1/ Cây thông thảo là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Thông thảo còn được gọi là cây thông thoát, hông thoát mộc, thông thoát – Co tang nốc (Thái). Cây có tên khoa học là Tetrapanax papyrifera (Hook) Koch (Aralia papyrifera Hook), thuộc họ khoa học Ngũ gia bì (Araliaceae). Vị thuốc thông thảo (Medula Tetrapanacis) chính là phần lõi phơi hay sấy khô của thân cây thông thảo.
Ngoài ra, tại nước ta, người dân còn khai thác một số loại cây thụôc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) dưới tên thông thảo như cây đu đủ rừng (Trevesia palmate) và một số cây khác cùng họ có thân rỗng xốp.
b/ Mô tả cây
Thông thảo là loại cây nhỏ cao từ 2 – 6m, thân cây cứng, giòn, lõi có xốp trắng (tủy), cành càng già thì lõi càng đặc và chắc hơn. Lá có 5 – 7 gân gốc, chia thành nhiều thùy, có khi cắt sâu đến giữa lá, mép có răng cưa to hay nhỏ. Cuống lá dài 30cm, đường kính 1cm có lõi mềm, phiến lá thường dài từ 30 – 90cm. Mùa hoa là từ tháng 10 – 12, cuống hoa hình tán, họp thành chuỳ cao 40cm, có lông. Hoa màu trắng hình cầu, mỗi hoa có 4 cánh màu hơi ngả sang màu lục, bầu 2 ô, 2 vòi nhuỵ. Quả thông thảo thì dẹt hình cầu, có 8 cạnh, màu tía đen.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây mọc hoang dại ở những vùng rừng ẩm tại Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắc Lắc. Cũng phân bố ở một số tỉnh của Trung Quốc. Ngoài ra, cây có thể trồng bằng hạt hay cách chia gốc. Nếu trồng bằng hạt thì mùa thu hái quả chín về phơi cho khô, sang xuân gieo hạt, tầm 1 tháng thifcaay sẽ mọc, một năm sau thì có thể đánh các cây non ra để trồng. Nếu trồng bằng cách chia gốc thì vào mùa đông nên quốc cho tới phần đất xung quanh gốc, sang năm mới cây sẽ cho nhi u cây con, khi thấy cây lớn một chút thì có thể đánh đi trồng ở chỗ thích hợp.
d/ Bộ phận dùng
Lõi thân, được gọi với tên thuốc là thông thảo (Medulla Tetrapanacis). Rễ và nụ hoa cũng được dùng nhưng ít phổ biến hơn phần lõi thân.
e/ Thành phần hóa học
Theo một số tài liệu, thông thảo có thành phần hóa học gồm polysaccharit, inositol, lactose, acid galacturonic….
f/ Thu hái chế biến
Người ta thu lõi của những cây thông thảo 2 – 3 năm tuổi. Từ tháng 9 – 11 (có thể thu hái quanh năm nhưng khoảng thời gian này là phổ biến nhất), người dân chặt lấy thân cây đem về chia thành từng đoạn dài 30cm hoặc hơn, phơi khô rồi dùng một gây gỗ tròn thân, đường kính bằng lõi cây để đẩy phần lõi ra. Sau đó, phần lõi sẽ được phơi tiếp cho thật khô. Nếu trời mưa thì treo trong nhà, chỗ thoáng gió, không sấy vì dễ gây biến chất. Khi dùng thì chỉ việc thái lát mỏng.
