Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Xạ can và các bài thuốc chữa bệnh từ xạ can

1/ Cây xạ can là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Xạ can có tên khác là cây rẻ quạt, la cho (Lang-biang), Iris tigré. Cây có tên khoa học là Belamcanda sinensis (L.) DC, thuộc họ khoa học Lay ơn (Iridaceae).

Do đó, vị thuốc xạ can còn được gọi là rẻ quạt, biển trúc (Dược Liệu Việt Nam), ô bồ, ô phiến (Bản Kinh), ô siếp (Nhĩ Nhã), hoàng viễn (Ngô Phổ Bản Thảo), dạ can (Bản Thảo Kinh Tập Chú), khai hầu tiễn, hoàng tri mẫu (Phân Loại Thảo Dược Tính), ô xuy, thảo khương (Biệt Lục), quỷ phiến (Trửu Hậu phương), phượng dực (Bản Thảo Bổ di), lãnh thủy đơn (Nam Kinh Dân Gian Dược Thảo), ô phiến căn, tử hoa ngưu, điểu bồ, tử hoa hương, dã huyên thảo, cao viễn, bạch hoa xạ can, địa biển trúc, thu hồ điệp, ngọc yến, tiên nhân chưởng, tử kim ngưu, quỉ tiền, tử hồ điệp (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), biển trúc căn (Vĩnh Loại Kiềm phương).

b/ Mô tả cây

Cây xạ can là một loại cỏ có thân rễ mọc bò

Xạ can là một loại cỏ sống dai, có thân rễ mọc bò, thường được dùng làm thuốc. Cây thân bé, có lá mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m. Lá cây hình mác, hơi có bẹ, dài 20 – 40cm, rộng 15 – 20cm. Lá hình phiến dài, lá ở phía dưới úp lên gốc lá ở phía trên, gân lá song song. Cụm hoa dài từ 20 – 40cm, có cuống, cuống gầy mềm. Hoa xạ can cũng có cuống, bao hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ, điểm những đốm tía, 3 nhị, bầu hạ. Quả nang hình trứng, dài 23 – 25mm, mỗi quả có 3 van. Hạt hình cầu bóng, đường kính 5mm, màu xanh đen.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Cây rẻ quạt hiện mọc hoang ở khắp mọi vùng miền trên cả nước. Nhiều gia đình trồng cây này để làm thuốc chữa đau hầu họng. Ngoài ra, do cây có vẻ ngoài khá bắt mắt nên cũng được một số gia đình trồng làm cảnh. Xạ can còn mọc và được trồng ở một số nước khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines.

d/ Bộ phận dùng

Bộ phận sử dụng chính của cây xạ can là thân, rễ.

e/ Thành phần hóa học

Trong xạ can, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chiết ta được một chất glucozit gọi belamcandin C24H24012 và tectoridin C22H22011. Khi đem thủy phân, Belamcandin sẽ cho ra glucoza và belamcangenin. Còn Tectoridin thuỷ phân sẽ cho ra glucoza và tectorigenin – một chất có tinh thể hình phiến, độ chảy ở khoảng 227 – 230°C. Cũng có tác giả tìm thấy một loại glucozit khác gọi là iridin C24H2804 và xạ can tố (shekanin) với hiệu suất 0,05%. Ngoài ra, còn có nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học của xạ can đã được các tài liệu y học ghi lại như:

– Belamcanidin, Iristectoriginin A, Methylirisolidone (Yamaki M và cộng sự, Planta Med 1990, 56 (3): 335)

– Iridin (Kukani N và cộng sự, C A 1951, 45: 820b)

– Irigenin (Hồ Hiểu Lan, Trung Dược Thông Báo 1982, 7 (1): 29)

– Irisflorentin (Từ Ác Cương, Dược Học Học Báo 1983, 18 (12): 969)

– Tectorigenin, Tectoridin (Ngô Ác Tây, Dược Học Học Báo 1992, 27 (1): 64)

– Noririsflorentin (Woo W S và cộng sự, Phytochemistry 1993, 33 (4): 939)

f/ Thu hái chế biến

Người ta thường thu hoạch rễ và thân rễ xạ can vào mùa xuân hoặc mùa thu

Người ta thường đào rễ và thân rễ xạ can vào mùa xuân hoặc mùa thu. Đem rễ rửa sạch, cắt bỏ các rễ con rồi phơi hoặc sấy khô để tiện cho việc bảo quản. Khi dùng chỉ việc ngâm nước gạo khoảng 1 – 2 ngày cho mềm, thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô để dùng dần.

