1/ Cây ích trí nhân là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Ích trí nhân còn có các tên gọi khác như ích trí tử, ích trí, anh hoa khố, diếp đắng, trích đinh tử. Cây có tên khoa học là Alpinia oxyphylia Miq, thuộc họ Gừng Zingiberaceae. Ích trí nhân (Fructus Alpiniae Oxyphyllae) là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây ích trí (Alpínia oxyphylia Miq.). Cái tên này bắt nguồn từ công dụng giúp ích tỳ vị.
b/ Mô tả cây
Ích trí thuộc nhóm cây thảo, sống lâu năm, cao từ 1 – 1,5m. Toàn thân đều có vị cay. Lá cây là lá hình mác dài 17 – 33cm, rộng 3 – 6cm. Hoa tự hình thành chùm mọc ở đầu cành. Các bông hoa có màu trắng, đốm tím. Quả ích trí hình cầu, đường kính 1,5cm, có màu vàng xanh, khi chín có màu nâu đỏ hoặc nâu xám. Trên quả có 13 -20 đường chỉ dọc nổi lên lồi lõm không đều, vỏ hơi dẻo, mỏng, dính sát với hạt. Hạt ích trí bó chặt với nhau, trong có màng mỏng chia thành 3 múi. Trong mỗi múi lại có 6 – 11 hạt. Hạt là 1 khối tròn dẹt không nhất định, lớn nhỏ chừng 0,4cm, có cạnh hơi tầy, màu nâu xám hoặc vàng xám, đập vỡ thì bên trong có trắng và chất bột.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Cây ích trí có mọc hoang ở vùng rừng núi trung và thượng du Việt Nam nhưng vẫn phải nhập.
d/ Bộ phận dùng
Quả và hạt phơi khô của cây ích trí (Fructus Alpiniae Oxyphyllae).
e/ Thành phần hóa học
Trong ích trí nhân có chừng 0,7% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu tìm thấy trong ích trí là tecpen C10H16, sesquitecpen C10H24 và sesquitecpenancola. Năm 1958, hệ dược thuộc Viện Y học Bắc Kinh cũng đã nghiên cứu và xác định được trong ích trí nhân có chừng 1,71% chất saponin.
Ngoài ra, Vương Ninh Sinh trong Trung Dược Tài 1991 cũng đã có ghi lại về thành phần hóa học của ích trí nhân gồm: a-Cyperone, 1,8-Cineole, 4-Terpineol, a-Terpineol, a-Dimethyl Benzepropanoic acid, b- Elemene, Zingiberol, a-Eudesmol, 1-Methyl-3-Isopropoxy cyclohexane, Guaiol, Aromadendrene….
f/ Thu hái chế biến
Để thu hái ích trí nhân, người ta thường đợi đến tháng 7 – 8 hàng năm. Khi quả của cây ích trí chuyển từ xanh sang hồng thì hái về, phơi hoặc sấy khô. Tuy nhiên, chất lượng quả phơi khô thường được đánh giá là tốt hơn. Khi dùng loại bỏ vỏ quả, hạt to, mập là tốt nhất.
Nếu muốn sơ chế ích trí nhân, người ta thường đập bỏ vỏ ngoài, lấy cát cho vào nồi sao to lửa cho nóng rồi cho nhân hạt vào sao cho vỏ phồng lên, đến khi có màu vàng là được. Lấy ra, rây sạch cát, sẩy sạch, chỉ lấy phần nhân hạt. Sau đó trộn nhân hạt với nước muối theo tỷ lệ cứ 50kg hạt dùng 1,4kg muối. Tiếp tục sao qua lần nữa rồi lấy ra để nguội dùng dần. Lưu ý là không nên sao kỹ quá vì sẽ mất tinh dầu.
2/ Công dụng của cây ích trí nhân
Trong y học cổ truyền, ích trí nhân có vị cay, tính ấm không có độc, quy vào kinh tỳ, tâm và thận với tác dụng ôn tỳ, kiện vị, ấm thận, bền khí, cố hạ tiêu, sáp tinh, sáp niệu. Thuốc cũng có tác dụng an thần, ích khí, bổ bất túc, an tam tiêu, điều các khí; cố khí, làm uất kết khí được tuyên thông, ôn trung, tiến thực, nhiếp diên thóa, súc tiểu tiện…. Do đó, thường được dùng để chủ trị các trường hợp đái dầm, đái són, tiểu đêm nhiều, di tinh, tảo tiết, trị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng do lạnh, ngủ nhiều.
Các nghiên cứu y học hiện đại cũng chỉ ra một số công dụng của nhân hạt ích trí và chế phẩm của loại hạt này như: Thuốc có tác dụng ức chế co bóp hồi tràng, cường tim, làm giãn mạch; nước sắc nhân hạt ích trí có tác dụng ức chế tiền liệt tuyến, chống loét dạ dày, làm tăng ngoại chu vi huyết dịch bạch tế bào….
