1/ Cây sâm bố chính là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Sâm bố chính có tên khoa học là Hibiscus sagittifolius Kurz (Abelmoschus sagiitifolius L. Merr., Hibiscus abelmoschus L.), thuộc họ Bông (Malvaceae). Loại sâm này còn có nhiều tên gọi khác nhau như nhân sâm Phú Yên, sâm báo, sâm thổ hảo (hoặc cũng gọi là thổ hào sâm).
b/ Mô tả cây
Tương tự với các cây khác trong họ sâm, sâm bố chính thuộc nhóm cây thân thảo sống lâu năm. Cây có thể cao đến 1m. Tuy nhiên, do thân thảo nên cây mọc đứng một cách yếu ớt, có khi dựa hẳn vào các cây mọc xung quanh. Đào lên sẽ thấy có rễ mẫn màu vàng nhạt hoặc trắng nhạt, đường kính từ 1,5 – 2cm. Có những rễ có hình người khá giống nhân sâm.
Lá của cây Hibiscus sagittifolius Kurz thì có hình trái xoan, đầu phiến lá không nhọn, phần gốc lá có hình tim hoặc hình mũi tên. Lá cây dài khoảng 6 – 7cm, rộng khoảng 30mm. Lá càng gần ngọn thì càng hẹp có khi chia thùy với thùy giữa dài hơn, thậm chí có những phiến lá chia thùy giống hình mũi tên. Trên mặt lá có lông đơn hoặc hình sao, lá kèn hình sợi chỉ dài khoảng 7mm, có lông dài nhưng ít.
Hoa của loại sâm này có 3 màu chính là hồng, đỏ hoặc phớt vàng. Hoa thường mọc đơn độc ở kẽ lá (đặc biệt là những kẽ lá gần ngọn). Cuống hoa dài 5 – 8cm, đường kính bông lên tới 8cm, có lông cứng, đầu hơi phồng. Phần tiểu đài được cấu tạo bởi 7 – 10 bộ phận, dài 12 – 14mm, đài hoa hình túi, có lông tua tủa, ngọn có vài răng nhỏ. Khi hoa nở, đài rách ra và rụng sớm. Mỗi hoa có 5 cánh rộng 3 – 4cm, dài 5 – 6cm. Nhiều nhị nhưng hàn liền với nhau thành một cột, bao phán phủ cột đỏ đến tận gốc. Bầu có lông với 5 vòi, có tuyến.
Khi hoa tàn cây sẽ dần kết thành những quả hình trứng nhọn, dài gấp 3 lần tiểu đài. Quan sát kỹ sẽ thấy mặt ngoài có lông. Khi quả chính, phần vỏ nứt ra thành 5 mảnh, cả mặt trong và mặt ngoài đều có lông. Hạt sâm màu nâu, hình thận, ngoài mặt có những đường vân sít thành những gợn hay ụ màu vàng.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Sâm bố chính mọc hoang và được trồng làm thuốc tại nhiều vùng trên cả nước. Đặc biệt là ở các huyện vùng núi như Nam Đàn, Thanh Chương của Nghệ An và Hương Sơn của Hà Tĩnh. Ngoài ra, người ta cũng phát hiện loại cây này ở một vài vùng thuộc Hòa Bình, Quảng Bình và một số tỉnh Tây Bắc khác.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chính là rễ cây Hibiscus sagittifolius Kurz phơi hoặc sấy khô.
e/ Thành phần hóa học
Có một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra các thành phần hóa học của sâm Hibiscus sagittifolius Kurz như sau:
– Đỗ Tất Lợi, 1999: Rễ sâm bố chính chứa khoảng 35 – 40% chất nhầy, tinh bột.
– Trần Công Luận và cộng sự, 2001: Rễ cây Hibiscus sagittifolius Kurz trồng ở Bạc Liêu chứa acid béo, acid hữu cơ, coumarin, phytosterol, đường khử và hợp chất uronic. Hàm lượng lipid trong rễ sâm là 3,96%, loại lipid này gồm acid palmitic, acid stearic, acid myrisric, acid linoleic, acid linolenic, acid oleic. Hàm lượng protein toàn phần thì chiếm 0,23g %, protid chiếm 1,26g %. Acid amin trong sâm gồm 11 chất như: arginin, alanin, histidin, prolin, tyrosin, threonin, valin, phenylalanin và leucin. Ngoài ra, cây còn có hàm lượng tinh bột là 15,14%, chất nhầy (D-glucose và L-rhamnose) là 18,92% và hàng loạt nguyên tố vi lượng như Na, Ca, So, Fe, V, Mg, Al, Mn, Ti, Mo, Cu, Zr và P.
f/ Thu hái chế biến
Rễ Hibiscus sagittifolius Kurz thường được đào từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Hiệu suất trung bình của loại sâm này là 6 tấn/ 1ha. Sau khi đào về, người ta có thể chế biến bằng nhiều cách khác nhau như:
– Có nơi đào về cắt bỏ thân, cao sạch vỏ ngoài, ngày phơi đêm sấy cho thật khô.
– Có nơi lại đào về cắt bỏ phần thân ở trên, cạo hết lớp vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm rồi vớt ra để ráo nước. Đồ cho sâm chín rồi phơi nắng hoặc sấy khô.
– Cũng có nơi đào rễ sâm về cắt bỏ thân và rễ con, rửa sạch rồi ngâm với nước phèn chua trong 2 ngày, 2 đêm. Ngâm theo tỷ lệ 10kg sâm với 300g phèn chua tán nhỏ, hòa vào nước lã. Ngâm xong thì rửa sạch rồi phơi nắng hoặc sấy khô.