2/ Công dụng của cây thông thảo
Theo tài liệu cổ, thông thảo có vị ngọt nhạt, tính hàn, vào hai kinh phế và vị. Thuốc có tác dụng tả phế, lợi thủy, lợi sữa nên thường được dùng chữa thuỷ thũng, tiểu tiện khó khăn, ít sữa. Nó cũng được dùng để giảm sốt, trấn tĩnh, chữa bệnh sốt khát nước, ho. Rễ thường được dùng để trị thủy thũng, bệnh lâm, thực tích, trướng bụng, tuyến sữa không thông. Hoa thì dùng trong trường hợp nam giới âm nang trễ xuống.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây thông thảo
Trong phòng và điều trị bệnh, thông thảo thường được dùng 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc. Vị thuốc này có thể được phối hợp với các vị thuốc có công dụng tương tự để phòng trị bệnh hiệu quả nhưng cũng có thể kết hợp với một số nguyên liệu để tạo thành các món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng, vừa có khả năng phòng trị bệnh. Tuy nhiên, người không bị thấp nhiệt hoặc đi tiểu nhiều dùng phải thận trọng, riêng phụ nữ có thai cấm dùng. Cụ thể:
a/ Các bài thuốc từ thông thảo
– Hành khí, thông sữa: Để trị tắc sữa sau khi đẻ, chỉ cần chuẩn bị thông thảo 10g, hạt bông (sao vàng) 15g, cám gạo nếp 10g; sắc uống 3 lần trong ngày. Nếu thiếu sữa thì chỉ cần lấy thông thảo 8g, xuyên sơn giáp 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g, móng heo 1 đôi; cho tất cả vào nồi, sắc uống.
– Lợi niệu thông lâm: Thông thảo có khả năng trị các chứng bệnh thấp nhiệt, thủy thũng, tiểu dắt và ít. Do đó, nếu bị tiểu nhỏ giọt thì có thể uống thông thảo thang gồm thông thảo 12g, liên kiều 12g, cù mạch 12g, thiên hoa phấn 12g, thanh bì 8g, xích thược 8g, cát cánh 8g, bạch chỉ 8g, sài hồ 8g, cam thảo 4g; cho tất cả vào nồi sắc uống. Nếu muốn trị cổ trướng (bụng trướng to), bí tiểu thì chuẩn bị bài thuốc thông sa gồm thông thảo 12g, màng mề gà 12g, hạt củ cải 12g, hạnh nhân 12g, hải kim sa 16g, hậu phác 8g, mộc thông 8g, trần bì 8g; sắc uống.
– Chữa viêm thận cấp: Với người bị viêm thận cấp, thủy thũng, tiểu ít thì nên chuẩn bị thông thảo 8g, đại phúc bì 12g, phục linh bì 16g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc để uống.
– Chữa nhiễm khuẩn niệu đạo: Người bệnh có thể chuẩn bị thông thảo 12g, liên kiều 12g, cù mạch 12g, mộc thông 8g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc để uống.
b/ Các món ăn bài thuốc từ thông thảo
Chân giò là nguyên liệu hay được kết hợp với thông thảo trong các món ăn bài thuốc
– Chân giò hầm thông thảo: Chuẩn bị chân lợn đen 1 đôi, thông thảo 4g, có thể thêm 2 – 4g nhân sâm. Đem chân lợn làm sạch, chặt nhỏ, hầm với thông thảo, nhân sâm. Món này rất thích hợp với những sản phụ sau đẻ ít sữa.
– Chân giò hầm thông thảo, xuyên sơn giáp: Món ăn này còn gọi là thông nhũ thang. Người dùng cần chuẩn bị thông thảo 8g, chân lợn 2 cái, xuyên sơn giáp 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g. Đem chân lợn làm sạch, chặt thành từng khúc vừa ăn; xuyên sơn giáp được nướng phồng. Cho tất cả vào nồi hầm chín nhừ, bỏ bã thuốc rồi nêm gia vị cho vừa miệng để dùng nóng. Món này rất tốt cho sản phụ đẻ xong bị tắc tia sữa, ít sữa. Ngoài ra, chị em có thể kết hợp dùng nước hành nấu rửa, vuốt nhẹ núm vú theo chiều nan hoa nhiều lần để sữa nhanh về.
– Cháo lô căn thông thảo trần bì: Với món cháo này, bạn cần chuẩn bị thông thảo 6g, sinh lô căn 30g, trần bì 2g, gạo tẻ 60g. Đem tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu thành cháo loãng uống. Món ăn này rất tốt cho người bị nôn thổ, nôn khan sau khi bị thương hàn, bệnh đường ruột.