1/ Cây niễng là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây niễng còn gọi là lúa miêu, củ niễng, cô mễ, giao cẩu, giao bạch tử. Cây có tên khoa học là Zizamia latifolia Turcz (Xizamia aquatica L., Zizania dahurica Steud, Hydropyrum latifolium Griseh., Limnochloa caduciflora Turcz), thuộc họ lúa Poarceae (Gramineae). Từ cây niễng, người ta thu được vị thuốc giao bạch tử (Fructus Zizaniae) là quả phơi hoặc sấy khô.
b/ Mô tả cây
Niễng vừa là cây rau vừa là một cây thuốc quý. Đây vốn là loại cỏ sống lâu năm, trông khá giống cây lau, sậy, thường mọc dưới nước hay các vùng đất nhiều bùn. Rễ nhiều, thân rễ rất phát triển, phần dưới gốc to xốp, phía ngọn gầy dần. Thân đứng có thể cao tới 1 – 2m, bên trong rỗng, có vách ngang, mặt ngoài thân nhẵn. Lá phẳng, thuôn hình dải, dài từ 30 – 70cm, rộng 2 – 3cm, cả hai mặt đều ráp, hai mép dày lên. Bẹ lá nhẵn, khía rãnh, lưỡi bẹ hình bầu dục. Ở các nách lá thường có chồi, đến mùa sẽ đâm ra các lá non. Hoa nở thành từng cụm chùy hẹp, dài khoảng 30 – 50cm, cuống chung khỏe, phân nhánh nhiều. Mang hoa cái ở phía trên và hoa đực ở phía dưới….
Thân cây thường bị một giống nấm mang tên Ustilago esculentum hennings (esculenta = ăn được) ký sinh. Loài nấm này tác động làm phần thân sát đất phồng lên, mang nhiều đốm đen, cấu tạo bởi các bào tử của nấm. Phần thân non bị ký sinh này thường được thu hái bán với tên củ niễng để xào nấu. Thân non này có đường kính từ 2,5 – 3cm dài 5 – 7,5cm. Do bị nấm ký sinh nên mầm thân trở nên bùi, béo, ăn rất ngon.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây này nguồn gốc ở phía đông Siberia và còn đựơc trồng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
Tại Việt Nam, cây niễng được một số làng vùng ngoại thành Hà Nội (Kim Mã, Vân Hồ, Hồ Tây), Thái Bình (Vũ Thư), Nam Hà (Đồng Văn), Lâm Đồng (Đà Lạt) trồng lấy củ để bán làm rau ăn. Thường trồng vào tháng 9 hàng năm bằng cách tách gốc ra lấy mầm rồi trồng ở những nơi nhiều bùn, luôn ngập nước. Các gốc thường cách nhau 50 – 60cm, thành hàng hoặc lung tung. Cũng có nơi trồng vào tháng 11 hoặc 12, sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Trồng 1 năm thì thu hái củ được vì ở nước ta người ta thường không để già để lấy quả. Trong khi đó, tại Trung Quốc niễng thường được để già cho có quả, hái quả phơi khô và dùng với tên giao bạch tử hay giao cẩu.
d/ Bộ phận dùng
Chủ yếu là củ niễng. Có chế thành giao bạch tử nhưng ít phổ biến hơn.
e/ Thành phần hóa học
Không chỉ có mùi vị dễ chịu, hương vị thơm ngon, củ niễng còn chứa nhiều thành phần hữu ích cho sức khỏe như protein, lipid, carbohydrate, cholesterol xơ thực phẩm; các khoáng chất đồng, magne, kẽm, selen, canxi, sắt, photpho, kali, natri; các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E, K, folacin, pantothenic acid, carotene, niacin.
f/ Thu hái chế biến
Củ niễng thường được thu hái từ tháng 9, 10, 11 đến các tháng 1 – 2 năm sau.
