Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Tất tần tật những tác dụng của hoài sơn với sức khỏe

1/ Cây hoài sơn là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Hoài sơn còn có các tên gọi khác là sơn dược, khoai mài, củ mài, chính hoài, thự dự. Cây có tên khoa học là Dioscorea persimilis Prain et Burk (Diuscurea oppositifolia Lour), thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Sau khi sơ chế củ thường được gọi với tên thuốc chính là hoài sơn.

b/ Mô tả cây

Hoài sơn là một loại dây leo ở trên mặt đất, có thân củ. Thân cây nhẵn, hơi có góc cnahj, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá (còn gọi là thiên hoài hay dái củ mài). Rễ củ mọc đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất, có thể dài đến 1m, đường kính 2- 10cm với nhiều rễ con. Củ của cây hoài sơn thường hơi phình ở phía gốc, thịt mềm màu trắng, vỏ ngoài có màu nâu xám. Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, đôi khi hình mũi tên, đầu lá nhọn, không lông. Mỗi phiến lá dài 8 – 10cm, rộng 6 – 8cm, có 5 – 7 gân gốc, cuống dài 1,5 – 3,5cm.

Hoài sơn hay củ mài là một loại dây leo ở trên mặt đất, có thân củ

Mùa hoa ra vào tháng 7 – 8. Hoa đực và hoa cái khác gốc. Cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu. Mỗi dài 40cm, mang 20 – 40 hoa nhỏ màu vàng, hoa đực có 6 nhị. Mùa quả vào tháng 9 – 11. Quả nang có 3 cánh rộng 2cm, hạt có cánh mào.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Hoài sơn mọc hoang ở khắp những vùng rừng núi nước ta. Trước đây, giữa các vụ thu hoạch người dân vẫn đi đào củ mài để ăn chống đói. Cây mọc đặc biệt nhiều ở các tỉnh Hà Bắc cũ, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hiện nay, do những loại ích sức khỏe và khả năng phòng trị bệnh mà củ mài mang lại nên cây đã bắt đầu đươc trồng với mục đích kinh tế.

Ngoài Việt Nam, củ mài còn mọc ở nhiều nước châu Á. Riêng tại Trung Quốc, cây mọc nhiều ở các tỉnh Hồ Nam, Sơn Tây, Vân Nam, Hà Bắc, Thiểm Tây, Tứ Xuyên….

d/ Bộ phận dùng

Thân rễ hay còn gọi là củ.

e/ Thành phần hóa học

Trong củ mài có nhiều tinh bột và các hợp chất hữu ích cho sức khỏe

Ngoài tinh bột, các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn tìm thấy chất muxin (một loạimột loại protit nhớt), axit amin, acginin, allantoin và cholin. Ngoài ra, bên trong hoài sơn còn có mantaza là mem tiêu hóa mantoza. Về mặt thực phẩm, trong củ mài có chừng 63,25% chất bột, 6,75% chất protit, 0,45% chất béo. Gần đây người ta có tìm thấy trong một số giống dioscorea chất saponin có nhân sterol.

f/ Thu hái chế biến

Về thu hái, mùa đảo củ mài tốt nhất là vào mùa thu đông và đầu xuân (từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau). Củ mài đào về sẽ được chế thành vị thuốc hoài sơn bằng cách đào về, rửa sạch đất, gọt bỏ vỏ rồi cho vào lò sấy diêm sinh trong 2 ngày đêm. Cuối cùng lấy ra phơi khô là được.

Tuy nhiên, nếu muốn hoài sơn có hình dáng đẹp thì khâu chế biến cần phức tạp hơn. Củ mài sau khi đào lên phái chế biến ngay trong 3 ngày. Việc chế biến thường được chia làm 3 công đoạn gồm:

– Sấy diêm sinh lần thứ nhất: Đem củ mài gọt vỏ rồi xông diêm sinh theo tỷ lệ 110kg củ mài dùng 2kg diêm sinh. Trong lò sấy nên xếp củ mài thành hình cũi lời để các củ đều được diêm sinh sấy đều. Sấy liên tục 2 ngày 2 đêm rồi ủ lại một đêm. Sau đó, phơi nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho khô. Tiếp tục đem ngâm nước lã 2 ngày 2 đêm rồi rửa sạch và phơi nắng cho khô.

