Về bản chất ô mai chính là một sản phẩm chiết xuất từ quả mơ. Vì vậy để hiểu hơn về tác dụng và cách dùng của vị thuốc này chúng ta sẽ đi tìm hiểu về các thông tin liên quan đến cây mơ trước tiên. Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy khá nhiều thông tin bất ngờ.
Cây mơ là gì ?
Tên khoa học/ tên khác
Dựa vào sản phẩm chế biến ra, người ta còn gọi cây mơ bằng một số cái tên như: ô mai, hạnh khổ nhân, mai. Người Pháp gọi loại cây này là abricotier, trong khí đó dân tộc Thái (Việt Nam) lại hay gọi cây là má pheng.
Giống cây này thuộc họ Hoa hồng Rosaceae, tên khoa học là Prunus armeniaca L.
Từ cây mơ, chúng ta thu được các vị thuốc sau:
+ Khổ hạnh nhân: Hay còn được biết đến là hạt khô của cây mơ.
+ Nước cất hạt mơ.
+ Ô mai: Quả của cây được đem đi ướp, tẩm, phơi khô.
+ Dầu hạnh nhân: Loại dầu được chiết xuất từ hạt quả mơ.
Trong bài viết này chúng ta sẽ đi tìm hiểu sâu về vị thuốc ô mai.
Mô tả cây
Chiều cao trung bình của cây mơ dao động từ 4 đến 5m. Lá cây có hình bầu dục, mép răng cưa nhỏ, phần đầu lá thuôn nhọn. Thời gian trổ hoa là vào mùa đông, khoảng tháng 12, tháng 1. Hoa có màu trắng tinh hoặc hơi hồng, cho quả vào tháng 3 tháng 4, màu vàng xanh. Quả dầy thịt, chua. Tại miền Bắc, một số tỉnh có loài song mai, mỗi đốt mọc 2 quả.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Hện nay, cây mơ phát triển theo cả 2 hình thức: mọc hoang và trồng. Nhiều nhất phải kể đến vùng Hà Tây cũ, cận chùa Hương, tiếp đến là các vùng như Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An,.. Hầu như tỉnh thành nào cũng có. Trong phạm vi khu vực, cây xuất hiện nhiều ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản,..
Thành phần hóa học
Thịt quả mơ bao gồm các thành phần chủ chốt sau: 2,5% axit (axit xitric, axit tactric), 27% đường (đa phần là sacaroza), tỷ lệ nhỏ dextrin, tinh bột, quexetin, izoquexetin, carotene, lycopene, vitamin C, …
Trong khi đó, nhân hạt mơ lại chứa đến 30 – 40% chất dầu (thành phần chính là axit oleic và axit linoleic) và 3% amygdalin, men emunsin (bao gồm 2 loại: amydalaza và prunaza).
Thu hái chế biến
Vào mùa quả chín, tầm tháng 3, tháng 4, người dân sẽ tiến hành trẩy quả về. Lúc này quả đã đổi sang màu vàng nhạt ở vỏ ngoài. Bạn có thể chế biến quả mơ bằng những cách sau:
+ Bạch mai/diêm mai
Rửa sạch mơ, phơi khô. Khi quả đã héo thì dùng muối xát đều, để vào vại sành. Sau 3 ngày 3 đêm bạn vớt quả ra phơi khô rồi lại cho vào vại muối, quá trình này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi nào muối tạo nên một lớp kết tinh trắng ở ngoài vỏ quả. Nhiều vùng gọi đây là ô mai muối.
+ Ô mai
Quả mơ già sau khi hái về sẽ được mang đi rửa sạch, phơi cho héo. Sau đó người ta sẽ tiến hành đun sôi nước, thả mơ đã phơi vào, đến khi da mơ nhăn lại thì cho vào chõ đồ rồi tiếp tục phơi ra. Quá trình trên được lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi nào mơ chuyển sang màu tím đen thì thôi. Cũng có 1 số vùng mơ tươi được đem đi đồ luôn, không cần qua phơi nắng.
Tại Trung Quốc và một số tỉnh vùng cao, để kéo dài thời gian bảo quản của ô mai, người ta sẽ cho mơ đã hái vào lò sấy với nhiệt độ không quá 40 độ C, đến khi màu của mơ chuyển sang vàng đen sẫm thì dừng lại, cất kho.
