Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Phụ tử và ô đầu là gì, có công dụng gì cho sức khỏe?

1/ Cây phụ tử và ô đầu là gì?

Chúng ta có thể nghe nhắc đến phụ tử nhiều hơn bởi vị thuốc này được xếp vào tứ đại danh dược của đông y. Tuy nhiên, thực chất cây thuốc tạo nên vị thuốc quý này lại được gọi là ô đầu.

a/ Tên khoa học, tên khác

Cây ô đầu có tên khoa học là Aconitum sinense Paxt, thuộc họ khoa học là họ Mao lương Ranunculaceae. Cây còn có các tên gọi khác như xuyên ô, thảo ô, củ ấu tàu (thận trọng tránh nhầm với vị hương phụ), củ gấu tàu, thiên hùng, ô uế, trắc tử.

Trong đó, phụ tử và ô đầu đều là rễ củ của cây ô đầu. Tuy nhiên, do phần rễ và cách chế biến khác nhau nên thuốc cũng có công dụng khác hẳn. Cụ thể:

– Ô đầu (Radix Aconiti) là là phần rễ củ mẹ của cây ô đầu. Rễ này được người trồng đào về, rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô. Các lương y đều thống nhất rằng vị ô đầu rất độc và hiện đang được xếp vào nhóm chất độc bảng A.

– Phụ tử là những rễ củ con của cây ô đầu Aconitum sinense Paxt. Tuy nhiên, phụ tử cũng không chỉ phơi, sấy khô như ô đầu mà cần được chế biến kỹ lưỡng trước khi dùng. Vị thuốc này cũng được chia thành nhiều loại tùy thuộc theo cách chế biến như hắc phụ, bạch phụ củ, bạch phụ phiến, diêm phụ. Các vị lương y xưa có người cho rằng phụ tử độc nhưng có người lại khẳng định không độc vì có thể dùng từ vài gam đến 40 – 50g mỗi ngày hoặc hơn nữa. Ngày nay phụ tử cũng được xếp vào nhóm chất độc nhưng là chất độc bảng B.

b/ Mô tả cây

Cây ô đầu có thân đứng, hình trụ nhẵn

Về hình thái cây, phụ tử và ô đầu đều thuộc một loại cây. Loại cây này có dạng thân thảo, sống lâu năm. Thân đứng, hình trụ nhẵn, các cây có thể cao từ 0,6 – 1m. Rễ cây phát triển mạnh thành củ. Trong đó bao gồm cả các củ cái (ô đầu) và củ con (phụ tử). Củ cái ở những cây phụ tử và ô đầu được trồng có thể có đường kính lên tới 5cm. Về lá cây thì lá phụ tử và ô đầu mọc so le. Lá của các cây non có hình tim tròn, mép lá có răng cưa to. Đến khi cây già thì lá xẻ thành 3 thùy không đều (2 thùy 2 bên lại có thể xẻ làm 2), trên mặt lá có lông ngắn, phần mép lá có khía răng nhọn.

Hoa phụ tử và ô đầu nở trong tầm từ tháng 3 – 7. Các cụm hoa dài từ 10 – 20cm, mọc dày ở ngọn thân cây. Hoa không đều thường có màu xanh làm, lá dài phía sau hình mũ nông với lá bắc nhỏ. Đến tháng 7 – 8 thì kết quả. Các quả có 5 đai mỏng, trên mặt hạt có vẩy.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Phụ tử và ô đầu chưa được trồng ở nước ta. Hiện mới phát hiện một số cây mọc hoang ở vùng Lào Cai.

