1/ Cây ngải cứu là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Ngải cứu còn được gọi là ngải diệp, thuốc cứu, điềm ngải (Bản thảo cầu nguyên), băng đài, y thảo, chích thảo, nhã ngãi, kỳ ngải diệp, ngải nhung, trần ngải nhung, ngũ nguyệt ngải, kỳ ngải thán, hỏa ngải, ngải y thảo, hoàng thảo (Cương mục), ngải cảo, bệnh thảo, bán nhung, thổ lý bỉnh phong (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển). Cây có tên khoa học là Artemisia vulgaris L., họ Cúc (Asteraceae).
b/ Mô tả cây
Ngải cứu là cây thân thảo, sống lâu năm, cao 0,4 – 1m. Cành ngải cứu non có lông, lá mọc so le, phiến lá sẻ lông chim, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới màu trắng xám, có lông. Khi vò nát thì lá cây ngải có mùi thơm hắc, hoa mọc tập trung thành từng chùm kép ở đầu cành, cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trên cả nước. Do có khả năng phòng trị bệnh và bồi bổ hiệu quả nên hiện nước ta có nhiều gia đình trồng ngải cứu với quy mô nhỏ quanh nhà để dùng thường xuyên. Ngoài Việt Nam, cân còn mọc nhiều ở một số nước châu Á khác. Ngải cứu cũng mọc ở châu Âu nhưng rất ít.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chính là ngọn (hoặc cũng gọi là cành) và lá.
e/ Thành phần hóa học
Ngải cứu hiện được dùng nhiều trong cả đông và tây y. Tuy nhiên thành phần của ngải cứu vẫn chưa được xác định thật sự rõ ràng. Các chuyên gia mới chỉ nghiên cứu và cho biết rằng trong ngải cứu có tinh dầu và một ít tanin. Thành phần chủ yếu có trong tinh dầu ngải cứu là xineol, &-thuyon và một ít adenin, cholin. Ngoài ra:
– Trong Trung Dược Học, ngải cứu chứa các thành phần như Folium Artenesiae Vulgaris: Thujone, Sitosterol, l-Inositol, Dehydromatricaria ester, a-Amyrin, Ferneol, Cineol, l-Quebrachitol, Atemose.
– Trong Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược cây thuốc này chứa Phellandrene, Cadiene và Thujyl alcol.
f/ Thu hái chế biến
Quanh năm đều có ngải cứu nhưng để làm thuốc thì tốt nhất nên hái cành, lá vào khoảng tháng 6 (gần tương đương với mùng 5 tháng 5 âm lịch), phơi khô trong râm mát. Nếu bào chế ngải nhung dùng làm mồi cứu để kích thích huyệt trong phương pháp châm cứu thì nên hái về phơi khô, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi.
2/ Công dụng, cách dùng của cây ngải cứu
– Theo Y học cổ truyền: Lá ngải cứu (ngải diệp) có tính ôn, vị khổ (đắng), tân (cay), hữu tiểu độc (hơi có độc), đi vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Vị thuốc này có tác dụng ôn kinh chỉ huyết, (làm ấm kinh mạch và cầm máu), ôn bào cung, trừ thấp, chỉ dương (chống ngứa), tán hàn chỉ thống (làm ấm, chống đau). Thường được sử dụng để chữa bụng lạnh đau, phụ nữ băng lậu (băng huyết, rỉ huyết), động thai ra máu, kinh nguyệt không đều, không thụ thai do tử cung hư hàn, chảy máu cam, ho ra máu, thấp chẩn (eczema), ngứa da…
– Theo Y học hiện đại: Hiện ngải cứu đã được dùng nhiều trong y học hiện đại của Việt Nam và một số nước châu Á khác. Ngoài khẳng định những tác dụng như: ôn kinh, chỉ huyết, tán hàn, an thai… mà y học cổ truyền đã chứng thực, các nghiên cứu hiện đại còn phát hiện: ngải diệp còn có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn và vi rút gây bệnh như:
+ Tác dụng kháng khuẩn: Theo Trung Dược Học, nước sắc ngải diệp trong ống nghiệm có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, liên cầu anpha dung huyết, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ Sonner, trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn, phế song cầu khuẩn, khuẩn thổ tả và nhiều loại nấm gây bệnh. Khói lá ngải cứu trong không khí cũng làm giảm vi khuẩn. Thực nghiệm bằng cách cấy khuẩn làm mủ thông thường vào một bình cấy rồi xông khói trong 10 phút cho thấy toàn bộ vi khuẩn không sinh trưởng được. Ngải cứu cũng có tác dụng ức chế các loại vi rút như quai bị, cúm, Adenovirus, Rhinovirus, vi rút mụn phỏng….