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây ích trí nhân
Hiện ích trí nhân vẫn được dùng rộng rãi hơn cả trong đông y với liều dùng phổ biến là từ 6 – 12g. Khi dùng thường trích với nước muối để nâng cao hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc phòng trị bệnh hiệu quả có dùng vị thuốc ích trí nhân.
– Chữa nôn mửa: Nếu hàn tà phạm vị gây nôn mửa thì dùng ích trí nhân, trần bì, hoắc hương, đảng sâm, can khương mỗi thứ 10g. Cho tất cả vào nồi sắc uống.
– Chữa tiêu chảy: Người bị tiêu chảy do tỳ thận hư có thể dùng ích trí nhân, kha tử, hoài sơn mỗi thứ 12g, tiểu hồi, trần bì, ô mai, can khương mỗi thứ 6g. Đem tất cả nghiền bột dùng hồ hoàn thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g.
– Chữa tiểu tiện nhiều, di niêu: Người bệnh có thể dùng bài Lâm thị tang phiêu xúc tuyền ẩm để bổ thận khí, sáp tiểu tiện. Bài thuốc gồm các thành phần ích trí nhân 15g, tang phiêu tiêu 30g, hoài sơn 30g. Thuốc cũng điều trị các trường hợn tiểu tiện nhiều lần trong và đầy bãi, có khi kiêm cả di niệu (đái dầm), lưng gối yếu mỏi, tai ù, đầu choáng váng, chất lưỡi nhạt, mạch trầm, tế nhược do thận hư suy hiệu quả.
– Chữa tiểu tiện không tự chủ: Nên bổ dương cố sáp bằng bài thuốc Triệu thị di niệu kinh nghiệm phương gồm ích trí nhân, tang phiêu tiêu, hoàng kỳ, trạch tả, nhân sâm, phúc bồn tử mỗi thứ 10g, phục linh 12g, thăng ma 6g, kim anh tử 6g. Sắc uống. Bài thuốc này trị hiệu quả chứng tiểu tiện không tự chủ, nước tiểu trong dài, lượng nhiều, bất cứ lúc nào cũng són ra, đái dầm, chân tay lạnh, lưng mỏi, mặt nhợt, mỏi mệt, do thận dương hư.
– Chữa trẻ em đái dầm: Có thể dùng bài thuốc Bế tuyền hoàn gồm ích trí nhân, bạch liễm, hoài sơn, phục linh, bạch truật, hắc sơn chi, bạch thược lượng bằng nhau. Đem tất cả tán bột làm thuốc hoàn. Tùy tuổi mà dùng liều lượng cho thích hợp.
– Chữa bàng quang khí bất túc (hư nhược): Dùng bài Xúc tuyền hoàn gồm các vị ích trí nhân, hoài sơn (sao), ô dược (sao với nước muối) đồng lượng. Đem tất cả tán bột, lấy bột hoài sơn thêm rượu làm hồ để hoàn thành viên, uống ngày 2 – 3 lầ, mỗi lần 8 – 12g. Bài thuốc này cũng chữa tiểu nhiều, người già thận dương hư đái són.
– Chữa di niệu ở người cao tuổi: Người cao tuổi di niệu, đoản hơi, sức yếu, trung khí bất túc cần ích khí, thăng đề, bổ thận, cố sáp có thể dùng bài thuốc Lưu thị trị di niệu phương gồm ích trí nhân, hoàng kỳ, bạch truật, tang phiêu tiêu, phúc bồn tử mỗi thứ 15g, thăng ma 5g. Sắc ngày 1 thang, chia nước thuốc thành 2 lần uống.
– Chữa đái dầm nhiều năm: Nếu đái dầm nhiều năm bệnh dai dẳng mãi không khỏi thì có thể dùng bài thuốc Ngũ vị ích trí thang gồm các vị ích trí nhân, ngũ vị, ma hoàng trích mỗi thứ 10g. Trẻ em từ 9 – 14 tuổi uống mỗi ngày 1 thang, uống liên tục 2 – 3 tuần sẽ thấy hiệu quả. Trường hợp người bệnh mệt mỏi, hư nhược, yếu sức, ngủ li bì gia sinh thêm sái sâm (nhân sâm loại sạch tạp chất, để nguyên vỏ, phơi khô) 6g.
– Chữa đái dầm do thận hư: Trường hợp đái dầm do thận hư hàn không chế được thủy thì khi điều trị cần ích thận, cố nhiếp. Do đó, người bệnh có thể dùng bài Củng đế hoàn gồm: ích trí nhân, ngũ vị tử, bổ cốt chi, phục linh, phụ tử, phỉ tử đều 40g; thục địa, bạch truật, thỏ ty tử, hoài sơn mỗi thứ 80g. Tất cả tán bột làm thành hoàn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g với nước ấm.
– Chữa phụ nữ bạch đới: Dùng bài thuốc Ích trí hoàn gồm: ích trí nhân, phục linh, phục thần lượng bằng nhau. Đem tất cả các vị tán bột mịn, uống ngày 2 lần, mỗi lần 8g với nước ấm. Bài thuốc này cũng giải quyết hiệu quả tình trạng di tinh do thận dương hư.
Reviews
There are no reviews yet.