Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Tác dụng chữa bệnh của cây tràm

1/ Cây tràm là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Tràm còn gọi là cây chè cay, chè đồng, smach chanlos, smach tachah (Campuchia), cajeputier (Pháp). Tên chè đồng, chè cay bắt nguồn từ việc cây mọc hoang nhiều ngoài đồng lại thường được nhân dân một số vùng nấu nước uống thay chè. Hơn nữa, vị loại nước chè này uống hơi cay. Cây có tên khoa học Melaleuca leucadendron L, thuộc họ khoa học Sim Myrtaceae.

b/ Mô tả cây

Tràm là một cây gỗ nhỏ có thể cao tới đến 10. Tuy nhiên, hiện cây thường bị cắt xén thánh những cây bụi cao chừng 40 – 50cm. Trên thân cây tràm lớn, vỏ thường bong ra thành từng mảng to dài. Lá cây mọc so le, có phiến lá hình mác, trên có những gân chạy dọc theo gân chính, cuống màu xanh vàng nhạt. Lá cây thường là dài 4 – 8cm, rộng 10 – 20mm. Lúc non mỏng và mềm, đến khi già thì dày, cứng và dòn.

Hoa của cây là những hoa nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt. Mọc thành bông ở đầu cành, không cuống. Tuy nhiên, từ đầu bông hoa, cành thường mọc dài thêm và mang lá thành ra bông hoa nằm giữa cành lá trông rất đặc biệt. Sau khi hoa tàn thì cây kết thành những quả nang rất cứng, hình tròn, có 3 ngăn, đường kính tầm 13mm, đài cứng tồn tại ôm sâu vào quả, cụt ở đỉnh. Hạt quả hình trứng dài khoảng 1mm.

Cây tràm có thể cao tới 10m với hoa nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Tại nước ta, cây tràm mọc hoang khắp nơi, từ bắc chí nam nhưng nhiều nhất là tại miền nam. Cây thường mọc thành từng rừng lớn sau các rừng sú. Tại miền Bắc, cây mọc nhiều nhất ở vùng đồi núi huyện Kim Anh và Đa Phúc (Vĩnh Phúc), huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, tràm cũng mọc hoang với số lượng nhỏ ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Ngoài nước ta ra, tràm còn mọc hoang ở Campuchia, Indonesia, Philipines, Malaisia.

d/ Bộ phận dùng

Từ cây tràm, chúng ta có thể khai thác được một số vị thuốc như:

– Cành non mang lá tươi hoặc đã được phơi, sấy khô

– Tinh dầu tràm hoặc tinh dầu tràm tinh chế

e/ Thành phần hóa học

Thành phần chủ yếu của lá cây là tinh dầu. Tỷ lệ dầu trên lá tươi là 2,5%, còn lá khô là 2,259%. Tinh dầu tràm là một chất lỏng không màu hoặc hơi vàng nhạt (một số nơi có tinh dầu tràm màu xanh nhưng đâu là màu được nhuộm chứ không phải màu tự nhiên. Tinh dầu có vị hơi cay, tạo cảm giác mát sau nóng, mùi thơm đặc biệt, tả tuyền. Nếu được tinh chế, thì tinh dầu sẽ trở nên trong, gần như không màu với D: 0,920 – 0,930, sôi ở 175°C, tan trong 2,5 đến 3 thể tích cồn 70°C, chỉ số khúc xạ 1,466- 1,472 quay từ 0° đến 3°40.

Tinh dầu tràm được triết xuất từ lá và cành tràm non

Xét về thành phần tinh dầu thì hoạt chất chủ yếu là eucalyptola, terpineol, cajeputol, xineola với tỷ lệ từ 35 đến 60%. Ngoài ra, tinh dầu tràm còn chứa pinen tả tuyền, tecpineola, một ít andehyt (butyric, valeric, ben- zylic) và các ête như ête axetic. Trong đó, eucalyptol có tác dụng long đàm, sát khuẩn nhẹ với hương thơm và mùi vị dễ chịu nên thường được dùng làm nguyên liệu của nhiều loại thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm… Hoạt chất terpineol chiết xuất từ tinh dầu tràm thì là nguyên liệu để sản xuất nhiều loại thuốc sát khuẩn, diệt nấm. Hoạt chất này thường được dùng dưới dạng chế phẩm dẫn xuất dạng xông, hít mũi trong phòng làm việc, phòng ngủ, phòng khách, trong xe ôtô…. Nó cũng được đánh giá là một biện pháp y tế dự phòng hợp tình, hợp lý lại khoa học vì vừa sát khuẩn lại vừa tạo được hương thơm dễ chịu.

Muốn tinh chế tinh dầu tràm, người ta thường ngâm tinh dầu với dung dịch NaOH và một hỗn hơp oxit chì và trong 3 giờ ở nhiệt độ đun cách thuỷ. Hoặc cũng có thể tinh chế bằng cách dùng thuốc tím và axit sunfuric, sau đó cất lại. Tinh dầu tràm tinh chế sẽ không có màu hoặc màu vàng rất nhạt, mùi thơm dễ chịu.

f/ Thu hái chế biến

Trước đây cây tràm hầu như không được khai thác. Nhân dân các vùng có tràm thường chỉ hái lá và cành non về phơi khô để nấu nước uống thay chè hay sắc nước uống để kích thích tiêu hóa. Bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) những cây tràm vùng Bắc Cạn, Thái Nguyên mới được khai thác để cất tinh dầu dùng cho bộ đội.

