Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Phục linh – vị thuốc quý trong y học

1/ Cây phục linh là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Phục linh còn gọi bạch phục linh, bạch linh, là loại nấm lỗ thường phát triển bao quanh rễ cây thông già. Cây có tên khoa học là Poria cocos Wolf. (Pachyma hoelen Rumph), thuộc họ nấm lỗ Pholyporaceae và thường được dùng làm thuốc hoặc làm thực phẩm.

b/ Mô tả cây

Phục linh là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông

Nấm phục kinh mọc ký sinh trên rễ cây thông. Người ta cho rằng loại nấm này là linh khí của cây thông nấp ở dưới đất, do đó mà đặt tên. Nếu nấm mọc xung quanh rễ khi đào lên có rễ thông ỡ giữa nấm thì gọi là phục thần vì cho rằng loại nấm này có tác dụng chữa sợ hãi, mất ngủ, yên thần phách.

Nấm phục linh thường có hình khối to, cây nấm nhỏ thường bằng nắm tay, cây nấm to có thể nặng tới 5kg. Nấm có mặt ngoài màu xám đen, nhăn heo có khi thành bướu. Nếu cắt ngang sẽ thấy mặt lổn nhổn, màu trắng (bạch phục linh) hoặc hồng xám (xích phục linh). Phục linh sơ chế thành bột sẽ có màu trắng xám, chứa nhiều các khuẩn ty, bào tử, cuống đám tử. Dùng glyxerin để soi sẽ thấy các khuẩn ty không mầu, thỉnh thoảng xuất hiện các khuẩn ty màu nâu với đường kính 3-4 µm, cuống đám tử thì có đường kính 9-18 µm, trên đầu có nhi u đám bào tử đường kính 11-26 µm….

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Trung Quốc có sản lượng phục linh rất lớn. Loại tốt nhất mọc ở Vân Nam (gọi là Vân linh) còn loại ở Quảng Đông thường không tốt bằng.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy Phục Linh ở Hà Giang, Thanh Hoá, Lâm Ðồng, Gia Lai. Ðang được nghiên cứu để trồng ở Sapa, Tam Ðảo. Cây mọc tự nhiên trong rừng có thông, nằm sâu dưới một lớp đất mặt 20-30cm. Thường phát triển nhất ở vùng núi hướng về phía mặt trời, thoáng, khí hậu ấm áp, độ cao trung bình, chất đất cát mịn tơi xốp, không bị gió bấc thổi.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng của phục linh là quả thể nấm

Bộ phận dùng là quả thể nấm. Thường được dùng ở dạng phục linh khô với hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối. Các cây nấm thường không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, thể nặng, rắn chắc, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Mặt bẻ thường sần sùi và có vết nứt, phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt. Riêng loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông được gọi là Phục thần. Nấm phục linh thường không mùi, vị nhạt, cắn dính răng. Có các loại phục linh chính gồm:

– Phục linh bì: Đây là lớp ngoài phục linh tách ra, lớn, nhỏ, không đồng nhất. Chất tương đối xốp, hơi có tính đàn hồi. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt.

– Phục linh khối: Sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, có màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt với hình dạng lớn nhỏ không đồng nhất.

– Bạch phục linh: Là phần bên trong, màu trắng.

– Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, màu hơi hồng hoặc nâu nhạt.

– Phục thần: Là phần nấm phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.

e/ Thành phần hóa học

Các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong phục linh có các acid amin (lecithin, choline, adenine), các triterpenoid (eburicoic acid, pachymic acid…), các polysaccharid (pachyman) và steroids (ergosterol)….

f/ Thu hái chế biến

Phục linh được thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9. Sau khi loại bỏ đất cát, người ta thường chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt. Tiếp tục chất đống, rồi ủ vài làn cho đến khi quả nấm khô nước, bề mặt xuất hiện các vết nhăn nheo, phơi âm can đến khô là được.

Cũng có nơi đem phục linh tươi thái miếng và phơi âm can nơi thoáng gió. Tuỳ theo các phần thái và màu sắc khác nhau của phục linh mà có tên gọi khác nhau như: Phục linh bì, Xích phục linh, Bạch phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến. Cũng có thể đem phục linh bào chế bằng cách ngâm vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm rồi gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm để phơi hoặc sấy khô.

Phục linh thường được làm khô để tiện cho việc bảo quản, sử dụng

2/ Công dụng của cây phục linh

– Theo y học cổ truyền: Phục linh có vị ngọt nhạt, tính bình, vào kinh tâm, phế, tỳ và thận. Vị thuốc này có tác dụng bổ tâm an thần, lợi thủy trừ thấp, kiện tỳ hòa vị, tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ gan, chống loét đường tiêu hoá, chống u bướu và trấn tĩnh an thần. Do đó, thường được dùng cho trường hợp hồi hộp, nhịp tim nhanh, mất ngủ, tiểu ít, tiểu rắt tiểu buốt, phù nề, nôn thổ tiêu chảy. Trong đó:

+ Phục linh bì (vỏ phục linh – Percarpium Poria) có tác dụng lợi thủy, tiêu thũng, trị thủy thũng, phụ nữ có thai bị phù nề.

+ Xích phục linh (Poria rubra) có tác dụng lợi thấp nhiệt, trị tiểu tiện ít, tiểu rắt, tiểu khó, nước tiểu vàng đỏ.

+ Phục thần thì có tác dụng dịu tim, an thần.

