Cẩu tích là loài quyết thực vật mọc hoang ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Giống cây này có tác dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương lưng gối. Bên cạnh đó còn có thể chữa chứng thận hư, đau lưng, tiểu tiện khó cầm, di tinh, bạch đới,…Để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như công dụng của vị thuốc này, các bạn hãy theo dõi bài viết sau nhé!
1.Một số thông tin về cây
Tên gọi và nguồn gốc
Cây thuốc này còn có tên gọi khác là rễ lông cu ly, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ.
Tên khoa học của nó là Cibotium barometz (L.) J. Sm
Thuộc họ lông cu ly Dicksoniaceae
Cẩu tích hoặc kim mao cẩu tích (Zhizoma Cibotti) là phần thân rễ được phơi hoặc sấy khô, có khi thái mỏng, phơi hoặc sấy khô của cây lông cu ly.
Theo cách hiểu dân gian, Cẩu là chó, Tích là lưng, xương sống. Khi thuốc chưa thái có hình giống lưng của con chó nên gọi là Cẩu tích.
Mô tả cây
Cây lông cu ly là một loại quyết thực vật, có thân nhưng rất yếu, chiều cao lên tới 2,50m. Lá dài đến 2m, có màu nâu, phía gốc có vẩy hình dải rất dài, được bao phủ xung quanh một lớp lông màu vàng bóng. Phiến lá dài tới 3m, rộng từ 60 – 80cm. Mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới của lá có màu lục lơ. Trục lá không có lông, trên phần gân của các lá chét bậc hai lại có lông len. Có một hoặc hai ổ tử nang ở mỗi bên gân giữa bậc ba. Phần thân rễ có lông tơ vàng bao phủ, trông như con chó hay con cu ly.
Vì phần thân rễ trông giống với con vật nên ngày xưa ở Châu Âu vào khoảng thế kỷ 16 – 17 , người ta cho nó là một con vật và đặt tên là Agnus scynthius. Người ta cho rằng cây động vật này được sinh ra do một hạt dính vào rễ, có máu và thịt như một con động vật ăn cỏ. Vì con vật này không đi lại được cho nên sau khi nó ăn hết cỏ xung quanh nơi nó được sinh ra thì nó chết đi.
Phân bố
Giống cây này mọc hoang khắp ở những vùng đồi núi của Việt Nam, nhiều nhất là vùng Tây Bắc như Lai châu, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Bên cạnh đó còn xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á như Lào, Camphuchia, Philippin, Malaixia và Indonexia, một số tỉnh miền Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến,…
Trong thời gian gần đây, người dân Hòa Bình có phong trào thu mua Cẩu tích để nhập cho thương lái Trung Quốc. Do đó nguồn Cẩu tích đã bắt đầu khan hiếm.
Thu hái cà chế biến
Cây thuốc này thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là vào khoảng cuối thu sang đông. Người dân thường thường đào lấy toàn bộ phần bẹ và những vùng có lông vàng của cây bao phủ, chặt bỏ toàn bộ cành.
Sau khi hái về thì rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông màu vàng phủ xung quanh thân rễ rồi thái mỏng, phơi khô. Có khi đồ hơi nước rồi mới phơi , tiến hành làm trong nhiều lần. Có trường hợp lại đồ với đậu đen 9 lần đồ, 9 lần phơi rồi cuối cùng thái mỏng, phơi khô.
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Bộ phận sử dụng làm thuốc
Phần gốc cây, thân rễ đã được cạo sạch lông
Mô tả dược liệu
Là đoạn thân rễ đã được bỏ lớp lông màu vàng bên ngoài. Mặt ngoài của đoạn thân rễ rất gồ ghề, có những chỗ lồi lên thành mấu, có màu nâu hoặc màu nâu hơi hồng. Đường kính từ 2 – 5cm, dài từ 4 – 10cm. Dược liệu khi dùng thường được thái thành phiến mỏng, mặt cắt ngang nhẵn, có vân, màu nâu nhạt hoặc màu nâu hồng.
Chế biến dược liệu
Đầu tiên rang cát nóng, sau đó cho dược liệu đã được thái phiến vào, rang cho cháy đến khi cháy hết lông còn sót lại. Lấy ra để nguội, rửa sạch. Tiếp theo đó ngâm nước trong vòng 12 giờ, đồ cho mềm, tẩm rượu trong vòng 12 giờ rồi sao cho thật vàng. Có thể ăn kết hợp với muối để bổ thận.
Thành phần hóa học
Theo nghiên cứu sơ bộ cho thấy trong Cẩu tích có chứa 30% tinh bột. Ngoài ra còn có chất màu và vitamin E, aspidinol, phần lông vàng ở thân rễ có chứa tannin và sắc tố.
2.Công dụng và liều dùng
Chỉ mới được sử dụng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ gan và thận. Chữa bệnh đau lưng, đau khớp xương, đầu gối, chữa phong thấp, người già hay đi tiểu tiện nhiều lần. Liều dùng từ 10 – 18g dưới dạng thuốc sắc.
Ngoài ra còn được sử dụng để chữa phụ nữ khí hư, bạch đới, phụ nữ có thai có triệu chứng đau lưng, nhức người.
Ngoài phần thân rễ, người ta còn sử dụng phần thân vàng phủ xung quanh thân rễ để đắp các vết thương, vết đứt tay, đứt chân để cầm máu. Các phần lông này hút huyết thanh của máu, giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông. Ngoài ra, người ta còn sử dụng lông này để nhồi đệm, nhồi gối.