+ Ô mai cam thảo
Để tăng thêm hương vị của ô mai, người ta còn ướp thêm các nguyên liệu như gừng, cam thảo, muối, …
+ Nước cất hạt mơ
Đem 1200g hạt mơ đi giã, loại bỏ dầu, cho bã vào nồi, thêm 2000ml nước, khuấy đều, để lắng từ 2 đến 3 giờ. Sau đó bạn cất lấy hơi nước, dẫn qua bình chứa 300ml cồn 90 độ. Đến khi hỗn hợp thu được vào khoảng 900ml thì dừng lại. Sau đó bạn pha thêm axit xyanhydric vào với tỷ lệ 100ml dung dịch thu được (1 phần cồn 3 phần nước) thì cho thêm 0,1g axit.
+ Rượu mơ
Mơ chín đem rửa sạch, để ráo nước, cho vào bình, đổ thêm rượu theo tỉ lệ 1kg mơ: 1 lít rượu chuẩn 50 độ. Sau một tháng là có thể gạn rượu ra dùng. Khi dùng hết rượu lại đổ thêm rượu mới để ngâm tiếp. Sau 2 lần ngâm như thể, có thể dùng mơ để làm ô mai.
Công dụng của ô mai
Ô mai là vị thuốc có vị chua, tính bình, mát, có tác dụng đặc biệt hiệu quả trong việc giảm ho, chữa đau rát họng. Người ta thường dùng vị thuốc này khi vướng phải các vấn đề như: ho lâu ngày, ho liên tục, cổ hong sưng đau, viêm họng, viêm amidan,..
Ngoài ra, những người khô háo, mệt mỏi cũng nên dùng vị thuốc này.
Cách dùng ô mai
+ Đẩy lùi chứng khát nước ở bệnh nhân kiết lỵ
Cho 2 đến 3 quả ô mai vào nồi, thêm nước, khi sôi đun thêm khoảng 15 phút nữa, dùng thay nước uống trong ngày.
+ Chữa giun chui ra mồm, mũi
Cho 2 quả ô mai vào nồi, thêm 300ml nước, khi nước sôi đun thêm 15 phút nữa, thêm đường, dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.
+ Trị chứng băng huyết
Đem 7 quả ô mai đi thiêu tồn tính, tán nhỏ, uống làm 3 lần trong ngày cùng với nước cơm.
+ Hỗ trợ điều trị căn bệnh tiểu đường
Đem các vị thuốc sau, mỗi loại 10g đi sắc uống: ô mai, cát căn, mạch môn, thiên hoa phấn, hoàng kỳ. Khi sắc bạn nhớ bỏ thêm 3g cam thảo vào. Nếu muốn mang theo người bạn có thể chế thành viên hoàn. Với bài thuốc này, ngày 2 lần, mỗi lần 6g là đủ.
+ Trị tiêu khát, phiền muộn
Hãy lấy 80g ô mai nhục đem đi sao sơ, tán thành bột, cho vào lọ kín. Mỗi lần dùng bạn sử dụng 8g bột trên sắc với 2 chén nước đến khi còn một nửa thì bỏ bã, thêm 200 hạt đạm đậu xị vào đun kĩ. Khi nước còn ½ chén thì dừng lại, uống ngay khi còn nóng.
+ Trị sản hậu bị chứng lỵ, khát
Đem 20 quả ô mai đi sắc chung với mạch môn, Mỗi ngày người bệnh cần dùng 1 chén thuốc sắc như vậy.
+ Đẩy lùi xích lỵ
Tán bột 160g ô mai nhục và 160g hoàng liên sao, nặn thành viên tễ kích thước hạt ngô đồng. Mỗi ngày bạn sử dụng 3 lần viên tễ với nước cơm, liều lượng sử dụng 1 lần là 10 viên.
+ Chữa bệnh kiết lỵ ra máu mủ
Lấy 40g ô mai, loại bỏ hột, đốt sơ, tán nhuyễn thành bột. Liều lượng dùng thuốc là 8g/lần, chiêu thuốc bằng nước cơm.
+ Trị hưu tức lỵ
Tán bột cả 3 vị thuốc ô mai, tế trà, can khương, nặn thành viên tễ, dùng uống đều đặn.
+ Chấm dứt tình trạng ho lâu ngày
Đem ô mai đi nấu thành cao, trước khi đi ngủ thì dùng chung với mật ong.
