Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Quả mơ và những công dụng của quả mơ với sức khỏe

1/ Cây mơ là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Mơ còn có một số tên gọi khác như hạnh, mai, ô mai, khổ hạnh nhân, má pheng (Thái), abricotier (Pháp). Cây có tên khoa học là Prunus armeniaca L, thuộc họ khoa học là họ Rosaceae (Hoa hồng).

Ngoài giống mơ Prunus armeniaca L, tại một số tỉnh miền Bắc nước ta còn có loài song mai. Loại cây này được đánh giá là quý hơn và có dấu hiệu đặc trưng là ở mỗi đốt thường mọc 2 quả.

b/ Mô tả cây

Cây mơ là một loại cây nhỏ, rụng lá, cao chừng 4 – 6m. Cành non của cây có màu nâu hồng, lá non thường hơi cuộn lại. Lá cây mọc so le, có cuống phiến lá hình bầu dục, gốc hình tim hay tròn, phiến lá hình trứng dài, đầu có mũi nhọn ngắn, mép lá có răng cưa rất bé, có khi có lông ở nách gân, mặt dưới lá nhẵn.

Cây mơ là loại cây nhỏ, có hoa màu trắng đẹp mắt

Hoa mơ nở trong khoảng cuối mùa đông. Hoa thơm, mọc đơn độc, có cuống ngắn, màu trắng hoặc hồng. Đài hoa hình ống, 5 thùy, 5 tràng, bầu tròng 1 ô, nhị nhiều xếp thành 2 vòng. Quả mơ là quả hạch hình cầu, phủ lông tơ, màu lục hoặc vàng, đỉnh quả có mũi nhọn. Trong quả có nhiều thịt và một hạt. Hạt mơ thì nhẵn, hình thấu kính, có màu nâu nhạt.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Cây mơ mọc hoang và được trồng nhiều nhất ở Hà Tây (vùng chùa Hương, thuộc huyện Mỹ Đức), Hà Nam (huyện Kim Bảng), Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.

Ngoài Việt Nam, cây còn mọc ở một số nước khác như: Armenia, Trung Quốc, Nhật Bản.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng chính của cây mơ là quả mơ và hạt mơ. Từ loại cây này, ta thu được một số vị thuốc như:

– Khổ hạnh nhân (Semen Armeniacae) là phần hạt khô của cây mơ

– Dầu hạnh nhân (Oleum Armeniacae) là dầu ép từ nhân hạt mơ

– Nước cất hạt mơ (Aqua Armeniacae amarae) là loại nước chế từ hạt mơ

– Ô mai (Tructus Armeniacae praeparatus) là quà mơ chế và phơi hay sấy khô. Trong đó, ô là đen còn mai là nghĩa là mơ.

Từ quả mơ người ta có thể chế được nhiều vị thuốc như ô mai, khổ hạnh nhân, dầu hạnh nhân

e/ Thành phần hóa học

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong thịt quả mơ có chừng 27% chất đường (chủ yếu là sacaroza); 2,5% axit trong đó chủ yếu gồm axit xitric, axit tactric; một ít tinh bột, caroten, lycopen, vitamin C, quexetin, dextrin, izoquexetin, pectin, tanin, metylsalixylat, men peroxydaza và ureaza.

Theo Chemical abstract, 1968. 69-686C, năm 1968, từ quả mơ các nhà nghiên cứu đã chiết ra được một chất có tác dụng với vi trùng lao Mycobacterium tuberculosis. Tác dụng này có liên quan đến sự có măt của axit xitric và malic trong quả mơ.

Trong khi đó, nhân hạt mơ chứa 35 – 40% chất dầu (dầu này còn được gọi là dầu hạnh nhân), 3% chất amygdalin C20H27O11 và men emunsin. Amygdalin chịu tác dụng của men emunsin cho axit xyanhydric, glucoza và andehyt benzoic hay benzandehyt. Riêng chất men emunsin lại bao gồm 2 men là men amydalaza và men prunaza.

Đến năm 1951, các nhà nghiên cứu phát hiện trong dung dịch hạt mơ có một chất axit được đặt tên là axit pangamic. Chất này sau đó đã được xác định là vitamin B15 được phát hiện đầu tiên vào năm 1950 trong gan bò. Loại vitamin này chiếm tỷ lệ khá cao trong nhân hạt mơ. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy nó trong cầm thóc, cám gạo, máu bò, gan ngựa và men bia.