Trái lại, cây mọc hoang và được trồng rất nhiều ở một số tỉnh của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Cam Túc, Thiểm Tây.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng chính là củ rễ của cây. Trong đó rễ cái (hoặc củ cái) là ô đầu còn rễ con (hoặc củ con) là phụ tử.

e/ Thành phần hóa học

Phụ tử và ô đầu chứa alcaloids, aconitin, mesaconnitin, hypaconitin… Trong đó, aconitin là chất độc nhất và cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Liều aconitin gây chết người thường là khoảng 0,2 – 0,5/ 1kg thể trạng. Tuy nhiên, quá trình chế biến (chế biến phụ tử) sẽ giúp thủ phân các chất đôc thành các chất ít độc và có nhiều công dụng phòng trị bệnh như chống viêm, làm tăng huyết áp, trợ tim, nâng cao khả năng miễn dịch, chống lạnh, làm hạ đường huyết.

Trong phụ tử và ô đầu có chứa chất độc nhưng chất độc sẽ giảm trong quá trình bào chế, sắc thuốc

Đặc biệt trong quá trình sắc thuốc thì các aconitin trong phụ tử tiếp tục được phân hủy để đảm bảo công dụng và độ an toàn. Các nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản còn chỉ ra rằng phụ tử kết hợp với một số vị thuốc phù hợp sẽ làm giảm độc tính, tăng hiệu quả trị liệu. Ví dụ như trong đơn “Tứ nghịch thang” gồm phụ tử phối hợp với gừng và cam thảo, độc tính của phụ tử càng giảm đi rõ rệt so với lúc sắc riêng. Hoặc cũng có thể sắc phụ tử riêng, sắc gừng riêng, sắc cam thảo riêng rồi mới trộn 3 loại dịch đã được sắc riêng ấy với nhau. Người ta cho rằng việc sắc xong mới trộn 3 dung dịch lại không chỉ khiến aconitin bị phân hủy bởi nhiệt mà còn kích thích sự giữa axit glucuronic của cam thảo với những ancaloid gây độc trong phụ tử.

f/ Thu hái chế biến

Rễ củ phụ tử và ô đầu được thu hái vào mùa thu trước khi cây ra hoa. Khi thu hái chỉ cần rửa sạch, tách riêng củ mẹ (ô đầu) và củ con (phụ tử). Sau đó chế biến theo cách:

– Ô đầu: Đem phơi hoặc sấy khô ở khoảng 50 – 60 độ C. Phơi đến khi độ ẩm còn không quá 13%, tạp chất còn không quá 1% là được.

– Diêm phụ: Còn được gọi là phụ tử muối thường được chế biến bằng cách rửa sạch các củ con, xếp thành từng lớn vào một chiếc vài sành, cứ 1 lớp củ thì lại rắc lên 1 lớp muối rồi nén nặng, đậy thật kín. Muối khoảng 6 tháng trở lên thì có thể đem ra dùng.

– Hắc phụ: Hoặc còn gọi phụ tử chế được chế biến bằng cách lấy diêm phụ ra cắt bỏ đầu, đuôi, rốn rồi cao sạch vỏ, thái thành từng lát mỏng. Sau đó, tẩm phụ tử với nước đậu đen đặc, cho vào nồi đồ trong khoảng 1 giờ rồi phơi đến khi khô kiệt để thành hắc phụ.

– Bạch phụ: Nên chọn những củ con nhỏ, đem rửa sạch, cho vào vại nước có pha sẵn magie clorua để ngâm. Sau đó lấy ra đem đun cho tới khi chín thì bóc bỏ lớp vỏ đen, thái thành từng miếng mỏng (chỉ chừng 3mm). Tiếp tục đem rửa cho hết vị cay thì hấp chín, phơi khô. Cuối cùng cho xông hơi diêm sinh và phơi khô hẳn là được.

Người dùng cần lưu ý là mặc dù diêm phụ, hắc phụ, bach phụ đã được chế biến nhưng khi dùng thường được chế với đậu đen hoặc ngâm nước nhiều lần rồi mới dùng.

