Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe của bạch truật

1/ Cây bạch truật là gì?

Nếu bạn thường mua thuốc đông y uống hoặc đọc các tin tức về y tế thì sẽ rất hay nhìn thấy một vị thuốc tên bạch truật. Vậy bạch truật là gì? Nó được sơ chế từ loại cây nào? Có công dụng gì cho sức khỏe?

a/ Tên khoa học, tên khác

Cây bạch truật còn được gọi với tên là ư truật, đông truật, triết truật. Cây có tên khoa học là Atractylodes macrocephala Koidz, thuộc họ Cúc – Asleraceae.

b/ Mô tả cây

Bạch truật vốn là cây thảo, sống lâu năm, có thân thẳng, rễ to, mọc dưới đất. Cây bạch truật thường cao từ 30-80cm, đơn độc hoặc phân nhánh ở phần trên, phân gốc hóa gỗ. Lá bạch truật mọc cách, dai, phần trên có cuống ngắn, phần dưới của thân có cuống dài, gốc lá rộng, bọc lấy thân. Phiến lá xẻ sâu thành 3 thùy, hai thùy bên nhỏ hơn hình trứng mũi mác, thùy giữa rất lớn hình trứng tròn, hai đầu nhọn, phần gốc không đối xứng. Các lá ở gần ngọn cây thì có phiến nguyên hình thuôn hoặc hình trứng mũi mác với phần mép lá có răng cưa. Đầu lớn, phía dưới có một lá bắc hình lá xẻ sâu, hình lông chim….

Cây ra hoa và kết quả từ tháng 8-10 hàng năm. Hoa nhiều, tràng hoa hình ống, phần trên màu đỏ tím, phần dưới màu trắng, xẻ làm 5 thùy hình mũi mác, xoắn ra ngoài. 5 nhị hoa hàn liền nhau (thỉnh thoảng có nhị bị thoái hóa), chỉ nhị hình sợi dẹp. Bầu thôn mặt ngoài phủ một lớn lông nhung màu nâu nhạt, phần có lông hình lông chim. Vòi hình chỉ màu tím nhạt đầu nhị xẻ thành 2 thùy nông hình đầu, mặt ngoài có lông ngắn. Quả bế, hơi thuôn dẹp, màu xám.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Cây bạch truật nguyên sản ở Trung Quốc, mọc chủ yếu ở Tiên Cư (Triết Giang), Dư Huyện, Ninh Quốc (An Huy), Lợi Xuyên (Hồ Bắc), Bình Giang (Hồ Nam), Tu Thủy, Đông Cố (Giang Tây)…. Bạch truật bắt đầu được di thực vào Việt Nam từ năm 1960. Được trồng thử nghiệm ở huyện Bắc Hà và Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Hiện nay, cây được đem trồng ở nhiều nơi trong cả nước, kể cả miền núi cao lãnh và vùng đồng bằng thấp nóng. Tuy nhiên, nơi cao lãnh chủ yếu dùng để nhân và giữ giống, đồng bằng trồng lấy củ, làm thuốc.

d/ Bộ phận dùng

Phần tập trung dược tính và có nhiều công dụng cho sức khỏe nhất trên cây bạch truật là thân rễ (rễ và phần thân cứng gần với rễ). Do đó, người ta thường dùng thân rễ để sơ chế thành vị thuốc bạch truật. Thân rễ tốt là loại có dầu thơm nhẹ, ruột màu trắng ngà. Củ càng rắn, càng có nhiều dầu thì càng tốt.

e/ Thành phần hóa học

Theo Trung Dược Học, trong rễ củ bạch truật có 1,4% tinh dầu. Thành phần tinh dầu này có nhiều công dụng cho sức khỏe và bao gồm: Atractylenolid I, II, III; Atractylon (C16H180), Atractylola (CH160), Eudesmol và Vitamin A.

Tác giả Trần Kiến Dân – Thực vật Học Báo 1991 thì cho rằng bạch truật có Atractylone, Humulene, Eudesmo, Palmitic acid, a-Curcumene, b-Elemol, 3b Acetoxyatractylone, Selian 4(14), 7 (11)-Diene-8-One.

Tác giả Gia Hiệp Thiên Dân – Dược Học Tạp Chí (Nhật Bản) cho rằng vị thuốc bạch truật có thành phần hóa học là 8b-Ethoxyatractylenolide II, 14-Acetyl-12-Senecioy-12E, 8Z, 14-Acetyl-12-Senecioyl-2E, 8E, 10E-Atractylentriol, 10E-Atractylentriol, 12-Senecioyl-2E-8Z, 10E-Atractylentriol, 12- Senecioyl-2E-8E-10E-Atractylentriol….

f/ Thu hái chế biến

Bạch truật trồng tại miền núi cao cần 2-3 năm mới được thu hoạch củ. Còn nếu trồng ở đồng bằng thì thời gian thu hái có thể rút xuống từ 10-12 tháng. Thời vụ thu hoạch bạch truật là từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 (tiết Sương giáng đến Lập đông). Thu hoạch quá sớm, cây chưa già, phần củ còn non, tỷ lệ khô thấp; thu hoạch muộn thì chồi non mọc lên làm giảm dược tính. Do đó, ngay khi thấy cây trở nên cứng, dễ bẻ gãy, thân cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng và nâu lá ở phần ngọn thì nên thu hoạch ngay.

