Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Tục đoạn là cây gì, có công dụng gì cho sức khỏe?

1/ Cây tục đoạn là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Cây tục đoạn còn có tên khác là sâm nam, oa thái, sơn câu thái, đầu vù (Mèo), rễ kế (miền Nam), djaou pa en (Mèo Xiêng Khoảng). Cây có tên khoa học là Dipsacus japonicus Miq (trụ tục đoạn), thuộc họ Tục đoạn (Dipsacaceae).

Ngoài vị thuốc từ cây tục đoạn Dipsacus japonicus kể trên, trong đông y còn dùng một loại tục đoạn khác là rễ cây Dipsacus asper Wall, còn gọi là xuyên tục đoạn vì chủ yếu mọc ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), một số ít mọc ở Vân Nam, Tây Tạng.

b/ Mô tả cây

Tục đoạn là cây thân thảo

Tục đoạn thuộc cây thân thảo, thân có 6 cạnh trên cạnh có một hàng gai thưa, càng lên trên càng mau dần, gai quặp trở xuống, cao 1,5 – 2m. Lá cây mọc đối, không có cuống, bẹ ôm lấy cành hoặc thân. Lá non thì thuôn dài, đầu nhọn, phiến lá nhỏ, răng cưa dài, gân lá cách, trên đường gân của mặt dưới có một hàng gai nhỏ cứng, càng lên đầu lá thì càng mềm dần. Lá tục đoạn già có phiến lá xẻ sâu, xẻ cách từ 3 – 9 thùy, gân lá có gai nhỏ như lá non, răng cưa mau hơn lá non.

Hoa màu trắng có lá bắc dài 1 – 2cm. Cụm hoa hình trứng hay hình cầu, cành mang hoa dài 10 – 20cm, 6 cạnh có lông cứng, càng lên trên càng mau dần. Quả bế có 4 cạnh, dài 5 – 6mm, màu xám trắng còn đài sót lại.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Họ tục đoạn có 15 loài phân bố khắp 2 lục địa Âu – Á, ở một số nước vùng Địa Trung Hải và châu Phi. Tại Việt Nam hiện có 3 loài là tục đoạn (Dipsacus japonicus, họ Dipsacaceae), tục đoạn nhọn (Dipsacus asper, họ Dipsacaceae) và tục đoạn rau (Sonchus oleaceus, họ Asteraceae). Loài nào cũng có thể dùng làm thuốc nhưng loài Dipsacus japonicus được dùng phổ biến nhất.

Tục đoạn mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc

Cây mọc hoang nhiều ở các tỉnh miền núi như Sơn La, Lào Cai, Hà Giang. Thường mọc nơi mát mẻ hay trên nương rẫy có bóng cây râm mái. Bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1935.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận dùng là rễ cây phơi hoặc sấy khô.

e/ Thành phần hóa học

Tục đoạn ít được nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu cũng chưa được thống nhất. Trong đó, phần lớn cho rằng tục đoạn có chứa tinh dầu, tanin và chất có tên là dipsacin. Một số tài liệu cho rằng trong tục đoạn có một anclaoit gọi là lamiin, ít dầu và chất màu.

Sơ bộ các nghiên cứu tục đoạn của Việt Nam cho thấy dịch chiết tục đoạn có vị hơi ngọt, sau hơi se lưỡi, có phản ứng với giấy quỳ, phản ứng tanin rõ rệt và cho phản ứng dương với các thuốc thử chung của ancaloit, có đường và có thể có saponin (Lê Ánh, 1961, Bộ môn dược liệu)

f/ Thu hái chế biến

Rễ được đào vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 8. Sau khi loại bỏ những rễ nhỏ thì sẽ đem phơi hoặc sấy khô. Hoặc thu lấy rễ to rồi phơi cho se, đập hơi dập, phơi hoặc sấy khô, khi dùng thì tẩm rượu hoặc nước muối, sao vàng. Cũng có nơi đào lấy rễ tục đoạn, cắt bỏ đầu và rễ con rồi dùng củi gỗ hun cho rễ mềm, chất thành đống, đậy bao tải lên cho rễ ẩm lại. Chờ đến khi mặt vỏ ngoài có màu hơi xám hoặc vàng, giữa rễ có màu xanh thì đem ra phơi hoặc sấy khô.

