1/ Cây rau đay là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây rau đay có tên khoa học là Corchorus olitorius L, thuộc họ khoa học Tiliaceae. Cây còn có một số tên gọi khác như đay, rau đay quả dài.
b/ Mô tả cây
Về hình thái thì cây rau đay là một cây thân thảo cao chừng 1 – 2m (loại lấy rau ăn thì các gia đình thường cắt, hái thường xuyên để tạo tán nên chỉ cao từ 0,5 – 1m). Thân cây có màu nâu, ít phân cành. Lá cây có hình trứng dài nhọn, dài từ 5 – 10cm, rộng 2 – 4cm. Phần gốc lá tròn hoặc hơi tù, mép lá có răng cưa, mặt dưới có từ 3 – 5 gân.
Hoa là các hoa nhỏ mọc vàng ở kẽ lá, hợp 3 hoa trên một đoạn cuống ngắn, đặc biệt là phần ngọn. Quả hình trụ có 5 sống dọc, nhẵn, dài khoảng 5cm. Hạt rau đay có hình lê, khi cắt ngang thấy hình 5 cạnh, khía ra sẽ thành các múi.
Khi bị hái, ngọn rau đay mọc rất nhanh, mạnh. Đặc biệt loại rau này thường được phân biệt một cách dễ dàng bằng chính phần nhớt của nó. Chỉ cần hái một đoạn ngọn là nhớt từ cây đã chảy ra.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Ở nước ta, rau được trồng rộng rãi khắp nơi để lấy lá và ngọn non nấu canh ăn cho mát, kích thích tiêu hóa. Cây chỉ cần trồng khoảng 1 tháng là có thể hái lá. Ngoài nước ta, cây cũng được trồng ở nhiều nước khác thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở những vùng này, rau không chỉ cho lá non nấu canh mà còn được dùng làm thuốc, lấy sợi hoặc tác lấy hạt để làm thuốc.
d/ Bộ phận dùng
Dùng cả lá và hạt của cây.
e/ Thành phần hóa học
Đứng ở góc độ dinh dưỡng, ra đay chứa nhiều dưỡng chất tốt, quan trọng với cơ thể. Nghiên cứu phân tích thành phần hóa học của rau đay cho thấy trong rau có 498mg% Ca, 650mg% K, 870mg% acid oxalic, 93mg% P, 3,8mg% Fe, 0,24mg% vitamin B1, 0,76mg% vitamine B2, 168mg% vitamin C, 7,940 đơn vị vitamin A, 141 đơn vị vitamin E. Trong hạt của thì lại chứ nhiều glycoside khác nhau, nhưng chủ yếu nhất là hai nhóm corchorosid và olitorisid. Thậm chí, xét trên khía cạnh thực tế thì rau đay còn đứng trong top dầu các loại rau giàu vitamin và khoáng chất. Cụ thể, loại rau này chứa nhiều canxi và đứng hàng thứ 4 trong các loại rau thường ăn, đứng đầu trong nhóm rau về hàm lượng sắt, đứng hàng thứ 4 về beta caroten và đứng hàng thứ 3 về hàm lượng sinh tố C.
Các phân tích hóa chất trong lá cây đay còn cho thấy loại rau này chứa nhiều hợp chất hữu ích cho cơ thể như flavonoid, saponin, tannin, steroid, triterpen. Đặc biệt, trong nhóm hóa chất tìm được có 2 chất mang hoạt tính chức năng mạnh, được các chuyên gia đánh giá cao là phytol và monogalactosyldiacylglycerol (có khả năng chống khối u).
Phần ngọn non thường hái làm rau ăn của cây đay còn chứa rất nhiều lignin và polysaccharid (2 chất này thuộc nhóm chất mang hoạt tính estrogen thực vật). Cũng trong phần ngọn, người ta còn tìm thấy một số chất đường như: glucose, sucrose, fructose và đặc biệt là 2 chất inositol có tác dụng nhuận tràng.