Đến khoảng năm 1990, cây tràm vùng Quảng Trị, Quảng Bình mới được khai thác quy mô lớn để cất tinh dầu bán rộng rãi trên thị trường với tên “dầu khuynh diệp” (đúng ra là tinh dầu). Vì khuynh là nghiêng, diệp là lá, cây tràm cũng thuộc nhóm cây có lá mọc nghiêng không giống những lá cây khác. Lưu ý là loại tinh dầu này khác với tinh dầu khuynh diệp được chưng cất từ cây bạch đàn.

2/ Công dụng của cây tràm

Dầu tràm có mùi thơm, tính ấm, vị cay chát, vào hai đường kinh tỳ và phế

Theo dược học cổ truyền, lá tràm được dùng để chiết tinh dầu có mùi thơm, tính ấm, vị cay chát, vào hai đường kinh tỳ và phế. Nó có công dụng an thần giảm đau, hoạt huyết khu phong, tiêu đờm sát khuẩn. Bởi vậy, tinh dầu tràm thường được dùng trong việc phòng chống nhiều chứng bệnh như: giảm đau, chống viêm; chống cảm lạnh, tránh gió và tránh ho; chữa mụn nhọt, trứng cá, da dầu; chống hôi miệng, viêm lợi, viêm quanh răng, viêm loét niêm mạc miệng….

Trong nhân dân, lá và cành non của cây tràm còn được thu hái để pha hay hãm hoặc sắc với nước theo tỷ lệ 20g lá với 1 lít nước để uống nhằm kích thích tiêu hóa, chữa ho hoặc xông. Cũng có thể dùng tràm dưới dạng ngâm rượu với tỷ lệ 1/5 với tên cồn khuynh diệp….

Ngoài ra, tràm thường được chưng cất thành tinh dầu. Dầu này thường được dùng nguyên chất để xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp, ho, cảm. Mặc dù tỉ lệ xineol trong tinh dầu tràm thấp hơn trong tinh dầu bạch đàn nhưng có nhiều ý kiến cho rằng khả năng sát trùng của tinh dầu tràm cao hơn dầu bạch đàn. Đặc biệt, người lớn và trẻ con đề có thể dùng để xoa bóp, thậm chí có thể uống với liều X (10 giọt) đến L (50 giọt) nhỏ vào nước, thêm đường để uống. Tinh dầu tràm cũng có thể tinh chế để tạo thành thuốc tiêm với nồng độ 5 – 10 hoặc 20%. Ngày tiêm dưới da 1 – 2 ống chứa khoảng 0,1 – 0,2g tinh dầu.

Theo kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Archives Journals (Mỹ) thì các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra công dụng của tinh dầu tràm trong việc trị bệnh vảy nến, phát ban…. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã dùng dầu tràm đối với 42 bệnh nhân bị mắc bệnh vảy nến. Những bệnh nhân này đều đã điều trị bằng nhiều phương pháp song không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, sau 12 tuổi liên tục bôi chiết xuất từ tinh dầu tràm lên vùng da bị bệnh, các tổn thương do bệnh vảy nên gần đi đã bị loại bỏ hoàn toàn với gần 80% được hồi phục.

Tại Việt Nam, Nghiên cứu của Opodis Pharma thực hiện tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh năm 2008 cho thấy dầu thuốc sử dụng α-Terpineol tự nhiên chiết xuất từ dầu tràm có khả năng ức chế vi rút cúm A H5N1. Từ năm 2008, tinh dầu tràm cũng đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế đẻ kiểm soát bệnh địa phương.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây tràm

Từ xa xưa, tinh dầu tràm đã được ưa chuộng vì khả năng giải quyết được nhiều chứng bệnh khác nhau. Trong khi đó, y học hiện đại cho rằng đâu là hoạt chất có sát khuẩn, ức chế các vi rút gây bệnh, giúp phục hồi cơ thể sau khi ốm hoặc vận động thể chất với cường độ nặng và cũng là liệu pháp chăm sóc và làm đẹp cơ thể an toàn.

Không chỉ phòng trị bệnh, dầu tràm còn chăm sóc sắc đẹp hiệu quả

Đặc biệt, dầu tràm có đặc điểm khác với nhiều loại tinh dầu khác là xoa nóng nhưng không bỏng rát, không có tác dụng phụ. Do đó, mọi người có thể tham khảo và áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả từ dầu tràm sau:

– Chống cảm lạnh, tránh gió và giảm ho: Khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người có thể phòng bệnh bằng cách cho tinh dầu tràm hòa vào với nước tắm. Hoặc cũng có thể thoa trực tiếp tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương… sau khi tắm, trước lúc ra ngoài trời lạnh và khi thời tiết thay đổi. Dầu tràm sẽ ngấm vào da, tác động tới cơ thể đẻ dự phòng nhiều bệnh lý như cảm lạnh, viêm nhiễm đường hô hấp, ho. Đặc biệt, dầu tràm hữu ích với cả trẻ sơ sinh. Bé được tắm nước có dầu tràm pha loãng sẽ làm cơ thể trở nên ấm áp, chống cảm lạnh, giảm ho, ngăn muỗi đốt (muỗi rất sợ mùi tinh dầu tràm). Tuy nhiên, cần chú ý nếu pha nước dầu tràm cho bé tắm thì cần rửa mặt riêng để tránh làm dầu tràm vào mắt bé.

