1/ Cây cải xoong là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cải xoong còn có các tên gọi khác như đậu ban thái, thủy điều thái, tây dương thái. Cây có tên khoa học là Nasturtium offcinale R. Br. (Rorippa nasturtium aquaticum Hayek), thuộc họ khoa học Cải Brassicaceae (Cruciferae).
b/ Mô tả cây
Cải xoong là cây thảo sống lâu năm, ưa sống ở những vùng nước trong, chảy nhẹ và chảy liên tục. Thân cây là dạng thân bò có mọc rễ dài 10 – 40cm, màu xanh lục. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 1 – 4 đôi lá chét. Lá chét của cây có hình trứng, nguyên hay hơi khía tai bèo, các lá không đều nhau. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm ở đầu cành. Quả giác, giác có cuống ngắn, ở đầu có mỏ ngắn, trong giác có nhiều hạt. Khi quả chín sẽ nứt bởi 4 đường dọc thành hai mảnh vỏ, để vách giả cũ của bầu mang hạt lại ở giữa.
Toàn cây cải xoong có mùi đặc biệt, vị hơi đắng và hắc. Nhưng mùi này chỉ xuất hiện khi vò. Người ta lấy rau ăn vào mùa đông xuân. Hoa ra trong khoảng tháng 4 – 5.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cải xoong có nguồn gốc từ châu Âu tới Trung Á (các nước có khí hậu ôn đới hay nhiệt đới) và là một trong số những loại rau ăn được con người dùng từ rất lâu. Tại Việt Nam, cây được trồng ở khắp mọi nơi để lấy rau ăn và dùng làm thuốc.
d/ Bộ phận dùng
Dùng chủ yếu là thân, lá.
e/ Thành phần hóa học
Trong cải xoong có 93,7% nước, 2,8% protid, 2% cellulose, 1,4% glucid, 0,8% tro, 89mg% calcium, 28mg% phosphor, 15 – 45mg% iod, 25mg% vitamin C, 1,6mg% sắt. Loại rau họ cải này cũng rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và nhóm vitamin tan trong dầu như vitamin K, vitamin E. Cây còn chứa hàm lượng cao các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như iod (1mg trong l00g), sắt, calcium, magnesium, kẽm….
Trong cải xoong, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra chất quercetin và một glucosid gọi là nasturtiosid khi vò hay giã nát. Chất quercetin có khả năng kháng viêm hiệu quả và là một chất tự nhiên có khả năng chống dị ứng, chống oxy hóa. Trong khi đó, chất nasturtiosid này tiếp xúc với men myrosin ở những tế bào khác sẽ cho ra chất senevol phenyl etylic với mùi đặc biệt và khả năng chữa ho hiệu quả.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Ulster (Anh) cho thấy, trong cây có chứa một hợp chất gọi là phenylethyl isothio cyanate (PEITC). Khi vào cơ thể, chất này có khả năng ngăn chặn lại những quá trình gây tổn hại DNA trong bạch cầu. Trong khi đó, sự tổn hại DNA trong bạch cầu đã được xác định là sẽ thành ngòi nổ cho các tiến trình ung thư.
f/ Thu hái chế biến
Cải xoong chủ yếu được dùng tươi. Khi dùng cắt phần non về, loại bỏ các đoạn thân, lá hỏng và rửa sạch. Do loại cải này sinh trưởng trong nước nên khi ăn cần phải rửa thật kỹ, để vào rổ thưa cho ráo nước trong khoảng nửa tiếng để hơi nước chứa hydrogen peroxide bốc hơi, loại bỏ các tạp chất, ký sinh trùng.
2/ Công dụng của cây cải xoong
a/ Theo y học cổ truyền
Theo các tài liệu y thư cổ thì cải xoong có mùi thơm, tính mát, vị đắng, có tác dụng giải nhiệt, thanh huyết, giảm đau, thanh phế. Ngoài ra, thuốc còn có công dụng thanh nhiệt khí ở phổi và bao tử, chữa chứng huyết nóng hiệu quả.
