Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Thược dược – loài hoa đẹp, vị thuốc tốt

1/ Cây thược dược là gì?

Hiện vị thuốc thược dược bán trên thị trường được bào chế từ các loại thược dược là là bạch thược (phần rễ phơi khô của cây Paeonia lactiflora Pall) và xích thược là rễ của 3 loại cây khác nhau là Paeonia lactiflora Pall, Paeonia veitchii Lynch và Paeonia obovata Maxim.

a/ Tên khoa học/ tên khác

– Bạch thược: Cây bạch thược còn được gọi là thược dược trắng. Cây có tên khoa hoc là Paeonia lactiflora Pall (hoặc Paeonia albiflora Pall), thuộc họ khoa học Mao Lương (Ranunculaceae). Vị thuốc bạch thược (Radix paeoniae albae) là phần rễ phơi hay sây khô của cây thược dược. Tên gọi này bắt nguồn từ việc rễ cây có màu trắng.

Cây bạch thược còn được gọi là thược dược trắng

– Xích thược: Còn được gọi là tam hùng đỏ, nam xích thược, xuyên xích thược, thược dược. Cây có tên khoa học là Trigonostemon rubescens Gagnep, thuộc họ thực vật Euphorbiaceae. Vị thuốc xích thược (Radix Paeoniae rubrae) là rễ phơi hay sấy khô của 3 loài thược dược gồm: Paeonia lactiflora Pall, Paeonia veitchii Lynch và Paeonia obovata Maxim.

b/ Mô tả cây

– Bạch thược: Là một cây thuốc quý, thuộc loại cỏ sống lâu năm, có nhiều thân rễ to, mập, được dùng làm thuốc. Rễ cái của cây bạch thược thường dài tới 30cm, đường kính từ 1 – 3cm, vỏ ngoài màu nâu, mặt cắt màu trắng hoặc hồng nhạt. Cây thường cao 0,5 – 1m, có nhiều chồi phát triển thành từng khóm. Lá màu xanh nhạt hoặc sẫm, mọc so le, lá kép gồm 3 – 7 lá chế trứng nhọn. Lá non thường giòn, dễ gãy, đến màu thu lá vàng và rụng. Hoa to mọc đơn độc, thuộc loại hoa kép, cánh hoa màu trắng hoặc hồng. Mỗi bông hoa thược dược thường có vài chục hạt nhưng có nhiều hạt lép….

– Xích thược: Vị thuốc này được thu hái từ 3 loài thược dược. Trong đó, thược dược (Paeonia lactiflora Pall) đã được mô tả ở trên. Nhưng loại dùng làm xích thược thường là những cây thược dược hoang, rễ nhỏ hơn. Xuyên xích thược (Paeonia veitchii Lynch) và thảo thược dược (Paeonia obovata Maxim) đều là thược dược mọc hoang. Rễ của thảo thược dược có màu nâu đỏ.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Nước ta đã thực hành trồng thược dược (thược dược dùng làm thuốc khác loại hoa thược dược thường được dùng làm cảnh trong dịp Tết) ở Sapa (Lào Cai) từ năm 1960. Hiện cây được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi, nhiều nhất là vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội. Tuy nhiên, sản lượng khai thác chưa lớn nên nên vẫn phải nhập khẩu thược dược từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, loại thược dược được trồng cho rễ củ to hơn còn loại mọc hoang có rễ nhỏ hơn. Loại mọc hoang thường tập trung ở trong rừng, dưới những cây bụi hoặc cây to thuộc các tỉnh như Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Minh, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng chính là rễ thược dược phơi khô hay sấy khô. Trong đó:

– Rễ bạch thược dược khô thường có hình viên chùy dài 15 – 20cm, thô 1,2 – 2cm. Rễ màu nâu hoặc xám nâu nhạt, mặt cắt màu xám trắng rất mịn, mặt ngoài có nứt dọc rõ ràng, nhìn kỹ có thể thấy gỗ tích rễ phụ chất cứng khó bẻ gẫy. Vùng chất mọc tách rời thành khe nứt có mùi thơm nhẹ. Thược dược tốt là loại lớn bằng đầu ngón tay hay đầu ngón chân cái, phần thịt trắng hồng ít xơ. Loại nhỏ, lõi màu đen sẫm là loại xấu, chất lượng và dược chất đều kém hơn.

