ngoài ra, trong các tài liệu y học, vị thuốc xuyên khung còn được gọi với các tên khác như: hương thảo (Ngô Phổ Bản Thảo), tước não khung, kinh khung (Bản Thảo Đồ Kinh), quý cùng (Trân Châu Nang), sơn cúc cùng (Tả Truyền), hồ cùng, mã hàm khung cùng (Biệt Lục), phủ khung (Đan Khê Tâm Pháp), tây khung (Cương Mục), cửu nguyên xuẩn, xà hưu thảo, đỗ khung, dược cần, kinh khung, xà ty thảo (Hòa Hán Dược Khảo), đài khung (Bản Thảo Mông Thuyên), giả mạc gia (Kim Quang Minh Kinh).

b/ Mô tả cây

Xuyên khung thuộc nhóm cây thân thảo, sống lâu năm. Thân cây mọc thẳng, mặt ngoài có đường gân dọc, trong ruột rỗng. Lá cây mọc so le, kép 2 – 3 lần, lá chét có 3 – 5 đôi, cuống lá dài, phiến rách sâu. Khi dùng tay vò nhẹ thì thấy có mùi thơm, cuống dài 9 – 17cm, phía dưới ôm lấy thân. Hoa nhỏ, có màu trắng, họp thành tán kém, cuống tán phụ ngắn chừng 1cm. Quả là quả song bế, hình trứng.

Xuyên khung còn được gọi là hương thảo, kinh khung, tước não khung

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Một số tỉnh của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu là nơi có sản lượng xuyên khung đặc biệt nhiều. Ở nước ta, xuyên khung đã được di thực vào từ nhiều năm. Tuy nhiên, trước đó có đồng bào tại Sapa (Lào Cai) cho rằng cây đã mọc ở tỉnh này từ trước.

Hiện cây bắt đầu được trồng trên quy mô lớn. Cây ưa những vùng có khí hậu mát như Sapa, nhất là chỗ đất tốt, nhiều mùn, có pha cát, cao ráo. Cây cũng đã được trồng thí nghiệm tại đồng bằng chưa thành công. Người ta trồng cây thuốc này bằng mắt cắt ở thân ra, mỗi bên mắt để chừng 1cm. Cũng có thể trồng bằng mẩu rễ nhưng kinh nghiệm cho thấy trồng bằng mắt thì củ mới thành các khối tròn.

Mùa trồng tốt nhất thường là cuối xuân. Nếu trồng quá muộn, cây sẽ không kịp tốt và khỏe trước khi mùa đông tới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Cây trộng được khoảng 2 năm thì bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất là khoảng 2 tấn củ khô/ một hecta.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng là củ (còn gọi là thân rễ) phơi hoặc sấy khô của cây xuyên khung (Rhizoma ligustici Wallichi).

Củ xuyên khung thường như nắm tay, đường kính 3 – 6cm hoặc hơi to, có mấu không đều, nhăn. Mặt ngoài có màu nâu vàng, có nhiều vết hình tròn lõm, bướu nhỏ vết của rễ và các mấu vòng tròn hơi lồi. Chất củ chứng, vết vỏ không phẳng, màu xám hoặc trắng ngà, có vằn tròn và chấm điểm đầu nhỏ màu vàng. Khi ngửi thấy có mùi thơm đặc biệt, mùi nồng, nếm thấy vị cay đắng, tê lưỡi. Xuyên khung tốt là những củ to, vỏ ngoài đen vàng, không thối nát, chắc, nặng, thái ra thì thấy lát màu vàng trắng.

Bộ phận chính dùng làm thuốc là củ xuyên khung

e/ Thành phần hóa học

Có nhiều cuốn sách về y, được có nhắc đến thành phần hóa học của xuyên khung. Cụ thể:

– Trong Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam vị thuốc này có Acid C10H10O4 với tỉ lệ chừng 0.02%, gần giống Acid Ferulic trong A ngùy; Ancaloid dễ bay hơi, công thức C27H37N3. Ngoài ra còn có một chất có tính chất Phenola với công thức C23H44O4 hoặc C24H46O4, độ chảy 108 độ và một chất trung tính có công thức C26H28O4, nóng chảy ở 98 độ, dầu bay hơi, saponin, 3 chất kết tinh trong đó có Perlolyrine.

– Trong Bắc Kinh Chế Dược Công Á Nghiên Cứu Sở, Trung Dược Thông Báo 1980, 15 (10): 471 thì Ligusticum wallichii Franch có thành phần gồm: Chuanxiongzine, Perlolyrine, Tetramethylpyrazine, 1-5-Hydroxymethyl-2-Furyl-9H-pyrido [3,4-b] Indole

– Theo Wang Pnshan và cộng sự, Phytochemistry 1984, 23 (9): 2033, vị thuốc này gồm các chất như Ligustilide, Wallichilide, 3-Butylidene-7-Hydroxyphthalide, 3-Butylidenephthalide.

