Dừa cạn có hoa rất đẹp nên thường được trồng làm cảnh trong nhà. Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp mỹ miều đó, loại cây này còn là vị thuốc hữu hiệu trong việc điều trị bệnh.
Cây dừa cạn là gì ?
Tên khoa học/ tên khác
Nhiều người vẫn thường gọi dừa cạn là trường xuân, dương giác, bông dừa, hoa hải đằng, pervenche de Madagascar. Bên cạnh đó, trong từ điển, tên khoa học của loài cây này là Catharanthus roseus G.Don, Lochnera rosea Rcich, thuộc họ Trúc đào Apocynaceae. Cái tên Catharanthus được bắt nguồn từ vẻ đẹp tinh khiết của loài hoa này.
Mô tả cây
Từ trước tới nay, dừa cạn vốn được coi là một cây hoa cảnh với kích thước dao động từ 0,4 đến 0,8m. Loài cây này có bộ rễ cực kì phát triển, ăn sâu và bám vững chắc vào đất, phần thân khá đặc biệt khi mềm ở phía trên nhưng lại là thân gỗ ở phía gần gốc. Dừa cạn không mọc đơn lẻ mà sống thành bụi dầy. Lá cây mọc đối xứng theo cặp, thuôn dài, đầu và đuôi lá hơi nhọn, chiều dài lá ước chừng 8cm, trong khi đó chiều rộng chỉ khoảng 1 đến 2,5cm. Hoa của loài cây này rất đẹp, màu trắng hoặc hồng, thơm nhẹ nên hay được trồng làm cảnh. Quả gồm 2 đại, dài từ 2 đến 4cm mọc thẳng đứng, hơi ngả sang bên, bên trong chứa từ 12 đến 20 hạt. Mới đầu quả có màu xanh non, sau khi già thì ngả sang nâu, tự tách vỏ để gieo hạt đi khắp nơi. Giống cây này khá đặc biệt khi mà mùa hoa và quả kéo dài xuyên suốt cả năm.
Mọc chủ yếu ở đâu?
Loài cây này không chịu được lạnh nên thường sống tại các quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, Philippin, Indonexia, Ấn Độ, Châu Úc, Châu Phi,.. Tại Châu Âu và Châu Mỹ bạn vẫn có thể bắt gặp loài cây này ở những vùng có khí hậu nóng.
Tại Việt Nam, dừa cạn xuất hiện khắp mọi nơi nhưng vẫn được trồng nhiều nhất tại các tỉnh ven biển.
Thành phần hóa học
Từ thân và lá của dừa cạn, các nhà khoa học đã tìm ra các hoạt chất sau: axit pyrocatechic, sắc tố flavonic, anthocyanic. Bên cạnh đó lá cây còn rất giàu axit ursolic. Riêng phần rễ thì hoạt chất cholin là thành phần không thể thiếu.
Trong tất cả các bộ phận của cây, hoạt chất ancaloit có nhân indol cũng được tìm thấy, lượng hoạt chất dao động trong khoảng 0,2% cho đến 1%, thậm chí còn có thể cao hơn tùy theo nơi thu hái. Loại ancaloit này khá đặc biệt vì nó có khả năng chống u. Rễ và lá là bộ phận chiết xuất được nhiều nhất, trong khi đó hạt của cây lại không chứa hoạt chất này.
Thu hái chế biến
Dừa cạn có thể thu hoạch quanh năm. Như đã phân tích ở trên, lá, rễ, thân của cây đều chứa hoạt chất tốt nên có thể tận thu cả cây. Bạn có thể dùng tươi hoặc khô. Nếu dùng khô thì thời gian bảo quản sẽ dài hơn, bạn chỉ cần rửa sạch cây, đem phơi/sấy khô là được.
Công dụng của cây dừa cạn
Chưa có một tài liệu y học cụ thể nào phân tích và chứng minh công dụng của dừa cạn. Loài cây này được dùng để điều trị bệnh chủ yếu dựa theo kinh nghiệm dân gian. Có thể kể đến một số tác dụng nổi bật của cây như: tẩy giun, chữa sốt (rễ), săn da, lọc máu, điều trị bệnh đái tháo đường (thân và lá).
Riêng tại Việt Nam, bấy lâu nay người dân vẫn dùng loại cây này để chữa các căn bệnh thông thường như: lợi tiểu, ổn định huyết áp, tiểu đường.
Cách dùng cây dừa cạn
+ Dùng để điều trị ung thư máu, viêm đại tràng
Hiện nay, dừa cạn được sử dụng chủ yếu dưới dạng sắc uống. Bạn chỉ cần sắc 15 đến 20g thân cây đã sao vàng cùng nước trong nồi đất, uống hàng ngày, mỗi ngày 2 – 3 lần.
+ Ổn định huyết áp
Huyết áp cao luôn là một căn bệnh đáng lo ngại. Bên cạnh việc kiểm soát chế độ ăn uống bạn cũng nên sử dụng 1 trong 4 bài thuốc dưới đây:
Bài 1: Lấy 20g thân cây sao vàng, sắc cùng 20g lá dâu trong ấm đất, ngày dùng 2 – 3 lần, uống trong ngày.
