Bình vôi được liệt kê là một trong những vị thuốc quý giá trong danh sách dược liệu Việt Nam. Giống cây này có khả năng chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là chứng bệnh mất ngủ lâu ngày. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như công dụng của Bình vôi các bạn hãy cùng theo dõi bài viết sau nhé!
1. Sơ lược về Bình vôi
Bình vôi hay còn gọi là củ một, củ mối tròn, ngải tượng, tử nhiên, cà tom (Theo cách gọi của người Thổ). Loại cây này có tên khoa học là Stephania rotunda Lour; họ Tiết dê Menispermaceae. Cây Bình vôi có phần củ phình to ra giống như hình dáng bình đựng vôi của người xưa. Chính vì thế nó có tên gọi là Bình vôi.
Về đặc điểm:
Đây là một loại cây mọc leo, phần dưới thân phát triển thành củ to, bám vào núi đá. Củ của nó thường rất to, có khi nặng tới 20kg. Da thân củ màu đen nâu, xù xì giống như hòn đá, khi cạo đi lớp vỏ bên ngoài thì bên trong có màu xám. Tùy theo nơi củ phát triển mà hình dáng củ khác nhau. Lá thường mọc so le, có hình trái tim. Hoa màu xanh nhạt. Hoa cái có cuống tán ngắn, hoa đực có cuống tán dài. Quả lúc chín dạng hình cầu, màu đỏ tươi, bên trong chứa một hạt hình móng ngựa.
Phân bố, thu hái và chế biến:
Giống cây này thường ưa mọc ở những nơi có núi đá như ở các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Bình, Cao Bằng, Hà Nam, Nam Định, Lạng Sơn…Nhưng khu vực miền núi cao cũng xuất hiện loại cây này như ở Sapa. Ở một số vùng đồi núi thấp có một loại cây hình dáng rất giống Bình vôi nhưng củ nhỏ hơn, người ta gọi là “cây củ gà ấp”. Chưa có nghiên cứu, kiểm tra nào chứng tỏ giống cây này có phải là cây Bình vôi mọc ở những nơi núi đất hay không.
Củ bình vôi có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu về đem cạo bỏ vỏ đen phía ngoài, thái lát mỏng rồi phơi khô. Sau đó có thể sử dụng để ngâm rượu hoặc sắc nước uống. Không cần chế gì khác. Củ Bình vôi rất mọng nước nên sau khi phơi khô số lượng sẽ giảm đi rất nhiều. Thông thường 5kg tươi mới thu được 1 kg khô.
Từ củ Bình vôi ta có thể chế biến ra chất Rotundin thô hay tinh khiết.
Thành phần hóa học:
Năm 1940, Bùi Đình Sang đã chiết từ củ Bình vôi các chất tinh bột, đường khử oxy, axit malic, men oxydaza và một ancaloit với tỷ lệ 1,2 đến 1,5%, được Bùi Đình Sang đặt tên là Rotundin.
Tác dụng dược lý:
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà Khoa học Liên Xô cho thấy tác dụng của hoạt chất Rotundin trong củ Bình vôi rất ít độc, có khả năng trấn kinh rõ rệt trên nhu động vị tràng. Tác dụng điều hòa đối với tim mạch và bổ tim nhẹ. Bên cạnh đó, Bình vôi còn có khả năng chữa trị các bệnh do tiêu hóa, rối loạn bài tiết hoặc ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra còn có tác dụng điều hòa hô hấp, có thể sử dụng để chữa trị hen hay chữa nấc.
2. Công dụng và liều dùng
Công dụng:
Bình vôi có chức năng an thần, tuyên phế. Trong y học cổ truyền thường sử dụng làm thuốc an thần, chữa trị các bệnh đau đầu, nóng sốt; bệnh thiếu ngủ hoặc bị đau dạ dày; bệnh hen suyễn, khó thở; giúp làm giảm huyết áp, chống co quắp.
Liều dùng:
Trong dân gian thường lấy củ Bình vôi thái mỏng, phơi khô, ngâm rượu hoặc sắc thuốc để chữa bệnh ho lao, lỵ, sốt, đau bụng, các bệnh về da như lở ngoài da, mụn nhọt. Một ngày uống từ 3 – 6g đối với người lớn.
Rotundin clohydrat trong cây này được sử dụng làm thuốc trấn kinh, chữa trị bệnh mất ngủ, sốt nóng nhẹ, nhức đầu, đau tim, đau dạ dày. Đối với dạng thuốc bột, thuốc viên ngày dùng 0,05g đến 0,10g. Trẻ em từ 1 – 5 tuổi dùng liều lượng từ 0,02g đến 0,025g. Trẻ từ 5 -10 tuổi sử dubgj từ 0,03g đến 0,05g.
3. Các bài thuốc dân gian từ cây Bình vôi
Chữa trị bệnh mất ngủ lâu ngày: Lấy củ bình vôi tán thành bột, mang ngâm rượu ở nhiệt độ 40 độ, với 1 phần bột pha thêm 5 hoặc 10 phần rượu. Một ngày uống từ 5 – 15 ml. Nếu cảm thấy khó uống, bạn có thể pha thêm chút đường. Bài thuốc chữa trị bệnh mất ngủ lâu ngày hiệu quả từ Bình vôi và các loại thuốc khác: Bình vôi 8g, hạt sen, long nhãn, nhân hạt táo chua sao lên, mỗi vị từ 10 – 15g, lá vuông 12g. Ngày 1 thang mang sắc nước để uống. Uống trước khi đi ngủ khoảng 30 phút. Đối tượng sử dụng là những người gầy yếu, ngủ không ngon giấc, hay ăn uống kém, thường xuyên mệt mỏi.
Tác dụng an thần: Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh trong giống cây này có chứa hoạt chất L-tetrahydropalmatin có thể sung để chữa trị suy nhược và rối loạn tâm thần. Chính vì vậy những người mắc bệnh rối loạn tiền đình, các bệnh lý về tiêu hóa thường sử dụng phương thuốc này. Người bệnh ngày uống từ 1 – 3 viên 50mg.
Điều trị các bệnh giật kinh phong, chống co quắp. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chất Routundin trong củ có khả năng trấn tĩnh thần kinh. Chất này còn có thể điều hòa hệ tim mạch, điều trị bệnh về tim, làm giảm huyết áp, điều hòa hô hấp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.