– Sấy diêm sinh lần thứ hai: Lại bỏ củ mài vào lò như lần 1 rồi đốt diêm sinh trong 1 ngày 1 đêm theo tỉ lệ 100kg củ mài dùng 1kg diêm sinh. Sấy đến khi củ mài mềm như chối là được. Sấy xong lấy bỏ vào vại, đậy vại bằng bao tải có nhúng nước để ủ. Đợi tiếp một ngày 1 đêm rồi đem ra sửa chữa củ mài cho đều đặn, đặt lên ván phẳng mà lăn. Lăn cho đến khi 2 đầu củ mài lõm vào là được. Đem phơi nắng nhỏ hoặc sấy nhẹ cho hơi khô, sửa lại lần nữa cho miếng củ mài thật đẹp, tiếp tục lăn và phơi cho thật khô. Sau đó, nhúng nhanh vào nuớc lấy ra dùng giấy ráp đánh cho bóng.

– Sấy diêm sinh lần thứ ba: Trước khi đóng hòm bảo quản lại sấy diêm sinh lần nữa theo tỷ lệ 100kg củ mài dùng 200g diêm sinh. Lần này cũng sấy trong vòng 1 ngày 1 đêm. Sấy xong cần phân củ mài ra nhiều hạng để bỏ và hòm. Thường thì hạng nhất là 4 khúc hoài sơn nặng 0,5kg, hạng 2 là 6 khúc, hạng 3 là 8 khúc, hạng 4 là 10 khúc, hạng 5 là 12 khúc và hạng 6 là 14 khúc.

Hoài sơn 4 khúc hoài sơn nặng 0,5kg thường là loại 1

2/ Công dụng của cây hoài sơn

Ngoài việc dùng để ăn, chống đói, hoài sơn còn là vị thuốc được y học tin dùng. Trong đông y, hoài sơn có tính bình, vị ngọt hơi đắng, vào kinh tỳ, phế, thận và vị. Thuốc có tác dụng kiện tỳ, ích khí dưỡng âm, bổ phế thận, sinh tân, dưỡng vị, chỉ tả, sáp tinh. Do đó thường được dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa bệnh đường ruột, ăn uống khó tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy, lỵ, suy nhược cơ thể, tiểu đường, chữa đau lưng, hoa mắt chóng mặt, di tinh, tiểu đêm, mồ hôi trộm….

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây hoài sơn

Do có khả năng bồi bổ cơ thể hiệu quả nên hoài sơn thường được dùng trong nhiều bài thuốc để bồi bổ cho người già, trẻ nhỏ. Vị thuốc này cũng được ứng dụng rộng dãi trong phạm vị nhân dân. Có thể kể đến một số bài thuốc phổ biến như:

– Kiện tỳ, cầm tiêu chảy: Có thể dùng hoài sơn để trị chứng tỳ hư, tiêu chảy, kém ăn, người mệt bằng cách chuẩn bị hoài sơn 60 – 125g, gạo nếp lượng vừa đủ, sao hơi vàng. Cho tất cà vào nồi sắc uống:

– Bồi bổ cho trẻ em gầy yếu: Có thể dùng bài Phì nhi hoàn gồm hoài sơn 60g, phục linh 45g, sơn tra 45g, thần khúc 45g, bạch biển đậu sao 45g, đương quy 45g, bạch truật sao 30g, sử quân tử 30g, trần bì 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Đem tất cả các vị tán bột mịn, làm hoàn mật, viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 3 – 4g để kiện tỳ tiêu thực.

Hoài sơn thường được kết hợp với các vị thuốc khác để bồi bổ cho trẻ gầy yếu, kém ăn

– Chữa suy dinh dưỡng kèm tiêu chảy cho trẻ: Cha mẹ có thể làm cốm bổ sâm hoài bằng cách chuẩn bị hoài sơn 100g, đảng sâm 50g (hoặc bố chính sâm) 50g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, ý dĩ 100g, binh lang 25g, vỏ quýt 25g. Tất cả sao vàng, nghiền thành bột mịn, thêm ít nước hồ làm viên. Ngày cho trẻ 2 lần, mỗi lần khoảng 8 – 12g.

