1/ Cây hoắc hương là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Hoắc hương có tên khoa học là Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Trong một số sách thuốc, hoắc hương còn được gọi với các tên gọi khác nhau như: hợp hương, tô hợp hương, linh lung hoắc khử bệnh, hoắc khử bệnh (Hòa Hán Dược Khảo), bát đát la hương (Kim Quang Minh Kinh), đầu lâu bà hương (Lăng Nghiêm Kinh), đa ma la bạt hương (Pháp Hoa Kinh), gia toán hương (Niết Bàn Kinh), quảng hoắc ngạnh, quảng hoắc hương, tiên hoắc hương, thổ hoắc hương (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), thanh kinh bạc hà (Quảng Tây Bản Thảo Tuyển Biên), thổ hoắc hương (Trấn Nam Bản Thảo), miêu vĩ ba hương, miêu ba hổ (Liễu Ninh Thảo Dược), ngư hương, kê tô, thủy ma diệp (Tứ Xuyên Trung Dược), lục hà hà (Phúc Kiến Dược Vật Chí).
Ngoài ta, còn có 2 giống hoắc hương cũng thường được dùng làm thuốc là quảng hoắc hương Herba Pogostemi hay Herba Patchouli và thổ hoắc hương Agastache rugosa (Fisch et Mey) O.Kuntze.
– Quảng hoắc hương (Herba Pogostemi hay Herba Patchouli) là phần cành và lá phơi hay sấy khô hoặc có thể lấy toàn bộ phần trên mặt đất của cây Pogostemon cablin (Blanco) Benth phơi hoặc sấy khô.
– Thổ hoắc hương hay xuyên hoắc hương (Herba Agastachis rugosae) là toàn bộ phần trên mặt đất phơi khô của cây hoắc hương hay thổ hoắc hương – Agastache rugosa (Fisch et Mey) O.Kuntze. Cây này cùng thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
b/ Mô tả cây
Hoắc hương là loại cây thân thảo sống lâu năm, thân cây có phân nhánh, cao từ 30 – 60cm, đường kính 2 – 7 mm. Trên thân cây có một lớn lông, chất giòn, dễ gẫy, ở mặt gẫy thấy tuỷ rõ. Thân hoắc hương già gần hình trụ, đường kính 10 – 12 mm, trên thân có một lớp bần màu nâu xám. Lá cây đối xứng, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, có cuống ngắn, dài chừng 5 – 10cm, rộng 2,5 – 7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Lá vò ra có mùi thơm đặc biệt, nhấm thử thấy vị hơi đắng. Hoa màu hồng hoặc tím nhạt, mọc thành bọng ở đầu cành, lẽ lá. Tuy nhiên, cây trồng ở Việt Nam ít ra hoa và kết quả.
Ngoài giống Pogostemon cablin (Blanco) Benth kể trên, người ta còn dùng loài hoắc hương Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze cùng thuộc họ hoa môi. Đây là loại cỏ sống hàng năm cao từ 40 – 100cm. Lá hình trứng, đầu lá nhọn phía cuống hơi hình tim, dài 2 – 8cm, rộng 1 – 5cm. Cuống lá dài 1 – 4cm, mép có răng cưa thô, to. Hoa của Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze ra trong khoảng tháng 6 – 7, mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hoặc kẽ lá. Cánh hoa có màu tím hoặc trắng. Đến tháng 10 – 11 thì cây có quả. Giống hoắc hương này cũng mọc ở nước ta nhưng ít phổ biến hơn loại trên.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Ở nước ta, hoắc hương được trồng nhiều nơi ở miền bắc, chủ yếu dùng để lấy lá và cành làm thuốc. Các vùng trồng nhiều nhất là Kim Sơn (Hà Nam), Hưng Yên. Tại Hà nội, trước đó vườn thuốc Văn Điển có trồng thử giống cây này. Vì cây mọc ở nước ta ít ra hoa, kết quả nên thường được trồng bằng cách dâm cành.
Ngoài nước ta, hoắc hương còn xuất hiện tại một số nước khác thuộc vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Cây thường được trồng quy mô để lấy lá cất tinh dầu. Những nước sản xuất tinh dầu hoắc hương nhiều nhất hiện nay là Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Indonesia.
d/ Bộ phận dùng
Lá khô hoặc phần nằm trên mặt đất (Herba Pogostemi) của cây hoắc hương.
e/ Thành phần hóa học
Cây hoắc hương chứa tinh dầu (1,2%) mà thành phần chủ yếu là patchoulen (50%), alcohol patchoulic (45%) và một số thành phần khác như benzaldehyd, eugenol, cadinen, aldehyd cinnamic, sesquiterpen và epiguaipyridin.