– Theo y học hiện đại: Phục linh có nhiều công dụng cho sức khỏe như tác dụng lợi tiểu, tăng cường miễn dịch, an thần, có tác dụng hạ đường huyết, bảo vệ gan và chống lóet bao tử, tăng chỉ số thực bào của phagocyte (ở chuột). Thuốc cũng có tác dụng kháng ung thư (do thành phần polysacharide của thuốc) do làm tăng miễn dịch cơ thể. Ngoài ra, nước sắc phục linh có tác dụng ức chế đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn biến dạng, trực khuẩn đại tràng. Cho phục linh vào cồn ngâm kiệt có tác dụng giết chết xoắn khuẩn.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây phục linh

Liều dùng phục linh phổ biến là 9 – 15g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên. Trong quá trình dùng thì cần bảo quản ở nơi mát, khô ráo, đậy kín, không nên để quá khô, quá nóng vì dễ làm thuốc nứt vụn, mất chất dính. Dưới đây là những bài thuốc phổ biến từ phục linh:

– Lợi tiểu tiêu phù: Dùng bài Ngũ linh tán (Thương hàn luận) phục linh, bạch truật, trư linh mỗi vị 10g; trạch tả 12g, quế chi 4g, tất cả tán bột mịn trộn đều. Mỗi lần uống 10g, ngày 2 – 3 lần hoặc có thể cho tất cả các vị vài nồi sắc lấy nước thuốc để uống. Người bệnh cũng có thể dùng bài Bạch phục linh thang với thành phần là bạch phục linh, trach tả, uất lý nhân đều 10g (phục linh có thể dùng đến 12g), sắc uống. Nếu phù do cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai thì có thể chuẩn bị phục linh 250g, bột lúa mạch (hoặc cám gạo mịn) 60g, tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần.

– Chữa tiêu chảy: Dùng bài Hương sa lục quân (Hòa tễ cục phương) gồm bạch linh, đảng sâm, bạch truật, tất cả đều 10g; bán hạ, trần bì, gừng chế đều 5g; mộc hương, sa nhân đều 4g; chích thảo 3g. Tất cả tán thành bột mịn trộn với nước gừng táo làm thành từng viên bằng hạt đỗ xanh. Mỗi lần uống 4 – 8g, tùy tuổi. Bài thuốc này trị tiêu chảy kéo dài do tỳ hư kết quả tốt. Hoặc người bệnh cũng có thể dùng bài Sâm linh Bạch truật tán (Hòa tễ cục phương) gồm các thành phần bạch linh, bạch truật, nhân sâm (hoặc đảng sâm), hoài sơn, đậu ván trắng (sao), ý dĩ nhân, hạt sen các vị đều 80g; trần bì, chích thảo, cát cánh, sa nhân đều 40g, tất cả tán mịn, viên với hồ bột gạo tẻ hoặc trộn với nước sắc gừng táo vừa đủ làm thành thuốc bột, mỗi lần uống 4 – 8g, ngày 3 lần.

– Chữa mất ngủ: Người bệnh có thể dùng Viên an thần với các thành phần là phục linh, phục thần, xương bồ, viễn chí, đảng sâm, long nhãn nhục, các vị lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Dùng chu sa làm áo luyện mật thành hoàn. Mỗi lần uống 10 – 20g vào chiều và tối trước khi đi ngủ.

Phục linh rất tốt với những người bị mất ngủ

– Chữa đau đầu chóng mặt (đầu phong hư huyễn): Chuẩn bị bột phục linh, thần khúc, men rượu với liều lượng thích hợp rồi trộn đều và uống với nước sôi (hoặc bột phục linh thần khúc uống với nước cái rượu).

– Hỗ trợ điều trị di tinh hoạt tinh di niệu: Nam giới bị di tinh hoạt tinh di niệu nên dùng món dê nướng tẩm phục linh sa nhân. Món ăn này có thành phần là phục linh 60g, sa nhân 30g và thịt dê 100 – 150g. Đem dược liệu tán bột mịn thêm chút muối đem ướp đều vào thịt dê, rồi nướng chín. Ăn nóng và uống ít rượu khai vị.

– Hỗ trợ điều trị viêm xuất tiết tràn dịch phế mạc: Các trường hợp viêm xuất tiết tràn dịch phế mạc (triệu chứng đầy tức đau khi xoay chuyển vùng ngực, thở gấp, ho suyễn có thể dùng cháo gạo nếp phục linh. Lấy phục linh 30g tán bột, cho vào nồi với gạo nếp 60g để nấu thành cháo. Mỗi ngày một lần, chia 2 lần ăn.

– Hỗ trợ điều trị viêm teo thị thần kinh: Người bệnh nên dùng thịt nạc hầm cà rốt phục linh bạch truật. Chuẩn bị phục linh 15g, bạch truật 20g, thịt lợn nạc 250g, cà rốt 300g, gừng tươi 1 củ. Trong đó, dược liệu gói trong vải xô, cà rốt rửa sạch thái lát, gừng tươi 1 củ đập giập. Tất cả cho vào nồi thêm nước hầm chín, bỏ bã thuốc và nêm gia vị cho vừa miệng. Ăn ngày 1 lần, một liệu trình là 5 – 7 ngày.

– Hỗ trợ điều trị ung thư: Theo Tạp chí Trung tây y kết hợp (năm 1985) thì Khoa ung thư Bệnh viện số 1 thị Phúc châu dùng polysacharid bạch linh trị 70 ca ung thư các loại. Một số có kết quả xạ trị, hóa trị và phẫu trị. Kết quả cho thấy thuốc có tác dụng tăng sức, cải thiện chức năng gan thận, nâng chức năng miễn dịch, tăng hiệu quả của xạ trị đối với bệnh nhân ung thư mũi họng.

Exit mobile version