Long đởm thảo chính là phần thân rễ được phơi khô của cây Long đởm. Ngoài việc mang lại nhiều giá trị dược lý, nó còn có tác dụng điều trị được nhiều chứng bệnh khác nhau như: Hoàng đởm, thấp chẩn, đau đầu, sốt cao, tai điếc, miệng đắng,…Để hiểu rõ hơn về công dụng chữa bệnh của Long đởm thảo, các bạn hãy theo dõi bài viết sau nhé!
Trong Đông y, Long đởm thảo được đánh giá là một loại thảo dược quý hiếm, số lượng rất ít. Chính vì vậy công dụng của nó cũng tốt hơn rất nhiều so với các loại thảo dược khác. Trong những bài thuốc quý, vị thuốc này là thành phần chính, đóng vai trò quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên nhiều người bệnh lại khá đắn đo khi sử dụng Long đởm thảo để làm thuốc chữa bệnh. Vì thế bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về đặc điểm cũng như công dụng của Long đởm thảo để người bệnh có một cái nhìn bao quát nhất về vị thuốc này.
1.Một số thông tin về Long đởm thảo
Tên khoa học, tên gọi khác
Long đởm thảo có tên khoa học là Gentiana scabra Bunge. Thuộc họ long đởm Gentianaceae.
Ngoài ra, cây thuốc này còn có tên gọi khác là Lăng Du ( theo Bản Kinh); Đởm thảo, Quan Âm thảo, Tà Chi Đại Sĩ, Tà Chi Đại Phu, Khổ Đởm (theo Hòa Hán Dược Khảo); Trì long Đởm (Nhật Bản); Sơn Lương Đởm, Thảo Long Đởm ( theo Tục Danh).
Giải nghĩa tên Long đởm thảo, có tài liệu cho rằng: Long là rồng, đởm là mật. Vì vị thuốc này trông giống râu rồng, lại có vị đắng như mật nên nó có tên là Long đởm thảo.
Mô tả cây
Đây là một giống cây cỏ lâu năm, có độ cao khoảng chừng 35 – 60cm. Có nhiều rễ nhưng thân rễ ngắn, đường kinh khoảng từ 2 – 3mm, lớp vỏ ngoài của rễ có màu vàng nhạt. Thân cây mọc đứng, có 2 – 3 cành hoặc đơn độc, đốt ngắn hơn chiều dài của lá. Lá mọc đối nhau, không có phần cuống, chiều dài khoảng từ 3 – 8cm, chiều rộng khoảng từ 0,4 – 3cm, lá có phần thân dưới nhỏ, phần thân trên to và rộng hơn. Hoa trông giống hình chuông, mọc thành từng chum, không có cuống, có màu lam nhạt hoặc màu sẫm. Hoa mọc ở đầu cành hoặc ở kẽ lá phía trên. Mùa hoa từ tháng 9 – 10. Mùa quả vào tháng 10.
Phân bố, thu hái và chế biến
Giống cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hắc Long Giang. Ở Việt Nam, ở những vùng núi phía cao tiếp giáp với Trung Quốc người ta phát hiện ra giống cây này như ở tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Để lấy được phần rễ tốt, người ta thường thu hoặc vào mùa xuân và mùa thu. Sau khi thu hái về, rửa sạch đất cát rồi phơi khô.
Bộ phận sử dụng làm thuốc
Rễ. Thông thường người ta sử dụng rễ chùm, có nhiều tua nhỏ mọc ra từ rễ, mềm, có màu vàng đậm.
Mô tả dược liệu
Rễ Long đởm có phần đầu nhỏ, phần thân rễ dưới có chùm, khoảng vài chục cái rễ nhỏ mọc thành từng cụm, có hình hơi thẳng dài hoặc hơi cong. Độ dài khoảng từ 10 – 20cm, đường kính khoảng 0,1 – 0,3cm. Mặt ngoài có màu vàng đậm hoặc màu nâu vàng. Phía trên có vân theo hình vòng tròn nổi lên trên bề mặt, vì nó rất dày nên có thể thấy rõ. Toàn bộ có đường nhăn sọc, chất khá giòn, rất dễ dàng để bẻ gãy. Mặt cắt ngang có hình tròn hoặc hình tam giác, phần mép cong, có màu trắng vàng hoặc màu nâu vàng. Không có mùi, vị đắng.
Bào chế
Để chế biến rễ Long đởm làm thuốc, người ta đào phần rễ về, sau đó cắt bỏ hết lông, thái thành từng lát nhỏ, ngâm cùng nước Cam thảo 1 đêm rồi mang phơi khô. Ngoài ra còn có cách làm khác là: Đào rễ về, rửa sạch, sau đó thái thành nhiều khúc ngắn, khoảng chừng 2 -3 cm (dùng sống). Tẩm rượu để dùng hoặc có thể sao qua, không sao cũng được. Tuy nhiên cần lưu ý bảo quản sản phẩm ở những nơi khô ráo.
Thành phần hóa học
Trong giống cây này có chứa một loại glucozit đắng khoảng 2% còn có tên gọi là gentiopicrin. Khi thủy phân gentiopicrin sẽ được gentiogenin và glucoza. Ngoài ra cây này còn chứa một chất đường gọi là gentianoza khoảng 4%. Gentianoza được cấu tạo từ 2 phân tử glucoza và 1 phân tử fructoza.
Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu, Long đởm thảo có tác dụng phòng sự lên men. Với liều lượng ít, uống trước bữa ăn nửa giờ có tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm dạ dày khỏe hơn. Ngược lại nếu uống sau bữa ăn hoặc uống với liều lượng nhiều sẽ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém, xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đỏ mặt, hoa mắt.
