1/ Cây mộc hương là gì?
Mộc hương là vị thuốc có hình trụ tròn, giống xương khô, dài khoảng 5 – 11cm, đường kính từ 1,6 – 3,3cm. Mặt ngoài rễ có mầu vàng nâu đến nâu tro, có vằn nhẵn và rãnh dọc rõ rệt. Chất rễ chắc, khó bẻ gẫy, khi bẻ thì vết bẻ không phẳng. Phần chung quanh méo, ở giữa có màu trắng tro hoặc màu vàng. Những phần khác có màu nâu tro, nâu tối với tâm hình hoa cúc. Cả thân rễ có thể nhìn thấy nhiều điểm màu nâu phân tán, có mùi thơm đặc biệt.
a/ Tên khoa học, tên khác
Mộc hương còn có một số tên gọi khác như vân mộc hương, quảng mộc hương. Cây có tên khoa học là Saussurea lappa C. B. Clarke (Aucklandia lappa Decne.), thuộc họ Cúc – Asteraceae.
Trong một số tài liệu về y dược, vị thuốc mộc hương còn có một số tên gọi khác như ngũ mộc hương (Đồ Kinh), nam mộc hương (Bản Thảo Cương Mục), tây mộc hương, thổ mộc hương, thanh mộc hương, ngũ hương, bắc mộc hương, nhất căn thảo, đại thông lục, mộc hương thần (Hòa Hán Dược Khảo).
b/ Mô tả cây
Mộc hương là cây thân thảo, sống lâu năm. Thân hình trụ rỗng, cao 1,5 – 2m, rễ mập, vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá cây mọc so le, phiến chia thùy không đều ở phía cuống, mép khía răng, có lông ở cả hai mặt nhất là ở mặt dưới, dài khoảng 12 – 30cm, rộng 6 – 15cm, cuống lá dài 20 – 30cm. Các lá trên thân cây nhỏ dần phần cuống cũng ngắn dần. Đến lá trên ngọn thì hầu như không có cuống, ôm trọn lấy thân. Ra hoa trong khoảng tháng 7 – 8, hoa hình đầu, mọc thành cụm, màu lam tím. Kết quả trong khoảng tháng 8 – 10, quả bế hơi dẹt, màu nâu hơi dẹt lẫn những đốm màu tím.
Ngoài ra, còn có một số loại mộc hương khác như:
– Thổ mộc hương hoặc hoàng hoa thái: Cây có tên khoa học là Inula helenium L., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Là dạng cây thân thảo, lá mọc so le, phía dưới gốc lá to, phía trên thân nhỏ hơn. Mép lá có răng cưa nhưng không đều. Hoa mọc thành cụm, hình đầu, màu vàng, quả bế.
– Xuyên mộc hương hoặc thiết bản mộc hương: Cây có tên khoa học là Jurinea aff souliei Franch, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây cũng là dạng cây thảo, mép lá chia thùy. Mặt trên của cây Jurinea aff souliei Franch có lông thưa, mặt dưới có lông nhung trắng. Hoa mọc thành cụm, hình đầu, quả dẹt.
– Nhân dân ta cũng dùng tên mộc hương nam cho cây Aristolochia balansae Franch. Cây này thuộc họ mộc hương (Aristolochiaceae). Là dạng cây bụi, cành đen, lá nhẵn hình trái xoan dài, hoa màu đỏ, quả nang.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây được nhập trồng và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở một số vùng cao của nước ta như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt và các vùng phụ cận. Người ta thường nhân giống bằng hạt vào tháng 11 – 12 hàng năm. Cây ưa đất phù sa cát tơi xốp nhưng nếu đất quá ẩm ướt thì sẽ dễ bị thối cổ rễ.
d/ Bộ phận dùng
Rễ – Radix Saussureae, thường gọi là mộc hương.
e/ Thành phần hóa học
Một số tài liệu về y dược học có giới thiệu về thành phần hóa học của cây Saussurea lappa C. B. Clarke như sau:
– Trung Dược Học: Trong tinh dầu mộc hương có Aplotaxene, a Costene, a Ionone, b Seline, Saussurea lactone, Costunolide, Costic acid, Costuslacone, Dehydrocostuslactone, Stigmasterol, Camphene, Phellandrene, Betulin.