– Theo Vương Tăng Hỷ, Trung Thảo Dược 1985, 16 (5): 237 xuyên khung chứa 4-Hydroxy-3-Methoxy styrene, Hydroxybenzoic acid, 1-Hydroxy-1-3-Methoxy-4-hydroxyphenyl ethane, Vanilic acid, Coffeic acid, Protocatechuic acid.

 f/ Thu hái chế biến

Củ xuyên khung đào về cắt bỏ cọng và rễ nhỏ, rũ sạch đất cát, phơi khô chỗ thoáng gió. Nếu sấy thì phải sấu ở nhiệt độ thấp cho đỡ bay mất tinh dầu.

Khi dùng thì lấy xuyên khung khô ngâm nước 1 giờ, ủ kín khoảng 12 giờ cho củ mềm ra, thái từng lát dầy 1mm rồi phơi khô. Để làm xuyên khung ngâm rượu thì thái củ thành từng lát mỏng, ngâm với rượu theo tỷ lệ 640g củ với 8 lít rượu. Sau đó sao hơi đen, lấy ra để nguội.

Trong Đông Dược Học Thiết Yếu có hướng dẫn cách chế biến xuyên khung là ngâm nước rồi gạn đi, sau đó ủ lại cho mềm rồi mới thái phiến, phơi khô để dùng sống hoặc ngâm rượu để dùng.

Trong Phương Pháp Bào Chế Đông Dược lại hướng dẫn đem củ rửa sạch, ủ 2 – 3 ngày cho đến khi mềm. Nếu củ nào chưa mềm thì ủ lại, không nên đồ vì dễ bị nát và bay hết tinh dầu. Sau đó thái lát hoặc bào mỏng 1 – 2mm, phơi khô hoặc sấy nhẹ lửa. nếu dùng sống thì sau khi thái có thể sao qua cho thơm hoặc phơi khô rồi tẩm rượu 1 đêm và sao sơ.

Xuyên khung được bào chế đơn giản bằng cách cắt bỏ cọng và rễ nhỏ, rũ sạch đất cát rồi phơi khô

2/ Công dụng của cây xuyên khung

– Theo y học cổ truyền: Xuyên khung vị cay, tính ôn; vào 3 kinh can, đởm và tâm bào. Vị thuốc này có tác dụng khu phong táo thấp, hành khí hoạt huyết. Dùng cho các trường hợp đau quặn bụng, ngực bụng đầy trướng, đau dạ dày, đau đầu và vùng hạ sườn, bế kinh, thống kinh, đầu nhức mắt hoa, bán thân bất toại, chân tay co quắp, huyết áp cao, phụ nữ sau khi sinh nở bị rong huyết mãi không ngừng

– Theo y học hiện đại: Nhiều tác giả đã tiến hành nghiên cứu tác dụng dược lý của xuyên khung. Và tìm thấy một số tác dụng chính lên hệ thần kinh, hệ tuần hoàn. Vị thuốc này cũng có tác dụng kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng như vi trùng sinh mủ, thổ tả, vi trùng thương hàn, phó thương hàn, vi trùng lỵ Sonner….

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây xuyên khung

Xuyên khung được dùng trong nhiều trường hợp bệnh với liều dùng phổ biến là ngày dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay ngâm rượu. Tuy nhiên, cần lưu ý là những trường hợp người âm hư hoả vượng, kinh nguyệt quá nhiều, đang mắc các chứng bệnh có khả năng gây xuất huyết dưới da và nội tạng cần thận trọng, không được dùng. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ xuyên khung mà mọi người nên tham khảo để áp dụng khi cần thiết.

– Chữa nhức đầu, chóng mặt: Xuyên khung 3g, hương phụ 3g, tế tân 2g. Cho tất cả vào nồi với 300ml nước, sắc còn 100ml. Chia thành 3 lần uống trong ngày.

– Chữa thiên đầu thống, ngạt mũi, mắt mờ: Người bệnh nên chuẩn bị xuyên khung 12g, kinh giới 12g, khương hoạt 6g, bạch chỉ 6g, bạc hà 24g, phòng phong 4g, tế tân 3g. Đem các vị trên tán nhỏ, ngày uống hai lần, mỗi lần uống 6g bột. Nên dùng nước chè mà chiêu thuốc.

