Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Nhân sâm có công dụng gì cho sức khỏe?

1/ Cây nhân sâm là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Nhân sâm còn được dùng với các tên khác là viên sâm, dã nhân sâm. Cây có tên thuốc là Radix Ginseng, tên khoa học là Panax ginseng C.A.Mey, thuộc họ khoa học Ngũ Gia Bì (Araliaceae).

b/ Mô tả cây

Cây nhân sâm là một cây thuốc quý, sống lâu năm, cao chừng 0,6m với rễ mẫn phát triển thành củ to. Lá nhân sâm là lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt, mọc vòng, có cuống dài. Cây nhân sâm phát triển khá chậm, nếu cây mọc 1 năm thì chỉ  có một lá với 3 lá chét, nếu cây được 2 năm thì cũng chỉ có 1 lá với 5 lá chét, nếu phát triển 3 năm thì sẽ có 2 lá kép, 4 năm có 3 lá kép. Nhân sâm mọc 5 trở lên thì có 4 – 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét hình trứng, mép lá chét có răng cưa sâu.

Từ năm thứ 3 trở đi cây nhân sâm bắt đầu ra hoa, kết quả. Hoa xuất hiện vào mùa hạ, hoa có màu xanh nhạt, 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm, cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành. Quả nhân sâm mọng hơi dẹp to bằng hạt đậu xanh, khi chín thì có màu đỏ, trong quả chứa 2 hạt. Năm thứ 3 cây đã kết hạt nhưng hạt thường không tốt nên người ta sẽ bấm bỏ đi đợt cây được 4 – 5 năm tuổi mới để ra quả và lấy hạt làm giống.

Cây nhân sâm

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Cây nhân sâm được trồng nhiều nhất ở bán đảo Triều Tiên, Bắc Trung Quốc, Hồng Công, Bắc Mỹ, vùng viễn đông của Liên Xô cũ… Trong đó, riêng 2 tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm (miền Đông Bắc Trung Quốc) có sản lượng hàng năm lên tới 750.000kg. Tại Triều Tiên, Khai Thành là nơi trồng nhiều sâm nhất với hơn 200 năm kinh nhiệm trồng sâm. Còn sâm cao ly của Hàn Quốc thì đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế và trở thành 1 trong những sản vật nổi tiếng thế giới.

Có được sự nổi tiếng này là bởi chủng loại của sâm cao ly khác hẳn các loại nhân sâm khác. Lại được sống trong điều kiện địa lý tốt ở vùng đất có vĩ độ 36 – 38 độ, có thời kỳ sinh trưởng lâu hơn so với các loại nhân sâm khác khoảng 120 – 130 ngày để cây phát triển đầy đủ, rắn chắc đồng đều, mang mùi thơm đậm đặc trưng.

Ở Việt Nam, loại sâm nổi tiếng nhất là sâm ngọc linh (còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), sâm Khu Năm (sâm K5), củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu). Đây là loại sâm quý, chỉ mọc ở những nơi có độ cao từ 1200 mét trở lên. Sâm ngọc linh được phát hiện vào năm 1973 trên núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum). Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm, cao 40 cm đến 100 cm, thân rễ có sẹo và các đốt như đốt trúc, có màu lục hoặc hơi tím, đường kính thân độ 4 – 8mm. Sâm Ngọc Linh.

Sâm ngọc linh là một dược liệu quý, đặc hữu của Việt Nam

Cây sâm Ngọc Linh với đầy đủ phần rễ, củ, thân và lá được đánh giá là loài sâm tốt nhất thế giới hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y Tế Việt Nam, cây có số lượng saponin cao hơn nhiều lần so với các loại sâm khác trên thế giới.

d/ Bộ phận dùng

Rễ (củ). Củ nhân sâm tốt có sắc vàng, nâu mềm, vỏ màu vàng có vân ngang, thẳng không nhăn nheo, cứng chắc và mùi thơm đậm đặc biệt.

e/ Thành phần hóa học

Các nghiên cứu cho thấy nhân sâm có chữa các chất sau: Panaxatriol, panaxadiol, other panoxisdes, panacene, panaxynol, panaenic acid, panaquilon, panaxin, gensenin, a-panaxin, proto-panaxadiol, panose, protopanaxtriol, glucose, fructose, maltose, sucrose, riboflavin, nicotinic acid, thiamine.