Ở một số nước, dân gian đã dùng vị thuốc này để hỗ trợ cho bệnh nhân thiếu máu, tiểu đường, lao, đau lưng, thấp khớp, tim mạch, suy giảm thị lực, sỏi mật.
b/ Theo y học hiện đại
Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng cải xoong có nhiều công dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như:
– Bổ mắt, phòng bệnh tim mạch: Nhóm carotenoid trong cải xoong cung cấp nhiều lutein và zeaxantin (ước tính một chén rau có chứa 1900mg lutein và zeaxanthin). Đây là những chất chống oxy hóa cực mạnh, đặc biệt có lợi cho đôi mắt và hệ tim mạch. Do đó, chế độ ăn nhiều lutein và zeaxanthin sẽ hạn chế nguy cơ thoái hóa điểm vàng và các bệnh liên quan đến tuổi già có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí là mù lòa. Với hệ tim mạch thì những người có nồng độ lutein và zeaxanthin sẽ ít bị các bệnh về tim như xơ vữa động mạch, cholesterol cao trong máu.
– Chữa bệnh ngoài da: Việc ăn sống rau cải xoong hoặc ép lấy nước uống, lấy dịch xoa giúp phòng, chữa nhiều chứng bệnh ngoài da như: eczema, ghẻ, hắc lào, rụng tóc, bệnh về da đầu, ung nhọt, mụn tràng nhạc, lở loét, vết thương, đau răng, viêm lợi.
– Giảm cân: Loại ra này giúp lấy lại vóc dáng thon gọn nhanh chóng và đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh. Bởi trong rau nhiều chất xơ và vitamin C. Chất xơ thì có thể tạo cảm giác no, giúp chị em ăn ít đi, giảm hấp thu chất béo và tăng đào thải chất béo ra khỏi cơ thể. Trong khi đó, vitamin C giúp tăng khả năng trao đổi chất, giải phóng năng lượng và thiêu đốt mỡ thừa hiệu quả.
– Trị nám và tàn nhang: Trong rau có chứa nhiều chất chống oxy hóa và hàm lượng sắt. Những chất này có khả năng làm đẹp da, trị nám và tàn nhang rất tốt. Cụ thể, các chất chống oxy hóa có thể giảm viêm và thu nhỏ kích thước lỗ chân lông. Còn chất sắt thì cung cấp các yếu tố cần thiết để làm mờ các vết thâm nám, để da sáng, khỏe đẹp hơn.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cải xoong
Cải xoong rất giàu dưỡng chất nên mọi người có thể tăng cường loại rau này vào thực đơn hàng ngày. Ngoài ra, nên ghi nhớ cách dùng và các bài thuốc đơn giản từ cải xoong dưới đây để sử dụng khi cần thiết. Cụ thể:
– Chữa viêm phế quản: Chuẩn 150g cải xoong, 50g lá tía tô, 5g gừng tươi. Tất cả rửa sạch, sắc với 3 chén nước còn 1 chén, uống ngày 3 lần.
– Hỗ trợ điều trị trị lao phổi: Chỉ cần lấy 150g cải xoong nấu canh cùng với 150g phổi heo ăn vào buổi sáng. Đến buổi chiều thì lấy 1 nắm cải xoong rửa sạch, trộn giấm và 100g thịt bò xào tái. Ăn liên tục trong nhiều ngày. Món ăn bài thuốc này vừa ngon miệng, dễ ăn vừa hỗ trợ làm cho mát phổi và làm giảm cảm giác tức ngực, khó thở.
– Nhuận phế hóa đờm: Một số người thường than phiền là lúc nào trong phổ cũng cảm thấy nóng nực, ho khạc nhiều đờm. Nguyên nhân của tình trạng này là do phổi bị nhiệt. Do đó, nếu đang gặp phải tình trạng này thì có thể nấu canh rau cải xoong, quả la hán và thịt nạc, ăn hằng ngày.
– Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Chuẩn bị 100g cải xoong, củ cải, cần tây, mùi tây, cà rốt, cải bắp với tỷ lệ bằng nhau. Đem tất cả rửa sạch, ép lấy nước uống. Thứ đồ uống này giúp giảm lượng đường huyết hiệu quả. Ngoài ra 100g cải xoong chỉ cung cấp 48 calo nên sẽ không gây tăng nhiệt lượng. Bã của loại rau này còn cung cấp nhiều chất xơ, giúp người bệnh cảm thấy no và giảm cảm giác thèm ăn.
– Trị giun, giải độc, lợi tiểu: Dùng rau cải xoong tươi, rửa sạch, giã nát lấy nước cốt uống. Hoặc cũng có thể lấy một nắm cải xoong, 2 củ cải, 3 củ hành tây cho vào với 1 lít nước, sắc lấy nước uống ngày 1 lần. Nên uống hàng ngày sau bữa ăn, uống 7 ngày là một liệu trình. Hoặc cũng có thể lấy lá lấy rau cải xoong rửa sạch, để ráo. Sau đó, lấy rau cải xoong nhúng qua nước sôi rồi trộn với dấm ăn và dầu vừng để trong ngày. Thực hiện liên tục trong khoảng 5 ngày sẽ thấy bệnh tình sẽ thuyên giảm.
– Chữa thận, mật có sỏi: Người bệnh cần lấy một lượng rau cải xoong rồi rửa sạch, phơi khô ở nơi thoáng mát và phải phơi trong bóng râm (âm cam). Mỗi ngày lấy khoảng 50g cải xoong khô này sắc lấy nước uống. Nên chia thành 2 lần uống trong ngày và phải uống khi nóng để có hiệu quả.
– Chữa nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng do viêm lợi: Nhừng người thường xuyên bị nóng trong, nhiệt lưỡi, chảy máu chân răng thì ăn rau cải xoong thường xuyên sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Chỉ cần lấy khoảng 200g cải xoong, rửa sạch cùng cà rốt, nấu với 400ml nước cho còn 100ml, uống hoặc ngậm hàng ngày. Chỉ cần thực hiện cách này vài ba lần sẽ thấy lưỡi bớt nhiệt và không còn bị chảy máu chân răng nữa.
– Thanh huyết, giải nhiệt: Cải xoong có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt. Do đó, người lúc nào cũng cảm thấy nóng, nhất là vùng ngực và vùng dạ dày có thể lấy cải xoong nấu với cà rốt, chắt lấy nước uống. Còn trường hợp nóng bức mùa hè, cảm thấy người mệt, hắt hơi nhiều thì nên lấy một nắm cải xoong (60g), rửa sạch, vò hay giã nát, thêm nước, lọc và pha đường uống.
– Làm đẹp da: Cải xoong có nhiều dưỡng chất tốt cho da và tóc. Do đó, nếu da bị lở loét, rụng tóc thì nên lấy rau cải xoong giã nát đắp lên chỗ đau hoặc da đầu. Nếu bị tàn nhang thì nên lấy 3 phần dịch cải xoong (rau cải xoong rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt), 1 phần mật ong quấy đều, dùng vải mềm tẩm thuốc xoa sáng và chiều. Sau đó, để khô rồi rửa sạch.
– Bổ sung iod: Cải xoong chứa lượng iod rất cao. Thậm chí trong 100g cải xoong có tới 20 – 30mg iod. Do đó, mỗi ngày bạn chỉ cần ăn khoảng 10 – 15g cải xoong là có thể đảm bảo đủ lượng iod cho cơ thể. Cung cấp đủ iod sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh còi xương, các bệnh ngoài da, béo phì, xơ cứng động mạch ở người cao tuổi. Còn chần chừ gì nữa mà không chăm chỉ bổ sung loại rau giàu iod này vào thực đơn hàng ngày nhỉ?
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.