Ngoài ra, theo cuốn sách Dược liệu Việt Nam, có thể bào chế xạ can bằng cách dùng tươi thì rửa sạch, gĩa với ít muối, ngậm; dùng khô thì mài thành bột trong bát nhám và uống với nước. Theo Đông Dược Học Thiết Yếu thì chỉ cần lấy nước ngâm mềm, thái nhỏ, phơi khô là được.

2/ Công dụng của xạ can

– Theo y học cổ truyền: Xạ can có tính hàn, vị đắng, hơi độc, vào hai kinh can và phế. Vị thuốc này có tác dụng có tác dụng tuyên thông tà khí kết tụ ở phế, thanh hỏa, giải độc, tán huyết, tiêu đờm, phá trưng kết, khai vị, hạ thực, tiêu thủng độc, lợi niệu, sát trùng, trấn can, minh mục. Do đó, thường được dùng trong các bài thuốc để chữa yết hầu sưng đau, đờm nghẽn ở cổ họng, xơ gan báng bụng….

– Theo y học hiện đại: Xạ can là một vị thuốc được dùng rộng rãi trong nhân dân. Thuốc chủ yếu được dùng để chữa viêm cổ họng, trị vùng amiđan bị sưng mủ, đau cổ…. Ngoài ra, xạ can còn là một vị thuốc chữa sốt, sưng vú tắc tia sữa, kinh nguyệt đau đớn, đại tiểu tiện không thông. Thuốc cũng có tác dụng lọc máu, có nơi còn dùng để chữa rắn cắn bằng cách nhai nuốt lấy nước còn bã đắp lên nơi bị rắn cắn. Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra nhiều tác dụng cụ thể của xạ can như:

+ Tác dụng chống nấm và vi rút: Theo Trung Dược Học, khi chích liều cao dung dịch xạ can, in vitro thấy có tác dụng ức chế nhiều loại nấm trên da. Thuốc cũng có khả năng chống có loại vi rút hô hấp.

+ Tác dụng kháng vi sinh: Theo Quách Võ Phi, Trung Hoa Y Học Tạp Chí 1952 thì nước sắc xạ can có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, khuẩn bạch hầu, bồ đào cầu khuẩn, khuẩn thương hàn.

+ Tác dụng khứ đờm: Theo Ngô Trạch Phương, Trung Dược Dược Lý Dữ Lâm Sàng 1985, trên thực nghiêm nước sắc xạ can có khả năng làm tăng hô hấp, tống đờm ra mạnh hơn.

Xạ can có khả năng kháng viêm, khứ đờm

+ Tác dụng kháng viêm: Theo Fukuyama Y và cộng sự, Chem Pharm Bull 1991 thì các hợp chất trong xạ can có khả năng kháng viêm hiệu quả.

+ Tác dụng đối với nội tiết: Theo Trung Dược Học, dịch chiết và cồn chiết xuất xạ can khi cho uống hoặc chích đều có khả năng làm tăng tiết nước miếng. Tuy nhiên, thuốc chích có tác dụng nhanh và kéo dài hơn.

+ Tác dụng giải nhiệt: Ngô Trạch Phương, Trung Dược Dược Lý Dữ Lâm Sàng 1990 cho rằng trong thực nghiệm, nước sắc xạ can cho tác dụng giải nhiệt.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng xạ can

Xạ can là một cây thuốc quý, trị được nhiều bệnh, đặc biệt là các chứng bệnh về hầu họng. Tùy theo chứng bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà liều dùng dao động từ 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc 10 – 20g rễ tươi giã. Tuy nhiên, cần lưu ý là người tỳ vị hư hàn không dùng được.

