Thương truật là vị thuốc được nhiều thầy thuốc đánh giá cao. Nó có thể giúp bạn đẩy lui các căn bệnh như: hư lao, biếng ăn, nôn mủa, đầy bụng, khó tiêu, gầy yếu, quáng gà, đau nhức răng,…
Cây thương truật là gì?
Tên khoa học/ tên khác
Thương truật có tên khoa học là Atractylodes lancea, thuộc họ Cúc Asteraceae. Ngoài ra, loài cây này còn được biết đến với một số tên gọi khác như: mao truật, xích truật, nam thương truật.
Mô tả cây
Tuổi thọ của thương truật khá dài. Chiều cao của cây trưởng thành vào khoảng 0,6m, thân mọc thẳng đứng, rễ phát triển thành củ to. Lá cây mọc so le, phần mép có răng cưa nhỏ. Hoa mọc theo cụm, hình ống, phía ngoài là hoa cái, bên trong là hoa lưỡng tính, tràng hoa màu trắng hoặc tím nhạt, quả khô.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Vị thuốc này từ trước đến nay đều được nhập từ Trung Quốc sang. Có thể kể đến tên các vùng đất nổi tiếng với loài cây này như: Giang Tô, Hồ Bắc, Hà Nam. Gần đây, tại Việt Nam người dân cũng bắt đầu gieo trồng loại cây này nhưng vẫn chưa đủ cung ứng.
Thành phần hóa học
Thành phần chủ chốt trong củ chính là tinh dầu (bao gồm atractylola và atractylon). Tỉ lệ tinh dầu của thương truật khi trồng tại các tỉnh là không đồng nhất: 5 – 9% khi trồng tại Hồ Bắc, Giang Tô, An Huy, Hà Nam, 3 – 5% khi trồng tại Thiểm Tây và một phần nhỏ Hà Nam, 1 – 3% khi trồng tại Liêu Ninh, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây.
Thu hái chế biến
Thương truật được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu. Tuy nhiên, chất lượng thuốc sẽ đạt cao nhất khi thu hoạch vào tháng 7, 8. Củ sẽ được đào lên, rửa sạch, loại bỏ rễ con, sau đó phơi hoặc sấy khô. Tại một số vùng, người ta sẽ đốt nhẹ để loại bỏ rễ con hoặc cạo vỏ cho đẹp, thế nhưng, cả hai cách này đều làm giảm lượng tinh dầu có trong củ.
Công dụng của cây thương truật
Theo Đông y, thương truật có vị đắng, cay, khí liệt. Đây là vị thuốc hữu hiệu trong việc điều trị các căn bệnh như: tinh thần mệt mỏi, chân tay không có lực, dạ dày, hệ tiêu hóa yếu. So với bạch truật thì thương truật ít được ưa chuộng hơn.
Cách dùng cây thương truật
+ Bài thuốc bổ dạ dày, hệ tiêu hóa
Mỗi ngày dùng 5 đến 10g thương truật sắc uống.
+ Bài thuốc trị nôn mửa, đi tả, đầy bụng khó tiêu
Tán bột các vị thuốc sau: thương truật 160g, trần bì 80g, hậu phác 120g, cam thảo 40g, đem đi trộn chung. Mỗi lần dùng 9g thuốc bột trên với nước gừng hoặc nước nóng, ngày 3 lần.
+ Chữa chứng đi ỉa lỏng
Ngâm ngập nước 6kg bạch truật trong nồi đất, đun cạn 1 nửa, thay nước mới rồi đun tiếp. Tiến hành làm như vậy trong 3 lần. Sau đó lấy 3 lần nước trên cô đặc thành cao. Mỗi ngày bạn chỉ cần sử dụng 2 đến 3 thìa cao là được.
