Chi tử là một vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Vị thuốc này có khả năng thanh nhiệt, giải độc cơ thể, giúp lợi tiểu hoặc tiểu tiện gặp khó khăn. Bên cạnh đó còn được dùng làm thuốc cầm máu, trị bệnh chảy máu cam, vàng da,…Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như công dụng của vị thuốc này, các bạn hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
1.Sơ lược về cây Chi tử
Tên gọi và nguồn gốc
Chi tử hay còn gọi là sơn chi tử, Mộc ban (Bản Kinh), Dành dành (Việt Nam), Việt đào (Biệt Lục), Tiên chi (Bản Thảo Cương Mục), Tiên tử, Chi tử, Lục chi tử, Hồng chi tử, Hoàng chi tử (Hòa Hán Dược Khảo).
Tên khoa học là Gardenia jasminoides ellis (=gardenia florida linn).
Thuộc họ Cà phê Rubiaceae.
Mô tả cây
Giống cây này có dạng cây nhỏ, nhẵn, cành mềm khía rãnh dọc. Lá mọc vòng 3 hoặc mọc đối nhau, có dạng hình thuôn trái xoan, có khi lá có hình bầu dục dài, tù và có mũi nhọn ở phần đỉnh. Lá có màu nâu đen bóng ở mặt trên, mặt dưới màu nhạt hơn, gân mảnh nổi rõ. Lá kèm mềm, đầu nhọn, ôm lấy cả cành như bẹ. Hoa mọc ở đầu cành, đơn độc, có màu trắng, mùi thơm. Cuống hoa có 6 cạnh hình cánh; đài 6, thuôn nhọn ở phần đầu; tràng 6, tròn ở phần đỉnh; Nhị 6, có chỉ ngắn và bao phấn tù. Quả có dạng hình bầu dục thuôn dài, có từ 6 – 7 cạnh dọc có cánh. Hạt nhiều, dẹt. Cây ra hoa từ tháng 4 – 11, ra quả từ tháng 5 – 12.
Phân bố
Giống cây này mọc hoang trên khắp đất nước ta. Có nơi người dân trồng làm cảnh vì cây có hoa rất đẹp. Ngoài ra có vùng lại trồng làm thuốc hoặc trồng để nhuộm.
Người ta phát hiện nhiều nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc,…
Bộ phận sử dụng làm thuốc
Sử dụng quả phơi khô (gọi là Chi tử), (Fructus Gareniae).
Thu hái và chế biến
Cây dành dành ra hoa vào tháng 4, đậu quả vào tháng 8. Thời điểm thu hái hợp lý nhất là vào tháng 10, tháng 11. Vào khoảng thời gian này, quả chín liên tục, khi vỏ quả ngả dần thành màu vàng là có thể thu hái được. Nên thu hái bằng tay để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Thông thường, tùy vào công dụng chữa bệnh mà người ta có cách chế biến khác nhau.
Phơi khô: Dùng để thanh nhiệt, giải độc.
Sao vàng: Dùng để hạ hỏa, cầm máu.
Mô tả dược liệu
Qủa chi tử khô có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, càng về hai đầu càng nhỏ, quả dài chừng 15 – 18mm (không tính dài khô ở đỉnh). Phấn trên có 6 lá đài, hình mũi mác. Lớp vỏ ngoài của quả được cấu thành bởi hai đài liền tồn tại, xung quanh có 6 cạnh dọc hình sợi, phía dưới có gốc tàn cuống quả. Vỏ ngoài có màu vàng đỏ hoặc nâu hơi bóng mượt, xuất hiện nhiều gân nhỏ. Quả chất cứng mỏng, trong có 2 buồng có nhiều hạt hình trứng tròn, dẹt và phẳng. Vỏ hạt có màu đỏ vàng.
Chi tử loại nhỏ, có vỏ mỏng màu vàng đỏ là loại tốt nhất. Người ta thường sử dụng loại quả mọc ở vùng rừng núi, quả nhỏ nguyên quả, vỏ mỏng vàng, bên trong đỏ thẫm có nhiều hạt. Có mùi thơm, để khô không mốc mọt. Chi tử nhân là loại hạt đã được bóc sạch vỏ, có màu nâu vàng hay màu đỏ hồng, không vụn nát là loại tốt.
Bào chế dược liệu
Sau khi thu hái về cắt bỏ tai và vỏ, chỉ lấy phần hạt. Ngâm với nước sắc Cam thảo qua một đêm rồi vớt ra, phơi khô, tán thành bột để sử dụng.
Trường hợp sử dụng vị thuốc này để trị bệnh ở thượng tiêu, trung tiêu thì dùng cả vỏ xác, rửa cho sạch nước màu vàng, sao lên rồi dùng. Nếu dùng để chữa những bệnh thuộc huyết thì sao cho đen rồi dùng.
Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển, sau khi thu hái quả về thì phơi hoặc sấy khô, nếu sấy thì ban đầu cho lửa to, càng về sau giảm dần lửa. Đảo trộn nhẹ để đảm bảo quả không bị trầy sát. Ngoài ra cách làm này cũng đảm bảo cho quả tránh được tình trạng ngoài khô trong ướt, dễ thối mốc.
Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược, lấy quả chín kẹp lẫn với phèn chua, sau đó cho vào nước sôi nấu trong khoảng 20 phút. Vớt ra, phơi khô vỏ sau đó lại tiếp tục sấy khô cho giòn. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người ta sẽ dùng sống, sao hoặc đốt cháy quả.