Theo một số tài liệu cổ ghi lại, Cẩu tích có vị đắng, ngọt, tính ôn, đi vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh lưng gối, chữa phong hàn, thấp tỳ, đau lưng chân mỏi, khó tiểu tiện.
Đối với những người thận hư hữu nhiệt, tiểu tiện bất lợi hoặc đỏ vàng không dùng được.
3.Những bài thuốc từ Cẩu tích
Bài thuốc chữa đau nhức sống ngang lưng, tiểu tiện khó cầm, bổ can thận: Cẩu tích 16g, Thục địa 16g, Ngưu tất, Thổ ti tử, Lộc giao (chưng lên), Sơn thù du, Đỗ trọng mỗi vị 12g. Sắc lấy nước uống.
Bài thuốc trị phong thấp, hàn thấp chân tay tê đau: Cẩu tích 16g, Tỳ giải, Chế Ô đầu mỗi thứ 12g, Tô mộc 8g. Tán bột sau đó làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống từ 6 – 8g.
Bài thuốc trị đau lưng, gân mạch khớp chân khó cử động: Cẩu tích, khương hoạt, đỗ trọng, nhục quế mỗi thứ 30g. Chế phụ tử, tỳ giải, ngưu tất mỗi thứ 50g. Tang ký sinh mỗi thứ 40g, rượu trắng 1,5 lít. Ngâm trong vòng 1 tuần rồi lọc lấy phần nước trong để uống.
Bài thuốc trị can thận hư suy, phong thấp lưng và chân đau: Cẩu tích, hoàng kỳ, đan sâm mỗi thứ 30g, phòng phong 15g, đương quy 25g, rượu trắng 1 lít.
Bài thuốc trị đau lưng, đầu gối mỏi thuộc thận âm hư: Cẩu tích, đương quy, phục linh, thỏ ty tử liều lượng bằng nhau. Nghiền thành bột, kết hợp cùng mật ong luyện thành viên khoảng 9g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần từ 1 – 2 viên.
Bài thuốc chữa đau mỏi thắt lưng, tiểu tiện không cầm, phụ nữ đới hạ: Cẩu tích 16g, sơn thù du, lộc giao (chưng), ngưu tất, thỏ ty tử, đỗ trọng, mỗi vị 12g, Thục địa 16g. Sắc lấy nước uống.
Bài thuốc lưng gối mỏi do thận can hư: Cẩu tích 10g, Đỗ trọng 10 – 12g, Sa uyển tử 12 – 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa viêm cột sống tăng sinh có gai do can thận bất túc: Cẩu tích, thục địa, bạch thược, nhục thung dung, ngưu tất, cốt toát bổ mỗi vị 15g; Cây kỷ tử, sơn thù du, đương quy, nữ trinh tử mỗi vị 10g; Mộc hương 6g; Kê huyết đằng 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc chữa đau nhức tất cả các khớp: Cẩu tích 30g, độc hoạt, ngưu tất, huyết giác, cốt toái mỗi thứ 20g; Mộc qua, đan bì, sinh địa, mạch môn, cốt khí củ mỗi thứ 15g.
Trường hợp người bệnh thường xuyên đau lưng, nhức mỏi thì bổ sung thêm vị thuốc Ba kích, hà thủ ô, tục đoạn mỗi thứ 12g.
Trường hợp người bệnh chân tê bì hay hơi nề thì bổ sung thêm vị thuốc thiên niên kiện, gia mộc thông mỗi thứ 12g.
Trường hợp người bệnh sưng khớp có triệu chứng sốt thì cho thêm Bạch chỉ 6g, gia hoàng đằng 12g.
Bài thuốc chữa các khớp tê buốt, sưng phát cước, địa tiện lỏng: Cẩu tích, cốt toái, bạch chỉ, thiên niên kiện, thương truật, độc hoạt mỗi vị 15g, bạch truật 20g, tùng hương, nhũ hương, quế chi, tô mộc, xuyên khung mỗi vị 10g, phụ tử hcss, cam thảo mỗi vị 8g. Sắc lấy nước uống. Hai ngày một thang.
Một số món ăn – bài thuốc khác dùng Cẩu tích:
Thịt lợn hầm Cẩu tích, hoài sơn và đỗ trọng: Thịt lợn nạc 200g, Cẩu tích, đỗ trọng, hoài sơn mỗi vị 15g. Đầu tiên cho Cẩu tích, đỗ trọng vào trong một túi vải xô nấu lấy nước. Sau đó lấy nước sắc trên nấu với hoài sơn, thịt lợn nạc, nấu sền sệt để thành canh súp. Cho thêm gia vị cho vừa. Phù hợp với người cao tuổi, di niệu, đau nhức cột sống thắt lưng.
Thịt chó hầm cẩu tích: Cẩu tích, câu kỷ tử, kim anh tử mỗi vị 15g, thịt chõ nạc 500g. Cho thêm nước và gia vị, hầm cho nhừ. Phù hợp với những người di niệu, di tinh, yếu bại hai chân, người cao tuổi.
Rượu bổ thận tráng dương: Cẩu tích 18g, Đỗ trọng, tục đoạn, uy linh tiên, ngưu tất, ngũ gia bì mỗi vị 15g, rượu 1L, 30 độ. Ngâm trong vòng 7 ngày, ép chiết lấy nước. Ngày uống 2 lần sáng, tốt, mỗi lần uống 20 ml. Sử dụng cho người phong thấp, đau mỏi lưng gối.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.