– Chữa thiên đầu thống, phụ nữ sau khi đẻ nhức đầu: Nên áp dụng bài Độc vị xuyên khung tán bằng cách lấy xuyên khung tán nhỏ. Ngày uống hai lần, mỗi lần uống 4 đến 6g. Dùng nước chè mà chiêu thuốc.

Xuyên khung chữa thiên đầu thống, phụ nữ sau khi đẻ nhức đầu hiệu quả

– Trợ dương, ích khí, giải biểu: Chuẩn bi xuyên khung 4g, gừng nướng 4g, hoàng kỳ 8g, nhân sâm 4g, thược dược 4g, quế chi 4g, thục phụ tử 4g, tế tân 4g, khương hoạt 4g, phòng phong 4g, đại táo 2g, cam thảo 2g. Cho tất cả các vị thuốc trên vào nồi sắc uống.

– Trừ phong, giảm đau: Người bị ngoại cảm phong tà, đau khớp do phong thấp, gân co rút nên áp dụng bài thuốc gồm xuyên khung 6g, bạch chỉ 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g, khương hoạt 8g, tế tân 3g, bạc hà 6g, cam thảo 4g. Đem tất cả nghiền thành bột. Mỗi lần lấy 4g, chiêu với nước chè để uống hoặc sắc uống. Bài thuốc này cũng trị đau đầu do phong hàn và trị đau đầu, váng đầu sau phẫu thuật rất tốt.

– Trị đau đầu do phong nhiệt: Có thể lấy xuyên khung 6g, cương tằm 6g, thạch cao sống 12g, cúc hoa 12g. Nghiền thành bột mịn hoặc sắc uống.

– Chữa chứng đau nửa đầu (hội chứng migraine): Dùng bài thuốc Xuyên khung tán bằng cách đem vị thuốc này tán mịn. Uống ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 6g, với nước sôi và chút rượu. Bài thuốc này cũng dùng được cho hầu hết các chứng đau đầu.

– Hỗ trợ điều trị các bệnh lý về mạch máu thần kinh: Thịt lợn hầm xuyên khung, bán hạ: thịt lợn nạc 60g, xuyên khung 12g, bán hạn chế 12g, bạch biển đậu sao 20g. Dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã. Đem nước thuốc nấu với thịt nạc, thêm muối gia vị vừa ăn. Ngày ăn 1 lần. Dùng cho các bệnh nhân đau đầu do tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch và do.

– Trị cơ thể và các khớp đau nhức: Có thể dùng bài Xuyên Khung Trà Điều Tán – Cục phương gồm các vị xuyên khung 6g, bạc hà 6g, tế tân 4g, khương hoạt 8g, bạch chỉ 12g, phòng phong 12g, kinh giới 12g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Trị tửu tích, hông sườn trướng, ói mửa, bụng có nước: Lấy xuyên khung 40g, tam lăng 40g. Đem cả 2 vị thuốc tán bột. Mỗi lần uống khoảng 8g với nước sắc thông bạch.

– Trị phong nhiệt bốc lên, đầu váng, mắt hoa, ngực không thông: Người bệnh nên chuẩn bị xuyên khung, hòe tử đều 40g. Đem cả 2 vị thuốc tán hành bột, mỗi lần dùng 12g với nước trà. Trường hợp đầu phong, chóng mặt, giữa đầu đau, sợ gió, mồ hôi nhiều, ngực có đàm ẩm thì nên lấy xuyên khung 640g, thiên ma 160g. Đem cả 2 tán thành bột, luyện mật làm hoàn. Ngày uống 8 – 12g với nước trà.

– Chữa đau gót chân: Người bị đau gót chân do thoái hóa mọc gai xương, viêm lớp đệm xương gót, viêm bao hoạt dịch phần gót, viêm xung quanh gân cơ gót, viêm màng gân cơ bàn chân…, nhất là ở những người có tuổi và cao tuổi có thể chuẩn bị xuyên khung 15g, đương quy 20g, một dược 15g, nhũ hương 15g, chi tử 15g. Tất cả sấy khô tán thành bột rồi tùy theo lòng bàn chân to hay nhỏ mà dùng vải làm thành tấm lót đế giày dép đi hàng ngày. Tấm lót này nên dày chừng 0,5cm.

– Trị sản hậu ngực và bụng đau: Lấy xuyên khung, quế tâm, mộc hương, đào nhân, đương quy đều 40g. Tất cả tán thành bột, mỗi lần uống 4g với rượu nóng. Trường hợp bị sản hậu huyết vận thì có thể lấy đương quy 40g, xuyên khung 20g, kinh giới huệ (sao đen) 8g để sắc uống.

Exit mobile version