– Giảm đau hiệu quả: Do đặc tính gây nóng nhưng không làm tổn thương da nên tinh dầu tràm nguyên chất còn được dùng để xoa bóp bên ngoài da. Làm nóng da, kích thích khí huyết lưu thông để chữa đau khớp, đau đầu, đau bụng, giảm cảm giác nhức mỏi, tê buồn chân tay. Ngoài ra, cho một giọt tinh dầu vào cốc nước ấm, khuấy đều để uống cũng làm giảm các cơn đau bụng hiệu quả.

– Chống viêm nhiễm: Nếu bị viêm nhiễm thì có thể dùng tinh dầu tràm pha với dầu thầu dầu theo tỷ lệ 5 – 10%. Hỗn hợp này dùng nhỏ mũi sát khuẩn, chống ngạt mũi, cảm cúm rất tốt. Ngoài ra, có thể dùng tinh dầu pha với nước thành hỗn hợp có nồng độ 0,2% dầu tràm để rửa, làm sạch vết thương. Nếu muốn làm sạch không khí và tạo mùi hương, cảm giác dễ chịu trong nhà thì có thể thấm tinh dầu vào miếng bông gòn hoặc cho vài giọt tinh dầu vào chén nước nóng đặt ở các góc nhà.

– Chữa mụn nhọt, trứng cá, da dầu: Một ứng dụng khác của tinh dầu tràm được nhiều người tin tưởng là chữa mụn nhọt và giảm dầu trên da. Người dùng chỉ cần lấy bông gòn tẩm tinh dầu rồi thoa trực tiếp lên da và các vùng tổn thương. Thực hiện mỗi ngày 2 lần vào mỗi sáng sau khi thức dậy và trước lúc đi ngủ để da được phục hồi tốt nhất. Đối với các vùng da dễ bị mụn như trán, mũi và cằm (úp bàn tay lên mặt, những vùng da nằm trong lòng bàn tay là vùng da dễ nổi mụn nhất) nên thoa tinh dầu nguyên chất trực tiếp lên để phòng mụn, giảm dầu trên da. Nếu da mặt bị mụn trầm trọng thì cũng có thể nhỏ 3 – 4 giọt tinh dầu vào sữa rửa mặt và sử dụng hàng ngày.

– Trị gàu cho da đầu và nấm bàn chân: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu gội có chứa 5% tinh dầu tràm có thể trị gàu và loại bỏ chấy. Nó cũng giúp phục hồi tóc khô và hư tổn. Đặc biệt, ở những người dùng dầu gội chữa tinh dầu tràm thường xuyên, nang tóc và da đầu sẽ được “khơi thông”. Tóc sẽ giữ được độ ẩm và đề kháng tốt hơn để ngăn ngừa vi khuẩn, nấm tấn công da đầu. Do đó, mọi người có thể cho thêm tinh dầu tràm vào dầu gội hoặc làm một số hỗn hợp dưỡng tóc từ tinh dầu tràm, trứng gà, mật ong. Ngoài ra, khi bị nấm bàn chân cũng có thể dùng dầu tràm thoa vào vùng bị tổn thương.

– Chống hôi miệng, viêm loét niêm mạc miệng, viêm lợi, viêm quanh răng: Để loại trà những tổn thương ở răng miệng, có thể nhỏ 3 giọt tinh dầu tràm vào cốc nước ấm. Súc miệng bằng dung dịch này khoảng 2 – 3 lần/ ngày. Ngoài ra, có thể thêm một giọt tinh dầu vào kem đánh răng dùng hàng ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý là tuyệt đối không uống dung dịch tinh dầu pha loãng để súc miệng.

– Làm sạch và dưỡng da: Không chỉ phòng ngừa viêm nhiễm nấm ngứa trên da hiệu quả, loại tinh dầu này còn có công dụng làm sạch và dưỡng da. Chỉ cần nhỏ 10 – 12 giọt tinh dầu vào bồn nước và ngâm mình trong 30 phút, tuần thực hiện 2 lần. Hoặc nhỏ 10 giọt tinh dầu nguyên chất vào kem dưỡng ẩm hoặc mỹ phẩm dưỡng da toàn thân. Sử dụng hàng ngày trước khi đi ngủ sẽ giúp da mềm mại, mịn màng và khỏe mạnh. Ngoài việc làm sạch và dưỡng da, dầu tràm còn khiến cơ thể được thư giãn sau khi làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Exit mobile version