1/ Cây bồ công anh là gì?
a/ Tên khoa học, tên khác
Cây bồ công anh còn có nhiều tên gọi khác như rau bồ cóc, mót mét, mũi mác, diếp hoang, diếp dại, diếp trời, rau mũi cày. Cây có tên khoa học là Lactuca indica L, thuộc họ Cúc Asteraceae.
Vị thuốc bồ công anh cũng có nhiều tên gọi khác như thái nại, đại đinh thảo, lục anh, bột cô anh (Canh Tân Ngọc Sách), phù công anh (Thiên Kim Phương), cấu nậu thảo, bộc công anh (Đồ Kinh Bản Thảo), hoàng hoa địa đinh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), bồ anh, cổ đính, bồ công định, thiệu kim bảo, thiệu kim bảo, bát tri nại, bạch cổ đinh, ba ba đinh, địa đinh thảo, nhĩ bản thảo (Tục Danh), hoàng hoa lang thảo, mãn địa kim tiền, kim trâm thảo, kim cổ thảo, bột đinh thái (Hòa Hán Dược Khảo).
b/ Mô tả cây
Cây bồ công anh thuộc dạng cây cỏ sống dai, rễ đơn hình trụ, dài, khỏe. Cây cao từ 0,6m đến lm, có thể cao tới 3m. Thân cây mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá cây mọc từ rễ nhẵn, có nhiều hình dạng. Phần lá phía dưới dài khoảng 30cm, rộng 5cm chia thành nhiều thùy hay răng cưa thưa, gần như không cuống. Lá phía trên ngắn hơn, nguyên chứ không chia thùy, mép lá có răng cưa thưa. Khi bấm vào lá và thân sẽ thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, nếm thử thấy vị hơi đắng.
Cụm hoa hình đầu, màu vàng hoặc màu tím. Ngươi ta thường gọi cây hoa vàng là hoàng hoa địa đinh còn cây hoa màu tím là tử hoa địa đinh. Phần tổng bao hình chuông gồm nhiều dãy lá bắc. Những cái ở phía ngoài thì xòe ra và cong xuống còn phía trong thì mọc đứng. Hoa hình nhỏ, ở phía ngoài có màu nâu, quả là dạng quả bế 10 cạnh, có mỏ dài. Các cơ của màu lông sắp xếm theo một dẫy. Hoa ra trong khoảng từ tháng 3 – 10.
c/ Mọc chủ yếu ở đâu?
Bồ công anh mọc hoang nhiều ở các tỉnh phía Bắc và những nơi vùng núi cao như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa…. Hiện cây chủ yếu mọc hoang chứ ít được trồng với số lượng lớn. Với những nơi trồng thì mùa trồng vào các tháng 3 – 4 hoặc 9 – 10.
d/ Bộ phận dùng
Bộ phận dùng chủ yếu là lá và rễ bồ công anh.
e/ Thành phần hóa học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu về cây bồ công anh (Lactuca indica L.) của ta. Tuy nhiên, theo những tài liệu nước ngoài, tại một số nước người ta đã nghiên cứu và sử dụng một số loại Lactuca khác như Lactuca sativa L. (ở nước ta thường gọi là rau diếp để ăn sống), Lactuca virosa. Nghiên cứu cho thấy trong cây có latuxerin là một ete axetic của hai thứ rượu nhị no lactuxerola α, β. Trong cây cũng có 3 chất đắng là axit lacturic, lactuxin, lactucopicrin. Trong đó, lactucopicnn là este p. hydroxy phenylacetic của lactuxin.
