1/ Cây bạch biển đậu là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Bạch biển đậu còn được gọi là đậu ván trắng, biển đậu, bạch đậu, đậu bạch biển, đậu bàn trắng, đậu ván. Cây có tên khoa học là Dodichos Lablab L., Lablab vulgaris Sav. L., Dolichsos albus Lour, thuộc họ khoa học Cánh bướm – Fabaceae (Papilionaceae). Vị thuốc bạch biển đậu (Semen Dolichoris) là hạt của cây đậu ván trắng đã chín, được phơi khô.
Theo một số y thư thì vị thuốc này còn có nhiều tên gọi khác như duyên ly đậu, nga mi đậu (Bản Thảo Cương Mục), thúa pản khao (Tày nùng), tập bẩy pẹ (Dao), bạch nga mi đậu, dang song, bạch biển đậu, sương mi đồng khí (Hòa Hán Dược Khảo), thụ đậu (Trung Quốc Dân Gian Bách Thảo Lương Phương), nam biển đậu (Trấn Nam Bản Thảo), sao biển đậu, biển đậu y, bạch mai đậu, biển đậu hoa (Đông Dược Học Thiết Yếu), bạch biển đậu tử (Yếu Dược Phân Tễ), trà đậu (Giang Tô Thực Vật Chí).
b/ Mô tả cây
Bạch biển đậu là một loại cây thân dây leo, có thể leo dài tới 5m hay hơn, tuổi thọ từ 1 – 3 năm. Thân leo của cây màu xanh, có góc, hơi có rãnh, 1/3 – 1/2 chu vi trên mép của hạt kéo dài có lông thưa dài, mềm. Lá bạch biển đậu là lá kép, mọc cách, mỗi lá có 3 lá chét hình trứng, phía dưới hơi bè ra hình quả trám, lá chét dài 5 – 10cm, rộng 4 – 8cm. Cuống chung dài 4 – 13cm, phần cuối hơi phình ra, cuống lá chét 2 bên dài chừng 5mm, cuống lá chét giữa dài 2 – 3,5cm.
Mùa hoa đậu ván trắng từ tháng 4 – 5, hoa mọc thành chùm, ở ngọn cành vá kẽ lá. Cuống mỗi cụm hoa dài 6 -15cm mang hoa ở 1/3 – 1/2 trên. Mỗi mấu cuống có 2 – 3 bông hoa hình bướm màu trắng hoặc tím nhạt, hoa khá to, thơm, cuống từng hoa dài 2 – 3cm. Đài hoa có hình ống với 5 răng đều nhau hình tam giác, tràng hoa có 5 cánh. Tiền khai hoa cờ 10 nhị xếp thành 2 vòng, 1 nhị đơn độc còn 9 nhị khác thì dính vào nhau thành màng bao quanh nhụy 1 lá noãn.
Mùa quả từ tháng 9 – 10. Quả đậu ván là quả giáp màu xanh nhạt, dài 5 – 9cm, rộng 1,5 – 2,5cm. Gốc thuôn hẹp, đầu cụt nghiêng. có mũi nhọn, cong, mầu lục nhạt, một mép sần sùi hơi cong về một phía. Mỗi quả 4 – 5 hạt nằm ngang, hạt màu trắng, dài 8mm, rộng 5 – 6mm, có mồng ở mép. Đến khi già thì quả đậu ván chuyển sang màu vàng nhạt.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Đậu ván được trồng ở khắp nơi nước ta để lấy quả non ăn, quả già lấy hạt làm thuốc. Ở các vùng nông thông, người dân thường trồng cho leo lên cây sung hoặc trên hàng rào. Các tỉnh trồng nhiều nhất là Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Sông Bé.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chính là quả đậu ván. Một số bài thuốc cũng dùng đến hoa.