Thành phần hóa học
Trong hạt chi tử có chứa manit, gacdenin, tanin, tinh dầu, chất peclin
Tác dụng dược lý
Tác dụng giải nhiệt: Theo Trung Dược Học, nước sắc chi tử làm ức chế trung khu sản nhiệt. Có tác dụng giống như Hoàng liên, Hoàng cầm nhưng yếu hơn.
Tác dụng lợi mật: Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược, chi tử làm tăng tiết mật. Tiến hành thí nghiệm trên súc vật sau khi thắt ống dẫn mật thì thấy Chi tử có tác dụng làm ức chế không cho cho Bilirubin trong máu tăng. Cùng với đó Dịch chi tử làm tăng co bóp túi mật.
Tác dụng cầm máu: Theo Trung Dược Học, chi tử sao cháy thành than có tác dụng cầm máu.
Tác dụng kháng khuẩn: Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược ghi lại, nước sắc chi tử có tác dụng làm ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh.
Ngoài ra còn có tác dụng an thần, trị mất ngủ, làm hạ huyết áp, làm ức chế tế bào ung thư trong nước bụng.
2.Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ ghi lại, Hạt dành dành có vị đắng, tính hàn, đi vào 3 kinh tâm: Tim, phế (phổi), can (gan).
Công dụng:
- Trị chứng bứt rứt, buồn phiền, bồn chồn trong ngực
- Điều trị mất ngủ, các chứng bệnh huyết trệ dưới rốn, tiểu tiện không thông
- Thanh nhiệt ở thượng tiêu, thanh uất nhiệt ở phần huyết
- Cầm máu, điều trị sốt, chữa bệnh chảy máu cam, bệnh vàng da, mắt đỏ, họng đau, lở miệng, nước tiểu đỏ.
- Điều trị viêm bể thận, viêm tiết niệu
- Đắp ngoài trị sưng ứ
Kiêng kỵ:
Những người hư hàn, đi cầu lỏng không nên dùng
Liều dùng:
Từ 8 – 20g mỗi ngày.
Cách dùng:
Dùng để thanh nhiệt, chữa sốt: Dùng sống.
Dùng để tả hỏa, nóng ngảy trong người: Sao vàng
Dùng để cầm máu: Sao đen
3.Một số bài thuốc từ Chi tử
Bài thuốc điều trị bể thận, viêm tiết niệu, lợi tiểu:
Chi tử 15g, cam thảo bắc 12g, hạt đười ươi. Sắc với 1 lít nước, uống trong ngày.
Bài thuốc điều trị sốt, xuất hiện các triệu chứng bồn chồn, khó ngủ, họng khát, ho và vàng da:
Chi tử 12g, Liên kiều, Sinh địa mỗi thứ 15g, Hoàng bá, phòng phong, xích thược, sinh cam thảo mỗi thứ 10g, Đương quy 20g, Sinh Hoàng Kỳ 25g, sắc uống trong ngày.
Bài thuốc điều trị vàng da, viêm gan:
Chi tử 13g, nhân trần 20g. Đun cùng 1 lít nước, đến khi còn 300ml thì uống. Ngày uống 3 lần.
Bài thuốc điều trị chảy máu cam:
Dùng hạt chi tử sao cho cháy đen rồi tán thành bột, thổi trực tiếp vào mũi.
Bài thuốc điều trị chứng ho ra máu, đi tiểu, đi cầu ra máu:
Chi tử 13g, Bạch mao căn 15g, Cam thảo 4g, cát cánh 5g, (có thể cho thêm xích thược, tri mẫu, trắc bá diệp, hoàng cầm mỗi thứ 10g). Sắc lấy nước uống trong ngày.
Bài thuốc trị sau khi bị thương hàn có mồ hôi ra, nôn mửa, ngủ không ngon, bứt rứt không yên:
Chi tử 14 trái, Hương xị 4 chén. Sắc lấy nước uống.
Bài thuốc trị tiểu tiện không thông:
Chi tử 14 quả, tỏi 1 củ, 1 ít muối. Giã nát rồi đắp vào rốn và bọng đái 1 lát.
Bài thuốc trị đại tiện ra máu tươi:
Chi tử nhân sao cho cháy đen, uống 1 muỗng cùng với nước.
Bài thuốc trị phụ nữ bị phù do thấp nhiệt khi có thai:
Sơn chi tử 1 chén, sao lên rồi tán thành bột. Mỗi lần uống từ 8 – 12g cùng với nước cơm hoặc làm thành viên hoàn rồi uống.
Bài thuốc trị đau nóng ở vùng dạ dày:
Sơn chi tử lớn từ 7 – 9 trái. Sao đen rồi sắc cùng 1 chén nước, đến khi còn 7 phân thì uống. Kết hợp cùng nước gừng sống.
Bài thuốc trị trẻ nhỏ bứt rứt, tích nhiệt ở dưới, mình nóng, hôn mê, không ăn uống được:
Chi tử 7 trái, Đậu xị 20g. Sắc cùng 1 chén nước, đến khi còn 7 phân thì uống.
Bài thuốc trị đau mắt đỏ kèm táo bón:
Sơn chi tử 7 trái, dùi lỗ rồi nước chín. Sắc cùng 1 thăng nước đến khi còn nửa thăng thì bỏ bã, cho vào 12g bột Đại hoàng. Uống lúc nóng.
Bài thuốc trị viêm gan vàng da cấp tính do thấp nhiệt, tiểu đỏ, tiểu vàng, vàng toàn thân:
Chi tử 16g, Cam thảo 4g, Hoàng bá 12g. Sắc lấy nước uống.
Bài thuốc trị sưng đau do gãy xương:
Chi tử giã nát, trộn cùng Bạch miến. Đắp vào vết đau.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.