1/ Cây trần bì là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Trần bì còn được gọi với các tên như quất bì, quảng trần bì, tần hội bì, vỏ quýt. Cây có tên khoa học là Citrus deliciosa Tenore, thuộc họ khoa học là họ Cam (Rutaceae).
Trần bì được ghi chép về việc dùng làm thuốc lần đầu trong sách Bản Kinh – là vỏ trái chín của cây quý, có các tên khoa học như Citrus reticulata Blanco, Citrus deliciosa tenore hay Citrus nobilis var deliciosa Swigle.
Cái tên trần bì bắt nguồn từ nghĩa của từ trần là cũ, lâu; bì là da, vỏ với ý ngĩa là vị thuốc từ vỏ quýt để càng lâu càng tốt. Đôi khi, vị thuốc này cũng được gọi theo đúng cái tên gốc thảo dược của nó là quất bì.
b/ Mô tả cây
Cây quýt được trồng rộng rãi để thu hái quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng đây còn là một cây thuốc quý, cho nhiều vị thuốc tốt cho sức khỏe, trong đó có vị trần bì. Cây thuộc dạng cây nhỏ, thân cành có gai, lá đơn hoặc mọc so le, phần mép lá có khía răng cưa, vỏ có mùi thơm đặc biệt. Hoa quýt là hoa nhỏ, màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá, đầu cành. Quả hình cầu hơi dẹt, lúc non màu xanh, lúc chín chuyển sang màu vàng cam hay vàng đỏ. Vỏ chín mỏng, nhẵn hoặc hơi sần sùi, dễ móc. Quả có hương vị thơm ngon, nhiều hạt.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây quýt được trồng làm cây ăn quả và làm thuốc ở khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam nước ta. Nhiều nhất tại các tỉnh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình), Hà Sơn Bình (nay là Hòa Bình), Cao Lạng (nay là khu vực Cao Bằng).
d/ Bộ phận dùng
Vỏ quả chín khô (Pericrpium Citri Reticlatae), được gọi với tên thuốc là trần bì. Vị thuốc này là phần vỏ quả thường được cắt thành 4 miếng, mỗi miếng phần nhiều là hình bầu dục, chỗ cuống quả liền lại. Cũng có lúc miếng vỏ quả bị tác rời hoặc thành xiên méo. Mặt ngoài màu vàng đỏ đến nâu đỏ, có đường ngăn và điểm lõm nhỏ hình tròn, khi đem ra nắng sẽ thấy các điểm lõm nhỏ, mờ. Vỏ quả chín mềm, đến khi khô thì giòn, dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy không phẳng. Thuốc còn có mùi thơm đặc trưng, nếm thử thấy hơi ngọt sau đó là đắng, cay.
Ngoài ra, người ta còn dùng một vị thuốc từ vỏ quýt nữa là quảng trần bì. Loại này thường bóc thành 5 miếng, hoặc xé rời thành từng miếng nhỏ. Mặt ngoài màu tía nâu hoặc nâu hồng nhạt, có nhiều đường ngăn và điểm lõm hình tròn, đưa ra ánh sáng thấy hơi thấy sáng. Mặt trong màu vàng trắng ngà, hơi lồi lõm, có nhiều gân xơ không đều với một vài điểm nhỏ lõm xuống. Vỏ mềm nhũn, khó bẻ gẫy, khi gẫy thì chỗ gẫy không bằng.
e/ Thành phần hóa học
Có một số tài liệu y khoa đã nêu các thành phần hóa học của trần bì như:
– Theo Lưu Văn Từ, Trung Dược Tài 1991, 14 (3): 33, vị thuốc này chứa: Limonene, beta-Myrcene, Piene, alpha-Terpinene, alpha-Thujene, alpha-Ocimene, alpha-Phellandrene, gama-Terpinene, Sabinene, Terpinolene, Linalool, 3,7-Dimenthyl-7-Octenal, 4-Terpineol, Octanal, p-Cymene, alpha-Terpineol, Citronellol, 4-1, 1-Dimenthylrthyl-Benzenemethanol, Decanal, Nerol, Octanol, Perillaldehyde, Carvacrol, alpha-Farnesene, Thymol, Citronella, Benzyl alcohol, Sabinene hydrate.