Cũng có tài liệu cho rằng lá hoắc hương khô có chứa 0,5 – 0,6% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu chiết từ cây hoắc hương là cồn patchouli C15H26O còn gọi là long não patchouli, chất andehyt bezoic, andehyt xinamic, cadinen C15H24, eugennola, sesquitecpen và azulen.
Trong đó, long não patchouli là một rượu bậc 3. Chất này kết tinh dưới dạng tinh thể hình lục lăng, có khi kết tinh ngay trong tinh dầu. Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự J.Ess Oil Res 2,99-100, March-April 1989 cho biết, đã thấy cồn patchouli chiếm 32 – 38% trong tinh dầu cất từ lá cây mọc ở Hà Nội. Ngoài ra còn 10 thành phần khác đã được phát hiện trong đó có α-bunesine và α-guaiene.
Hiện có thể cất tinh dầu hoắc hương bằng lá cây tươi nhưng tỷ lệ thấp. Thường thì tinh dầu chỉ xuất hiện trong lá khô hoặc lá để thành đống cho hơi lên men khô dần.
f/ Thu hái chế biến
Khi cây hoắc hương có cành lá xum xuê thì cắt lấy phần cây trên mặt đất. Lựa thứ nguyên vẹn, lá dùng mềm, mùi thơm nồng là tốt. Ngày phơi, đêm đậy kín, làm nhiều lần như vậy cho đến khi dược liệu khô hẳn thì đóng gói để bảo quản và dùng dần.
Theo một số sách y thì hoắc hương còn có thể bào chế như sau:
– Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển thì lấy lá khô thái nhỏ dùng trong thuốc thang hoặc tán bột nhỏ để làm hoàn tán.
– Theo Đông Dược Học Thiết Yếu thì phun nước cho ngấm đều, thái phiến, phơi khô để dùng.
2/ Công dụng của cây hoắc hương
a/ Theo y học cổ truyền:
Y học cổ truyền cho rằng lá hoắc hương có vị cay, the, mùi thơm hắc, tính ấm. Vị thuốc này có tác dụng khứ ác khí, liệu phong thủy độc thủng, liệu hoắc loạn, chỉ thống, bổ vệ khí, ích vị khí, tiến ẩm thực, thăng thanh, giáng trọc, tránh uế, chỉ ẩu, hòa khí, hóa thấp, tỉnh tỳ, hoà vị… Do đó, thuốc thường được dùng để trị thấp ở biểu, buồn nôn, nôn mửa do tỳ vị bệnh, bụng đầy, tiêu chảy, kiết lỵ, cảm thử thấp, hàn nhiệt, đau đầu, ngực đầy, miệng hôi….
b/ Theo y học hiện đại:
Các nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng tinh dầu trong hoắc hương không chỉ có mùi thơm nhẹ, dễ chịu mà còn có hàng loạt công dụng cho sức khỏe như:
– Giảm viêm: Tinh dầu và các chiết xuất từ hoắc hương khác có khả ăng giảm viêm, giảm kích ứng do sốt cao. Ngoài ra, nó cũng là một thành phần chính được dùng trong các loại thuốc để điều trị viêm khớp và bệnh gout.
– Ngăn ngừa nhiễm trùng: Tinh dầu hoắc hương cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai đang có nguy cơ nhiễm trùng. Bởi nó hoạt động như một chất bảo vệ các vết thương và vết loét khỏi bị nhiễm trùng. Thậm chí, loại tinh dầu này còn đẩy nhanh quá trình hồi phục ở các vết thương hở.
– Ức chế sự phát triển của nấm: Tinh dầu chiết xuất từ cây Pogostemon cablin (Blanco) Benth cũng rất hữu ích trong việc kiềm chế sự phát triển của các loại nấm gây bệnh trên cơ thể. Theo nghiên cứu, các hợp chất trong tinh dầu có thể giúp cơ thể loại bỏ nhiều bệnh do nấm như: nấm chân ở các vận động viên thể thao, nấm ở hệ hô hấp….
– Cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng: Theo các nghiên cứu, tinh dầu hoắc hương cực kỳ tốt cho những người bị căng thẳng và trầm cảm. Khi ngửi mùi hương thơm dịu này, cơ thể sẽ giải phóng các hormone như serotonin và dopamine. Các hormone này không chỉ giúp tâm trạng của bạn phấn khích hơn mà còn làm thư giãn thần kinh.
– Ngăn ngừa sẹo: Tinh dầu từ Pogostemon cablin (Blanco) Benth còn có khả năng kích thích sự co bóp thần kinh, cơ và tế bào da…. Qua đó, ngăn ngừa sự hình thành của các vết sẹo sau chấn thương. Do đó, đây cũng là thành phần quen thuộc trong các sản phẩm làm đẹp da.
– Loại bỏ mùi cơ thể: Pogostemon cablin (Blanco) Benth có hương thơm nhẹ và dịu. Do đó, nó có thể giúp bạn nhanh chóng loại bỏ mùi cơ thể. Bạn cũng có thể pha loãng tinh dầu này với các loại nước hoa để tạo hương thơm độc đáo, ấn tượng.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây hoắc hương
Do có nhiều công dụng nên hoắc hương được cả ngành y tế và kỹ nghệ nước hoa tin dùng. Trong nhân dân, đây là một vị thuốc lành mạnh, được dùng để chữa nhiều chứng bệnh thông thường với liều dùng từ 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Mọi người có thể dùng riêng hay phối hợp với vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ hoắc hương:
– Chữa ăn không tiêu, sôi bụng, đau bụng: Chuẩn bị hoắc hương 12g, hoa đại 12g, hạch xương bồ 12g, vỏ bưởi đào (sao cháy) 6g. Tất cả tán thành bột trộn đều. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g với nước chè nóng trước bữa ăn nửa giờ.
– Chữa tiêu chảy: Lấy hoắc hương 12g, cát căn 12g, đậu ván trắng 8g; sa nhân 8g, nụ sim 8g (sao), mộc hương 8g, vỏ rộp ổi 8g, cam thảo 4g, gừng nướng 3 lát. Cho tất cả vào nồi sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày.
– Chữa cảm, sốt, ho, đau nhức: Dùng hoắc hương 6g, hương nhu 6g, tía tô 6g, cam thảo đất 8g, lá chanh 8g, chua me đất 10g, gừng 3 lát. Cho tất cả vào nồi sắc uống ngày 1 thang.
– Chữa cảm sốt, ăn không tiêu: Lá hoắc hương 6g, hương nhu 5g, vỏ quýt 8g và ba lát gừng tươi thái mỏng, rửa sạch, để khô. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống. Lưu ý là mỗi ngày cần cho người bệnh uống đủ hai lần sao cho một ngày uống hết một thang thuốc. Uống liên tục trong khoảng 2 ngày sẽ thấy có tác dụng.
– Chữa cảm cúm, nhức đầu: Chuẩn bị hoắc hương 6g, rau kinh giới 10g, lá chanh 8 lá. Tất cả đem rửa sạch, để trong rổ cho đến khi ráo nước. Sau đó, cho thuốc vào siêu đất sắc. Mỗi ngày cho người bệnh uống 2 lần, uống khi thuốc còn nóng. Nếu nước thuốc nguội thì phải hâm lại trước khi uống. Mỗi ngày cần uống đủ 1 thang thuốc, uống liên tục trong 3 ngày sẽ thấy đỡ.
– Chữa cảm mạo, sốt, ăn không tiêu, đau bụng: Dùng bột “Hoắc hương chính khí” gồm hoắc hương 15g, lá tía tô 10g, thương truật 8g, phục linh 6g, trần bì 5g, cam thảo 3g, hậu phác 3g, đại táo 4 quả. Tất cả tán thành bột mịn. Người lớn uống mỗi lần 8 – 10g, ngày 2 – 5 lần. Trẻ em 8 – 10 tuổi mỗi lần uống 4g, trẻ em 4 – 7 tuổi mỗi lần uống 3g, trẻ em 2 – 3 tuổi mỗi lần uống 2g, trẻ dưới 1 tuổi không được dùng.
– Chữa thổ tả: Chuẩn bị hoắc hương, hậu phác, cam thảo, sa nhân, mộc hương, thương truật, trần bì các vị lượng bằng nhau (6 – 8g). Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.
– Chữa phát ban: Hoắc hương, bồ bồ (nướng), hậu phác, trần bì mỗi vị 50g. Tất cả tán nhỏ, rây lấy bột mịn. Mỗi lần uống nửa thìa cà phê.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.