Một điều lý thú khác là trong lá cây đay, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một hoạt chất thuốc với tên gọi capsin. Chất này có tác dụng tương tự với các glycosid cường tim đang được sử dụng làm thuốc chốc suy tim hiện nay.
Phần đặc trưng của cây đay – chất nhầy cũng cho nhiều acid hữu cơ quan trọng như coumaric, vanillic, ferulic, hydroxybenzoic (những hoạt chất này có tác dụng kháng viêm rất tốt).
Về hạt rau đay thì từ nhiều năm về trước đã có khá nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, chứng minh công dụng của loại hạt này. Ví dụ:
– Từ năm 1952 tại Ấn Độ, Sen N. K. đã nghiên cứu về các sterol chứa trong hạt của cây đay. Kết quả nghiên cứu của Sen N. K. và Meara M. L. đã cho thấy chất dầu chiết từ hạt khá giống với dầu hoa hướng dương. Loại dầu này chứa nhiều axit béo với tỷ lệ gồm: acid panmitic 15,65%, acid linolenic 59,67%, acid stearic 4%, acid behenic 1,66%, acid lignoxeric 1,12% và tỷ lệ chất không xà phòng hóa được là 3,05% (theo J. Indian Chem. Soc. 46 (II), 1952).
– Cũng trong năm 1953, 2 tác giả người ấn độ khác là Khalique M. A. và Ahmel M. đã tìm thấy trong hạt của cây rau đay một chất đắng mới với tên gọi là corchsularin. Khi tiến hành thủy phân corchsularin sẽ cho ra một chất đường được gọi là corchsularoza.
– Từ năm 1956, tại một số nước như Liên Xô, hạt rau đay (đã mất hết khả năng mọc, trước đó chỉ được dùng làm phân trong nông nghiệp) đã được dùng để chiết chất heterozit chữa bệnh tim. Chất này được gọi bằng một số tên khác như olitorizit và corchorozit.
– Tại Việt Nam, năm 1970 từ hạt cây đay, Đoàn Định Chính và các cộng sự của mình đã nghiên cứu và chiết được 3% glucozit đặt tên là daycozit. Chất này cũng được chứng minh là có tác dụng trên tim (1971, Trav. Sc. Edit. Med. Hà Nội: 5358).
f/ Thu hái chế biến
Việc thu hái chế biến cây đay cũng rất đơn giản. Nếu dùng làm rau ăn thì sau khoảng 1 tháng trồng là có thể hái ngọn non. Những đoạn ngọn non hái xong sẽ nhanh chóng mọc ngọn mới nên có thể thu hái liên tục.
Với những người muốn thu hạt rau đay để làm thuốc thì thường ít hái ngọn mà để cây phát triển, ra hoa, kết quả. Đến khi quả chín thì hái về phơi khô, đập lấy hạt, phơi lại và bảo quản là được.
2/ Công dụng của cây rau đay
– Theo y học cổ truyền: Theo y học cổ truyền thì rau đay có vị ngọt, tính lạnh, không độc, có tác dụng tẩm bổ và khả năng giải nhiệt, nhuận tràng, lợi tiêu hóa, lợi tiểu, tiêu đàm, lợi hô hấp, kháng viêm, cầm máu, giải cảm nắng, lợi sữa và an thai. Do đó, rau hái từ cây đay thường được dùng để chữa các trường hợp cảm nắng, phòng ngừa say nắng, trị táo bón, bí tiểu, tiểu rát, tiểu buốt, thậm chí là tiểu ra máu. Rau cũng được dùng làm thuốc chữa các chứng ho ra máu, nôn ra máu. Với các mẹ đang mang thai hoặc cho con bú thì rau còn được dùng như một phương thuốc an thai, lợi sữa hiệu quả.