Bài 2: Các vị thuốc cần chuẩn bị bao gồm: 160g dừa cạn, 160g cỏ xước, 140g cam thảo đất, 180g lá đinh lăng, 120g đỗ trọng, 150g hoa hòe, 100g chi tử. Tất cả đem sao giòn, tán vụn, trộn đều để trong lọ kín. Mỗi ngày bạn dùng 40g thuốc hãm như trà trong vòng 10 phút.
Bài 3: Đây là bài thuốc hội tụ khá nhiều vị, bao gồm: 12g dừa cạn khô, 10g hồng hoa, 20g tô mộc, nga truật, hương phụ mỗi loại 12g, 8g chỉ xác, trạch lan, huyết đằng mỗi loại 16g. Mỗi ngày bạn sắc 1 thang thuốc trên, chia 3 lần sắc trong ngày, dần dần huyết áp sẽ ổn định.
Bài 4: Bao gồm các vị thuốc: bạch cúc, thảo quyết minh mỗi loại 6g, dừa cạn 12g, hy thiêm 9g, đem sắc uống.
+ Bài thuốc trị đau nhức, mỏi tay chân
Lấy lá dừa cạn và lá hoa hòe trộn chung, giã nát, đắp lên vùng bị đau.
+ Bài thuốc chữa chứng mất ngủ
Bạn nên sắc uống các vị thuốc sau: dừa cạn khô 20g, hạt muồng sao đen 12g, lá vông nem, giấc ngủ sẽ dễ và sâu hơn.
+ Hỗ trợ điều trị u xơ tuyến tiền liệt
Sắc cần sắc uống mỗi ngày 1 thang thuốc sau: dừa cạn 2g, huyền sâm 12g, chè khô 12g, hoàng trinh nữ 5g, bối mẫu 10g, cát căn 16g, lá đinh lăng 16g.
+ Đẩy lui chứng bế kinh ở phụ nữ
Vị thuốc cần chuẩn bị bao gồm: 16g dừa cạn khô, 12g nga truật, 8g chỉ xác, 12g hương phụ, 16g trạch lan, 10g hồng hoa, 16g huyết đằng, tất cả đem sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần.
+ Trị chứng rong kinh
Chỉ cần lấy 20 – 30g dừa cạn sao vàng sắc uống liên tục từ 3 đến 5 ngày, chứng bệnh sẽ được cải thiện.
+ Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
Bạn nên kết hợp cả 2 biện pháp đắp và uống để hiệu quả đạt được là cao nhất. Đối với đắp, hãy lấy hoa, lá dừa cạn cùng lá thầu dầu tía đem rửa sạch, giã nát, đắp vào vùng trĩ. Đối với phương pháp uống, bạn nên sắc mỗi ngày 1 thang các vị thuốc sau: dừa cạn sao vàng, cỏ mực mỗi loại 20g, phòng sâm, bạch truật mỗi loại 16g, hoàng kì, đương quy, cam thảo mỗi loại 12g, sài hồ , trần bì, thăng ma mỗi loại 10g. Mỗi ngày bạn sắc 3 lần, uống liên tục trong vòng 10 ngày, nghỉ 3 – 4 ngày rồi lại uống tiếp.
+ Trị lỵ trực khuẩn
Dừa cạn sao vàng, cỏ sữa, cỏ mực, lá khổ sâm, rau má, đinh lăng mỗi vị 20g, chi tử, hoàng liên mỗi loại 10g. Sắc chung bài thuốc trên cùng 3 bát nước, đun cạn còn 1 nửa thì nhấc ra, chia 3 lần uống.
+ Trị chứng tiêu khát
Mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc sau: ngũ vị, đan bì mỗi loại 10g, khiếm thực, khởi tử, sơn thù, thạch hộc mỗi loại 12g, cát căn 20g, hoài sơn, dừa cạn mỗi loại 16g. Chia 3 lần uống trong ngày.
+ Trị u xơ tiền liệt tuyến
Đây cũng là bài thuốc sắc uống với các vị thuốc như: dừa cạn, chè khô, huyền sâm mỗi loại 12g, xuyên sơn 10g, hoàng cung trinh nữ 5g, cát căn, đinh lăng mỗi loại 16g. Thuốc này liều dùng ngày 1 thang, chia 3 lần sắc uống.
+ Điều trị khí hư bạch đới ở nữ giới
Dừa cạn 12g, lá bạc sau, biển đậu, cây chó đẻ, rễ cây bạch đồng nữ, đan sâm mỗi vị 16g. Tất cả mang đi sắc uống ngày 1 thang.
+ Trị bỏng nhẹ
Lấy lá dừa cạn rửa sạch, giã nát, đắp lên vết bỏng liên tục trong 2 – 3 ngày.
+ Hỗ trợ điều trị ung thư
Sắc 15g dừa cạn và 30g cây xạ đen với 1 lít nước, đun đến khi còn 700ml thì tắt bếp, chia 3 lần uống, dùng sau khi ăn xong 30 phút.
+ Trị bệnh bạch cầu lymphô cấp
Sắc 15g dừa cạn uống hàng ngày.
Mặc dù dừa cạn là vị thuốc tốt nhưng bạn không nên sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người có huyết áp thấp. Ngoài ra, cây hoa trắng sẽ có tác dụng chữa bệnh tốt hơn cây hoa hồng. Đặc biệt, không nên dùng thuốc ở liều lượng cao mà cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của ác sĩ điều trị.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.