1/ Cây ba kích là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây ba kích còn có các tên gọi khác là ba kích thiên, ba kích nhục, chẩu phóng xì (Hải Ninh), cây ruột gà, thao tầy cáy, liên châu ba kích…. Cây có tên khoa học là Morinda officinalis How, thuộc họ khoa học Cà phê – Rubiaceae.
Ngoài ra, theo một số y thư thì ba kích còn có các tên thuốc khác nhau như: bất điêu thảo (Nhật Hoa Tử Bản Thảo), dây ruột gà (Việt Nam), ba cức, đan điền âm vũ, diệp liễu thảo, lão thử thích căn, nữ bản (Hòa Hán Dược Khảo), tam giác đằng, đường đằng, hắc đằng cổ, kê nhãn đằng (Trung Dược Đại Từ Điển), tam mạn thảo (Đường Bản Thảo), kê trường phong (Trung Dược Chí), thỏ tử trường (Trung Dược Tài Thủ Sách).
b/ Mô tả cây
Ba kích là cây thuốc quý thuộc dạng cây thân leo quấn, sống nhiều năm. Ngọn cây có cạnh, có lông, màu tím, đến khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, bầu dục thuôn nhọn hoặc hình mác; màu trắng mốc, cuống ngắn, phiến lá cứng có lông tập trung ở mép và ở gân, đến khi già thì ít lông. Cây có lá kèm mỏng ôm sát vào thân. Hoa nở trong khoảng tháng 5 – 6. Là dạng hoa nhỏ tập trung thành tán ở ngọn, đầu cành, có từ 2-10 cánh hoa, 4 nhị, tràng hoa liền ở phía dưới thành ống ngắn, lúc mới nở màu trắng, sau chuyển sang màu hơi vàng. Mùa quả từ tháng 7 – 12. Quả ba kích có hình cầu với cuống riêng rẽ, khi chín chuyển thành màu đỏ có đài tồn tại ở đỉnh. Rễ là dạng rễ củ, xoắn như ruột gà to 1 – 2cm, dài 15 – 20cm, chia thành nhiều đoạn to thắt đều đặn.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Ba kích mọc hoang khá nhiều và phố bố chủ yếu ở các vùng đồi núi thấp và trung du thuộc các tỉnh miền núi phía bắc. Đặc biệt là vùng Hải Ninh (Quảng Ninh), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, các tỉnh thuộc Hà Bắc cũ, Hà Giang, Lạng Sơn, vùng Hà Tây cũ….
Trước kia, ba kích mọc nhiều nên có thể khai thác với số lượng lớn, lên đến hàng chục tấn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây ba kích bị khai thác quá mức nên đã bắt đầu cạn kiệt và được đưa vào sách Đỏ Việt Nam (2007). Do đó, hiện thay vì tập trung khai thác ngoài tự nhiên, người ta đã bắt đầu nghiên cứu đưa ba kích vào trồng để khai thác làm dược liệu.
d/ Bộ phận dùng
Để phòng trị bệnh hiệu quả, người ta thường lấy rễ củ ba kích phơi hoặc sấy khô (Radix Morindae). Rễ khô dùng làm thuốc thường được cắt thành các đoạn ngắn, dài trên 5cm, đường kính khảng 5mm. Vỏ ngoài của rễ nâu nhạt hoặc hồng nhạt, có vân dọc. Trên thân rễ có nhiều chỗ đứt để lộ ra lõi nhỏ bên trong. Bên trong là thịt màu hồng hoặc tím, vị hơi ngọt.
e/ Thành phần hóa học
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, trong rễ ba kích tươi có vitamin C. Rễ làm thuốc thì chứa tinh dầu, chất anthraglucozit, đường, nhựa và axit hữu cơ. Trong các tài liệu y học khác thì ba kích có thành phần hóa học như:
– Theo Chinese Hebral Medicine trong ba kích có Carpaine, Choline, Gentianine, Díogenin, Luteolin, Yamogenin, Gitogenin, Tigogenin, Trigonelline, Vitexin, Orientin, Quercetin, Vitamin B1.
– Theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam thì rễ ba kích chứa Antraglycozid, Acid hữu cơ, Phytosterol, đường, nhựa và ít tinh dầu, Morindin. Rễ tươi có sinh tố C.
– Theo Trung Dược Học thì ba kích chứa Morindin và Vitamin C.
– Theo Vương Yến Phương – Thực Vật Học Báo 1986, 28 (5): 566 thì trong ba kích có Rubiadin và Rubiadin-1-Methylether.
– Theo Lý Quán – Trung Quốc Trung Dược Tạp Chí 1991, 16 (11): 675 thì thành phần hóa học chính của vị thuốc này là 24-Ethylcholesterol.