– Những Cây thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam: Trong Saussurea lappa C. B. Clarke có chừng 1 – 2,8% tinh dầu, 6% chất nhựa Sausurin và khoảng 18% chất Inulin. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu là Costus aid C15H22O3, rượu Costola C15H24O, Aplotaxen C17H28, Costuslacton C15H20O2, b Costen C15H24, Dihydrocostus lacton C15H22O2, Camphen và Phelandren.
– Dược Liệu Việt Nam: Trong rễ Saussurea lappa C. B. Clarke có Aplotaxene, a-Costene, a-Ionone, b-Seline, Saussure alactone, Custonolide, Costic acid.
f/ Thu hái chế biến
Cây trồng được khoảng 1 năm sẽ cho thu hoạch, tốt nhất là thu vào mùa đông, khi cây bắt đầu tàn lá, thân khô và lụi dần. Khi thu hoạch thì đào bằng cuốc để tránh gãy nát. Loại bỏ phần mấu thân, rễ tơ, lấy nguyên phần củ đem rửa sạch, cắt thành những khúc ngắn 6,6 – 13,3cm. Loại có rễ củ thô to, rỗng ruột thì chẻ dọc thành 2 – 4 miếng rồi phơi khô, bỏ vỏ đi là được. Trong một số tài liệu y học cũng hướng dẫn cách bào chế mộc hương như:
– Theo Bản Thảo Cương Mục thì dùng sống để điều khí. Nếu muốn cho ruột sáp lại thì bọc bột, nướng chín rồi mới dùng.
– Theo Đông Dược Học Thiết Yếu thì có thể lấy rễ mộc hương ngâm nước, vớt ra, trên ủ vải ướt. Khi nước ngấm vào mềm đều thì thái thành từng phiến, phơi khô, dùng sống hoặc trộn với bột mì bọc lại rồi đem nướng lên để dùng.
– Theo Phương Pháp Bào Chế Đông Dược, có thể bào chế Saussurea lappa C. B. Clarke bằng cách rửa sạch, phơi trong râm cho khô. Sau đó, thái mỏng, tán thành bột. Khi dùng thì cho vào nước thuốc đã sắc rồi quấy đều uống. Hoặc cũng có thể mài với nước thuốc thang đã sắc để uống.
2/ Công dụng của mộc hương
Theo y học cổ truyền, mộc hương có vị cay đắng, tính ấm, có tác dụng hành khí, chỉ thống, kiện tỳ, tiêu ích, tan ứ trệ, hòa tỳ vị, đuổi phong tả, tả khí hỏa, phát hãn, giải cơ biểu. Vị thuốc này cũng có tác dụng lý khí, thường được dùng để hành khí giảm đau, kiện tỳ, chỉ tả. Khi nướng lên thì có tác dụng hoãn hành khí, chỉ tả lỵ, trợ sức cho đại tràng. Thường được để trị nhiều chứng đau, khó tiêu, trướng đầy, giúp ngừng nôn mửa, gây trung tiện, tiết tả đi lỵ. Ngoài ra, cũng hỗ trợ điều trị trúng khí độc bất tỉnh, tiểu tiện bế tắc hiệu quả.
Nghiên cứu y học hiện đại thì cho rằng trong thực nghiệm Saussurea lappa C. B. Clarke có tác dụng chống co thắt cơ ruột, trực tiếp làm giảm nhu động ruột. Thuốc còn có tác dụng chống co thắt phế quản, trực tiếp làm giãn cơ trơn của phế quản, kháng Histamin và Acetylcholin. Ở nồng độ tinh dầu 1:3000 thì thảo dược này có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng mộc hương
Liều dùng mộc hương phổ biến là 0,5 – 1g nhai nuốt hoặc mài với nước uống. Hoặc cũng có thể dùng tới 3 – 6g khi sắc hoặc tán bột uống. Tuy nhiên, nên lưu ý là người mắc các chứng khí yếu gây ra, huyết hư mà háo thì không dùng, kỵ nóng, lửa. Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản, dễ áp dụng từ mộc hương:
– Chữa lỵ cấp tính: Chuẩn bị mộc hương 8g, hoàng liên 20g, bạch thược 12g, khổ sâm 12g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g. Đem tất cả các vị thuốc này tán bột làm viên hoàn. Ngày uống 10 – 20g.