+ Bài thuốc trị chứng hư lao, biếng ăn
Bạn cần chuẩn bị 20 cân thương truật loại tốt, đem đi tẩm nước gạo, sau đó bỏ vỏ ngoài và tiếp tục tẩm nước gạo 1 ngày đêm. Khi đã ngâm đủ thời gian kể trên thì bạn lấy củ ra, thái lát, sao vàng. Tiếp đến cho thuốc vào nồi, nấu 1 ngày 1 đêm rồi lọc bỏ bỏ. Sau đó, bạn cho tiếp vào nồi các vị thuốc sau: 3kg thạch nam diệp, 1kg chử thực tử, 0,5kg xuyên quy, 120g cam thảo, nấu 1 ngày 1 đêm bỏ bã. Cuối cùng bạn cho thêm 3kg mật ong vào và nấu thành cao. Mỗi lần người bệnh uống 20g thuốc với rượu nóng, khi đói.
+ Bài thuốc làm thanh vùng đầu mặt, giữ vững hạ tiêu
Hãy lấy 1kg thương truật, đem đi rửa sạch, tẩm với rượu, giấm, nước gạo nếp, đồng tiện, ngâm 3 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Hết thời hạn, vớt củ ra thái mỏng, bồi khô, thêm hắc chi ma, sao vàng, tán bột. Sau đó bạn trộn với hồ chế từ rượu nấu với miến, nặn thuốc thành viên, kích cỡ hạt ngô đồng. Liều dùng là 30 viên/lần.
+ Trị chứng đau lưng, tay chân yếu
Ngâm thương truật tương tự như bài thuốc làm thanh vùng đầu mặt, tuy nhiên, khi vớt ra thì sao cùng 40g xuyên tiêu, 40g hồi hương, 40g bồ cốt chỉ, 40g hắc khiên ngưu. Khi có mùi thơm thì nhấc ra, loại bỏ các vị thuốc khác, chỉ giữ thương truật lại, đem đi tán bột. sau đó đổ hồ nấu từ giấm vào, nặn thành viên tễ, kích cỡ như hạt ngô đồng. Thuốc này nên dùng khi đói, mỗi lần 30 viên với rượu. Nếu người dùng ở độ tuổi trên 50 thì nên bổ sung thêm 40g trầm hương vào thuốc.
+ Bài thuốc tăng cường dung nhan, tốt cho da và tóc
Sử dụng 1kg thương truật, tẩm ướp cùng nước gạo trong nửa ngày, phơi khô rồi tán bột. Sau đó bạn đổ thêm 1kg bột địa cốt bì và nước vắt từ 20kg tang thầm chín vào, quấy như hồ, đổ vào mâm nhôm, đem phơi nắng và sương, đợi đến khi khô thì tán bột. Đổ mật ong vào bột trên, nặn thành viên, kích cỡ như hạt ngô đồng. Ngày uống 3 lần phương thuốc trên, mỗi lần 20 viên với rượu ngon.
+ Bài thuốc bổ tỳ, tư thận, sinh tinh, mạnh gân xương
Lấy 6kg thương truật, cạo sạch vỏ, bồi thô, tán thành bột mịn, đổ thêm nước gạo vào, quấy đều, gạn bỏ sạn. Tiếp đến bạn dùng hắc chi ma bỏ vỏ, giã nát, thu lấy nước cốt. Hòa 2 vị thuốc trên vào nhau, phơi khô. Nên dùng thuốc này khi đói, mỗi lần dùng 12g với nước cơm hoặc rượu nóng.
+ Bài thuốc trị da mặt vàng, khí lực tinh thần giảm sút
Trộn 1 cân bột thương truật và nửa cân địa hoàng với nhau. Tùy theo mùa mà bạn có thể điều chỉnh loại thuốc thêm cho phù hợp: mùa xuân và thu thêm 28g can khương, hè thêm 20g, đông thêm 40g. Nặn thành viên hỗn hợp thuốc trên, uống 30 viên/lần.