2/ Công dụng, cách dùng của cây tục đoạn

– Theo y học hiện đại: Y học hiện đại đã tìm ra một số tác dụng của cây tục đoạn như vị thuốc này có tác dụng làm thoát mủ (bài nùng) đối với ung nhọt, giảm đau, cầm máu, có tác dụng tăng sữa và kích thích để các tổ chức nhanh tái sinh. Theo cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam” của Đỗ tất Lợi thì nghiên cứu tác dụng dược lý loài Dypsacuspilosus (cùng chi khác loài với Tục đoạn) cho nhận xét là với liều 0,2 – 0,3g cao đối với một thể trọng của chó mèo thì thấy nhịp tim nhanh lên, huyết áp cao lên. Đồng thời biên độ mạch cũng tăng, hơi thở mau và sâu. Thử trên tủy sống của ếch thì thấy cao Dypsacus pilosus có tác dụng gây mê mạnh.

Rễ cây tục đoạn có nhiều công dụng cho sức khỏe

– Theo y học cổ truyền: Theo Đông y, rễ cây tục đoạn có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, thông huyết mạch, nối gân xương, trấn thống, an thai. Tài liệu cổ có ghi tục đoạn có vị đắng cay, tính hơi ôn, vào 2 kinh can và thận. Do đó, nó thường được dùng làm thuốc bổ toàn thân; có tác dụng cầm máu, chữa thống kinh, động thai, di tinh, băng lậu, đới hạ; làm giảm đau do bị ngã, chấn thương.…

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây tục đoạn

Liều dụng tục đoạn phù hợp thường là mỗi ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn tán hoặc thuốc ngâm rượu. Vị thuốc này ít khi được dùng riêng mà thường được phối hợp với nhiều vị thuốc khác để phòng trị nhiều chứng bệnh như:

– Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non: Tục đoạn 8g; đảng sâm, hoàng cầm, xuyên khung, hoàng kỳ, đương quy mỗi vị 4g; thục địa, bạch thược mỗi vị 3g; cam thảo (chích), bạch truật, sa nhân mỗi vị 2g; gạo nếp 1 nắm. Tất cả thái nhỏ, nấu với nhiều lần nước để lấy nước thuốc đặc. Sau đó, cho gạo nếp đã vo sạch vào nấu thành cháo, ăn trong ngày. Dùng liên tục 3 – 5 ngày là một liệu trình.

– Chữa động thai, dọa sẩy thai khi thai được 2 – 3 tháng: Tục đoạn (tẩm rượu) 60g, đỗ trọng (tẩm nước gừng, sao cho đứt tơ) 60g. Đem cả hai vị thuốc tán nhỏ, trộn với táo nhục (thịt quả táo), làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên với nước cháo. Với phụ nữ bị động thai, thai lậu (dọa sẩy), băng lậu, khí hư, bạch đới thì có thể dùng thử bài tục đoạn, đương quy, long cốt, xích thạch chỉ, hoàng kỳ, địa du mỗi thứ 12g, thục địa 16g, ngãi diệp, xuyên khung mỗi thứ 6g. Đem tất cả tán bột làm hoàn, mỗi lần uống 8g, ngày 2 lần.

Vị thuốc tục đoạn thường được dùng để chữa động thai, dọa sẩy thai khi thai được 2 – 3 tháng

– An thai: Tục đoạn 20g, đỗ trọng 12g, trứng gà 2 quả. Cho tất cả vào nồi nấu với nước, khi trứng chín thì bóc vỏ, lại bỏ vào nấu tiếp 1 lúc rồi bắc ra ăn trứng, uống nước canh. Cách ngày dùng lần, dùng khoảng 3 – 5 lần để cảm nhận hiệu quả.