– Chữa đi lỵ mạn tính: Mộc hương, hoàng liên hai vị lượng bằng nhau, tán bột làm thành viên. Mỗi lần uống 0,2 – 0,5g, uống ngày từ 2 – 3 lần.
– Chữa tiêu chảy trẻ em do tích trệ thức ăn: Phụ huynh có thể chuẩn bị mộc hương, bạch truật, chỉ thực, hoàng liên, sơn tra, mạch nha, trần bì, thần khúc mỗi vị 12g và sa nhân, liên kiều, la bạc tử mỗi vị 8g. Đem tất cả các vị thuốc này tán nhỏ làm viên, ngày uống từ 4 – 8g.
– Chữa viêm đại tràng mạn tính do amip co cơ tái phát cấp diễn: Chuẩn bị mộc hương, phòng đẳng sâm, ý dĩ, bạch truật mỗi vị 12g, hoàng liên, hoàng bá, uất kim, xuyên khung mỗi vị 8g, chỉ thực 6g. Đem sắc uống ngày 1 thang, 5 – 10 thang là một liệu trình.
– Chữa viêm đại tràng mạn tính thể co thắt, rối loạn tiêu hóa kéo dài: Có thể áp dụng bài thuốc gồm các vị mộc hương 6g, bạch truật 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 12g, phòng đẳng sâm 12g, phụ tử chế 8g, can khương 6g, chỉ thực 6g, thương truật 6g, xuyên tiêu 4g, nhục quế 4g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 5 thang là một liệu trình.
– Chữa viêm loét dạ dày tá tràng: Người bị viêm loét dạ dày tá tràng có thể lấy mộc hương 6g; đương quy, phục linh, kỷ tử, bạch thược, đại táo mỗi vị 12g; xuyên khung 10g; táo nhân, a giao mỗi vị 8g; trần bì, ngũ vị tử mỗi vị 6g, gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục 5 – 10 thang là một liệu trình.
– Chữa bụng đầy, bụng đau do hàn thấp trở trệ ở trường vị: Có thể áp dụng bài Mộc Hương Điều Khí Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách gồm các thành phần mộc hương, cam thảo, bạch đậu khấu, đàn hương đều 4g, hoắc hương 12g, sa nhân 6g, đinh hương 2g. Cho tất cả các vị trên vào nồi sắc uống.
– Chữa ruột viêm cấp, lỵ, bụng đau, bụng đầy trướng: Dùng bài Hương Liên Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách gồm mộc hương 4g, hoàng liên 8g; sắc uống.
– Chữa bụng đầy, táo bón, lỵ, ruột viêm cấp, bụng đau do khí trệ: Dùng bài Mộc Hương Binh Lang Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách gồm mộc hương 4g, ngô thù 4g; đại hoàng, khiên ngưu, binh lang, hương phụ, mang tiêu (để riêng) đều 12g; chỉ xác, nga truật, thanh bì, trần bì, tam lăng đều 8g, sắc uống.
– Chữa trường phong hạ huyết: Áp dụng Liên Tùng Thạch Bảo Thọ Thư Phương gồm mộc hương, hoàng liên lượng bằng nhau. Đem cả 2 vị tán bột, cho vào trong ruột già của heo, buộc chặt 2 đầu, nấu cho nhừ. Nấu nhừ xong bỏ thuốc đi, chỉ ăn phần ruột. Hoặc để chung, tán nhuyễn, làm thành viên để uống.
– Chữa tiểu đục như nước gạo: Có thể áp dụng bài Phổ Tế Phương gồm mộc hương, một dược lượng bằng nhau. Đem cả 2 vị thuốc tán bột, làm viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước muối.
– Chữa khí trệ, lưng đau: Dùng bài Thánh Huệ Phương gồm mộc hương, nhũ hương mỗi thứ 8g, ngâm cả 2 vị vào trong rượu, hấp trong nồi cơm cho sôi để uống.
– Chữa tai bỗng nhiên ù, điếc: Chuẩn bị mộc hương 40g, ngâm giấm 1 đêm rồi cho vào ít dầu mè. Đun sôi 3 lần sau đó dùng bông gòn để lọc bỏ bã. Mỗi ngày nhỏ 2 – 3 giọt vào tai.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.