e/ Thành phần hóa học
Trong bạch biển đậu có chừng 57% cacbon hydrat, 22,7% chất protein, 1,8% chất béo, 0,046% canxi, 0,052% photpho, 0,001% chất sắt. Ngoài ra, còn có các chất như men tyrosinaza, axit xyanhydric, vitamin A, vitamin B2, vitamin C và lượng lớn vitamin B1. Protein của bạch biển đậu thì chứa nhiều axit amin như trytophan, acginin, lyzin và tyrozin. Các tài liệu liệu y học khác còn chỉ ra nhiều thành phần hóa học trong bạch biển đậu như:
– Theo Dược Liệu Việt Nam thì hạt bạch biển đậu chứa 82,4% nước, 10% glucid, 4,5% protein, 0,1% lipid, 1% chất vô cơ, 0,05% canxi, 0,06% phốt pho, 1,67mg sắt, 7,33 – 10,26mg sinh tố C và arginin, lysin, tryptophan, tyrosin. Hạt đậu ván trắng chưa chín thì chứa một số hợp chất điều tiết sinh trưởng như: castasteron, dolicholid, dolichosteron, homodolichosteron brassinolid, homodolicholid, 6-deoxy Dolichosteron, 6-deoxycastasteron. Hạt còn chứa một hỗn hợp polysacharid bao gồm chất galactose và galactosyl – arabinose.
– Theo Ayako Matushita, C A 1968, 68: 66373j thì biển đậu chứa các thành phần như: carotene, sucrose, vitamin B1, glucose, stachyose maltose, raffinose.
– Theo Trung Dược Học thì vị thuốc này có thành phần hóa học gồm albumine, lipid, hydrate carbure, cyanhydride, caseinase, calcium, phốt pho, sắt.
– Theo Kasmiri M và cộng sự C A, 1990, 112: 234162n, trong đậu ván có linoleic acid 57,95%, elaidc acid 15,05%, stearic acid 11,26%, behenic acid 10,40%, tinh dầu 0,62%, palmitic acid 8,33%, oleic acid 5,65%, arachidic acid 0,58%.
– Theo Jaffe Werner G. C A 1969, 70: 103213w thì biển đậu có vitamin B1, carotene, sucrose, stachyose, gucose, maltose, raffinose.
f/ Thu hái chế biến
Muốn hái hạt làm thuốc thì hái vào tháng 9 – 10, sau tiết bạch lộ. Hái quả chín già về đập lấy hạt, phơi khô là được. Từ bạch biển đậu, người ta chế được nhiều vị thuốc tốt như:
– Biển đậu nhân là nhân hạt bạch biển đậu, chế bằng cách ngâm hạt đậu ván trắng vào nước cho vỏ phồng lên, đãi lấy nhân phơi riêng, vỏ phơi khô riêng. Hạt bạch biển đâu thường có hình trứng tròn, hai bên trái phải hơi dẹt. Vỏ hạt màu trắng ngà, có khi có chấm đen, nhẵn, hơi bóng, ở mép có cạnh tù màu trắng nổi lên đó là mầm rốn. Bóc đi bỏ hạt đi sẽ được phần nhân hạt màu vàng sữa, vị nhạt, khi nhai có mùi vị đặc trưng của hạt họ đậu.
– Biển đậu y (Testa Dolichoris) là vỏ hạt bạch biển đậu.
– Bạch biển đậu sao là phần nhân hạt biển đậu cho vào nồi gang hay chảo sao cho đến khi có màu vàng đen, lấy ra để nguội để dùng.
2/ Công dụng của cây bạch biển đậu
Theo đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, tính hơi ôn, không độc, vào 2 kinh tỳ và vị. Thuốc có khả năng hòa trung, hạ khí nên thường được dùng làm thuốc chỉ tả lỵ, bổ tỳ vị, trị trúng độc các loại thảo dược, chữa phụ nữ bị đới hạ, phiền khát và các chứng đau bụng, xích bạch đới, trúng độc, bạch trọc, thổ tả, giải độc của rượu. Thuốc còn có khả năng trị tỳ vị hư nhược tiêu chảy, ăn uống không tiêu, bạch đới, thổ tả do thử thấp, bụng ngực đầy trướng. Bạch biển đậu sao thì có tác dụng kiện tỳ, hóa thấp, thường dùng để trị tỳ vị hư yếu, bạch đới.
