Starfoods Exim JSC – Chuyên nông nghiệp và dược liệu sạch

Nga truật – bổ khí huyết, phòng trị nhiều chứng bệnh

1/ Cây nga truật là gì?

a/ Tên khoa học, tên khác

Nga truật còn gọi là nghệ đen, nghệ tím, ngải tím, bồng nga, bồng dược, bồng truật, ngải xanh, nghệ đàm (Tày), sùng meng (Dao). Cây có tên khoa học là Curcuma zedoaria Rosc. (Curcuma zerumbet Roxb), thuộc họ gừng Zinglberaceae.

Trong đó, vị thuốc nga truật (Rhizma Zedoariae) là thân rễ phơi khô của cây Curcuma zedoaria Rosc. Trong một số tài liệu về y dược, vị thuốc này còn có các tên gọi khác như: bồng nga truật, thuật dược, thuật, ba xát, thanh khương, bồng truật, nga mậu, mậu dược, quảng mậu, phá quan phủ (Hòa Hán Dược Khảo), hắc tâm khương, nga truật, xú thể khương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển)….

b/ Mô tả cây

Về hình thái, cây nghệ đen là cây thân thảo cao chứng 1 – 1,5m, có thân rễ hình nón, nhiều khía dọc, củ mọc tỏa ra theo hình chân vịt. Củ có màu vàng nhạt ở bên ngoài, đặc nạc, đến khi già thì đậm mày dần, trên vỏ già có những vòng mày đen, ruột mày tím xanh. Ngoài củ chính, nghệ đen còn cho nhiều củ phụ có cuốn trái xoan hay hình quả lê, màu trắng.

Cây nghệ đen khá giống cây nghệ vàng nhưng có màu tím đậm

Lá nghệ đen có bẹ dài ở gốc, không có cuống hay có cuốn ngắn, phiến hình mũi mác dài tới 60cm, rộng 7 – 8cm, có những đốm đỏ dọc theo gân chính. Cán hoa ở bên cạnh có lá, mọc từ rễ, có thể dài tới 20cm và thường xuất hiện trước khi ra lá. Hoa nghệ thường mọc thành cụm, có thể dài tới 20cm, rông khoảng 5cm với lá bắc phía dưới hình trái xoan hoặc hình mũi mác tù, lợp lên nhau. Hoa có màu lục nhạt, viền đỏ ở mép, nếu quan sát kỹ sẽ thấy các lá bắc bên trên không sinh sản có màu vàng nhạt, điểm thêm màu hồng ở chóp. Đài hoa có lông, hình ống với ba răng không đều, tràng hoa hình ông dài hơn đài khoảng 3 lần với các thùy hình mác tù…. Quả của nghệ đen có hình trứng, ba cạnh, nhẵn hạt thuôn, áo hạt trắng. Về hình dáng, toàn cây trông khá giống cây nghệ vàng nhưng có màu tím đậm.

c/ Mọc chủ yếu ở đâu?

Chi Curcuma L. gồm khoảng gần 50 loài, được phân bố rộng khắp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, Bắc Úc và một số đảo ở Thái Bình Dương. Riêng ở Việt Nam, người ta đã thống kê được khoảng 15 loại, phần lớn mọc trong tự nhiên. Trong đó, có một số cây trồng làm gia vị, một số trồng lấy chất màu hoặc làm thuốc.

Riêng cây Curcuma zedoaria Rosc có nguồn gốc từ vùng Đông – Bắc Ấn Độ. Cây mọc tự nhiên và được trồng khắp vùng nhiệt đới ở phía Nam và Đông Nam châu Á, bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Lào, Việt Nam, Srilanca, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Indonesia, Đài Loan, đảo Hải Nam và các tỉnh phía nam lục địa Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây phân bố rộng khắp các tỉnh trung du, nhất là vùng Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng…. Ngoài ra, cây cũng mọc hoang ở Hưng Yên (nhất là vùng Nghĩa Trai), Bình Định, Quảng Nam.

Về đặc tính sinh trưởng, nghệ đen thường mọc thành khóm, đôi khi trở thành quần thể thuần loại trên đất ẩm, gần bờ suối trong các thung lũng hay trên nương rẫy. Cây mọc ở độ cao từ vài trăm đến khoảng 1600m, ưa sáng và hơi chịu được bóng. Do có nhiều công dụng cho sức khỏe nên hiện nga truật đã được trộng đại trà ở ruộng để cung cấp nguyên liệu.

