Na là loại quả thơm ngon nức tiếng, hẳn ai đã từng ăn qua. Tuy nhiên, ít người biết rằng loại cây này lại có khả năng điều trị bệnh hiệu quả.
Cây na là gì ?
Tên khoa học/ tên khác
Cây na có tên khoa học là Annona squamosa L. Tùy theo từng vùng miền, na được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: sa lê, mãng cầu, mãng cầu giai, mãng cầu ta, phan lệ chi.
Mô tả cây
Loài cây này có chiều cao thuộc dạng trung bình, dao động từ 2 đến 6m. Thân cây tròn lẳn, phát triển ra khá nhiều cành và nhánh con. Vỏ cây có màu xám nâu, hơi nháp. Lá cây có hình bầu dục, thon dài, mọc so le, hoa màu mỡ gà, trổ ở vị trí đối diện với lá. Vào mùa thu, từ tháng 8 – 11, cây sẽ kết trái và cho thu hoạch. Quả na là dạng quả kép, mỗi múi là một phân quả. Khi còn non, trái cây có màu xanh nhạt, mắt bé. Khi chín, quả căng mọng, múi to, đường rãnh múi chuyển sang màu trắng, có vết nứt nhẹ. Cùi na dầy, trắng, mọng và thơm, ăn khá ngon.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Tại Việt Nam, cây na được trồng ở khắp các tỉnh thành, chia thành hai loại na dai và na bở. Na dai được trồng với sản lượng lớn hơn. Loại cây này nổi tiếng nhất là ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và các vùng núi đá vôi.
Tuổi thọ của cây na dài, nhưng đến khoảng 7, 8 năm là cây đã bị cỗi, cho ít quả, quả bé, không chất lượng nên chủ hộ cần đẵn đi, trồng đợt mới.
Thành phần hóa học
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia thì lá na có chứa một ancaloit định hình, hạt thì chứa khoảng 39,5 đến 42% dầu. Trong khi đó, tỷ lệ các chất có trong quả như sau: 72% glucoza; 14,52% sacarora; 1,73% tinh bột; 2,7% protit.
Thu hái chế biến
Lá na có thể thu hái quanh năm. Còn quả và hạt của loài cây này thì vào tháng 8 – 11 bạn có thể thu hoạch được.
Công dụng của cây na
Na vốn nổi tiếng với phần quả thơm ngon, dùng để ăn trực tiếp hoặc để làm sinh tố. Bên cạnh đó lá, hạt,.. của cây cũng đem đến những tác dụng bất ngờ như: chữa sốt rét, trừ chấy rận, giảm tiêu sưng, chữa viêm họng, trị bong gân,…
Cách dùng cây na
Các tác dụng chữa bệnh của na mới chỉ được dùng rộng rãi trong nhân dân chứ chưa có nghiên cứu cụ thể nào về mặt y học. Có thể kể đến một số bài thuốc dân gian như:
+ Bài thuốc chữa sốt rét
Chọn lá bánh tẻ, còn nguyên lành, không sâu, không dập nát, thối úa, đem rửa sạch, vò lấy nước hoặc sắc uống. Trẻ con và người lớn cần sử dụng với liều lượng khác nhau: trẻ con 10 lá, người lớn 20 lá. Chỉ cần sử dụng liên tục 3 đến 4 ngày là bệnh sẽ có chuyển biến tích cực. Nên nhớ dùng thuốc 2 giờ trước khi lên cơn sốt.
+ Bài thuốc diệt trừ chấy rận
Giã nhỏ hạt na, hòa nước vào để gội đầu hoặc giặt giũ, chấy rận sẽ chết. Tuy nhiên do lõi hạt na rất độc nên bạn cần tránh sự cố nước giã bắn vào mắt hay mồm. Bình thường khi chúng ta nuốt phải hạt na, do phần lõi được bọc bởi phần vỏ cứng nên không phát độc ra ngoài, cơ thể không bị ảnh hưởng. Khi đã giã, hạt sẽ gây khó chịu, ngộ độc. Bên cạnh việc giã với nước bạn có thể ngâm hạt đã giã với rượu.
+ Bài thuốc giảm sưng vú
Sử dụng quả na điếc (na bị nấm làm hỏng, có màu đỏ tím) giã nát đắp lên vú bị sưng, tình hình sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, bạn cũng có thể giảm sưng vú bằng cách dùng lá cây giã nát cùng lá bồ công anh đắp vào chỗ sưng, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
+ Bài thuốc trị ho, viêm họng
Bạn cần chuẩn bị na điếc, sinh địa, lá bạc hà mỗi loại 50g, rễ xạ can 30g, nhân hạ gấc 20g, lá chanh, táo, cam thảo dây mỗi loại 25g, tất cả đem phơi khô, tán thành bột mịn, trộn chung với đường trắng (khoảng 150g), nặn thành viên tễ. Chỉ cần dùng liên tục từ 3 – 5 ngày họng sẽ đỡ rát, cơn ho sẽ ngưng. Liều lượng sử dụng thuốc như sau: người lớn: 6 – 8 viên/2 lần uống, trẻ em 3 – 6 viên/2 lần uống.
+ Bài thuốc trị chứng táo bón
Mỗi ngày bạn chỉ cần dùng 1 quả na tráng miệng sau bữa ăn thì việc tiêu hóa sẽ dễ dàng hơn nhiều do loại trái cây này rất giàu dinh dưỡng và chất xơ.
+ Bài thuốc trị bong gân
Bạn cần chuẩn bị 120g lá, 10g đu đủ xanh, vôi tôi và muối ăn mỗi loại 5 g, đem giã nát và hơ trên lửa đến khi nóng thì đắp vào phần cơ thể bị đau. Mỗi ngày làm 1 lần như vậy vùng tổn thương sẽ mau chóng phục hồi.
+ Bài thuốc tẩy giun đũa
Bài thuốc này khá đặc biệt vì sử dụng rễ cây. Bạn hãy lấy 30 đến 50g rễ đem rửa sạch, xắt nhỏ, sao vàng, sắc uống 1 lần mỗi sáng.
+ Bài thuốc chữa chứng tiêu chảy, kiết lỵ
Na điếc 20g đốt cháy tồn tính trộn chung với 50g cỏ lào non, 30g gạo tẻ rang vàng sắc cùng nước, ngày uống 3 lần.
+ Bài thuốc trị nhọt ở vú
Chỉ cần tạo hỗn hợp bột quả na điếc với giấm, bôi lên chỗ nhọt, bệnh tình sẽ đỡ.
+ Bài thuốc chữa đau răng
Lấy hạt giã nhỏ, ngâm với rượu chuẩn. Mỗi ngày dùng loại thuốc trên ngậm 10 đến 15 phút rồi nhổ bỏ, súc miệng lại với nước trắng. Chú ý không được nuốt rượu.
Các bài thuốc này đã được áp dụng rộng rãi trong dân gian và cho hiệu quả rõ rệt. Bạn nên căn cứ vào tình trạng bệnh của mình để sử dụng cho phù hợp.