Riêng về sâm ngọc linh, các công trình nghiên cứu cũng xác định được thành phần dược tính gồm 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%. Đặc biệt, khi phân tích thân, rễ và củ, các nhà khoa học còn phát hiện được 52 loại saponin, trong đó có 26 saponin có cấu trúc hóa học thường thấy trong sâm Triều Tiên, sâm Nhật Bản, sâm Mỹ và 26 loại saponin có cấu trúc mới, không có trong các loại sâm khác. Do đó, có thể kết luận sâm ngọc linh là 1 trong những loại sâm có lương saponin nhiều nhất. Ngoài ra, các bộ phận trên mặt đất của sâm như lá, thân (cọng) cây cũng phân lập được tới 19 saponin dammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới.

f/ Thu hái chế biến

Cây nhân sâm có chiều dài thân và rễ khoảng là khoảng 7 – 10cm, đường kính khoảng 2 – 3cm. Một số cây nhân sâm có tổng chiều dài rễ và rễ con là 34cm, trọng lượng khoảng 40 – 120g, có khi lên đến 300g. Vụ thu hoạch nhân sâm chính là mùa thu, khoảng tháng 9 hoặc tháng 10. Bởi thời điểm này, phần lớn dưỡng chất tập trung vào rễ nên cần thu hoạch ngay để đảm bảo sâm thành phẩm có chất lượng tốt nhất. Nhân sâm tốt thường được thu hoạch khi 6 năm tuổi.

2/ Công dụng của cây nhân sâm

– Theo y học cổ truyền: Nhân sâm được coi là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong 4 vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người ở trạng thái căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn.

Nhân sâm có nhiều công dụng cho sức khỏe

– Theo y học hiện đại: Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra nhiều công dụng của nhân sâm cho sức khỏe. Bạn có thể tham khảo một số công dụng chính như:

+ Tác dụng lên hệ thần kinh: Nhân sâm có tác dụng gia tăng quá trình ức chế và gia tăng vỏ não, làm hồi phục bình thường khi hai quá trình trên bị rối loạn. Lượng nhỏ saponin làm hưng phấn trung khu thần kinh còn lượng lớn có tác dụng ức chế. Loại thảo dược quý này cũng có tác dụng chống mỏi mệt, làm tăng hiệu suất hoạt động tư duy và thể lực, tăng sức lao đông (cả trí óc và chân tay). Nó cũng chống lão hóa, cải thiện chức năng não bộ ở người lớn tuổi, tăng khả năng thích nghi, phòng vệ đối với những kích thích có hại, tăng cường tập trung trí tuệ, tăng trí nhớ, dự phòng một số chứng bệnh ở hệ thần kinh.

+ Tốt cho hệ tim mạch: Nhân sâm và các sản phẩm từ nhân sâm có thể hạ huyết áp ở người huyết áp cao. Lượng ít dịch nhân sâm làm tăng lực co bóp tim ở nhiều loại động vật. Trong khi đó, nồng độ cao làm giảm lực co bóp gian sống của động vật choáng trên thực nghiệm. Riêng đối với động vật suy tuần hoàn cấp do mất máu nhiều thì nhân sâm làm tăng cường độ và tần số co bóp của tim. Với người suy tim thì tác dụng tăng cường tim của thảo dược này càng rõ ràng.

+ Tốt cho thận: Nhân sâm có khả năng làm hưng phấn vỏ tuyến thượng thận, các nghiên cứu cho rằng cơ chế hoạt động của nhân sâm với thận là thông qua vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra chất ACTH làm tăng cAMP của vỏ tuyến thượng thận. Nó vừa chống ACTH làm tuyến thượng thận phì đại, vừa có thể chống corticoit làm teo thượng thận. Củ sâm vừa có thể làm hạ đường huyết cao do ăn uống vừa có thể nâng cao trạng thái đường huyết hạ do insulin. Trong khi thân và lá có tác dụng kích thích hưng phấn hệ tuyến yên – vỏ tuyến thượng thận.