2/ Công dụng của cây niễng
– Theo y học cổ truyền: Củ niễng có vị ngọt, béo, tính lạnh, mùi thơm, không độc, có tác dụng giải phiền khát, giải say rượu, lợi tiểu. Hạt hay còn gọi giao bạch tử có vị ngọt, tính hàn. Khi lấy củ hoặc hạt làm thuốc thì có thể thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân chỉ khát, lợi đại tiểu tiện, điều tràng vị, thông sữa thúc sữa.
– Theo y học hiện đại: Thường xuyên ăn củ niễng có thể phòng bệnh cao huyết áp, ngăn chặn xơ vữa động mạch. Đặc biệt loại củ này có hiệu quả trị liệu nhất định đối với các bệnh như xơ cứng gan, ure máu cao. Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây còn nghiên cứu và phát hiện rằng củ của cây Zizamia latifolia Turcz có công hiệu tăng trắng, giữ ẩm và làm đẹp dung nhan.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây niễng
Niễng có nhiều công dụng cho sức khỏe. Loại củ hữu ích này thường được dùng với liều 4 – 6g dưới dạng thuốc sắc. Củ thì dùng để xào nấu, tạo thành các món ăn có vị thơm béo đặc trưng. Tại một số nước khác như Nhật Bản thì quả của cây còn được dùng như thực phẩm để ăn độn với cơm. Tuy nhiên, cần lưu ý là người bị sỏi đường tiết niệu, tỳ vị hư hàn, đau bụng tiêu chảy hoặc người dương suy hoạt tinh không nên ăn loại củ này. Đồng thời, không ăn củ niễng với mật ong. Dưới đây là các món ăn – bài thuốc đơn giản từ loại cây thuốc đặc biệt này.
– Củ niễng trộn: Chuẩn bị củ niễng 500g, dăm bông chín 25g, trứng gà 1 quả, muối, mì chính, dầu vừng, đường trắng, tiêu bột vừa đủ. Đem củ niễng bóc bẹ, gọt bỏ vỏ, luộc chín sau đó vớt ra để ráo. Trứng gà thì đánh nhuyễn cho vào chảo rán thật mỏng rồi gắp ra đĩa. Củ niễng nguội bớt thì thái chỉ dài. Cho cùng với dăm bông và trứng gà rán vào bát. Sau đó nêm mắm muối, mì chính, đường, tiêu bột, dầu vừng vào bát cho vừa miệng rồi trộn đều là ăn được. Món ăn này rất tốt đối với người bị cao huyết áp hoặc tiền cao huyết áp.
– Cháo củ niễng: Củ niễng 100g, gạo tẻ 100g, thịt lợn băm 50g, nấm hương ngâm nở 25g; muối, mì chính, dầu vừng vừa đủ. Gạo tẻ vo sạch đổ nước vào nấu cháo. Trời thời gian nấu cháo, đêm củ niễng làm sạch, thái chỉ; nấm hương cắt chân, thái sợi. Cho dầu vừng vào chảo đun nóng, cho thịt băm vào đảo qua rồi cho tiếp củ niễng, nấm hương, muối, mì chính xào thơm thì múc ra bát. Đến khi cháo nhừ thì đổ bát thịt xào vào đảo đều, đun sôi lại là được. Món ăn này rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
– Củ niễng xào thịt: Chuẩn bị củ niễng 200g, thịt lợn nạc 100g, cà rốt 50g; muối, tỏi, hành, gừng tươi, mì chính vừa đủ. Chuẩn bị các nguyên liệu bằng cách đem củ niễng cũng đem rửa sạch, loại bỏ bớt vỏ cứng, thái miếng; cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch, thái miếng, cho trần qua nước sôi. Thịt nạc rửa sạch, lọc bỏ hết gân, thái miếng. Hành, gừng cũng rửa sạch thái nhỏ; tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái miếng. Sau đó cho dầu vào chảo đun nóng, thêm tiếp hành tỏi vào phi cho thơm. Sau đó, đổ thịt nạc, củ niễng và cà rốt vào xào cùng. Đến khi xào chín thì nêm muối, mì chính cho vừa miệng là được. Món xào này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt lợi thấp, tư âm nhuận táo. Do đó, rất thích hợp với nhóm người bị viêm tuyến tiền liệt thiên về nhiệt.