Cấu trúc của axit pangamic hay vitamin B15 đã được xác định là gồm este của axit gluconic và dimetylglyxin. Loại vitamin này có tác dụng kích thích quá trình chuyển hoá oxy trong tế bào để tế bào chóng hồi phục và phòng chống lão hóa cho cơ thể. Hiện vitamin 15 được dùng nhiều tỏng việc phòng trị các bệnh về tim, phổi (nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tràn khí phổi), viêm gan và xơ gan trong giai đoạn đầu….

f/ Thu hái chế biến

Người ta thường hái quả mơ vào tầm tháng 3 – 4 hàng năm

Quả mơ thường được thu hái vào tầm tháng 3 – 4 (tức tháng 2 – 3 âm lịch). Khi quả mơ chín, chuyển sang màu vàng thì hái về tãi mỏng. Tùy theo mục đích chế thành mơ trắng (bạch mai) hay mơ đen (ô mai) mà sẽ có cách chế biến khác nhau.

– Chế bạch mai hay diêm mai: Khi quả mơ phơi đã héo thì lấy muối xát đều. Bỏ vào vại sành muối như muối cà (không đổ nước). Muỗi khoảng 3 ngày 3 đêm thì vớt ra phơi cho tái rồi lại cho vào vại muối thêm khoảng một ngày một đêm nữa. Lần này vớt ra thì phơi cho thật khô, phần muối thấm vào quả mơ sẽ kết tinh thành một lớp trắng bên nên gọi là bạch mơ. Cũng có nơi khọi đây là ô mai muối dù chữa ô mai không đúng lắm (ô là đen, mai là mơ).

– Chế ô mai: Nếu muốn chế ô mai thì cần hái những quả mơ thật già đem về tãi mỏng, phơi ở chỗ mát cho héo. Sau đó đun nước sôi, cho quả mơ vào nồi nước cho đến khi da mơ nhăn lại thì cho vào chõ đồ rồi lại phơi. Làm liên tục 6 – 7 lần cho quả mơ tím đen lại là được (dạng 9 lần đồ, 9 lần phơi hay cửu chưng, cửu sái). Hoặc cũng có nơi đem mơ hái về đồ ngay rồi phơi, phơi héo lại đồ. Làm liên tục chín lần cho đến khi quả mơ chuyển sang màu đen thì phơi khô kiệt là dược. Hoặc cũng có một số nơi ở nước ta chế ô mai bằng cách hái về cho vào lò sấy bằng khói than củi ở nhiệt độ không quá 40°C cho khô. Lúc này mơ hơi có màu vàng đen sẫm, chỉ cần cất vào kho, để một thời gian cho quả ngả sang màu đen là được. Sau đó loại bỏ hạt để lấy phần thịt quả. Hơi khói sẽ giúp việc bảo quản được tốt hơn.

– Chế nước cất hạt mơ: Nếu muốn chế nước cất hạt mơ thì lấy nhân hạt mơ 1,2kg, nước lã 2 lít, cồn 90 độ và nước cất vừa đủ. Nhân hạt mơ ép bỏ dầu đi. Cho bã vào nồi nước cất rồi thêm nước lã vào khuấy đều, để yên khoảng 2 giờ đổ lên. Cất lấy hơi nước. Đầu ống dẫn hơi cần được nhúng vào bình (bình này đã chứa sẵn khoảng 300ml cồn 90 độ. Cất cho đến khi cả cồn cả nước được khoảng 900ml thì thôi. Dùng một hỗn hợp một phần cồn và 3 phần nước cất (tính theo thể tích) để pha thêm vào. Sao cho cứ 100ml có được 0,1g axit xyanhydric là ta sẽ có nước cất hạt mơ dùng làm thuốc.

– Chế rượu mơ: Hái quả mơ chín về rửa sạch, để ráo nước. Cho vào bình có nút kín. Cứ một cân mơ thì đổ 1 lít rượu 50 độ. Ngâm trong khoảng 1 tháng trở lên rồi gạn lấy rượu. Thêm vào số bã còn lại khoảng 1 lít rượu 50 độ. Ngâm tiếp 1 tháng trở lên rồi gạn lấy rượu. Sau 2 lần gạn thì có thể đem những quả mơ còn lại đi ướp thành ô mai như trên. Rượu quả mơ cũng có rất nhiều công dụng cho sức khỏe.