Có nhiều cách để bào chế phụ tử

2/ Công dụng của phụ tử và ô đầu

a/ Theo y học cổ truyền

Theo tài liệu cổ, phụ tử và ô đầu đều có tính đại nhiệt, vị cay, ngọt, có độc, vào 12 đường kinh. Cụ thể:

– Ô đầu có vị nhạt, the, sau gây cảm giác như kiến bò. Vị thuốc này thường dùng để chữa các chứng bệnh về xương khớp như gân cơ đau nhức, chân tay tê mỏi, co quắp, bán thân bất thoại. Tuy nhiên, do chứa độc tính lớn nên ô đầu chỉ được dùng ngâm rượu với tỷ lệ 10 % để xoa bóp bên ngoài. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp ô đầu với một số vị thuốc khác như nghệ trắng, mật gấu, mặt trăn, nhân hạt gấc, huyết lình.

– Phụ tử lại có tính nóng, vị cay, hơi ngọt. Do đó, có thể dùng để hồi dương trong những trường hợp cấp cứu với các triệu chứng mạch gần như không có, mồ hôi ra nhiều, phong hàn thấp tý, cước khí, thủy thũng, thận hư bất túc, chân tay quờ quạng. Tuy độc trong phụ tử có giamrm nhưng khi áp dụng vào quá trình điều trị vị thuốc này vẫn cần phối hợp với các vị khác, đặc biệt là cam thảo và gừng sống.

b/ Theo y học hiện đại

Tại Nhật Bản, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chiết từ nước sắc phụ tử ra một chất có tác dụng cường tim rất mạnh là higranim. Chất này rất bền với nhiệt đội, với áp suất và cả môi trường nước acid hóa. Ở nồng độ 10g, chất này vẫn có tác dụng cường tim. Đặc biệt, dù hấp ở 40 phút ở nhiệt độ 110 – 115 độ C nhưng hiệu lực cường tim của thuốc chỉ giảm 2%. Trong khi đó DL- 50 giảm độc tới 200 lần.

Ngoài ra, tác dụng cường tim của phụ tử còn liên quan đến ion Ca+2 trong nước sắc của các đơn thuốc có phụ tử. Nguồn ion Ca+2 này một phần có trong axit canxiphotphoaconitic của phụ tử, một phần có trong nước muối dùng để chế diêm phụ tử, hắc phụ tử. Do đó, nước sắc phụ tử chế có tác dụng cường tim mạnh hơn nước sắc ô đầu vì có lượng ion Ca+2 nhiều hơn. Nếu loại các ion Ca+2 này khỏi nước thuốc thì khả năng cường tim cũng giảm đi nhiều.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng phụ tử và ô đầu

Như đã trình bày ở trên phụ tử và ô đầu đều có độc tính. Tuy nhiên, độc tính ở ô đầu mạnh nên chỉ được dùng bên ngoài. Tuyệt đối không uống khi không có chỉ dẫn rõ ràng của bác sĩ điều trị. Ngược lại, phụ tử có độc tính ít hơn và độc tính đã giảm trong quá trình chế biến và sẽ tiếp tục giảm trong quá trình sắc thuốc. Tuy nhiên, người chân nhiệt giả hàn, âm hư dương thịnh, phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang trong giai đoạn rối loạn mãn kinh với triệu chứng âm hư nội nhiệt không nên dùng.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đưa ra một số đơn thuốc từ phụ tử để mọi người tham khảo:

– Trị phong thấp, đau nhức xương khớp: Người bệnh mắc chứng phong thấp, xương khớp đau nhức mà không thấy biểu hiện nhiệt có thể dùng bài thuốc thang quế chi phụ tử. Bài thuốc gồm phụ tử chế 12g, quế chi 12g, sinh khương (gừng sống) 12g, cam thảo 8g, đại táo 3 quả. Cho tất cả các vị thuốc này vào sắc uống.