Nghệ đen phân bố rộng rãi ở nhiều vùng của nước ta

d/ Bộ phận dùng

Thân rễ hay còn được gọi là củ nghệ đen.

e/ Thành phần hóa học

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong nga truật có một số hợp chất chính gồm: curzerenone 44,93%, borneol 4,28%, germacrone 6,16%, pinene, caryophylene, curcumene, caryophyllene epoxide, camphene, 1,8-cineol, terpinene, isoborneol, limonene, turmerone, ar-turmerone,  curdione….

f/ Thu hái chế biến

Củ nghệ đen thường được thu hái vào mùa đông hoặc từ tháng 12 – tháng 3 năm sau. Thu củ xong chỉ cần cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái lát phơi khô. Khi dùng chỉ cần tẩm giấm hoặc nước đồng tiện một đêm rồi sao qua là được. Với nga truật phơi khô cả củ thì rửa sạch, đồ nhanh cho chín mềm rồi thái lát và tẩm sao như cách trên. Tẩm sao xong có thể tán bột, làm hoàn….

Nga truật cả củ phơi khô sẽ có hình con thoi hoặc tròn trứng, hơi dẹt, đầu trên phình to, đầu dưới nhỏ dần. Mỗi củ dài khoảng 2 – 4cm với bề ngoài màu xám nâu, bóng trơn hoặc có các vết nhăn ngang dọc. Các vết nhăn này thường không đều, đỉnh có đốt vòng nối dứt, hình cạnh tù lồi lên, chính giữa có vết thân….

2/ Công dụng của cây nga truật

– Theo y học cổ truyền: Nga truật có vị đắng cay, tính ôn, vào kinh can. Vị thuốc này có tác dụng hoạt huyết phá ứ, hành khí giảm đau, còn có tác dụng tiêu thực hóa tích. Do đó, thường được dùng trong các trường hợp đau tức vùng ngực bụng, đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh, tích huyết, hành kinh không thông, các chứng u bướu kết tụ, chấn thương sưng bầm đụng giập.

Nga truật được dùng nhiều trong y học bởi khả năng hoạt huyết, phá ứ, hành khí, giảm đau…

– Theo y học hiện đại: Các nghiên cứu cho thấy trong nghệ đen có rất nhiều tinh dầu có khả năng kháng khuẩn, tăng cường sự bài tiết mật, kích thích tiêu hóa, tăng trương lực ống tiêu hóa. Do đó, chúng thường được dùng trong các đơn thuốc bổ bằng cách đơn giản là mỗi ngày lấy một muỗng cà phê nghệ đen hòa với nước uống để ăn nhiều, ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, nghệ đen và các sản phẩm từ nghệ đen cũng hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh khác.

3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây nga truật

Do có nhiều công dụng cho sức khỏe nên hiện nghệ đen được áp dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Thảo dược này thường được dùng theo liều lượng phổ biến alf từ 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay thuốc viên. Tuy nhiên, do thảo dược này có khả năng hoạt huyết hoặc gọi là tính phá huyết mạnh nên những người đang bị xuất huyết dạ dày hoặc xuất huyết đường tiêu hóa cần thận trọng khi sử dụng. Ngoài ra, người thể hư không tích trệ và phụ nữ có thai cũng không được dùng.

Dưới đây là những bài thuốc hay món ăn bài thuốc từ nga truật mà mọi người cần biết để có thể áp dụng khi cần thiết.

a/ Bài thuốc từ nga truật

– Phá ứ, thông kinh: Chuẩn bị bột nga truật 8g, thục địa 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, bạch chỉ 12g. Đem tất cả các vị thuốc này sấy khô, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng 12g, ngày uống đủ 3 lần chiêu bằng nước muối loãng. Bài thuốc này trị các chứng tắc kinh, đau bụng khí hư rất hiệu quả. Hoặc chị em cũng có thể áp dụng bài thuốc gồm nghệ đen 15g, ích mẫu 15g, sắc lấy nước thuốc uống. Nếu dùng bài thuốc này thì nên uống trước kỳ kinh khoảng 5 – 7 ngày để trị chứng huyết ứ, kinh nguyệt không thông, bế kinh, đau bụng trước chu kỳ kinh nguyệt.

– Hành khí giảm đau: Trường hợp ngực bụng đau do khí trệ nên dùng bột nga truật 5g, bột điền thất 5g, ô dược 8g, đào nhân 8g, sinh địa 12g, quy vĩ 16g; thổ miết, xích thược, trạch lan, tam lăng, cốt toái bổ, tục đoạn, hồng hoa, uy linh tiên mỗi loại 4g. Để bột nga truật và bột điền thất riêng. Cho các dược liệu khác vào nồi sắc rồi uống với bột nga truật hoặc điền thất, có thể uống thay phiên nhau.