2/ Công dụng của cây mơ

Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua, tính bình. Vị thuốc này đi vào các kinh can, tỳ, phế, đại tràng. Bạch mai thì có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon. Quả mơ muối cùng được dùng muối dùng để chữa ho khó thở, viêm họng, khản tiếng, lỵ, ỉa chảy kéo dài, giun đũa.

Hạt mơ thì có vị đắng, tính ôn, có ít độc, có tác dụng giáng khí, chỉ khái, bình suyễn, nhuận trường, thông tiện, thường được dùng để làm sáng mắt, ích khí, trị ho khó thở, tức ngực đờm nhiều, khô tân dịch, huyết hư, đại tiện khó do bị táo nhiều ngày….

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây mơ

Quả mơ rất tốt với những người bị phiền khát, ho lâu ngày

Do có nhiều công dụng cho sức khỏe nên quả mơ và các thành phần khác thường được dùng nhiều trong các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, cần lưu ý là nước cất hạt mơ có độc, khi dùng phải cẩn thận. Nếu muốn dùng để chữa ho, khó thở, nôn mửa, đau dạ dày thì mỗi lần chỉ dùng từ 0,5 – 2ml. Cả ngày có thể dùng từ 2 – 6ml. Liều tối đa cho một lần là 2ml, cho cả ngày là 6ml.

Dưới đây là một số bài thuốc dân giam dùng quả mơ mà mọi người nên tham khảo để áp dụng khi cần thiết:

– Chữa ho lâu ngày: Chuẩn bị bạch mai 20g, mạch môn 10g, cam thảo 5g, cát cánh 10g, trần bì 10, hoàng kỳ 20g. Cho các vị thuốc này vào nồi với 2 bát nước sắc còn 1/2 bát, chia thành 2 lần uống trong ngày. Hoặc cũng có thể ngậm hoặc sắc uống ô mai với liều dùng từ 3 – 6g mỗi ngày.

– Chữa tiểu đường, tiểu tiện không tự chủ: Chuẩn bị bạch mai, thục địa, đan phiến, hoài sơn, ngũ vị tử mỗi vị 10g và nhục quế 2g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Chữa đi lỏng dài ngày do tỳ hư: Bạch mai, kha tử, bạch truật, đảng sâm mỗi loại 10g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Chữa sỏi mật, viêm đau túi mật: Bạch mai, kim tiền thảo, cam thảo chế, hải kim sa, kê nội kim, diên hồ tố mỗi loại 15g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Chữa chứng ra mồ hôi trộm: Bạch mai, hoàng kỳ, đương quy, ma hoàng căn, mỗi loại 10g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Miệng khô khát phiền nhiệt: Bạch mai, ngọc trúc, thiên hoa phấn, thạch hộc mỗi loại 6g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống. Hoặc có thể chữa kiết lỵ khát nước bằng cách chuẩn bị ô mai 2 – 3 quả, thêm nước vào đun sôi, hạ nhỏ lửa đun trong khoảng 15 phút. Dùng uống thay nước trong ngày.

– Chữa đại tiện ra máu: Dùng ô mai 3 lạng, đốt tồn tính. Cho vào nồi nấu với giấm thanh cho thành hồ, viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 20 viên. Lấy nước cơm làm thang, uống lúc đói.

– Chữa chứng lỵ: Dùng 100g ô mai, bỏ hột, sao qua, tán nhỏ. Mỗi lần dùng thì lấy 7 – 8g uống với nước cơm.

– Chữa răng đau nhức: Lấy quả mơ chín giã nát xát vào răng.

– Tẩy giun đũa: Chuẩn bị bạch mai 10g, xuyên tiêu 6g, gừng 3 lát. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.

– Chữa băng huyết: Lấy ô mai nhục (thịt quả) 7 quả. Đốt tồn tính rồi tán nhỏ, uống với nước cơm ngày 3 lần.

– Trị hậu sản: Phụ nữ bị hậu sản có thể lấy ô mai 20 quả, mạch môn 12g. Cho vào 2 bát nước, sắc cho đến khi còn 1 bát thì uống liền trong ngày.

Exit mobile version