Phụ tử chế trị phong thấp, đau nhức xương khớp hiệu quả

– Ấm thận hồi dương: Những người mắc các chứng hư thoáy, dương hư ở tâm thận, ra mồ hôi thấm ra không dứt, thổ tả không cầm, nôn thường thường xuyên, sờ chân tay thấy lạnh ngắt, mạch nhỏ như muốn tắt thì có thể áp dụng bài Tứ nghịc thang gồm phụ tử chế 16g, can khương (gừng khô) 12g, chích thảo 6g. Cho cả 3 vị thuốc vào nồi sắc kỹ lấy nước uống. Bài thuốc này sẽ trị nhanh chứng mồi hôi ra nhiều, nôn nhiều, đi ngoài nhiều gây mạch nhỏ, hư thoát, chân tay lạnh.

– Hồi dương cấp cứu: Một bài thuốc có khả năng ấm thận hồi dương khác là Hồi dương cấp cứu thang. Bài thuốc này gồm một số thành phần chính như phụ tử chế 12g, phục linh 12g, trần bì (vỏ quất khô) 12g, bạch truật 12g, bán hạ 12g, đảng sâm 12g, sinh khương 12g, can khương 6g, ngũ vị tử 6g, nhục quế 4g, cam thảo 4g. Sắc lấy nước thuốc. Sau đó thêm xạ hương 0,12g (3 ly) hòa chung với nước thuốc mà uống. Bài thuốc này có thể trị hàn uất nhập lý, đau bụng rùng mình, thân nhiệt và huyết áp đều xuống thấp, thổ tả nhưng không khát, chân tay lạnh ngắt, thân mạch nhỏ muốn tắt.

– Ấm thận hành thủy: Có thể dùng bài Hoàn bát vị để chữa viêm thận mãn tính, dương khí không đủ, tay chân phù thũng, lưng mỏi chân lạnh. Bài thuốc gồm các thành phần là phụ tử chế 12g, sơn dược 16g, thục địa 16g, sơn thù du 12g, đơn bì 12g, bạch phục linh 12g, trạch tả 12g, quế nhục 4g. Đem tất cả các vị thuốc tán bột mụn, lấy mật làm thành hoàn. Mỗi lần uống 12g, ngày uống 2 lần.

– Trừ hàn dịu đau: Nếu bị hàn tà, thấp tà xâm nhập vào cơ thể, gây tình trạng xương khớp đau nhức, lưng lạnh, chân tay lạnh, miêng không thấy khát thì có thể dùng bài Thang phụ tử gồm phụ tử chế 12g, đảng sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, thược dược (thược dược làm thuốc khác loại hoa thược dược trưng trong ngày tết, tránh nhầm lẫn) 12g. Cho tất cả vào ấm, sắc uống.

– Ôn thận bổ dương: Áp dụng bài Thận khí hoàn gồm các vị phụ tử chế 4g, can địa hoàng 16 – 32g, bạch phục linh 8 – 12g, sơn dược 8 – 16g, sơn thù 8 – 16g, trạch tả 8 – 12g, đơn bì 8 – 12g, quế chi 2 – 4g. Đem tất cả các vị thuốc tán thành bột mịn, trộn thật đều, luyện với mật để làm hoàn. Mỗi lần uống khoảng 8 – 12g, ngày uống 1 – 2 lần. Uống thuốc với nước sôi nóng hoặc gia thêm chút muối để đạt hiệu quả tốt nhất. Bài thuốc này có tác dụng ôn thận bổ dương nên thường được dùng để chữa các chứng bệnh mãn tính như: thần kinh suy nhược, viêm thận mãn, thừa cân béo phì, hay tiểu đêm, liệt dương, người già suy nhược mắc hội chứng thận dương hư.

Bài thuốc này khi gia thêm các vị ngưu tất, xa tiền tử thì được gọi là Tế sinh thận khí hoàn hoặc Tế sinh phương. Thuốc có tác dụng tiêu phù, lợi tiểu nên được dùng để chữa các chứng thận dương ư, cơ thể phù thũng, nặng nề, tiểu tiện ít. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý là bài thuốc này không áp dụng cho những người mắc hội chứng thận âm bất túc như mỏi gối, đau lưng, người nóng, hay ra mồ hôi trộm, mạch tế sác.

Exit mobile version