– Theo Iimuma M và cộng sự, Chem Phar Bull 1980, 28 (3): 717, trần bì có Beta-Sistosterol, Limonin, Ferulic acid, 5, 5’-Oxydimethylene-bis (2-Furaldehyde).
– Theo Chaliha B R và cộng sự C A, 1967, 66: 5534e, trong vị thuốc này có Hesperidin, Neohesperidin và Citromitin.
f/ Thu hái chế biến
Quả thường được thu hái từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Theo kinh nghiệm dân gian, để làm vị thuốc trần bì thì chỉ cần hái quả quýt chín về, khía vỏ quả làm 3 – 4 mảnh sát đến cuống, bóc vỏ ra xâu vào dây lạt, phơi ở nơi thoáng gió hoặc sấy nhẹ cho khô. Không nên treo ở gác bếp vì sẽ làm trần bì mất đi tinh dầu và dễ bẩn.
Theo Đông Dược Học Thiết yếu thì có thể bào chế bằng cách rửa sạch, phơi khô, thái nhỏ, dùng sống hoặc sao, càng để lâu càng tốt.
Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược thì nên rửa sạch (không rửa lâu), lau, cạo sạch phía trong rồi thái nhỏ, phơi nắng vừa cho khô. Đến khi dùng thì sao nhẹ lửa để trị nôn mửa, đau dạ dày. Có thể tẩm mật ong rồi mới sao qua để dùng.
2/ Công dụng của cây trần bì
– Theo y học cổ truyền: Trần bì hay vỏ quýt phơi sấy khô có vị cay, đắng, tính ấm, mùi thơm, vào kinh phế, can, tỳ, vị với tác dụng hạ khí, chỉ ẩu, chỉ khái, đình thủy ngũ lâm, trừ bàng quang lưu nhiệt, lợi tiểu tiện. Chủ tỳ các chứng bất năng tiêu cốc, thống hịch hoắc loạn, khí xung hung trung, chỉ tả, khử thốn bạch trùng. Do đó, thường dược dùng trong các bài thuốc để chữa đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ho có đờm, kém ăn, nôn mửa, tiêu chảy….
– Theo y học hiện đại: Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng trần bì có hàng loạt công dụng cho sức khỏe như:
+ Tác dụng khu đờm, bình suyễn: Vị thuốc từ vỏ quýt này có khả năng kích thích niêm mạc đường hô hấp, tăng dịch tiết để làm loãng đờm, giúp người bệnh dễ khạc đờm ra, giảm cảm giác vướng víu, khó chịu. Trong thử nghiệm, dịch cồn chiết xuất với nồng độ 0,02g (thuốc sống)/ml có thể hoàn toàn ngăn chặn cơn co thắt phế quản do Histamin gây nên.
+ Tác dụng kháng viêm, chống loét: Thành phần Humulene và alpha-Humulenol acetat trong trần bì có tác dụng như vitamin P. Chúng có khả năng làm giảm tính thẩm thấu của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng. Đồng thời, có khả năng kháng Histamin, gây tính thẩm thấu của thành mạch. Chất alpha-Humulenol acetat thì có tác dụng chống loét và giảm tiết dịch vị.
+ Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột: Tinh dầu vỏ quýt có tác dụng kích thích nhẹ với đường tiêu hóa. Chúng giúp ruột bài trừ khí tích trên ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị, có tác dụng làm giãn cơ trơn của dạ dày và ruột, có lợi cho tiêu hóa.
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: Trên hệ tim mạch, nước sắc vỏ quýt tươi và dịch chiết cồn với liều bình thường có tác dụng hưng phấn thần kinh, liều lớn hơn thì có tác dụng ức chế….
+ Tác dụng kháng khuẩn: Trong ống nghiệm, quảng trần bì có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của trực khuẩn dung huyết, ái huyết, tụ cầu khuẩn.
+ Các tác dụng khác: Trần bì còn có các tác dụng khác như chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung….
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây trần bì
Trần bì là vị thuốc tốt, được sử dụng rộng rãi trong y học, thậm chí có lời khuyên rằng mỗi gia đình đều nên chuẩn bị trần bì sẵn trong nhà. Khi cần, mọi người có thể dùng theo liều dùng phổ biến là 4 – 12g. Tuy nhiên, trường hợp thực nhiệt, khí hư, ho khan do âm hư, thổ huyết thì nên kiêng dùng. Trường hợp không có thấp, không có đờm, không ứ trệ thì không nên dùng. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến với trần bì.