Rễ bạch thược khô phải có phần thịt trắng hồng ít xơ mới là loại tốt

– Rễ xích thược khô thường to dài, bề ngoài màu nâu xám, trong có màu hồng hoặc trắng. Loại tốt thường chắc, nhiều bột.

e/ Thành phần hóa học

– Bạch thược: Trong thược dược có tinh bột, tanin, canxi oxalt, axit benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy và một ít tinh dầu. Trong đó, tỷ lệ axit benzoic ước chừng là 1,07%. Ngoài ra, theo Trung Dược Học thì bạch thược có thành phần paeoniflorin, paeonol, paeonin, trierpenoids, sistosterol; theo Trung Dược Ứng Dụng Lâm Sàng thì vị thuốc này chứa tinh bột, tanin, nhựa, calci oxalat, chất béo, acid benzoic (1,07%), paeoniflorin, clucosid Thược dược (C22H28O11) và 1 ít tinh dầu….

– Xích thược: Trong xích thược có những thành phần chính là tinh bột, tanin, nhựa, chất đường, sắc tố, acid benzoic (tỷ lệ acid benzoic trong xích thược là 0,92%, thấp hơn bạch thược), tinh dầu, xích thược tố A, paeoniflorin.

f/ Thu hái chế biến

– Bạch thược: Theo cách bào chế của Tứ Xuyên thì để bào chế vị bạch thược người ta thường phân loại rễ rồi dùng một nồi hoặc chảo to, đổ nước vào đun sôi, cho rễ vào đun khoảng 10 – 15 phút để rễ chín tới (dễ cạo vỏ, không gây hao hụt dược liệu). Sau đó, cho rễ ra và dùng thanh tre cật vót cạo hết bỏ lớp vỏ ngoài cho đến phần màu trắng. Trong khi cạo nếu thấy những chỗ bị sâu hại thì cắt bỏ. Cuối cùng là cắt bỏ đầu, đuôi, chia thành từng khúc dài 10 – 13cm rồi xếp thẳng đem phơi. Công đoạn phơi cũng rất quan trọng. Thường được phân làm 3 giai đoạn là phơi nhiều ủ nhiều, phơi ít ủ nhiều và phơi ngắn ủ dài….

– Xích thược: Sau 4 năm tuổi thì xích thược mới bắt đầu cho thu hoạch. Người ta thường đào rễ trong tầm từ tháng 8 – 10, cắt bỏ thân rễ và rễ con. Sau đó rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, đổ lên cho chín (thời gian đồ tùy theo số rễ đó lớn hay nhỏ để quyết định). Đồ xong sửa lại rễ cho thẳng rồi phơi hoặc sấy khô. Tại Hàng Châu, người ta thường đào rễ vào tháng 6, cắt bỏ rễ con, đồ lên rồi phơi nhưng sau khi phơi được 1 – 2 ngày lại tẩm nước cho mềm, lăn cho tròn rồi phơi tiếp. Khi phơi không nên phơi lúc nắng to để tránh thuốc bị nứt hoặc cong queo.

Sau 4 năm tuổi thì xích thược mới bắt đầu cho thu hoạch

Ngoài ra, theo Trung y thì có thể ủ mềm xích thược rồi thái mỏng (dùng sống) hoặc tẩm rượu hoặc dấm để sao. Còn theo kinh nhiệm ở nước ta thì có thể rửa sạch, ủ đến khi mềm thấu, thái lát, hoặc bào mỏng. Sau đó, sấy hoặc phơi khô (dùng sống). Cũng có thể tẩm rượu 2 giờ hoặc tẩm dấm để sao.

2/ Công dụng của cây thược dược

a/ Theo y học cổ truyền

– Bạch thược: Theo y học cổ truyền bạch thược có vị chua mà đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, tỳ và phế có tác dụng giảm đau, dưỡng huyết, nhuận gan, liễm âm, lợi tiểu, dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng, tả lỵ, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó, lưng ngực đau. Do đó, bạch thược được dùng nhiều trong cách bài thuốc giảm đau, thông kinh, phụ nữ bế kinh, xích bạch đới lâu năm không khỏi, chữa bệnh đau bụng do ruột co bóp quá mạnh, nhức đầu, chân tay nhức mỏi…

– Xích thược: Vị thuốc này  có  vị chua, đắng, tính hơi hàn, quy vào phần huyết của can kinh với tác dụng hoạt huyết, lương huyết, giải độc, tiêu ung, chỉ thống, tán ác huyết, tả can hoả. Nếu dùng sống thì tán tà, hành huyết; nếu tẩm rượu sao thì chữa thổ huyết, đổ máu cam; còn nếu tẩm dấm sao thì trị kinh bế, đau bụng.