+ Tăng cường hệ miễn dịch: Nhân sâm còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng thực bào của hệ tế bào võng nội bì, tăng hiệu suất chuyển hóa của tế bào lâm ba và globulin IgM. Qua đó, nâng cao tính miễn dịch của cơ thể. Theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam, những thí nghiệm của Daugolnikol (1950-1952), Abramow (1953), Brekman và Phruentov (1954-1957) cũng cho thấy sâm có tác dụng tăng cường sức đề kháng để phòng ngừa bệnh tật trên động vật.

+ Công dụng khác: Ngoài các công dụng trên nhân sâm có khả năng làm giảm tác hại của chất phóng xạ đối với hệ nhân tạo, bảo vệ tế bào, giúp hồi phục số hồng cầu bạch cầu bị giảm, kháng viêm, chống khuẩn, tăng nội tiết tố sinh dục. Nó cũng có hả năng bảo vệ gan, tăng cường chức năng giải độc của gan. Đồng thời, nâng cao thị lực và làm tăng khả năng thích nghi của thị giác đối với bóng tối. Saponin nhân sâm Rh2 còn có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư….

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây nhân sâm

Bài thuốc từ nhân sâm thường có công dụng bồi bổ, an thần

Nhân sâm là một vị thuốc bổ, quý, có thể dùng theo liều lương 2 – 6g bằng cách thái lát mỏng, cho vào miệng ngậm và nhấm từng ít một, nuốt cả nước cả bã. Cũng có thể thái mỏng, cho vào ấm hoặc chén sứ, thêm một chút nước, đậy nắp, đun cách thủy để uống nước. Sau đó lại cho thêm nước để đun cách thủy và uống tiếp, làm liên tục cho đến khi hết vị mới thôi. Ngoài ra, có thể dùng một số bài thuốc dân gian từ sâm như:

– Nhân sâm dưỡng vinh thang: Nhân sâm 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, thục địa hoàng 16g, quế tâm 4g, sinh hoàng kỳ 12g, ngũ vị tử 4g, đại táo 12g, trần bì 8g, viễn chí 4g, sinh khương 3 lát, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang để bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần. Thuốc còn có tác dụng chủ trị phế tỳ khí hư, tâm tỳ dương hư, khí huyết lưỡng hư với các triệu chứng như tứ chi vô lực, mệt mỏi suy nhược, đoản hơi đoản khí, cốt tiết (xương khớp) đau nhức, chân tay lạnh, ăn uống kém nhạt miệng vô vị, nôn mửa (ẩu thổ), hồi hộp đánh trống ngực, đạo hãn (ra mồ hôi trộm), hay quên (kiện vong), mất ngủ (thất miên).

– Bạch hổ gia nhân sâm thang: Nhân sâm 6g, tri mẫu 12g, sinh thạch cao 20g, cam thảo 4g và nửa bát gạo tẻ. Cho các vị thuốc vào nồi sắc lấy nước thuốc. Thêm gạo vào sắc nhỏ nửa để thành cháo. Thuốc có công dụng sinh tân, thanh nhiệt, ích khí, dưỡng âm chủ trị trúng thử, sốt, sốt kèm theo khát, muốn nôn, ra mồ hôi sợ lạnh, nước tiểu đỏ, mạch khổng.

– Độc sâm thang: Chuẩn bị nhân sâm 4 – 12g, chưng cách thủy cho uống, nên uống nhiều lần. Thuốc tốt cho trường hợp cấp cứu khi bệnh nguy kịch (Đông y cho là chứng Vong âm vong dương) với các triệu chứng như khí thóat, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, mạch trầm vi tế. Hoặc dùng để ích khí cứu thoát, hồi dương cứu nghịch trong trường hợp choáng vì mất máu nhiều (suy tuần hoàn cấp).