+ Chấm dứt chứng ho do phế hư
Sắc chung tất cả các vị thuốc sau lên uống: ô mai, hạnh nhân, bán hạ, ao giao, sinh khương mỗi vị 12g, anh xác túc 6g, tô diệp 8g, cam thảo 4g.
+ Đẩy lùi chứng tiêu chảy
Bạn cần chuẩn bị tất cả các vị thuốc sau: ô mai, kha lê lặc, thương truật, phục linh, nhục đậu khấu, đảng sâm mỗi vị 12g, anh túc xác, mộc hương mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Đem tất cả đi sắc chung để uống hoặc bạn cũng có thể tán bột, ngày dùng 2 lần, mỗi lần 8g.
+ Chấm dứt chứng đau bụng giun
Sắc uống các vị thuốc sau: Ô mai, đại hoàng, tân lang, chỉ thực, mang tiêu, khổ luyện bì mỗi vị 6g, mộc hương, can khương mỗi vị 8g, tế tân 4g.
+ Chữa bệnh giun chui ống mật
Sắc uống 12g mỗi vị thuốc sau: Ô mai, khổ luyện bì, tân lang, sử quân tử.
+ Hỗ trợ điều trị trĩ nội
Dùng ô mai chế thành thuốc chích.
+ Trị bệnh viêm gan do virut
Bỏ 40 đến 50g ô mai vào nồi, thêm nửa lít nước vào đun đến khi còn một nửa thì dừng lại, chia 2 lần uống trong ngày. Song song với việc dùng thang thuốc trên bạn cũng nên bổ sung cả vitamin B và C.
+ Xóa bỏ chứng tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Trẻ dưới 1 tuổi: 1 ngày dùng 3 lần thuốc Bicarbonat Natri 0,25g + 1g ô mai
Trẻ trên 1 tuổi: Tương tự như trên nhưng tăng liều lượng ô mai lên 1,5g.
+ Cắt cơn sốt rét
Sắc uống tất cả các vị thuốc sau cùng 750ml nước: ô mai, thảo quả, binh lang, xuyên khung, bạch thược, thanh bì, cam thảo, hậu phác, gừng mỗi loại 8g, miết giáp 16g, hoàng kỳ, bạch truật mỗi loại 12g. Đun kĩ đến khi còn 300ml nước thì dừng lại, uống khi còn ấm, chia 3 lần uống. Một liệu trình điều trị thường kéo dài 5 ngày.
+ Trị đau rát họng, mất tiếng
Dùng 4g ô mai muối tán nhỏ, trộn chung với bột các vị thuốc thiên môn, bách bộ, mạch môn, vỏ rễ râu, các vị thuốc này cũng sử dụng liều lượng 4g. Thêm mật ong, nặn thành viên tễ, dùng để ngậm mỗi ngày.
+ Trị ho do nhiễm lạnh
Sắc uống ô mai, lá chanh mỗi vị 4g, tô mộc, lá tre mỗi vị 8g, gừng sống 2g, chua me đất, cao thảo dây 5g mỗi vị. Ban đầu đổ vào 700ml nước, đun kĩ đến khi còn 300ml thì tắt bếp, chia thành 3 lần dùng. Nên sử dụng thuốc khi còn ấm, một liều trình sẽ kéo dài trong vòng 10 ngày.
+ Trị lỵ ở mức nhẹ
Bạn có thể uống nước sắc từ 15 quả ô mai hàng ngày hoặc sử dụng 8g ô mai kết hợp chung với các vị thuốc: 16g đảng sâm, 12g hoàng liên, 12g hoàng bá, 12g đương quy, 6g xuyên tiêu, 6g tế tân, 6g can khương, 6g quế chi, đun từ 750ml nước xuống còn 300ml nước chia thành 3 lần dùng. Bạn cần dùng bài thuốc này trong khoảng nửa tháng.
+ Trị ho có đờm
Đun 12g mỗi loại các vị thuốc như ô mai, dành dành, hoa hòe, vỏ rễ dâu trong 750ml nước. Khi cạn còn 300ml bạn nhấc ra, để nguội đến khi còn ấm thì uống làm 3 lần trong ngày. Một liệu trình điều trị sẽ kéo dài trong 10 ngày.
Như vậy, chỉ cần khéo léo sử dụng, ô mai sẽ đem lại rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.