1/ Cây bàn long sâm là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Bàn long sâm còn được gọi với các tên khác như lan cuốn chiếu, sâm cuốn chiếu, trư liêu sâm, thao thảo, thụ thảo, mễ dương sâm, bàn long côn, liêm đao thảo, long bão trụ…. Cây có tên khoa học là Spiranthes sinensis (Pers) Ames, (Spiranlhes australis Lindl), thuộc họ khoa học Lan – Orchidaceae.
b/ Mô tả cây
Bàn long sâm là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Thân cây nhỏ nhưng dài, cây có thể cao từ 15 – 45cm. Lá mọc từ gốc, hình lưỡi mác hẹp, các lá dài ngắn không đều, dài nhất có thể lên đến 15cm. Những lá phía trên của cây thường bị thoái hóa, chỉ còn như bẹ ôm lấy thân. Cây có thân rễ ngắn, có những rễ củ tỏa từ gốc ra.
Mùa hoa bàn long sâm ra vào tầm tháng 5 – 7. Hoa mọc theo từng đường xoắn ốc, dài 5 – 10cm. Cánh hoa có màu trắng, phớt hồng hoặc đỏ. Quả là dạng nang, hình trứng, có lông mịn.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây thường mọc ở các bãi đất hoang, đồng cỏ, ven đường. Mọc khá nhiều ở các đồng cỏ miền núi ở Việt Nam. Ngoài ra, người ta cũng phát hiện thấy bàn long sâm ở Trung Quốc và Châu Úc.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng là toàn cây, kể cả phần rễ.
e/ Thành phần hóa học
Hiện chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về thành phần hóa học của bàn long sâm.
f/ Thu hái chế biến
Để dùng bàn long sâm làm thuốc, người ta thường đào lấy rễ củ vào mùa thu. Rửa sạch đất cát rồi phơi hoặc sấy cho khô để tiện bảo quản. Ở một số địa phương, người ta cũng dùng cả cây làm thuốc bằng cách thu hái cả cây vào mùa xuân hoặc mùa hè rồi rửa sạch dùng tươi hoặc phơi cho khô.
2/ Công dụng của cây bàn long sâm
Lan cuốn chiếu có vị ngọt đắng, tính bình, vào 2 kinh phế và thận. Vị thuốc này có tác dụng giải độc, dưỡng âm thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái (chống ho). Do đó, thường được dùng chữa cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh nặng, ho, thổ huyết, váng đầu, nóng trong do âm hư (âm hư nội nhiệt), mụn nhọt lở loét ngoài da, thắt lưng đau mỏi, nước tiểu đục đục, di tinh, phụ nữ nhiều khí hư.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng bàn long sâm
Về cách dùng thì lan cuốn chiếu thường được dùng bằng cách sắc nước uống với liều dùng 15 – 30g tươi hoặc 10 – 15g thuốc đã phơi khô. Một số trường hợp cũng có thể dùng ngoài bằng cách giã nát để đắp vết thương. Nhiều nơi còn quen dùng lan cuốn chiếu như là một vị thuốc bổ (được ví bổ như sâm). Do đó, thường được dùng để bồi bổ cơ thể, chữa cơ thể suy nhược khi mới ốm dậy, thổ huyết, bệnh về thận. Theo kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc thì bàn long sâm cũng được dùng trong các trường hợp người bệnh miệng đầy dãi, nói năng khó, thở khó, không muốn ăn uống.
Thuốc còn được kết hợp với nhiều vị thuốc khác để nâng cao công dụng, hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, người có thấp nhiệt ứ đọng không nên dùng. Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản có ứng dụng bàn long sâm, mọi người nên tham khảo để áp dụng khi cần thiết:
– Bồi dưỡng cơ thể sau ốm: Người mới ốm dậy cơ thể suy nhược có thể bồi dưỡng cơ thể bằng cách lấy rễ củ bàn long sâm 30g, rễ cây đậu đũa (giang đậu căn) 15g, thịt lợn hoặc thịt gà 250g. Tất cả rửa sạch, thịt thái miếng ướp vừa ăn. Rễ củ bàn long sâm và rễ cây đậu đũa rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước ngập lên rồi đun cho sôi, cho thịt đã tẩm ướp vào hầm nhỏ lửa. Món này có thể dùng làm món canh ăn trong bữa ăn. Khi ăn thì bỏ bã thuốc, chỉ ăn thịt và uống nước canh. Nên ăn cách 3 ngày 1 lần, mỗi liệu trình liên tục 20 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Chữa phụ nữ khí hư ra nhiều: Chuẩn bị bàn long sâm 30g, lòng lợn 100g. Sơ chế sạch sẽ rồi hầm chín, chia thành 2 lần ăn trong ngày.
– Chữa trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè: Người bệnh có thể dùng bàn long sâm 15g, thài lài trắng 10g. Cho cả 2 vị thuốc vào nồi sắc nước uống trong ngày.
– Chữa ho do âm huyết hư tổn: Người bị âm huyết hư tổn với các triệu chứng miệng khô, lòng bàn chân, bàn tay nóng, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, môi lưỡi đỏ nhạt hoặc đỏ tía, mạch nhỏ nhanh thì có thể lấy rễ củ bàn long sâm 9 – 15g, mạch môn đông 8g. Đem cả 2 vị thuốc rửa sạch, cắt nhỏ, thêm 500ml nước vào sắc uống 2 lần trong ngày. Dùng liên tục 5 ngày là một liệu trình.
– Chữa táo bón người cao tuổi: Người già bị táo bón, đại tiện phân lẫn máu, bụng có cảm giác như sa xuống trướng đau có thể chuẩn bị bàn long sâm 9 – 15g, cá diếc tươi 60g. Cá diếc làm sạch, ướp gia vị cho vừa ăn. Bàn long sâm rửa sạch cho vào nồi rồi đổ thêm 500ml. Đun nước đến khi sôi thì cho cá diếc vào nấu chín, thêm đường trắng vào, chia thành 2 lần ăn trong ngày. Tuần ăn 2 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
– Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Chuẩn bị bàn long sâm 30g, lá ngân hạnh 30g, tụy lợn 1 cái. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh ăn. Tuần ăn 2 lần để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.