– Chữa sữa không thông, ít sữa sau sinh: Lấy tục đoạn 15g, ma hoàng, xuyên sơn giáp (rang cháy) mỗi vị 6g; xuyên khung, đương quy mỗi vị 5g; thiên hoa phấn, thông thảo mỗi vị 9g. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước thuốc uống.

– Chữa kinh nguyệt quá nhiều, kinh màu nhạt: Chuẩn bị tục đoạn 10g, đương quy 10g, thục địa 12g, ngải diệp 3g, xuyên khung 3g. Sắc lấy nước uống ngày một thang.

– Cải thiện chứng lãnh cảm ở phụ nữ: Lấy tục đoạn 20g, đỗ trọng 20g, ba kích 20g, nhục thung dung 20g, đậu đen 30g, đuôi lợn 50g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi hầm nhừ ăn ngày 1 lần.  Ăn liền 1 tuần.

– Chữa tê thấp, đau mỏi gân xương: Tục đoạn, ngưu tất, tang ký sinh, đỗ trọng mỗi vị 10g; câu kỷ, hà thủ ô đỏ, đương quy mỗi vị 5g, tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Có thể ngâm rượu uống. Nếu bị đau lưng và chân (thuộc thể hư và hàn thấp), gân cốt co cứng, chân gối mỏi thì có thể lấy tục đoạn, đỗ trọng, mộc qua, tỳ giải, ngưu tất sao mỗi thứ 80g. Nghiền tất cả thành bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi viên hoàn nặng 10g. Người bệnh mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 2 – 3 lần, uống với nước nóng hoặc rượu nóng.

– Trị can thận suy nhược, chân tay đau buốt: Nếu can thận suy nhược, sống lưng và thắt lưng đau buốt thì có thể dùng bài hoàn tục đoạn gồm: tục đoạn 12g, phòng phong 12g, ngưu tất 12g, ngũ gia bì 12g, tỳ giải 12g, ý dĩ nhân 12g, thục địa 20g, bạch truật 12g, khương hoạt 8g. Đem tất cả các vị nghiền thành bột mịn, làm viên hoàn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 12g, uống với nước muối loãng hoặc rượu ấm.

– Hỗ trợ điều trị phong thấp ở người cao tuổi: Nếu người cao tuổi bị phong thấp với biểu hiện mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp đau nhức âm ỉ, người bệnh trằn trọc, ít ngủ, đi lại khó khăn thì có thể lấy tục đoạn 20g, thổ phục linh 16g, tang chi 12g, xương bồ 12g, rễ cỏ xước 12g, quế 10g, cam thảo 12g, rễ bưởi bung 16g. Đổ 1 lít nước vào nồi thuốc, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia thành 2 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 7 – 10 ngày là một liệu trình.

– Trị gãy xương, vết thương sưng tấy: Dùng bài tiếp cốt tán gồm các nguyên liệu tục đoạn 12g, đương quy 12g, nhũ hương sao 12g, tự nhiên đồng 12g, một dược sao 12g, thổ miết trùng 12g, huyết kiệt 12g, cốt toái bổ 12g, sắc uống. Hoặc lấy tục đoạn, tam thất, cốt toái bổ, ngưu tất, một dược, đỗ trọng, đương quy, nhũ hương, xuyên khung mỗi vị 5g, sắc nước uống trong ngày. Người bị sưng đau do té ngã cũng có thể lấy tục đoạn 10g, ngưu tất 10g, đỗ trọng 12g, đương quy 12g, địa hoàng 10g, quế bột một thìa cà phê, sắc uống nóng ngày 1 thang, uống liên tục trong 3 ngày.

– Giảm đau lưng, đau mỏi gân xương: Người bệnh chỉ cần lấy tục đoạn 40g, tang ký sinh 80g, đậu đen 80g, rượu trắng 60ml. Đem tất cả các vị thuốc sao thơm rồi ngâm với rượu, sau 7 ngày là dùng được. Khi dùng thì uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15ml.

Exit mobile version