+ Trị chứng báng tích ở trẻ nhỏ
Đem 160g thương truật đi tán bột, nhồi vào trong gan dê, cho vào nồi đất nấu nhừ. Sau đó, đem gan đã nhồi thuốc đi giã nát, nặn thành viên, dùng 20 viên/lần với nước nóng.
+ Bài thuốc điều trị bụng hư lạnh dẫn đến chán ăn, ăn không tiêu, cơ thể gầy ốm
Bỏ 3kg thương truật và 1kg men rượu vào chảo, sao vàng, tán bột, thêm mật vào để nặn thành viên. Mỗi ngày dùng 3 lần thuốc, 30 viên/lần. Tùy theo tình trạng bệnh mà bạn có thể bổ sung thêm các vị thuốc khác nhau: lạnh bụng thêm 30g can khương, đau bụng âm ỉ thêm 90g xuyên quy, gầy ốm thêm 60g cam thảo.
+ Bài thuốc trị chứng tỳ thấp, kiệt sức
Tán bột tất cả các vị thuốc sau: 80g thương truật, 40g bạch thược, 20g hoàng cầm, 8g quế. Mỗi lần dùng 12g thuốc bột với nước cơm.
+ Trị chứng tiêu chảy do ăn uống không đều trong ngày hè
Đem thần khúc và thương truật đi tẩm nước gạo trong vòng 1 đêm, phơi/sấy khô, tán bột mịn. Dùng hộ trộn thuốc nặn viên. Dùng 30 viên/lần với nước cơm là đủ.
+ Bài thuốc trị chứng ăn vào là đi ngoài ngay lập tức
Tán bột 60g thương truật và 30g xuyên tiêu, thêm giấm, nặn viên. Trước bữa ăn dùng 20 viên.
+ Bài thuốc điều trị chứng quáng gà
Đem 60g thương truật đi tẩm nước gạo 1 đêm, bồi khô, tán bột, rắc thuốc vào 1kg gan dê đã làm sạch, buộc lại bằng dây gai. Sau đó, bạn cho thêm ít gạo, nước vo gạo vào nấu nhừ để nguội rồi ăn. Nên ăn thường xuyên món này đến khi khỏi thì thôi.
+ Bài thuốc trị chứng đau mắt, mắt híp không mở được
Dùng nửa cân thương truật tẩm với nước vo gạo trong vòng 7 ngày, loại bỏ vỏ, thái mỏng, bồi khô, bỏ thêm 60g mộc tặc vào, tất cả đem tán bột. Liều lượng dùng là 4g/lần, uống với nước trà hoặc rượu.
+ Bài thuốc trị bệnh đau răng
Thương truật đem hòa với nước muối, tẩm qua, đốt tồn tính, tán bột, nhét vào chỗ răng đau.
+ Bài thuốc trị viêm khớp đau do phong hàn thấp hoặc do thấp nhiệt
Sắc uống các vị thuốc sau: thương truật, tần giao, tỳ giải, mộc qua, ý dĩ nhân, tang ký sinh, thạch hộc, hoàng kỳ, thục địa, thạch xương bồ, tàm sa, mỗi loại 10g cộng với 6g quế chi và 3g cam thảo.
+ Trị viêm khớp mạn thể phong hàn thấp
Tán bột mịn thương truật và hoáng bá, nặn thành viên tễ. Mỗi ngày dùng thuốc 3 lần, 6 – 10g/lần với nước ấm.
+ Điều trị căn bệnh rối loạn tiêu hóa
Sắc uống các vị thuốc sau: 6g thương truật, 6g xuyên khung, 6g bạch chỉ, 6g cao bản, 6g khương hoạt, 3g cam thảo, 3g tế tân.
Nhìn chung, thương truật là vị thuốc cực tốt nếu biết sử dụng đúng cách. Nó sẽ giúp bạn đẩy lùi nhiều căn bệnh hay gặp trong đời sống hàng ngày.