Khi thu hoạch cần chọn ngày nắng ráo, đất khô, nhổ nhẹ nhàng từng cây. Nhổ xong lấy dao cắt lấy phần thân rễ. Rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô, cắt bỏ rễ con gọi là “Hồng truật” hay “Bạch truật”. Nếu để nguyên rồi sắt lát mỏng phơi khô thì được gọi là “Đông truật” hay “Sinh sái truật”.

2/ Công dụng của bạch truật trong việc phòng trị bệnh

Vua chúa thời xưa coi bạch truật như “thần dược trường thọ”, “viagra thời cổ đại” nhờ khả năng duy trì sức khỏe, tăng cường chức năng sinh lý. Đặc biệt là khả năng giải quyết các vấn đề về tiêu hóa như: ăn uống chậm tiêu, tiêu chảy kéo dài, bệnh đại tràng, dạ dày, thần sắc nhợt nhạt…

Theo Đông y thì bạch truật có vị đắng, tính ấm, mùi thơm nhẹ, có tác dụng kiện tỳ, chỉ tả, táo thấp, hoà trung, lợi thuỷ. Vị thuốc này có các công dụng chính như:

– Là thuốc bổ dưỡng choc ho thai phụ, có khả năng an thai, giảm ốm nghén, giảm đau bụng kinh khi mang thai

– Chữa ăn uống chậm tiêu, nôn mửa, đại tiện phân sống, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng mạn tính

– Các chất Atractylenoid I, II, III có tác dụng chống viêm và dịch chiết nước của Bạch truật có tác dụng chống viêm khớp rất rõ ràng

– Nước sắc bạch truật có khả năng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường để trị bệnh hiệu quả

– Tác dụng lợi tiểu, làm giảm phù đối với phù nhẹ

– Chất Atractylon trong Bạch truật có tác dụng chống suy giảm chức năng gan

– Vị thuốc này cũng có khả năng ức chế sự đông máu nên nước sắc có thể giảm khả năng máu đông trong trường hợp hoạt tính tạo Fibrin trong máu tăng cao

– Bạch truật còn có tác dụng ức chế đối với một loại vi khuẩn gây bệnh ngoài da để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da hiệu quả

3/ Các bài thuốc từ bạch truật

Bạch truật có rất nhiều công dụng cho sức khỏe, đặc biệt là khả năng phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ. Người dùng có thể kết hợp bạch truật với một số vị thuốc có công dụng tương tự để nâng cao hiệu quả. Cụ thể:

Dưỡng tâm diên linh ích thọ đơn của Từ Hy thái hậu

Đây là bài thuốc mà các ngự y Trang Thủ Hòa, Lý Đức Xương trong cung đình nhà Thanh đã chế cho Từ Hy thái hậu để dưỡng tâm, tăng cường tuổi thọ. Bài thuốc gồm các thành phần như: bạch truật (sao) 20g; đương quy (sao rượu) 15g; bá tử nhân (sao), bạch thược (sao rượu), đơn sâm, đơn bì, sinh địa thô (rửa rượu), toan táo nhân (sao), chỉ xác (sao) mỗi vị 12g; chi tử (quả dành dành), hoàng tinh (sao chế với rượu) mỗi vị 9g; xuyên khung, trần bì mỗi vị 6g. Đem tất cả tán thành bột, luyện với mật ong để làm thành các viên hoàn nặng tầm 2g. Mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 lần.

Viên tăng tuổi thọ của hoàng đế Quang Tự

Ngự y Lý Đức Xương của nhà Thanh còn nghiên cứu, hiến cho vua Quang Tự một loại viên tăng cường tuổi thọ với thành phần chính là bạch truật để dưỡng sinh, giúp thân thể cường tráng, tinh lực dồi dào. Để thực hiện bài thuốc này cần chuẩn bị bạch truật 20g; đương quy, phục linh mỗi thứ 15g; bạch thược, đẳng sâm, táo nhân, vỏ quýt, hương phụ mỗi thứ 12g; viễn chí, mộc hương, hoàng kỳ, thạch xương bồ, sa nhân, quế (viên nhục) mỗi thứ 9g, cam thảo 6g. Tất cả nghiền thành bột mịn, thêm mật ong vào làm thành viên hoàn, mỗi viên 2g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên với nước.

Các bài thuốc dân gian từ bạch truật

Chữa sỏi mật, khó tiêu, sa dạ dày: Bạch truật, nhân sâm, phục linh mỗi thứ 6g; gừng 8g, trần bì 5g, nước 600 ml. Cho tất cả vào nồi sắc còn 300 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm dạ dày và bệnh về máu: Bạch truật 6g, trần bì 4,5g, hậu phác 4,5g, toan táo nhân 3g, gừng 3g, cam thảo 1,5g, nước 600ml. Cho tất cả vào nồi sắc sau đó lọc lấy nước thuốc, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm gan: Bạch truật, dành dành, trạch tả mỗi thứ 9g, phục linh 12g, nhân trần 30g, nước 450ml. Cho tất cả vào nồi sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Chữa tiểu đường: Bạch truật, phục linh mỗi thứ 12g, sơn dược 15g, hoàng kỳ 6g, đẳng sâm 5g, nước 500 ml. Cho tất cả vào nồi sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Một liệu trình điều trị là 2 tháng.

Thuốc bổ và chữa suy nhược cơ thể: Bạch truật 6kg, cho vào nồi đất đổ ngập nước, nấu cạn còn một nửa, gạn lấy nước. Thêm nước mới vào và làm như vậy 3 lần. Trộn cả 3 lần nước thuốc rồi cô đặc thành cao. Ngày uống từ 2-3 thìa cao để tăng cường sức khỏe.

Exit mobile version