Sinh địa là loài cây xuất hiện khá nhiều tại Việt Nam. Rất nhiều người đã coi vị thuốc này như một thần dược vì các tác dụng quý trong đời sống hàng ngày, nó đặc biệt tốt cho đường huyết.
Cây sinh địa là gì?
Tên khoa học/ tên khác
Cây sinh địa còn có 2 tên gọi khác, đó là địa hoàng và thục địa. Ngoài ra, loài cây này còn nổi tiếng với cái tên khoa học Rehmannia glutinosa, thuộc họ Hoa mõm chó Scrophulariaceae.
Thân rễ là bộ phận thường được sử dụng để làm thuốc.
Mô tả cây
Sinh địa là cây thảo, với chiều cao từ 10 đến 30cm. Đặc điểm nổi bật của cây này là phần lông mềm ở thân và phần lông bài tiết màu tro trắng. Thân rễ mẫm thành củ. Một điểm khá thú vị là cây thay đổi chiều mọc theo giai đoạn trưởng thành, lúc đầu mọc thẳng, sau lại phát triển ngang. Lá mọc vòng ở gốc, hình trứng ngược, đầu hơi tròn, phía đuôi hẹp, mép răng cưa không đều. Hoa của cây nở vào mùa hạ, thành chùm ở đầu cành, màu tím đỏ. Đài và tràng có hình chuông, mặt ngoài màu tím sẫm, trong khi đó mặt trong lại mang sắc vàng với đốm tím nhỏ.
Loài cây này ở Việt Nam chưa thấy kết quả nhưng tại Trung Quốc cây thường ra quả vào tháng 5 và 6.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Trước đây, sinh địa là vị thuốc phải nhập từ Trung quốc và Triều Tiên. Từ năm 1958 đến nay, loài cây này đã được gieo trồng tại khắp các địa phương trên cả nước. Theo đánh giá từ các chuyên gia trồng trọt, loại cây này có thể thích ứng với nhiều kiểu khí hậu khác nhau, miễn là không dưới 3 độ C quá nhiều ngày. Tuy nhiên, tại những vùng lạnh, cây chỉ trồng được 1 mùa trong năm, gieo trồng vào cuối xuân, thu hoạch vào mùa thu (tháng 8 và tháng 9) vì mùa đông cây không phát triển được.
Tại những vùng có khí hậu ấm áp. Loài cây này được chia làm 2 vụ mỗi năm: Vụ 1 trồng vào tháng 1, 2 và thu hoạch vào tháng 7, 8. Vụ 2 trồng vào tháng 7, 8 và thu hoạch vào tháng 2, 3.
Sinh địa được trồng bằng thân rễ, chỉ khoảng hơn 6 tháng đã cho thu hoạch. Loài cây này phát triển tốt tại nơi có đất màu, nhiều phù sa, tơi xốp. Để củ to và mập cần ngắt bỏ hoa. Năng suất trung bình của cây là 3 – 7 tấn/hecta.
Thành phần hóa học
Theo các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Triều Tiên thì loại củ này có chứa manit, rehmanin và một ít caroten. Mới đây, các chuyên gia đến từ Trung Quốc còn phát hiện ra cả hợp chất ancoloit.
Thu hái chế biến
Sinh địa có thể dùng tươi hay khô. Nếu muốn dùng tươi. Bạn vùi củ vào cát ẩm. Nếu muốn dùng khô bạn đem củ đi rửa sạch, sau đó phơi hoặc sấy.
Ngoài ra có một số người dùng sinh địa để tạo nên thục địa. Cách chế biến như sau: Cho củ đã làm sạch vào thùng to, đổ thêm rượu 40 độ theo tỉ lệ 80kg củ : 10 lít rượu. Đun lửa lớn đến khi sôi thì hạ bớt, đun thêm 6 – 8 giờ đến khi cạn. Quá trình này kì công ở chỗ cứ 1 tiếng người nấu lại phải chế nước ở dưới lên trên cho thấm đều.
Sau khi đun xong, bạn sẽ vớt củ ra phơi 3 ngày, tiếp đến lại nấu lần 2, khi nấu cho thêm nước gừng (2kg gừng). Bạn cần lặp lại quá trình nấu – phơi từ 5 đến 7 lần cho đến khi củ đen nhánh.
Trên đây là cách tạo thục địa phổ biến tại Việt Nam. Ở Trung Quốc người dân lại chế biến theo một cách khác.
Công dụng của cây sinh địa
Sinh địa có vị ngọt, đắng, tính hàn, hiệu quả cao trong việc chữa chứng thổ huyết, băng huyết, động thai, kinh nguyệt không đều, người có yết hầu sưng đau hoặc thương hàn ôn bệnh.
Trong khi đó, thục địa lại có vị ngọt, tính hơi ôn, rất tốt trong việc nuôi thận, dưỡng âm, trị tiêu khát, suyễn, huyết hư, hiệu quả cao trong việc làm đen râu tóc.
Cách dùng cây sinh địa
+ Bài thuốc trị chứng đau đầu, chóng mặt, lưng đau nhức, di tinh trẻ em gầy yếu
Sấy khô tán nhỏ 5 vị thuốc: sơn thù du 160g, sơn dược 160g, mẫu đơn bì 120g, bạch phục linh 120g, trạch tả 120g. Riêng với thục địa (320g) thì đem đi giã đến khi mềm nhũn. Tất cả trộn đều, nặn thành viên kích cỡ như hạt ngô. Một ngày bạn cần sử dụng từ 20 đến 30 viên tễ, uống trước khi ăn 15 phút, chia 2 lần dùng.
+ Bài thuốc trị ho khan, thích hợp cho người bị bệnh lao
Cần chuẩn bị 4 cân sinh địa, 12 lạng bạch phục linh, 6 lạng nhân sâm và 2 cân mật ong trắng. Mới đầu dùng sinh địa giã nát lấy nước, bỏ bã, thêm mật ong vào đun sôi, sau đó mới bỏ 2 vị thuốc còn lại vào (lưu ý: cần tán nhỏ), đun cách thủy 3 ngày 3 đêm. Liều lượng sử dụng là 1 – 2 thìa/lần, 2 – 3 lần/ngày.
+ Bài thuốc trị đái đường
Giã nát 800g sinh địa, lọc bỏ bã, lấy nước tẩm vào 600g hoàng liên rồi phơi khô. Cứ tẩm phơi như vậy đến khi hết nước đã giã thì thôi. Tiếp đến bạn tán nhỏ hoàng liên thành bột, thêm mật vào và nặn viên kích cỡ như hạt ngô. Liều lượng sử dụng thuốc là 20 viên/lần, 2 – 3 lần/ngày.
Nhìn chung sinh địa là vị thuốc quý, tốt cho người huyết nhiệt. Còn thục địa lại hiệu quả cho người huyết suy.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.