– Chữa đầy bụng khó tiêu: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong khoảng 15 – 20 phút là có thể dùng được. Nên uống khi nước thuốc còn nóng, bỏ bã.
– Hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn: Trường hợp này nên chuẩn bị trần bì 3g, hồ tiêu 3g, riềng 6g, gà trống 1 con khoảng 1kg. Sau đó đem gà làm sạch, chặt thành miếng nhỏ, các vị thuốc khác cho vào túi vải xô (không có vải xô thì lấy vải mỏng, thoáng nước, sạch là được). Cho tất cả vào nồi, thêm nước, gia vị vừa đủ rồi đun nhỏ lửa, hầm nhừ, chia thành 2 – 3 lần, ăn trong ngày. Tuần nên ăn khoảng 2 – 3 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Chữa tiêu hóa rối loạn do ăn uống, không tiêu: Người bệnh nên chuẩn bị trần bì, hậu phác, thương truật, sinh khương mỗi vị 10g, thảo quả (đã nướng qua) 6g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Cho tất cả vào nồi sắc uống ngày 1 thang. Dùng khoảng 5 ngày là một liệu trình.
– Chữa ho viêm họng, viêm phế quản nhẹ: Nếu bị nhẹ, không muốn dùng kháng sinh thì bạn có thể lấy trần bì 6g, tô diệp 6g, cát cánh 6g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi sắc uống trong ngày.
– Chữa tiêu hóa rối loạn, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng: Áp dụng bài thuốc Dị Công Tán – Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết gồm trần bì 6g, đảng sâm 8g, bạch linh 8g, bạch truật 8g, chích thảo 4g, sắc uống hoặc làm thuốc hoàn tán.
– Trị nguyên khí suy yếu, dưới tim có hòn khối, ăn uống không tiêu hoặc tạng phủ không điều hòa: Chuẩn bị quất bì, chỉ thực (sao với trấu cho vàng) đều 40g, bạch truật 80g. Đem các vị thuốc tán nhuyễn. Lấy lá sen gói thuốc lại rồi làm thành viên, to bằng hạt đậu xanh lớn, mỗi lần uống khoảng 50 viên.
– Chữa ho có đờm (do cảm hàn): Chuẩn bị trần bì 6g, khương bán hạ 6g, bạch linh 12g, cam thảo 4g, gừng tươi 2 lát. Sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa ho mất tiếng: Lấy trần bì 12g, sắc với 200ml nước cho đến khi còn 100ml thì thêm đường đủ ngọt rồi chia uống nhiều lần trong ngày.
– Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng: Người bệnh có thể chuẩn bị trần bì 20g, hương phụ (sao dấm) 15g, thịt gà 100g. Cho trần bì, hương phụ vào nồi sắc lấy nước thuốc (lấy nước bỏ bã), dùng nước đó kho với thịt gà đã rửa sạch, thái lát cho đến khi cạn nước. Cho tiếp gừng tươi (đập vụn), hành và gia vị vào đảo đều. Hoặc cũng có thể lấy trần bì 15 – 20g, gạo tẻ 150g. Sau đó, sắc hoặc hãm trần bì lấy nước, đem nước sắc được nấu với gạo thành cháo. Khi ăn thì thêm chút đường hoặc muối gia vị tùy thích. Món ăn này cũng rất thích hợp với người bị viêm loét dạ dày – tá tràng, đau vùng thượng vị, trướng bụng đầy hơi, buồn nôn….
– Chữa tiêu chảy: Có thể dùng bài Bình Vị Tán – Hòa Tễ Cục phương gồm trần bì, cam thảo, hậu phác, thương truật lượng bằng nhau. Sau đó, sắc uống hoặc tán bột, trộn đều, mỗi lần uống 4 – 6g, ngày uống 2 – 3 lần.
– Chữa trẻ nhỏ bị chứng tỳ cam, tiêu chảy: Chuẩn bị quất bì 40g; thanh bì, chích thảo, kha tử nhục đều 20g. Đem tất cả các vị thuốc tán bột, mỗi lần dùng 8g, sắc với 1 chén nước cho đến khi còn 6 phần. Uống ấm trước bữa ăn.