Trong thực nghiệm, dịch chiết của đậu ván trắng có tác dụng ức chế khuẩn lỵ, kháng lỵ độc. Thuốc còn có tác dụng chống bị ngộ độc thức ăn mà sinh ra nôn mửa, giải độc rượu, giải độc cá lóc, chữa viêm dạ dày viêm và viêm ruột cấp tính.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng bạch biển đậu
Bạch biển đậu non là thực phẩm giàu dinh dưỡng. Quả già là vị thuốc tốt với nhiều công dụng cho sức khỏe. Liều dùng chính của bạch biển đậu là từ 8 – 12g. Vị thuốc này thường được kết hợp với một số vị thuốc cùng công dụng để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, người đang bị chứng hàn hoặc có ngoại tà không được dùng. Dưới đây là một số bài thuốc từ bạch biển đậu:
– Chữa bụng đau, thổ tả vào mùa hè do nội thương thử thấp: Người bệnh có thể dùng bài Hương Nhu Tán – Thái Bình Huệ Dân Hòa Tễ Cục Phương với thành phần bạch biển đậu 12g, hậu phác 8g, hương nhu 12g; sắc uống. Hoặc bài Hương Nhu Thang – Hòa Tễ Cục Phương gồm các thành phần bạch biển đậu (sao) 30g, hậu phác (sao gừng) 30g, phục thần 30g, chích thảo 16g, hương nhu 60g; tán bột, mỗi lần dùng 6g, sắc uống.
– Chữa tiêu chảy do tỳ hư: Người bệnh có thể dùng bài Linh Bạch Truật Tán – Hòa Tễ Cục phương gồm các thành phần bạch biển đậu 960g; đảng sâm, phục linh, bạch truật, cam thảo mỗi thứ 1280g; sa nhân, liên nhục, ý dĩ nhân, cát cánh mỗi thứ 640g. Tất cả tán thành bột mịn, ngày 2 – 3 lần, mỗi lần uống 12g, uống với nước sắc đại táo (Sâm).
– Chữa bụng đau, thổ tả: Nếu mùa hè bị nội thương thử thấp, đau bụng, thổ tả thì dùng bài thuốc trong Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách gồm bạch biển đậu 4g, hoắc hương 8g, thương truật 8g, sắc uống.
– Chữa tiểu đường, khát nước: Có thể dùng bài Nhân Tôn Đường phương gồm bạch biển đậu, ngâm nước, bỏ vỏ, nghiền nhỏ. Trộn đậu nghiên với mật ong và nước sắc thiên hoa phấn rồi làm thành viên bằng hạt ngô đồng. Lấy kim bạc bao bọc ngoài làm thành áo. Mỗi lần uống 20 – 30 viên với nước sắc thiên hoa phấn, ngày uống 2 lần.
– Chữa các loại độc: Để giải các loại độc thì lấy bạch biển đậu, tán bôt, ngày uống 2 lần mỗi lần 12g. Nếu bị trúng độc cá nóc, các loại cá, cua, say rượu gây đau bụng tiêu chảy thì lấy bạch biển đậu 30 hạt giã nát lấy nước uống.
– Chữa thiếu máu, da vàng: Người bệnh có thể dùng bài Bạch Biển Đậu Thang -Y Phương Ca Quát gồm bạch biển đậu 12g, bố chính sâm 12g, hoài sơn 12g, mẫu lệ 6g, hạt keo dậu 6g, ô tặc cốt 6g, ý dĩ 6g. Sắc uống.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.