Ngoài ra, trong cây bồ công anh đặc biệt là phần rễ còn có nhiều khoáng chất vi lượng như sodium, magne, potassium, calcium, đặc biệt là nguyên tố vi lượng sắt (cao hơn cả lượng sắt trong rau dền đỏ và rau muống). Trong lá và thân cây thì chứa hàng loạt viatamin tốt cho mắt và da như vitamin A, hỗ trợ xương như vitamin B1 và vitamin B6. Thậm chí, so với rau ngót và cam, lượng vitamin C trong bồ công anh chiếm tỷ lệ 49%/mg.
f/ Thu hái chế biến
Thu hái vào giữa tháng 4 đến tháng 5 là thời kỳ có vị đắng nhiều nhất. Người ta thường thu hoạch lá về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô. Tuy nhiên, dùng tươi tốt hơn. Cũng có nơi dùng rễ hoặc toàn cây phơi khô. Chỉ cần lựa những đoạn nhiều lá, màu lục tro hoặc lấy rễ nguyên đủ là tốt. Việc chế biến bồ công anh chỉ dừng lại ở phơi hoặc sấy khô, không có gì đặc biệt.
2/ Công dụng của bồ công anh
a/ Theo y học cổ truyền
Lá bồ công anh có tính hàn, vị ngọt, đắng, vào các kinh tỳ, vị, thận, can đởm, tiểu tràng, đại tràng, bàng quang. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán nhiệt kết, lương huyết, tiêu viêm, trị chứng ủng tắc và các chứng bệnh khác như: phụ nữ sưng vú đau, đau ngực do can khí uất, ung nhọt vú, các đinh độc ngoài da; chữa viêm đường tiết niệu do bàng quang nhiệt (chứng nhiệt lâm sáp thống), viêm tắc túi mật không do sỏi (chứng đởm khí uất), quai bị (chứng loa lịch), viêm họng, đau mắt đỏ (chứng mục xích), viêm loét hang vị dạ dày, phế ung….
b/ Theo y học hiện đại
Theo một số nghiên cứu ở nước ngoài thì bồ công anh không độc, có khả năng an thần nhẹ. Có thể lấy nhựa mủ phơi khô đen như nhựa cây thuốc phiện để chữa ho và mất ngủ ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, cây còn có nhiều công dụng cho sức khỏe như:
– Điều trị các bệnh về da: Có thể điều trị các chứng bệnh ngoài da do nhiễm nấm hoặc vi khuẩn bằng bồ công anh. Bởi nhựa bồ công anh (chất dịch trắng tiết ra khi ta bấm vào lá hoặc thân cây) có tính kiềm cao và khả năng sát trùng, diệt côn trùng, chống nấm. Do đó, tất cả những sản phẩm chiết xuất từ bồ công anh đều có khả năng trị hiệu quả các chứng bệnh ngoài ra như ghẻ, eczema và các loại lở ngứa khác.
– Tốt cho bệnh tiểu đường: Một lợi ích sức khỏe khác của cây bồ công anh là nó có thể kích thích tuyến tụy sản xuất insulin. Loại cây này còn được xem là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên để loại bỏ đường thừa ra khỏi cơ thể. Nó cũng ngăn tình trạng đường tích tụ trong thận (đây là tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân tiểu đường).
– Thúc đẩy sức khỏe đường tiết niệu: Bồ công anh có khả năng lợi tiểu, giải độc và hỗ trợ làm sạch thận. Nó cũng kích thích sự tăng trưởng củacác lợi khuẩn trong hệ tiết niệu. Đồng thời, ức chế các vi khuẩn có hại nhờ các đặc tính tẩy bỏ.
– Tốt cho xương: Trong bồ công anh có hàm lượng canxi khá lớn. Đây là chất quan trọng để kích thích sự tăng trường và duy trì sức mạnh cho xương. Cây cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và luteolin để bảo vệ xương khỏi sự tấn công của các góc tự do gây hại. Do đó, có thể nói bồ công anh có khả năng ngăn ngừa suy yếu xương nói chung, phòng tình trạng giảm mật độ xương và lão hóa sớm.
– Cải thiện chức năng gan: Cây thuốc này cải thiện các chức năng của gan thông quan việc thúc đẩy quá trình tiêu hóa và kích thích gan một cách tự nhiên. Các hoạt chất hữu ích trong cây có thể đẩy nhanh quá trình loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, giúp tái cân bằng điện giải và tái lập các hydrat để bảo vệ sức khỏe.