=> Bạch thược và xích thược có tính vị khá tương tự nhau. Tuy nhiên, công dụng của bạch thược thiên về bổ, tính thu liễm, lấy dưỡng huyết, liễm âm, hoãn cấp, chỉ thống là chủ, kiêm bình can tức dương. Trong khi đó, xích thược công dụng thiên về tả, tán, lấy lương huyết, hoạt huyết, tá ứ, chỉ thống màn chủ kiêm thanh tiết can hỏa. Do đó, người mắc chứng huyết hư, can vượng, can cấp gây đau nên dùng ngay bạch thược còn những người huyết nhiệt, can hoả, ứ trệ đông thống nên dùng xích thược.

b/ Theo y học hiện đại

– Bạch thược: Theo các nghiên cứu y học hiện đại, nước sắc bạch thược có tác dụng ức chế các loại trực khuẩn đại trường, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn lỵ thương hàn, tụ cầu khuẩn vàng, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn tán huyết và nhiều loại nấm ngoài da. Glucozit bạch thược có thể ức chế trung khu thần kinh để an thần, giảm đau; chống viêm và hạ nhiệt; tăng lưu lượng máu đưa dinh dưỡng tới cơ tim, có tác dụng giãn mạch ngoại vi và hạ áp nhẹ nhờ khả năng chống co thắt cơ trơn của mạch máu, chống sự hình thành huyết khối do tiểu cầu tăng; ức chế cơ trơn của tử cung và dạ dạy, ruột, ức chế sự tiết vị toan, phòng chống loét; bảo vệ gan, làm hạ men Transaminaza; cầm mồ hôi và lợi tiểu.

– Xích thược: Trên thực nghiệm xích thược có khả năng làm giảm đau do co thắt cơ trơn, chống co thắt ruột, dạ dày, tử cung. Thuốc cũng có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lị, khuẩn mủ xanh, trực khuẩn ho gà, thương hàn, phó thương hàn, coli, liên cầu khuẩn dung huyết, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, vi rút cúm, herpes, vi rút đường ruột và một số loại nấm. Ngoài ra, loại thược dược này còn có tác dụng kháng viêm và hạ sốt; giảm áp lực tĩnh mạch cửa, làm tăng lưu lượng máu và làm giãn động mạch vành, chống ngưng tập tiểu cầu, chống thiếu máu cơ tim; chống hình thành huyết khối. Xích thược kết hợp với một số loại thuốc khác làm tăng tác dụng chống ung thư của thuốc và không làm tăng di căn.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây thược dược

Thược dược thường được dùng để chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh, băng huyết, khí hư

Bạch thược và xích thược được dùng trong nhiều bài thuốc phong trị bệnh. Cụ thể:

– Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh, băng huyết: Bạch thược 20g, lá trắc bá (sao đen) 12g. Sắc uống.

– Chữa băng huyết, khí hư: Xích thược 40g, hương phụ 40g. Đem cả hai vị thuốc tán nhỏ, trộn đều. Mỗi lần uống từ 6 – 8g, ngày 2 lần, uống trong 5 ngày liền.

– Chữa huyết ứ, kinh đau: Xích thược 8g, đương quy 8g, đào nhân 8g, xuyên khung 8g, hồng hoa 8g, hương phụ 8g, thanh bì 8g, huyền hồ 8g, chỉ xác 8, ngưu tất 12g, mộc hương 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa can âm bất túc gây ra hoa mắt, tai ù, đầu váng, cơ run giật, chân tay tê: Người bệnh có thể dùng bài Bổ Can Thang của Y Tông Kim Giám gồm thành phần là bạch thược 20g, toan táo nhân 20g, thục địa, đương quy mỗi vị 16g, mạch môn 12g, mộc qua, xuyên khung mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống.

