Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Nhân trần ẩn giấu những tác dụng nổi bật nào đối với sức khỏe?

Nhân trần là loài cây có rất nhiều công dụng tốt mà bạn chẳng thể bỏ qua: thanh nhiệt giải độc, mát gan, thông tiểu, trị giun chui ống mật,… Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng khi sử dụng loại cây này.

Cây nhân trần là gì?

Tên khoa học/ tên khác

Nhân trần là một loài cây quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Bình thường người ta vẫn đun lên để làm nước uống giải nhiệt, dễ ngủ. Thế nhưng ít ai biết rằng cái tên nhân trần lại là cụm từ chung để đặt cho 3 loài thực vật khác hẳn nhau:

+ Cây nhân trần Việt Nam: Tên khoa học là Adenosma caeruleum R. Br, được xếp vào họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.

+ Cây nhân trần bồ bồ: Tên khoa học là Adenosma capitatum Benth, được xếp vào họ Hoa mõm chó Scrophulariacase.

+ Cây nhân trần Trung quốc: Tên khoa học là Artemisia capillaris Thumb, được xếp vào họ Cúc Compossitae.

Mô tả cây

+ Cây nhân trần Việt Nam: Là cỏ mọc hoang với chiều cao chưa tới 1m, thân cây tròn, có màu tím, ít phân cành. Trên thân cây là lớp lông tơ mịn màu trắng. Lá cây có hình trứng, mép răng cưa, phần đầu nhọn, cả 2 mặt lá đều có lớp lông tơ mịn. Khi bạn lấy thân và lá vò nát thì sẽ ngửi được mùi thơm rất đặc trung. Hoa của cây phân bố chủ yếu ở kẽ lá hoặc ở đầu cành, kết thành quả nang hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ ở bên trong.

Cây nhân trần Việt Nam

+ Cây bồ bồ: Là một loại cỏ với chiều cao dao động trong khoảng 15 đến 70cm, thân nhẵn, có nhiều cành, mật độ lông phủ trên thân không đáng kể. Lá hình mác dài, đầu nhọn, mép hình răng cưa hoặc hơi khía tai bèo. Hoa mọc thành cụm tạo thành hình cầu.

+ Cây nhân trần tím: Thân và cành cây mang màu tím đỏ. Hoa mọc thành cụm tạo thành ống dài, dưới gốc hoa là các lá bắc tạo thành tổng bao, lợp lên nhau dạng màng trong suốt. Chu kì sống của cây như sau: Mọc vào tháng 5, trổ hoa vào tháng 10 đến tháng 1 năm sau, lụi vào tháng 2, hạt cây rụng xuống lại tạo nên một chu kì mới.

+ Cây nhân trần Trung Quốc: Loài cây này có hình dáng khác hẳn 3 loại thực vật kể trên, chiều cao đạt ngưỡng 0,4 đến 1m, lá xẻ thành thùy rất nhỏ hình sợi.

Mọc chủ yếu ở đâu?

Loài cây này chủ yếu mọc hoang, chưa được đem vào trồng trọt. Nhân trần Việt và bồ bồ chủ yếu phân bố ở các tỉnh trung du phía Bắc, điển hình như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong khi đó nhân trần tím lại mọc nhiều ở phía Nam. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy các giống cây này tại các nước lân cận như: Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.

Riêng loài nhân trần Trung Quốc không sống tại Việt Nam mà phát triển mạnh tại Trung Hoa đúng như tên gọi.

Thành phần hóa học

+ Nhân trần Việt Nam

Loài cây này không được nghiên cứu sâu. Tinh dầu của cây có mùi cin-eol, tương tự như tinh dầu tràm, khuynh diệp.

+ Bồ bồ

Thành phần chính của cây bao gồm: 1,67% kalu ntrat, saponin, glucozit và 0,7% tinh dầu. Loại tinh dầu này khá lỏng, màu vàng, mùi hăng.

+ Nhân trần Trung Quốc

Loài cây này chứa 0,23% tinh dầu. Thành phần chính ở trong tinh dầu gồm có: pinen, capilen, xeton.

Thu hái chế biến

Loài cây này thường được thu hái vào mùa hè – thời điểm trổ hoa. Người ta sẽ cắt vát cả cây, đem về sấy hoặc phơi khô, bó lại thành từng bó rồi để ở nơi thoáng mát.