– Theo y học hiện đại: Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng cây đay có nhiều công dụng cho sức khỏe như:
+ Lợi sữa, tăng hàm lượng chất béo trong sữa mẹ
+ Có tác dụng làm mát, tiêu khá, thanh nhiệt, giải độc, chữa trúng nắng
+ Nhuận tràng, giảm nhanh các triệu chứng táo bón, nóng trong
+ Khai thông tiểu tiện, giảm nhanh triểu chứng bí tiểu, tiểu đau, tiểu rát
+ Chống khối u thực nghiệm gây ra bởi vi rút Epstein-Barr
+ Tốt cho tim mạch
+ Chống có thắt đường tiêu hóa
+ Chống viêm
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây rau đay
Rau đay được dùng phổ biến trong phạm vi nhân dân. Người ta thường dùng rau đay để làm canh hoặc làm thuốc để bồi bổ, chống táo bón…. Dưới đây là một số bài thuốc mà mọi người có thể áp dụng:
– Canh giải nhiệt: Chuẩn bị ngọn rau đay (không kể liều lượng) nấu với cua đồng, rau mùng tới. Món này thường được dùng để ăn với cơm hàng ngày. Canh có khả năng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, bổ sung canxi rất tốt. Do đó thường được dùng trong những ngày trời nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.
– Chữa cảm nắng nhẹ: Thời tiết nóng bức ngày hè khiến nhiều người bị cảm nắng. Lúc này, mọi người chỉ cần lấy một nắm lá rau đay tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Phần bã thì có thể đắp vào hai bên thái dương. Làm vài lần trong ngày sẽ thấy triệu chứng cảm nắng giảm hẳn, sức khỏe hồi phục. Hoặc cũng có thể lấy khoảng 20g hạt đay sắc lấy nước thuốc uống nóng để mồ hôi toát ra.
– Nhuận tràng, chữa táo bón: Người chức năng tiêu hóa kém, nóng trong, thường xuyên bị táo bón có thể hái rau đay, rau mồng tơi lượng bằng nhau và nấu canh ăn ngày 1 lần liên tục trong 5 – 7 ngày. Hoặc có thể kết hợp rau đay với rau mồng tơi, rau má, rau lang mỗi loại khoảng 50g, nấu canh ăn ngày 1 lần trong liên tục 5 – 7 ngày. Trường hợp không muốn ăn canh rau đay thì chỉ cần lấy 20g lá, cho vào nồi sắc lấy nước rồi chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày, uống 5 – 7 ngày là một liệu trình.
– Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa: Phụ nữ sau sinh ít sữa thì ngay tuần đầu tiên nên ăn mỗi ngày từ 150 – 200g rau đay nấu canh. Ăn vào các bữa chính. Các tuần sau đó thì mỗi tuần ăn 2 lần, mỗi lần là từ 200 – 250. Việc ăn rau đay sẽ giúp sữa ra đều và tăng hàm lượng chất béo trong sữa.
– Chữa hồi hộp, tim đập nhanh, bứt rứt, khó ngủ: Người bệnh có thể hái 100g rau đay và chuẩn bị rau mồng tơi, mướp hương, cua đồng (đã giã nát, lọc lấu nước cốt). Sau đó, cho tất cả nguyên liệu vào nấu thành canh để ăn.
– Chữa bí tiểu: Người bị bí tiểu chỉ cân lấy ngọn cây đay 100g, mã đề 100g. Cho cả 2 loại rau vào nồi sắc lấy nước uống hoặc đem nấu canh với tôm cua để ăn.
– Chữa hen suyễn: Nếu bị hen suyễn thì có thể lấy hạt rau đay đem sắc đặc rồi uống. Loại nước thuốc này sẽ giúp chặn nhanh cơn hen suyễn. Ngoài ra cũng có thể áp dụng cách gồm: hạt rau đay đem giã nhỏ, xơ mướp cắt nhỏ cho vào nồi sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày.
– Chữa phù thũng: Trường hợp người bị phù thũng thì chuẩn bị hạt đay 15 – 20g. Cho vào nồi sắc lấy nước thuốc uống nóng. Uống xong đắp chăn cho vã mồ hôi để người nhẹ nhõm, giảm phù nề.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.