– Những người cầu kỳ thì ngâm thêm với nước gừng, gấy và đường để sâm có màu đỏ, vị cay và ngọt. Tuy nhiên việc này không quá cần thiết, không làm tăng công dụng của dược liệu.
2/ Công dụng của cây sâm bố chính
Theo đông y, sâm bố chính có bị ngọt đắng, tính mát, quy kinh tỳ, phế. Sâm có tác dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch. Khi sao với nước gạo thì có tính ấm, bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, tăng cường sức mạnh. Do đó, thường được dùng để chữa các chứng ít ngủ, cơ thể suy nhược, kém ăn, trẻ nhỏ gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, lao phổng, viêm họng, đau lưng, kinh nguyệt không đều, bạch đới khí hư, đau mình, chóng mặt, hoa mắt.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây sâm bố chính
Sâm bố chính tốt cho sức khỏe nên thường được dùng theo liều lượng 10 – 20g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc thuốc bột. Cũng có thể dùng ngoài bằng cách lấy lá hoặc hoa để sát lên những vùng bị ghẻ ngứa. Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản từ loại sâm này mà mọi người nên biết.
– Chữa các chứng dương hư: Nếu bị dương hư với các triệu chứng như hơi thở ngắn, mỏi mệt, ăn không biết ngon thì có thể chuẩn bị sâm bố chính 40g, bạch truật 20g, hoàng kỳ 10g, ngũ vị 6g, chích thảo 4g, mạch đông 4g, liên nhục 6g, phụ tử 4g, đại táo 3g, sinh khương 3 lát (đã nướng). Cho tất cả vào nồi sắc uống.
– Bổ khí huyết: Như đã trình bày ở trên sâm bố chính có khả năng bổ khí, ích huyết. Do đó, những người khí huyết suy yếu chỉ cần chuẩn bị sâm bố chính 30g, hoài sơn 15g, đương quy 15g, ý dĩ sao 15g. Đem tất cả các vị thuốc này sấy khô, tán bột làm thành viên hoàn với mạch nha hoặc mật ong, uống mỗi ngày 15 – 20g.
– Cơ thể suy nhược, tỳ vị kém: Người bệnh thường có một số triệu chứng như mệt mỏi, tự ra mồ hôi, ăn ít, kém tiêu. Lúc này, nên chuẩn bị bố chính sâm sao 12g, hoài sơn 20g, bạch biển đậu 20g, mạch nha 20g. Cho tất cả vào nồi sắc uống ngày 1 thang.
– Phục hồi sức khỏe sau mới ốm dậy: Lấy sâm bố chính 20g, sinh địa 12g, mạch đông 6g, táo nhân 6g, tri mẫu 6g, bá tử nhân 12g. Cho tất cả vào nồi sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa gầy yếu hay béo bệu: Người gầy yếu, béo bệu với các triệu chứng kém ăn, mệt mỏi, khí đoản, thỉnh thoảng đầy bụng đi lỏng hoặc hư hỏa phát nóng, phiền khát nên lấy bố chính sâm 40g, bạch truật 20g (sao mật), liên nhục 6g, hoàng kỳ 8g (sao mật), mạch đông 4g, chích thảo 4g, ngũ vị 4g (sao mật), phục tử chế 1,2g, táo ta vài quả, gừng nướng vài lát. Sắc lấy nước thuốc uống trong ngày.
– Chữa sốt kéo dài: Người bị nóng sốt kéo dài có thể lấy sâm bố chính 16g, sa sâm 10g, mạch đông12g, hoàng cầm 12g, thạch hộc 10g để sắc uống. Bài thuốc này có khả năng ích khí, dưỡng âm thanh nhiệt.
– Chữa táo bón, đái són: Những người suy nhược cơ thể, gầy yếu, khô khát, táo bón, đái són có thể dùng cao sâm bố chính. Có thể chuẩn bị cao bằng cách lấy bố chính sâm nấm cao, hòa với sữa người hoặc cao ban long uống ngày 10g.
– Chữa phụ nữ khí hư bạch đới: Dùng bố chính sâm, bạch biển đậu và trử ma căn mỗi vị 20g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa ho: Nếu người bệnh bị ho lâu ngày khiến phế khí âm hư, thường xuyên họng khô, cổ khát, ho khó thở, ho khan thì nên lấy sâm bố chính 20g, sa sâm 20g, mạch đông 6g, bối mẫu 6g, bách hợp 12g. Sắc lấy nước thuốc uống trong ngày.
– Chữa thiếu máu: Người thiếu máu với các triệu chứng buồn nôn, hụt hơi, nhức đầu, tim đập nhanh, da tái nhợt, rụng tóc có thể lấy sâm bố chính, liên nhục, hà thủ ô mỗi vị 100g; thảo quả 12g, cam thảo 40g, đại hồi 8g. Đem tất cả tán nhỏ, làm thành viên, ngày uống 20g, chia 2 lần.
– Chữa suy nhược thần kinh: Lấy sâm bố chính 20g, hoàng kỳ 12g, đương quy 8g, bạch truật 8g, , mộc hương 8g, bạch thược 8g, táo nhân 8g, long nhãn 8g, cúc hoa 8g, viễn chí 6g, bạch linh 6g. Sắc lấy nước thuốc uống trong ngày. Hoặc có thể lấy bố chính sâm 20g, sinh địa 20g, sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, đại táo 12g, bạch thược 8g, đương quy 8g, xuyên khung 6g; cam thảo 4g. Sắc lấy nước thuốc uống trong ngày.