– Theo Chu Pháp Dữ – Trung Dược Thông Báo q986, 11 (9): 554 rễ thuốc chứa Palmitic acid, Vitamin C và Nonadecane.
f/ Thu hái chế biến
Ba kích được thu hoạch từ sau 3 năm tuổi. Thời gian thu hoạch tốt nhất là từ tháng 10 – 11. Tuy nhiên, hiện nhu cầu sử dụng ba kích rất lớn nên vị thuốc này thường được tiến hành thu rễ quanh năm. Khi thu hái cần dùng cuốc đào rộng chung quanh gốc, lấy toàn bộ rễ rửa sạch. Sau đó, tiến hành cắt và phân loại rễ. Loại rễ nhỏ gầy, cùi mỏng, màu trong là loại bình thường. Còn những rễ to mập, cùi dầy, màu hồng hoặc hồng tía là loại tốt. Về chế biến thì có nhiều cách khác nhau. Có thể tham khảo một số cách chế biến chính như:
– Theo Lôi Công Bào Chích Luận: Sau khi thu hoạch thì dùng nước câu kỷ tử để ngâm rễ 1 đêm cho mềm. Vớt ra ngâm tiếp 1 đêm với rượu. Tiếp tục vớt ra sao với cúc hoa cho vàng thuốc, dùng vải lau sạch và để dành dùng dần.
– Theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển: Dùng cam thảo giã dập, sắc lấy nước thuốc, bỏ bã. Sau đó cho ba kích vào nấu đến khi xốp mềm, rút bỏ lõi, phơi khô. Liều lượng để chế biến là 6kg cam thảo cho 100kg rễ ba kích.
– Theo Bản Thảo Cương Mục: Ngâm rễ với rượu 1 đêm cho mềm, cắt nhỏ, sấy khô và bảo quản để dùng dần.
– Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Nhiều nơi bảo chế diêm ba kích bằng cách trộn rễ với nước muối (theo liều lượng 20g muối cho 1kg ba kích), cho vào chõ đồ mềm, rút lõi, phơi khô.
– Theo Phương Pháp Bào chế Đông Dược Việt Nam: Rễ thu về rửa sạch, ủ mềm, bỏ lõi, thái nhỏ rồi tẩm rượu trong khoảng 2 giờ. Cho sao qua hoặc nấu thành dạng cao lỏng.
2/ Công dụng của cây ba kích
Ba kích có tính hơi ôn, vị cay ngọt, vào kinh thận. Vị thuốc này có tác dụng ôn thận trợ dương, khử phong thấp, mạnh gân cốt. Thuốc thường được dùng chữa chứng dương uỷ, phong thấp cước khí, lưng mỏi gối đau, gân cốt yếu mềm. Trong nhân dân, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, thường được dùng chữa các bệnh sớm xuất tinh, di mộng tinh, liệt dương, phụ nữ kinh nguyệt không đều, bụng dưới lạnh đau, không thụ thai do tử cung lạnh. Ngoài ra, nó còn được dùng để chữa các bệnh phong thấp, xương khớp để làm mạnh gân cốt.
Ở Trung Quốc có dùng ba kích trong đơn thuốc “Nhị tiên thang” để chữa bệnh cao huyết áp. Đơn thuốc này cho kết quả rất tốt, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh bị cao huyết áp. Theo Đại chúng y học tháng 9/1959 trang 332 thì đơn thuốc gồm ba kích (Morinda offcinalis), tiên mao (Curculigo orchiodes), dâm dương hoắc (Epimedium grandiflorum), đương quy (Angelica sinensis), tri mẫu (Anemarhena asphodeloides), hoàng bá (Phellodendron amurense) mỗi vị 12g, nước 600ml. Dùng liên tục trong 3 tháng, chữa trên 360 trườnggg hợp và đạt kết quả đạt tới 74%.
Theo cuốn sách Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam, ba kích có khả năng tăng cường sinh lý ở nam, đặc biệt với những trường hợp yếu và thưa. Ba kích cũng có tác dụng tăng cường sức dẻo dai. Tuy nhiên, thuốc không làm tăng đòi hỏi tình dục và không có tác dụng kích dục kiểu Androgen. Các nghiên cứu cho thấy, tuy không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế, thuốc có khả năng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục. Đồng thời, hỗ trợ điều trị vô sinh cho những nam giới có trạng thái vô sinh tương đối và suy nhược thể lực.