– Chữa đau dùng hạ sườn: Có thể áp dụng bài thuốc gồm nga truật, nhũ hương, tam lăng, một dược mỗi loại 5g; kim linh tử 15g. Sắc uống trong ngày.

– Tiêu thực hóa tích: Nếu ăn uống tích trệ, ngực bụng tức trướng, nôn nước chua thì có thể dùng bài Hoàn nga truật gồm các vị nga truật, hạt củ cải, tam lăng, hồ tiêu mỗi loại 6g; hương phụ, thanh bì, chỉ xác mỗi loại 8g; hồ hoàng liên, lô hội, sa nhân mỗi loại 4g; trần bì 12g. Đem tất cả nghiền bột mịn, làm hoàn hồ. Mỗi lần uống khoảng 4 – 12g, ngày 2 lần chiêu với rượu đã đun ấm. Khi uống không ăn thức ăn lạnh sống.

Nga truật cũng bồi bổ khí huyết rất tốt

– Bổ khí, dưỡng huyết: Nghệ đen, bạch chỉ, đương quy, thục địa, hồi hương, cam thảo, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 40g. Đem tất cả các vị thuốc tán thành bột, hoàn thành viên. Ngày uống khoảng 8 – 12g. Bài thuốc này thích hợp dùng cho các trường hợp tiêu hóa hấp thu kém, suy nhược, thể trạng xanh xao, thiếu máu….

– Chữa đau bụng kinh, sắc kinh xấu: Chuẩn bị nga truật 20g, ích mẫu 16g, ngải cứu 8g. Cho cả 3 vị thuốc vào nồi sắc với 500ml nước cho đến khi còn 200ml thì chia làm 2 lần uống trước bữa ăn. Nên uống trong khoảng 5 – 7 ngày trước kỳ kinh.

– Chữa nôn ở trẻ bú sữa: Cha mẹ nên lấy nga truật 4g, muối ăn 3 hạt. Cho vào nồi sắc với sữa cho sôi chừng 5 phút. Sau đó, hòa tan thêm ít ngưu hoàng (lượng bằng hạt gạo) để cho trẻ uống.

– Chữa cam tích, phân thối khẳn, biếng ăn ở trẻ em: Lấy nga truật 6g, hạt muống trâu 4g, cho vào nồi sắc với nước uống.

– Chữa đau bụng từng cơn do nhiễm khí lạnh: Tán 100g nga truật và 50g mộc hương thành bột. Mỗi lần đau lấy 2g uống kèm theo một ít giấm pha loãng.

– Chữa viêm gan vàng da: Chuẩn bị nghệ đen, nghệ vàng, cỏ cú, quả tắc non (quả quất còn non) tất cả đồng lượng. Đem tất cả các vị thuốc này phơi khô tán bột, trộn với mật ong làm viên. Mỗi ngày uống khoảng 1 – 2g cho đến khi đỡ.

– Chữa đầy bụng: Chuẩn bị nga truật và tam lăng mỗi vị 6g, lúa mạch 9g, vỏ quýt 15g. Cho tất cả vào nồi sắc uống chung.

b/ Món ăn từ nga truật

– Rượu xào nga truật: Chuẩn bị nga truật 15g. Cho vào nồi nấu với rượu rồi gan lấy nước uống. Bài thuốc này rất tốt cho người hen suyễn khó thở gấp.

– Nga truật tán: Đem nga truật tán mịn, mỗi lần uống 4g với chút rượu và ăn cùng mấy nhánh hành. Món này rất thích hợp cho người trướng bụng đầy hơi đau quặn.

– Tim lợn hầm nga truật: Chuẩn bị nga truật 25g, tim lợn khoảng nửa quả. Đem cả 2 nguyên liệu làm sạch rồi thái lát, hầm chín, thêm gia vị để nấu ăn. Nên ăn liên tục một liệu trình là 5 – 7 ngày. Món này rất hữu ích với những người bụng trướng đầy, ăn không tiêu.

– Nước sữa nga truật: Nga truật tán thành bột mịn 4g, sữa tươi 50ml, thêm chút muối đun sôi uống. Món này rất tốt với trẻ sơ sinh bị nôn trớ khi uống sữa lạnh hoặc bú sữa mẹ.

Exit mobile version