– Chữa nhức đầu, tai ù, hoa mắt, chóng mặt, bế kinh: Bạch thược 16g, đương quy 12g, thục địa 12g, xuyên khung 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa đầu đau, chóng mặt do can dương vượng thượng lên: Người bệnh có thể dùng bài Linh Dương Câu Đằng Thang – Thông Tục Thương Hàn Luận gồm thành phần: bạch thược 12g, tang diệp 12g, trúc nhự 12g, phục thần 12g, bối mẫu 12g, câu đằng 12g, cúc hoa 12g, sinh địa 16g, cam thảo 4g, linh dương giác 4g. Sắc uống.

– Chữa lịch tiết phong, khớp xương đau nhức, tay chân phù: Có thể dùng bài Xích Thược Dược Tán – Thái Bình Thánh Huệ Phương gồm các vị xích thược 80g, đương quy 80g, phòng kỷ 80g, hải đông bì 80g, tỳ giải 40g, xuyên khung 40g, phụ tử 40g, đào nhân 20g, quế tâm 120g. Tán bột, mỗi lần dùng 20g, hoặc thêm gừng 6g sắc uống ấm, lúc đói.

– Chữa đau dây thần kinh liên sườn: Bạch thược 40g, bạch vi 40g. Đem cả hai vị thuốc sao với rượu, tán nhỏ, mỗi lần uống 6g, ngày 2 lần.

– Chữa liệt nửa người do tai biến mạch máu não: Xích thược 6g, xuyên khung 8g, đương quy 8g, địa long 4g, đào nhân 4g, hồng hoa 4g, hoàng kỳ 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa cơ co giật: Có thể dùng bài Thược dược cam thảo thang gồm thược dược 8g, cam thảo 4g. Cho vào nồi với 300ml nước, sắc còn 100ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.

– Chữa đau bụng, 2 chân và đầu gối đau nhức không co duỗi được: Người bệnh có thể dùng bài thuốc Quế chi gia linh truật của Trương trọng Cảnh với thành phần gồm thược dược 6g, quế chi 6g, đại táo 6g, phục linh 6g, bạch truật 6g, sinh khương 6g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi với 600ml nước, sắc còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.

– Chữa đau vùng thượng vị, đầy bụng, ợ hơi: Bạch thược 15g, sài hồ 12g, hương phụ 8g, thanh bì 8, chỉ xác 8g, xuyên khung 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

– Chữa bụng đau, tiêu chảy: Người bệnh có thể dùng bài Thống Tả Yếu Phương – Đan Khê Tâm Pháp gồm thành phần bạch thược sao 8g, bạch truật sao khử thổ 12g, phòng phong 8g, trần bì 6g. Sắc uống.

– Chữa bụng đau, kiết lỵ: Người bệnh có thể dùng bài Thược Dược Hoàng Cầm Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược gồm các thành phần bạch thược, hoàng cầm mỗi thứ 12g, cam thảo 6g. Sắc uống.

– Chữa đau thắt ngực do bệnh mạch vành: Xích thược 20g, xuyên khung 20g, hồng hoa 20g, giáng hương 20g, đơn sâm 40g. Đem tất cả tán mịn hòa nước uống chia 3 lần trong ngày, dùng liên tục 4 ngày là một liệu trình. Hoặc dùng độc vị xích thược 4g sắc uống ngày 3 lần.

– Chữa thương hàn, nôn ra máu, cầu ra máu: Người bệnh có thể dùng bài Xích Thược Dược Tán II – Thánh Tế Tổng Lực gồm xích thược 40g, đương quy 40g, hoàng cầm 40g, phụ tử 40g, bạch truật 40g, chích thảo 40g, a giao 80g, sinh địa 160g. Tất cả tán bột, ngày uống 20g với rượu ấm, lúc đói để ôn dương, kiện tỳ, lương huyết, chỉ huyết.

– Chữa chứng tích khối, đau một chổ không di động nằm thì bụng sa xuống: Người bệnh có thể dùng bài Cách Hạ Trục Ứ Thang gồm xích thược 8g, ô dước 8g, huyền hồ  8g, ngũ linh chi 8g, hương phụ 10g, chỉ xác 6g, hồng hoa 12g, xuyên khung 12g, đào nhân 12g, đương quy 12g, đan bì 12g, cam thảo 12g. Sắc uống.

Exit mobile version