– Sâm phụ thang: Chuẩn bị nhân sâm 3 – 6g, phụ tử chế 4 – 16g, sắc uống 6 lần. Bài thuốc này rất thích hợp với những trường hợp dương hư chân tay lạnh (choáng trụy tim mạch) cần thực hiện đông tây y kết hợp để cấp cứu.

– Tứ quân tử thang: Nhân sâm 4g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 4g, sắc uống. Bài thuốc này giúp trị chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài do tỳ vị hư nhược, dùng phối hợp với bạch truật, bạch linh sẽ cho hiệu quả tốt.

– Nhân sâm định suyễn thang: Nhân sâm 8g (gói sắc riêng), thục phụ phiến 12g, hồ đào nhục 16g, thục địa 20g, tắc kè 8g, ngũ vị tử 8g, sắc uống. Bài thuốc này giúp trị các loại bệnh phổi như hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, tâm phế mạn. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng bài Nhân sâm Hồ đào thang với thành phần nhân sâm 4g, hồ đào nhục 12g, sắc uống để trị chứng hư suyễn.

– Sâm tô ẩm (cục phương): Nhân sâm 4g (sắc riêng), tô diệp 12g, phục linh 12g, cát căn 12g, trần bì 4g, chỉ xác 4g, cát cánh 4g, tiền hồ 4g, mộc hương 3g (cho sau), cam thảo 3g, bán hạ (gừng chế) 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 2 quả, sắc uống nóng cho ra mồ hôi. Bài thuốc này trị bệnh cảm ở người vốn khí hư rất tốt.

– Tiêu khát ẩm (trị tiểu đường): Bệnh nhân tiểu đường có thể dùng bài thuốc với các thành phần cát lâm sâm 8g (sắc riêng), nhân sâm 16g, thục địa 24g, kỷ tử 16g, sơn thù nhục 12g, thiên môn đông 12g, sắc uống.

– Cấp cứu trẻ sơ sinh trạng thái nguy kịch: Mỗi ngày dùng hồng sâm thái mỏng 3 – 5g (lượng sâm tùy vào cân nặng tương đương với 1g/ 1kg cân nặng/ 1ngày). Cho khoảng 40 – 50ml nước vào chưng 30 phút rồi cho uống cứ 3 giờ 1 lần (có thể nhỏ giọt vào mồm hoặc cho bằng ống sonde qua mũi), mỗi lần 5ml. Một liệu trình là khoảng 4 – 6 ngày, dài là 10 ngày có phối hợp tây y cấp cứu.

– Cấp cứu choáng do mất máu và nâng áp: Theo Tào thuận Minh, Điều trị choáng Tạp chí Trung y 1987 thì có thể dùng hồng sâm 30g sắc nước cho uống liên tục đồng thời châm Bách hội, 2 kim hướng trước sau.

– Trị liệt dương: Nhân sâm 6g, nhục quế 6g, nhung hươu 6g, kỷ tử 10g, thục địa 10g, ba kích 10g, sơn thù nhục 10g, dương khởi thạch 10g, dâm dương hoắc 15g, hoàng kỳ 30g, cam thảo sao 3g. Cho nhân sâm và nhung hươu sấy khô tán bột, chia 2 lần uống sáng chiều với nước ấm, các vị khác thì sắc kỹ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày. Bài thuốc này có công dụng bổ thận ích tinh, rất thích hợp với những người bị suy giảm tình dục có kèm theo các triệu chứng như sức nghe giảm, tai ù, hay hoa mắt chóng mặt, sắc mặt nhợt, lưng gối đau mỏi, dễ mệt mỏi….

Lưu ý: Nhân sâm rất tốt cho sức khỏe nhưng người bị lạnh bụng bị tiêu chảy, người huyết áp cao, người đang sốt cao; phụ nữ có thai (hoặc có khả năng có thai), phụ nữ sau khi sinh, trẻ dưới 4 tuổi; bệnh nhân đang điều trị liệu pháp đặc biệt; chị em phụ nữ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt; người bị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh gút… không nên dùng hoặc cần tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận trước khi dùng để đảm bảo sức khỏe.

Exit mobile version