– Cải thiện hệ tiêu hóa: Các hợp chất hữu ích trong bồ công anh không chỉ kích thích sự thèm ăn mà còn cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa hiệu quả. Đặc biệt, các inulin và chất nhầy trong cây có tác dụng làm dịu đường tiêu hóa. Còn các chất chống oxy hóa như vitamin C và luteolin lại hấp thu độc tố từ thực phẩm và kích thích sự sản sinh lợi khuẩn đường ruột cũng như ngăn ngừa vi khuẩn gây hại.
– Phòng chống ung thư: Từ lâu, trong y văn cổ truyền của nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả người Mỹ bản xứ, Ả Rập và Trung Quốc đã nói về nhiều lợi ích sức khỏe của bồ công anh. Trong đó có khả năng phòng chống ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú. Các nghiên cứu y học hiện đại cũng chỉ ra rằng gốc và rễ của bồ công anh có ảnh hưởng lớn đến các tế bào ác tính và có khả năng kháng hóa trị liệu mà hoàn toàn không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.
3/ Cách dùng và các bài thuốc dân gian dùng bồ công anh
Để nhận được những lợi ích sức khỏe của bồ công anh người ta thường uống ngày 8 – 30g lá khô. Hoặc có thể dùng lá tươi giã nhỏ, đắc bên ngoài để trị một số loại bệnh ngoài da, nhất là chứng ung nhọt. Thuốc sau khi phơi khô phải bảo quản trong thùng, lo hoặc hộp đậy kín để tránh mốc mọt. Khi dùng để chữa bệnh thì cần phối hợp với các vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả.
Người bệnh có thể tham khảo và dùng một số bài thuốc như:
– Chữa viêm phổi: Bồ công anh 30g, hoàng cầm 12g, tiền hồ 12g, bại tướng thảo 40g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa phụ nữ vú sưng đau: Bồ công anh 120g, sài đất 80g, quả chộp phơi khô (vương bất lưu hành) 30g, thông thảo 12g, gai bồ kết 20g. Sắc uống.
– Chữa sưng vú, tắc tia sữa: Hái 20 đến 40g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm vài hạt muối vào giã nát, vắt lấy nước uống. Phần bã dùng đắp lên vùng vú bị sưng đau. Thường chỉ dùng 2 – 3 lần là sẽ đỡ.
– Chữa viêm hang vị dạ dày: Bồ công anh 30g, bạch thược 12g, uất kim 12g, hoàng cầm 8g, cam thảo 6g. Sắc uống. Hoặc lấy lá bồ công anh khô 20g, lá khôi 15g, lá khổ sâm l0g. Cho cả 3 vị thuốc vào nồi với 300ml nước, sắc đun sôi trong vòng 15 phút. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày, khi uống thêm ít đường. Một liệu trình là 10 ngày, uống hết thì nghỉ 3 ngày rồi lại tiếp tục cho đến khi khỏi. Hoặc bồ công anh 40g, nghệ vàng 20g, lá khôi 20g, mai mực 10g, cam thảo 5g; sắc uống ngày một thang.
– Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: Lấy lá bồ công anh khô 10 – 15g. Cho vào nồi sắc với 600ml nước (khoảng 3 bát) sắc đến khi còn 200ml (1 bát). Uống liên rục trong 3 – 5 ngày. Nếu chưa khỏi thì có thể kéo dài hơn.
– Chữa mụn nhọt: Bồ công anh 40g, bèo cái 50g, sài đất 20g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa mắt đau sưng đỏ: Bồ công anh 40g, dành dành 12g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa viêm phổi, phế quản: Bồ công anh 40g, vỏ rễ dâu 20g, kim ngân hoa 20g, hạt tía tô 10g, cam thảo nam 10g. Sắc uống ngày một thang.
– Chữa viêm họng: Bồ công anh 40g, kim ngân hoa 20g, cam thảo Nam 10g. Sắc uống ngày một thang.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.