– Chữa tắc cổ họng: Xạ can 4g, sinh cam thảo 2g, hoàng cầm 2g, cát cánh 2g. Tất cả các vị thuốc đều đem tán nhỏ, dùng nước lã đun sôi để nguội mà chiêu thuốc. Bài thuốc này có tên gọi là “đoạt mệnh tán” nghĩa là có khả năng cướp lại tính mệnh nguy cấp do tắc cổ họng.

– Chữa viêm họng: Cỏ nhọ nồi và bồ công anh mỗi vị 20g, rễ cây rẻ quạt 12g, kim ngân hoa 16g, cam thảo đất 16g, cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống. Dùng mỗi ngày một thang, liên tục trong 3 – 5 ngày.

Các bài thuốc từ xạ can chữa viêm họng, họng sưng đau rất hiệu quả

– Chữa họng sưng đau, ăn uống khó: Theo Tụ Trân Phương thì lấy xạ can tươi 160g, mỡ heo 160g. Cho vào nồi nấu cho gần khô rồi bỏ bã. Mỗi lần ngậm 1 viên bằng trái táo, dần dần sẽ khỏi. Theo y Y Phương Đại Thành phương thì lấy xạ can cho vào với giấm, nghiền nát, vắt lấy nước cốt ngậm. Hễ nước miếng ra nhiều thì nhổ bỏ. Làm liên tục đến khi đỡ.

– Chữa quai bị: Lấy rễ cây rẻ quạt tươi (xạ can) 9 – 15g, sắc ngày một thang, chia thành hai lần uống trong ngày.

– Chữa bạch hầu: Theo Thanh Đảo Trung Thảo Dược Thủ Sách thì lấy xạ can 3g, sơn đậu căn 3g, cam thảo 6g, kim ngân hoa 15g, sắc uống trong ngày.

– Chữa phế hư: Phế hư, nhất là ở những người phải làm nghề nói nhiều như giáo viên thì sẽ làm tăng nguy cơ viêm họng, ho, họng có đờm, khàn tiếng, mất tiếng. Trong trường hợp này, thầy có có thể dùng các vị thuốc dễ kiếm như rễ cây rẻ quạt (xạ can), bách bộ, vỏ quýt (bỏ màng cùi trắng), bạc hà, mạch môn (rút bỏ lõi), vỏ rễ dâu (cạo bỏ lớp bẩn), cam thảo, huyền sâm mỗi vị từ 10 – 12g, sắc uống hằng ngày.

– Ôn phế hóa đàm, chỉ khái, định suyễn: Với bài thuốc này người bệnh cần chuẩn bị xạ can 12g, ma hoàng 12g, sinh khương 12g, tử uyển 12g, khoản đông hoa 12g, bán hạ 12g, ngũ vị tử 6g, tế tân 4g, đại táo 3 quả. Sắc nước chia thành 3 lần uống trong ngày. Phương thuốc này cũng được dùng chữa ho mà khí nghịch lên, trong họng có nước khò khè như gà kêu.

– Chữa phụ nữ sau sinh bị kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi: Chuẩn bị mạch môn 20g, mần tưới 20g, ngải cứu 10g, nhân trần 6g, rẻ quạt 4g, vỏ quả bưởi đào khô 4g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng liền 10 ngày là một liệu trình.

– Chữa các triệu chứng báng bụng to, nước óc ách, da đen xạm: Rễ rẻ quạt tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước uống. Đến khi thấy lợi tiểu tiện thì thôi. Nếu sốt rét lâu ngày, có báng thì lấy rẻ quạt, miết giáp (chế), sắc lấy nước hoặc làm thành viên uống (Tụ Trân phương).

– Chữa ghẻ lở do trúng phải xạ độc: Chuẩn bị xạ can, thăng ma đều 80g. Cho cả 2 vị thuốc vào sắc với 3 chén nước, uống nóng, bã đắp vết thương. Bài thuốc này còn được gọi là Tập Nghiệm phương.

Exit mobile version