Công dụng của nhân trần

Mặc dù có xuất phát điểm là các loài cây khác nhau nhưng nhìn chung, tác dụng của các loại nhân trần đều tương tự nhau. Vị thuốc này có vị đắng, tính bình, hơi hàn. Có thể kể đến một số tác dụng nổi bật của thuốc như: thanh nhiệt, giải độc, thông tiểu, tốt cho bệnh nhân da vàng người vàng, giúp sản phụ ăn uống ngon miệng, hồi phục sức khỏe. chữa sốt, ra mồ hôi, hỗ trợ điều trị bệnh gan.

Trong thú y, vị thuốc này được dùng để chữa bệnh ỉa phân trắng ở trâu bò.

Không ai có thể phủ nhận tác dụng của nhân trần

Cách dùng nhân trần

+ Trị viêm gan cấp

Cho 24g nhân trần Trung quốc, 12g chi tử, 4g đại hoàng vào nồi đất, thêm 800ml nước, sắc đến khi nước cạn còn 250ml nước, lọc bỏ bã, chắt lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể thay thế bằng hai loại nhân trần còn lại.

+ Hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan vàng da, thông tiểu

Sắc uống các vị thuốc sau: nhân trần 16g, bạch truật, trạch tả, bạch linh, trư linh mỗi vị 12g, quế chi 6g.

+ Điều trị chứng vàng da ở trẻ nhỏ

Nên kết hợp cả 2 phương pháp chích và uống. Thuốc chích được điều chế từ nhân trần, chi tử, đại hoàng và hoàng cầm, khi dùng chỉnh nhỏ giọt vào tĩnh mạch. Thuốc sắc uống bao gồm các vị thuốc: nhân trần, chi tử, xa tiền thảo.

+ Hỗ trợ điều trị bệnh viêm túi mật

Sắc chung các vị thuốc sau: 40g nhân trần, 40g quảng uất kim, 40g bồ công anh và 16g khương hoàng.

+ Trị giun chui ống mật

Sắc uống 40 – 80g nhân trần, cho thêm kim ngân hoa, liên kiều, bồ công anh.

+ Tốt cho bệnh nhân cholesterol máu cao

Pha nhân trần uống mỗi ngày thay trà trong vòng 1 tháng.

+ Điều trị bệnh nấm ngoài da

Pha dầu bay hơi nhân trần ở 2 nhiệt độ sôi khác nhau vào cồn 95 độ (mỗi loại 5ml), xoa vào vùng da bị bệnh.

+ Phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra

Hãm 30gr nhân trần thái vụn cùng nước sôi trong bình kín. Sau 15 phút hãm, thêm đường và dùng như trà bình thường.

Loài cây này được dùng trong rất nhiều bài thuốc

+ Thuốc chữa viêm gan vàng da cấp tính

Bạn cần chuẩn bị 300gr nhân trần, 60gr sinh địa hoàng, 30gr trà. Tán vụn tất cả, hãm trong bình kín cùng nước sôi, dùng thay trà uống hàng ngày.

+ Trị viêm gan giai đoạn di chứng (rối loạn tiêu hóa, biếng ăn,..)

Sấy khô, tán vụn 500gr mạch nha, 150gr nhân trần, 250gr quất bi, cho vào lọ kín, để nơi thoáng mát. Mỗi ngày dùng 60gr hỗn hợp trên để hãm với nước sôi uống trong ngày.

+ Bài thuốc phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật

Tán vụn 300gr râu ngô, 150gr nhân trần, 150gr bồ công anh, cho vào lọ kín. Mỗi ngày dùng 50gr hỗn hợp trên hãm nước sôi để uống.

Nhân trần chỉ phát huy được tác dụng nếu sử dụng đúng cách. Vì thế bạn phải nắm chắc các quy tắc sau:

Thứ nhất, không pha vị thuốc này chung với cam thảo bởi đặc tính của chúng trái ngược nhau, nhân trần thì thúc đẩy sự đào thải, trong khi đó cam thảo lại có tính chất giữ nước. Tốt nhất, bạn nên thay thế bằng cỏ ngọt.

Thứ hai, người già và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi nên cẩn trọng khi sử dụng vị thuốc này bởi hệ tiêu hóa của đối tượng này không ổn định. Nếu uống quá nhiều nước thanh nhiệt thì có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, mất nước, hôn mê.

Thứ ba, phụ nữ mang thai và sau khi sinh cũng nên lưu ý khi sử dụng loại thuốc này. Phụ nữ mang thai có thể gặp phải tình trạng thai chết lưu hoặc suy dinh dưỡng. Phụ nữ sau sinh có thể bị mất sữa.

Thế nên, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng loài cây này.

Exit mobile version