+ Tác dụng cầm máu: Nước ngâm kiệt ngải diệp có khả năng rút ngắn thời gian đông máu, giảm tính thẩm thấy của mao mạch.
+ Tác dụng hoá đờm: Trong các thí nghiệm, dầu ngải diệp bơm vào dạ dày, chích dưới da hoặc chích vào ổ bụng đều có tác dụng hoá đờm. Thuốc cũng cho tác dụng trực tiếp lên phế quản, kích thích xuất tiết….
– Lưu ý: Ngải cứu rất tốt cho sức khỏe nhưng việc quá lạm dụng có thể gây ngộ độc. Cụ thể, việc dùng ngải cứu trong thời gian dài và nhiều có thể làm dây thần kinh trung ướng dễ bị hưng phấn với tác dụng phụ là làm chân tay run rẩy, nặng hơn là co giật, nói sàm, tê liệt.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng cây ngải cứu
Để ngải cứu phát huy tốt nhất công dụng cho sức khỏe nói chung và sức khỏe của các quý bà, quý cô nói riêng thì người dùng nên tuân thủ liều dùng. Cụ thể, nếu sắc uống thì nên dùng từ 3 – 10g, trường hợp đặc biệt có thể tăng lên tới 30g với ý kiến của thầy thuốc. Nếu dùng ngoài thì liều lượng tùy theo yêu cầu và biện pháp sử dụng như giã đắp, bó, rửa hoặc làm ngải nhung trong khoa châm cứu. Có thể kể đến nhiều bài thuốc hay từ ngải cứu như:
– Điều kinh: Với những người kinh nguyệt không đều, hay đau bụng kinh thì một tuần trước ngày kinh dự kiến hãy lấy 6 – 12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà. Chia nước thuốc thành 3 phần uống trong ngày. Người bệnh cũng có thể uống dưới dạng cao đặc (1 – 4g) hay dạng bột (5 – 10g). Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu hành kinh kể cả trong những ngày đang có kinh thì nên lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200ml nước vào nồi sắc còn 100ml. Thêm chút đường rồi chia nước thuốc thành 2 lần uống trong ngày. Với người bị nặng thì có thể tăng liều lên gấp đôi, cũng chia 2 lần uống để người đỡ mệt, máu kinh đỏ, ít hơn.
– An thai: Với phụ nữ đang mang thai thì ngải cứu cũng là một vị thuốc tuyệt với. Khi thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu thì có thể lấy ngải cứu 16g, lá tía tô 16g. Cho cả 2 vị thuốc vào nồi, sắc với 600ml nước đến khi còn 100ml thì chia làm 3 – 4 lần uống/ ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai rất tốt. Tuy nhiên, cơ thể phụ nữ có thai rất nhạy cảm nên người dùng cần dùng đúng liều lượng, đúng hướng dẫn và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng lạ nào.
– Trị kinh nguyệt ra nhiều, xuất huyết tử cung do suy nhược: Dùng bài Giao ngải thang – Kim quỹ yếu lược gồm ngải cứu 12g, đương quy 10g, sinh địa 10g, bạch thược 5g, xuyên khung 3g. Cho tất cả vào nồi sắc với 800ml nước cho đến khi còn 300ml, lọc bỏ bã, thêm 12g a giao vào khuấy đều, chia làm 3 lần uống trong ngày.
– Trị kinh nguyệt không đều, kéo dài, đau bụng trong thời gian hành kinh: Lấy ngải cứu, hương phụ đều 500g, tá dược vừa đủ 1 lít. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml trước bữa ăn sáng và tối 1 giờ.