– Chữa tỳ vị hư nhược: Chuẩn bị bài Sâm linh bạch truật tán gồm: hoài sơn 14g, đảng sâm 12g, bạch truật12g, phục linh 12g, bạch biển đậu12g, hạt sen 12g, ý dĩ 12g, cam thảo 12g, cát cánh 8g, trần bì 8, sa nhân 6g, đại táo 3 quả. Cho tất cả các vị thuốc vào nồi sắc uống hoặc tán bột, ngày uống 3 lần. Bài thuốc này chủ trị tỳ vị hư nhược, ăn uống không tiêu, chữa tiêu chảy, nôn, hình thể hư luỵ, chân tay vô lực rất tốt.

– Ích thận cố tinh: Có thể chữa thận hư gây mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái vặt không nhịn được, phụ nữ đới hạ (bạch đới) bằng bài Thang bí nguyên. Người bệnh chỉ cần chuẩn bị củ mài 12g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, khiếm thực 12g, bạch truật 12g, táo nhân 12g, kim anh tử 12g, ngũ vị tử 6g, viễn chí 6g, cam thảo 6g. Cho tất cả vào nồi sắc uống.

– Nhuận phế chữa ho: Nếu muốn trị các chứng phế thận âm hư, ho hen suyễn thì lấy củ mài sống (liều lượng tuỳ ý) sắc uống thay nước chè. Cách này cũng giảm triệu chứng của lao phổi, giải quyết tình trạng buổi chiều hơi sốt, thở khó, ho, tự nhiên ra mồ hôi rất tốt.

– Sinh tân chỉ khát: Nếu bị các chứng âm hư, tân dịch khô kiệt, miệng khát, sốt cao, đái tháo đường thì có thể dùng bài Thang Ngọc dịch gồm hoài sơn 24g, hoàng kỳ 12g, cát căn 12g, tri mẫu 12g, thiên hoa phấn 12g, kê nội kim 8g, ngũ vị tử 6g; sắc uống. Hoặc hoài sơn 32g, phúc bồn tử 12g, thiên hoa phấn 12g, mạch môn 12g, sắc uống.

Nếu không muốn uống thuốc thang thì có thể làm món tụy lợn hầm củ mài bằng cách chuẩn bị củ mài 60g, tụy lợn 1cái, cùng thái lát hầm nhừ, thêm muối và gia vị cho vừa miệng. Hoặc làm viên hoàn bằng cách chuẩn bị hoài sơn 180g, thỏ ty tử 300g, liên tử 90g, phục linh 40g, ngũ vị tử 350g. Tất cả nghiền thành bột mịn, thêm rượu trộn với nước hồ để làm hoàn bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.

– Chữa thận suy: Nếu thận suy hạ nguyên không vững, tiểu đục, đau lưng, yếu chân thì có thể áp dụng bài Sơn dược hoàn gồm: hoài sơn 16, thục địa 32g, phục linh 12g, sơn thù 12g, đơn bì 12g, nhục thung dung 12g, ngũ vị tử 12g, thạch hộc 12g, xa tiền tử 12g, thổ ty tử 12g, long cốt 10g, phụ tử 4g, nhục quế 12g, cửu thái tử 12g. Đem các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang hoặc làm hoàn mỗi lần uống 15g, ngày uống 3 lần.

– Chữa tiêu khát “tiểu đương”: Có thể chuẩn bị bài Sơn dược thang gồm: hoài sơn 20g, bạch truật 20g, hoàng kỳ 20g, cát căn 20g, phòng đảng sâm 20, cam thảo 8g. Sắc uống ngày một thang.

– Thuốc bổ dùng trong những bệnh về dạ dày và ruột: Chuẩn bị hoài sơn l0g, bạch truật 8g, phục linh 6g, trần bì 5g. Cho tất cả các vị thuốc vào nồi sắc với 400ml nước. Chia làm 2 lần uống trong ngày.

– Chữa trẻ nhỏ tiểu nhiều: Chuẩn bị hoài sơn và bạch phục linh tán nhỏ, trộn đều. Mỗi lần cho uống 8g.

Exit mobile version