Ngoài ra, thông tin trong cuốn sách Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam cũng chỉ ra rằng ba kích có tác dụng nhất định với người già. Ở những bệnh nhân có biểu hiệu ăn kém, ngủ ít, cơ thể mệt mỏi, gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý hay một số trường hợp đau mỏi các khớp thì dùng ba kích giúp đỡ mệt mỏi, ăn ngon, ngủ tốt. Đặc biệt, giúp người già xuất hiện các dấu hiệu tốt, khách quan như tăng cơ lực, tăng cơ nặng. Còn với những người đang bị đau mỏi xương khớp thì dùng ba kích dài ngày sẽ thấy các triệu chứng đau mỏi giảm rẽ rệt.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng ba kích
Ba kích có nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng điều quan trọng là người dùng phải dùng đúng liều lượng, đúng cách. Liều dùng phổ biến hiện nay là ngày dùng 4 – 10g dưới dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng. Nhân dân ở một số nơi có ba kích mọc hoang còn thường đào củ này về để nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, ba kích cũng được dùng phổ biến bằng cách ngâm cùng rượu gạo (đặc biệt là rượu nếp). Ngâm chừng 30 ngày là dùng được nhưng để càng lâu thì sẽ càng đặc, càng ngọt. Đặc biệt, ba kích có nét đặc thù là rượu ngâm lâu sẽ chuyển sang màu xanh tính bắt mắt, uống có vị thơm ngậy. Vị thuốc này cũng được dùng phối hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý là người âm hư, hỏa thịnh, đại tiện táo bón cấm dùng. Dưới đây là một số bài thuốc từ ba kích mà mọi người có thể tham khảo:
– Thuốc hoàn ba kích: Chuẩn bị ba kích 80g, tiểu hồi 60g, phụ tử chế 16g, sừng hươu 200g, quế nhục 30g, thục địa 160g, hoài sơn 160g, mật ong vừa đủ làm hoàn. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng từ 16 – 20g. Thuốc rất thích hợp với những người không uống được rượu.
– Chữa người già tê mỏi, yếu chân gối: Chuẩn bị ba kích nhục 10g, thục địa 10g, thỏ ty tử 6g, bổ cốt toái 5g, nhân sâm (hoặc đảng sâm) 4g, tiểu hồi hương 2g. Cho 600ml nước vào nồi sắc còn 200ml, chia ba thành lần uống trong ngày.
– Chữa thận hư, đau lưng, hoạt tinh: Có thể dùng bài Hoàn ba kích thiên gồm các thành phần ba kích 16g, nhục thung dung 12g, đảng sâm12g, thục địa 12g, long cốt 12g, cốt toái bổ 12g, ngũ vị tử 6g. Nghiền tất cả thành bột mịn, luyện với mật ong để làm thành hoàn. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 12g, khi uống chiêu với nước.
– Chữa thận hư, di tinh, nam giới liệt dương: Thành phần gồm ba kích 15g, thục địa 15g, kim anh 12g, sơn thù 12g. Sắc uống trong ngày.
– Chữa nam giới xuất tinh sớm, liệt dương: Chuẩn bị ba kích 12g, phúc bồn tử 12g, đảng sâm 12g, thỏ ty tử 12g, thần khúc 12g, sơn dược 24g. Đem tất cả các vị thuốc tán thành bột, luyện với mật ong làm thành hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g, chiêu với nước. Bài thuốc này cũng rất tốt với các trường hợp nữ giới dương hư không có thai.
– Chữa gân cốt mềm yếu, lưng và đầu gối đau buốt: Có thể dùng bài thuốc Hoàn kim cương gồm ba kích 50g, nhục thung dung 50g, đỗ trọng 50g, tỳ giải 50g, thỏ ty tử 50g, lộc thai 1 bộ. Đem tất cả các vị thuốc tán thành bột, luyện với mật làm thành hoàn. Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước đun sôi.
– Chữa liệt dương, chân yếu run, đau lưng mỏi gối: Người bệnh có thể dùng rượu ba kích ngưu tất với thành phần gồm ba kích 30g, ngưu tất sống 30g, rượu 500ml. Cho tất cả vào bình thủy tinh ngâm 7 ngày, bỏ bã, uống với nước nóng. Uống mỗi lần từ 30 – 60ml. Không được uống nhiều, uống say.
– Chữa thận hư, phong thấp: Người bệnh có thể dùng rượu dương hoắc huyết đằng ba kích gồm các thành phần ba kích 40 – 60g, kê huyết đằng 40 – 60g, dâm dương hoắc 40 – 60g, đường phèn 30g, rượu trắng 750ml. Cho tất cả vào bình thủy tinh ngâm 7 ngày là dùng được. Mỗi lần dùng 20 – 30ml, ngày 2 lần. Loại rượu thuốc này rất thích hợp với các trường hợp thận hư, phong thấp có triệu chứng đau lưng mỏi gối, đau nhức xương khớp.
Nếu không uống được rượu hoặc muốn cai rượu thì có thể dùng ba kích 15g, đại hoàng chế với rượu 30g (tán mịn). Đem ba kích thái lát, sao với gạo nếp cho đến khi gạo cháy thì bỏ phần gạo cháy đi. Lấy ba kích tán thành bột mịn rồi trộn với đại hoàng đã tán bột (cũng có thể tán cả 2 vị cùng một lúc). Mỗi lần dùng lấy 3g bột thuốc uống với nước đường hoặc mật, uống mỗi ngày 1 lần.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.