– Chữa động thai: Với phụ nữ có thai 2 tháng mà thai bị động không yên thì lấy ngải cứu 24g, sinh khương 24g, đại táo 12 quả. Cho tất cả vào nồi sắc lấy nước uống.
– Trị tử cung lạnh gây vô sinh: Phụ nữ tử cung lạnh khó có thai, vô sinh có thể dùng bài Ngải phụ noãn cung hoàn – Nhân Trai trực chỉ phụ di với thành phần gồm ngải cứu, bạch thược, đương quy, hương phụ (tứ chế), thục địa, xuyên khung. Tất cả tán bột, làm thành viên, ngày uống từ 12 – 16g.
– Chữa phụ nữ sau khi sinh bị suy nhược, biếng ăn, lạnh bụng: Ngải cứu 20g, gà ác 1 con (200g). Nấu chung cho chín rồi ăn gà, uống nước thuốc. Bài thuốc này vừa trị bệnh vừa tẩm bổ rất tốt.
– Trị động thai hoặc giảm đau thấp khớp: Lấy lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Đem lá ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, sắc lấy nước thuốc để nấu cháo. Cháo chín thì thêm đường đỏ cho vừa miệng rồi ăn nóng. Chia cháo thành 2 bữa sáng – trưa, ăn liên tục trong 3 – 5 ngày.
– Mụn, mẩn ngứa: Nếu bị mụn cơm, mụn cóc thì giã ngải cứu tươi đắp trên mụn cơm, mụn cóc nhiều lần mỗi ngày, dùng liên tục 3 – 10 ngày sẽ hết mụn. Nếu bị mụn trứng cá thì lấy lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục không chỉ trị mụn mà còn làm da mịn màng, trắng hồng. Với trẻ nhỏ bị mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sảy thì nên xay nát lá ngải cứu, lọc lấy nước cốt rồi hòa vào nước tắm của trẻ. Làm liên tục trong vài ngày sẽ thấy các nốt ngứa lặn mất.
– Dưỡng da mặt: Ngải diệp rửa sạch và chần sơ với nước sôi. Vớt ra thái nhỏ và đun sôi với 500ml trong khoảng 20 phút. Lọc lấy nước bỏ bã, đợi nước nguội thì đổ vào bình đậy kín nắp, có thể cho vào tủ lạnh. DÙng nước ngải cứu này để bôi lên mặt vào các buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ để dưỡng da, giúp da khỏe mạnh.
– Đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt: Những trường hợp này có thể lấy ngải cứu 300g rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong nguyên chất, vắt lấy nước để uống vào trưa, chiều. Uống liên tục khoảng 1 – 2 tuần sẽ thấy hiệu quả rất tốt.
– Cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh: Lấy ngải cứu 300g, lá bưởi (hoặc quýt, chanh) 100g, lá khuynh diệp 100g, nấu trong 2 lít nước. Để nước sôi khoảng 20 phút thì nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2 là nấu lá ngải với lá tía tô 100g, tần dầy lá 100g, lá sả 50g trong 1 lít. Nấu đến khi còn 500ml rồi uống lúc khát, liên tục trong 3 – 5 ngày.
– Bổ não, kích thích lưu thông máu lên não, tỉnh thần, làm nhẹ đầu sáng mắt: Lấy 1 nắm lá ngải cứu tươi, xắt nhỏ, thêm 1 quả trứng gà vào đánh tan, nên gia vị cho vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín ăn. Nếu là lá ngải cứu khô thì cho vào vải, làm thành cái gối để gối đầu. Phương pháp này thường được người xưa áp dụng để đầu óc nhẹ nhàng, thanh thản, giảm stress.
– Chữa suy nhược cơ thể, kém ăn: Lấy ngải cứu 250g, câu kỷ tử 20g, đinh quy 10g, 1 con gà ri (gà ác) 150g , 2 quả lê, hầm trong 500ml nước (thêm gia vị) đến khi còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày, ăn liên tục 1 – 2 tuần để cảm nhận hiệu quả.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.