Theo Nội điền trang thái lang (Nhật Bản, 1938), nghiên cứu này thực hiện như sau: Cho chất đắng của Long đởm lên dạ dày nhỏ của chó thì thấy sự bài dịch tăng tiến và lượng axit tự do cũng tăng nhiều hơn mức bình thường.
Theo một số nghiên cứu khác, Long đởm còn có khả năng làm giảm thời gian chuyển vận đường ruột của thỏ. Khi cho chuột dùng Long đởm không có dấu hiệu nào thay đổi trong khẩu vị hoặc trọng lượng của chuột.
Ngoài ra, Long đởm còn có tác dụng kháng khuẩn: Dịch Long đởm có khả năng làm ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh thông thường. Sự kết hợp giữa nước sắc Long đởm và thuốc Tây thông thường có khả năng điều trị 23 cas viêm não B. Theo Trung Dược Học, Gentiopicrin trong Long đởm có tác dụng mạnh đối với kí sinh trùng sốt rét.
2.Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ, Long đởm có vị đắng, tính hàn, vào 3 kinh can, đởm và bang quang. Có tác dụng tả can đảm thực hỏa, thanh hạ tiêu thấp nhiệt, có tính chất thu sáp. Đối với những người tì vị hư nhược, đi tả và không thấp nhiệt, không thực hỏa thì không thể sử dụng.
Ngoài ra Long đởm còn được sử dụng làm thuốc giúp tiêu hóa, thuốc bổ đắng, làm cho đại tiện dễ dàng hơn mà không gây ỉa lỏng. Ngày sử dụng từ 2 – 3g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu để uống.
Bên cạnh đó Long đởm còn có tác dụng chữa sốt, chữa bệnh đau mắt đỏ, an thần kinh, chữa đau họng, miệng đắng, kinh giản do nhiệt tà, trẻ em bị cam tích phát nhiệt.
Đặc biệt, Long đởm với tính hàn có thể bình can hạ áp, giúp chữa huyết áp cao khi kết hợp cùng Câu đằng, thảo quyết minh,… Trừ giun đũa, trừ sỏi mật, sỏi gan, giáng hỏa giải độc là những công dụng quan trọng của vị thuốc này.
3.Bài thuốc từ Long đởm thảo
Bài thuốc giúp tiêu hóa tốt, ăn uống không tiêu:
Long đởm thảo 2g, đại hoàng, hoàng bá mỗi loại 1g. Cho cùng 20 ml nước rồi sắc đến khi còn 100ml nước thì uống. Một ngày chia làm 3 lần uống, uống trước khi ăn 15 phút.
Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị kinh giản nhập tâm, sốt cao, sốt theo mùa, miệng lở:
Long đởm thảo, Cam thảo, Bạc thược, Phục thần, Mộc thing, Mạch môn, liều lượng bằng nhau, sắc lấy nước uống
Bài thuốc trị chứng cốc đản:
Long đởm thảo, Ngưu đởm, Khổ sâm, liều lượng bằng nhau, sắc lấy nước uống.
Bài thuốc chữa đau dạ dày, đầy bụng, ăn uống khó tiêu:
Long đởm thảo, Hoàng bá, Kê nội kim mỗi thứ 0,5g; Sinh khương, Quế Chi, Hồi hương mỗi thứ 0,3g; Sơn tra 1g (sao lên cho cháy). Dùng tất cả các nguyên liệu trên tán thành bột, trộn đều. Ngày uống 3 lần.
Bài thuốc trị Can Đởm có thực hỏa, mắt sưng đau, mắt đỏ, ù ati, miệng đắng, phần hông sườn đau, gân yếu, thận viêm cấp:
Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng cầm, Mộc hương, Trạch tả mỗi thứ 12g, Cam thảo 4g, Sài hồ 8g, Sinh địa 16g. Trộn đều nguyên liệu rồi sắc uống
Bài thuốc trị sốt cao, co giật:
Long đởm thảo, Thanh đại, Phòng phong mỗi thứ 12g, Hoàng liên 20g, Câu đằng 8g, Băng phiến, Ngưu bang tử, Xạ hương mỗi thứ 4g. Tán thành bột, trộn đều rồi vo thành viên hoàn, khoảng bằng hạt lúa. Mỗi lần uống từ 5 -10 viên kết hợp cùng nước sắc Kim ngân hoa.
Bài thuốc trị gan viêm cấp thể vàng:
Long đởm thảo 16g, Hoàng bá, Uất kim mỗi thứ 8g. Sắc lấy nước uống.
Lưu ý: Đối với những người tỳ hư hoặc dạ dày yếu, tiêu chảy, âm hư ohats ốt, không có thực hỏa thì không nên sử dụng những bài thuốc này.
4.Phân biệt Long đởm thảo với các loại thảo dược khác
Trên thực tế, người ta thường nhầm lẫn giữa Long đởm thảo và rễ Bạch vi. Để phân biệt chúng, bạn nên dựa vào đặc điểm của phần rễ. Rễ Bạch vi thường cứng hơn, có màu đen, vị không đắng. Trong nhiều trường hợp, người ta còn sử dụng cả cây Thanh ngâm (họ Hoa mõm chó, tên khoa học là: Curanga amara) làm nam Long đởm thảo. Tuy nhiên rễ cây này lại có màu trắng ngà, không có những tua nhỏ dài như rễ của Long đởm, chỉ giống nhau ở vị đắng.
Ngoài ra, trong Đông y còn sử dụng nhiều loại Long đởm khác nhau để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên trong Tây y lại sử dụng một loại khác có tên khoa học là Gentiana lutca L, loại này có hoa màu vàng, rễ to hơn so với Long đởm thảo. Rễ cây này có thể thái thành nhiều miếng mỏng.
Tuy nhiên những giống cây trên lại chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam, chủ yếu ở Trung Quốc.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.